Pioglitazone

1 Dược lý và cơ chế tác dụng

Thiazolidinediones (TZDs) nhắm vào vấn đề cơ bản là kháng Insulin ở bệnh đái tháo đường týp 2. Thiazolidinediones trên thị trường bao gồm Pioglitazone và rosiglitazone.

Cơ chế tác dụng của thiazolidinediones là làm tăng độ nhạy của insulin thông qua việc tác động lên cơ, mô gan và mô mỡ. Bên cạnh đó, nó làm cũng làm nhu cầu sử dụng Glucose ở mô ngoại vi, làm giảm sản xuất glucose ở gan.

Cơ chế hoạt động chính xác của thiazolidinediones vẫn chưa thực sự rõ ràng nhưng nó đã được chứng minh có tác dụng cải thiện tình trạng kháng insulin và các biến chứng của đái tháo đường type 2 với khả năng kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Trong khi rosiglitazone là chất chủ vận PPAR-gamma, thì pioglitazone vừa là chất chủ vận PPAR-gamma vừa là chất chủ vận PPAR-alpha. PPAR-gamma chủ yếu được định vị trong mô mỡ, tế bào beta tuyến tụy, đại thực bào, nội mô mạch máu và hệ thống thần kinh trung ương. PPAR-alpha chủ yếu khu trú ở gan, tim, cơ xương và thành mạch. Những khác biệt này có thể là nguyên nhân dẫn đến các kết quả khác nhau của Rosiglitazon và pioglitazon trên nồng độ lipid và hậu quả tim mạch.

2 Đặc tính dược động học

Hấp thu: Pioglitazone đượcc hấp thu dễ dàng sau khi uống. Thời gian thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương là sau 2-4 giờ.

Phân bố: Tỷ lệ thuốc liên kết với protein huyết tương là khoảng 99%. Thể tích phân bố trong cơ thể là 0,63L/kg.

Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa qua gan bởi CYP2C8 và CYP3A4 tạo thành các chất chuyển hóa có hoạt tính. Các chất gây cảm ứng CYP2C