Probiotics được sử dụng trong lâm sàng nhằm mục đích cung cấp những vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp hệ tiêu hóa dễ tiêu thụ thức ăn, duy trì sức khỏe và chống lại bệnh tật. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Probiotics.
1 Probiotics là gì?
Probiotics được biết đến thông qua định nghĩa của lợi khuẩn. Đây là các vi khuẩn và nấm men sống rất có lợi cho hệ tiêu hóa con người. Lợi khuẩn cùng với hại khuẩn tạo nên hệ vi sinh đường ruột. Ở một trạng thái cân bằng, hệ vi sinh đường ruột sẽ có 85% là lợi khuẩn và 15% là hại khuẩn. Khi cơ thể bị nhiễm trùng, gia tăng nhiều vi khuẩn có hại thì bổ sung probiotics sẽ là cách để tăng cường lợi khuẩn cho cơ thể.
Các nhà khoa học luôn tìm tòi, khám phá thêm nhiều chế phẩm sinh học mới đóng vai trò làm men vi sinh để phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, hai nhóm vi khuẩn phổ biến nhất thường được sử dụng để sản xuất men vi sinh cho người là Lactobacillus và Bifidobacterium. Ngoài ra, nấm men, Saccharomyces boulardii và một số chủng E. coli cũng đang là các “ứng cử viên” tiềm năng được sử dụng làm men vi sinh.
Các chủng vi khuẩn trên được làm bất hoạt, đông khô và bào chế dưới dạng viên nang, viên nén, bột hoặc hỗn dịch uống. Khi vào trong cơ thể, các vi khuẩn sẽ trở thành dạng hoạt động. Tuy nhiên, Probiotics luôn có sẵn trong chế độ ăn uống đầy đủ hàng ngày như trong một số thực phẩm bao gồm sữa chua hay các sản phẩm lên men. Mặc dù vậy, một lợi thế của việc bổ sung probiotics tổng hợp là đạt được nồng độ cao, đã được pha chế đúng cách, dễ bảo quản và có thời hạn sử dụng lâu hơn so với chế phẩm sinh học tự nhiên.
1.1 Lịch sử ra đời
Ở thế kỷ 21, Probiotics đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà sản xuất sản phẩm, nghiên cứu khoa học và người tiêu dùng. Xuất phát từ việc sử dụng phô mai và các sản phẩm lên men. Quá trình lên men thực phẩm từ sữa đại diện cho một trong những kỹ thuật cổ điển nhất để bảo quản thực phẩm.
Nhà khoa học Nga và người đoạt giải Élie Metchnikoff đã đầu tiên đề xuất khả năng đưa vi khuẩn có lợi trong ruột vào đầu thế kỷ 20.
Giả thuyết hiện đại ban đầu về vai trò tích cực của một số vi khuẩn đã được giới thiệu lần đầu bởi nhà khoa học Nga và người đoạt giải Nobel, Élie Metchnikoff, người vào năm 1907 đã đề xuất khả năng sửa đổi vi sinh vật trong ruột, thay thế vi khuẩn có hại bằng vi khuẩn có lợi.
2 Tác dụng
Để trả lời câu hỏi Probiotics có tác dụng gì? Dưới đây là các tác dụng được thống kê .
Probiotic hoạt động trong hệ tiêu hóa chủ yếu bằng cách tăng cường sức khỏe của hệ thống miễn dịch và đường ruột của cơ thể, trấn áp các vi khuẩn có hại có thể gây bệnh cũng như nuôi cấy lại môi trường lợi khuẩn an toàn.
- Loại bỏ các vi khuẩn có hại ra khỏi hệ vi sinh đường ruột:
Lợi khuẩn có chức năng đào thải hại khuẩn ra khỏi hệ đường ruột với cơ chế cạnh tranh chỗ bám, cạnh tranh thức ăn với hại khuẩn. Các lợi khuẩn giúp tổng hợp những kháng sinh sinh học, acid,… giúp ức chế sự sinh trưởng các hại khuẩn. Nhờ đó, sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột được tái thiết lập, hỗ trợ cải thiện nhanh các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, đau bụng, đi ngoài.
- Hỗ trợ quá trình tiêu hóa
Lợi khuẩn giúp cơ thể tổng hợp ra các vitamin, bài tiết ra các enzyme, bởi vậy giúp tăng cường cảm giác ngon miệng khi ăn, cũng như giúp cơ thể hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng qua quá trình tiêu hóa.
- Hình thành nên lớp màng sinh học, bảo vệ niêm mạc ruột và đại tràng
Các lợi khuẩn và các hợp chất được chúng tiết ra giúp hình thành lên lớp màng sinh học. Từ đó, bảo vệ đại tràng, giúp ngăn chặn các hại khuẩn, các độc tố do hại khuẩn tiết ra và tấn công vào niêm mạc. Ngoài ra, lớp màng sinh học giúp bảo vệ ruột khỏi sự tấn công của hại khuẩn, vết tổn thương của niêm mạc ruột nhanh hồi phục.
- Hỗ trợ cơ thể tổng hợp kháng thể, tăng cường miễn dịch
Lợi khuẩn kích thích cơ thể tổng hợp các kháng thể IgA ngay trên bề mặt niêm mạc ruột/đại tràng, giúp nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật.
- Tác dụng khác
Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng Probiotics còn có nhiều tác dụng khác đối với sức khỏe con người như: phòng ngừa cúm, giảm tác dụng phụ của kháng sinh, giảm bớt nhiễm trùng âm đạo, ngăn ngừa bệnh tự miễn.
3 Chỉ định – Chống chỉ định
3.1 Chỉ định
- Người lớn, trẻ em gặp các vấn đề về rối loạn tiêu hóa như: tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, chướng bụng.
- Người bị tiêu chảy do sử dụng kháng sinh.
- Người bị hội chứng ruột kích thích.
- Bệnh nhân bị viêm loét đại tràng, viêm ruột, nhiễm vi khuẩn HP.
- Phụ nữ viêm âm đạo.
- Người bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch suy yếu.
3.2 Chống chỉ định
- Người có cơ địa dị ứng hoặc không dung nạp với Probiotics.
- Trẻ sơ sinh, người mới trải qua phẫu thuật, người có hệ miễn dịch suy yếu như khi trải qua quá trình hóa trị liệu cần thận trọng khi sử dụng Probiotics, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
4 Liều dùng – Cách dùng
4.1 Liều dùng
Tùy thuộc vào từng tình trạng cơ thể khác nhau sử dụng liều lượng khác nhau. Theo WHO khuyến nghị, hàm lượng Probiotics nên bổ sung là 10^8 đơn vị hay 100 triệu đơn vị tế bào lợi khuẩn.
Đối tượng sử dụng | Liều dùng |
Người lớn |
Bổ sung probiotic đúng cách với người lớn độ tuổi từ 18 trở lên nên uống 10ml/ lần, duy trì ngày 2 – 4 lần (trong trường hợp cơ thể khỏe mạnh cần duy trì lợi khuẩn vừa đủ cho cơ thể). Đối với người lớn mắc các bệnh lý, thăm khám và tham khảo hàm lượng bổ sung theo ý kiến của bác sĩ. |
Trẻ em từ 2 tuổi trở lên | Uống probiotics 5 – 10ml/ lần. Ngày uống 2 lần. |
Trẻ em dưới 2 tuổi | Bổ sung probiotics theo hướng dẫn của bác sĩ. |
4.2 Cách dùng
“Uống probiotic lúc nào?” là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Các chuyên gia cho biết, Probiotics là những vi sinh vật sống, do đó chúng có thể bị tiêu diệt bởi axit dạ dày. Nếu uống lúc đói, dạ dày chứa nhiều dịch vị có thể làm giảm số lượng lợi khuẩn được bổ sung. Vì vậy, thời điểm thích hợp trong ngày để uống Probiotics là trước, trong hoặc ngay sau bữa ăn. Một số các nhà sản xuất Probiotics khuyến cáo nên sử dụng chúng khi bụng còn trống trước các bữa ăn, một số khác khuyên người dùng nên bổ sung Probiotics cùng với các thực phẩm khác trong quá trình ăn. Các vi sinh vật như Lactobacillus và Bifidobacterium có thể tồn tại tốt nhất khi được bổ sung vào cơ thể 30 phút trước bữa ăn.
Để đạt hiệu quả, nên sử dụng đều đặn và liên tục mỗi ngày với liều lượng chính xác.
==>> Xem thêm về hoạt chất: Bacillus là gì? Vi khuẩn Bacillus có những ứng dụng gì trong y học?
5 Tác dụng phụ
Việc sử dụng Probiotics thường không gây ra các tác dụng phụ có hại đến người trưởng thành, những người có tình trạng sức khỏe ổn định.
Một số các triệu chứng tác dụng phụ có thể gặp như xì hơi và đầy hơi. Những biểu hiện này thường cải thiện theo thời gian, đồng thời việc uống men vi sinh vào ban đêm có thể làm giảm các triệu chứng trên.
==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Bacillus clausii là gì? Tác dụng gì đối với sức khoẻ?
6 Lưu ý và thận trọng
- Lựa chọn loại thực phẩm phù hợp với tình trạng cơ thể, nếu cơ thể mắc một số bệnh lý khác hãy tham khảo trực tiếp ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng sản phẩm.
- Kiểm tra kỹ hạn sử dụng và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng sản phẩm trước khi dùng.
- Nên bổ sung đúng liều lượng các chuyên gia khuyến khích mỗi ngày, không bổ sung thừa gây ảnh hướng tới cơ thể.
- Trường hợp sử dụng Probiotics để ngăn ngừa tiêu chảy liên quan tới kháng sinh, cần cân nhắc khả năng tồn tại các lợi khuẩn trong Probiotics có thể bị mất đi dưới tác dụng của kháng sinh hay không?
- Trường hợp dùng Probiotics dạng bột, không nên pha với thực phẩm hay đồ uống ở nhiệt độ cao. Vì có thể khiến lợi khuẩn bị chết.
- Không dùng cùng lúc với kháng sinh. Tốt nhất là nên cách nhau 2 tiếng đồng hồ
- Trường hợp đang dùng thuốc khác, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Probiotics để đảm bảo hiệu quả sử dụng.
7 Bảo quản
- Bảo quản lợi khuẩn Probiotics trong tủ lạnh hoặc những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
- Tránh để ở nơi có nhiệt độ cao, độ ẩm cao.
- Đậy kín nắp sau khi sử dụng.
8 Cập nhật thông tin về nghiên cứu mới
8.1 Probiotics như một loại vắc xin uống đa dạng giúp chống ung thư ruột kết:
Các chế phẩm sinh học Probiotics được biết đến như chất điều hòa miễn dịch và có đặc tính chống khối u. Nghiên cứu nâng cao đã khám phá tiềm năng sử dụng men vi sinh làm vacxin đường uống mà không có nguy cơ tiềm ẩn về mầm bệnh. Vacxin uống dựa trên men vi sinh được biết là có tác dụng tạo ra khả năng miễn dịch niêm mạc giúp ngăn ngừa vật chủ khỏi một số bệnh nhiễm trùng đường ruột. Lợi khuẩn Probiotics có khả năng tạo ra các chất chuyển hóa dưới dạng cytokine chống viêm, có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa quá trình gây ung thư và kích hoạt các thực bào loại bỏ các tế bào ung thư giai đoạn đầu.
9 Các dạng bào chế phổ biến
Các dạng bào chế Probiotics vô cùng đa dạng
- Probiotic cô lạnh (những vi khuẩn này vẫn tồn tại được khi ở nhiệt độ thấp và khô như bột)
- Viên nang (mỗi viên có thể chứa từ 2-6 tỉ vi khuẩn)
- Bột (dạng bột pha trong nước)
- Sữa chua trị liệu (có thể chứa tới 50 tỉ CFU/liều)
Ngoài ra còn có các sản phẩm nổi tiếng chứa Probiotics trên thị trường hiện nay gồm: men vi sinh Optibac, kẹo dẻo Optibac, Bioxgut, Yunpro, Intel Kid,…
Hình ảnh một số sản phẩm chứa Probiotics:
10 Tài liệu tham khảo
1. Gordon S. Howarth (Đăng ngày 10 tháng 1 năm 2013). Role of Endogenous Microbiota, Probiotics and Their Biological Products in Human Health, MDPI. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2023.
2. Tác giả V Gupta và cộng sự (Đăng năm 2009). PROBIOTICS, ScienceDirect. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2023.
3. Tác giả Shubhi Singh và cộng sự (Đăng ngày 3 tháng 10 năm 2022). Probiotics as multifaceted oral vaccines against colon cancer: A review, Pubmed. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2023.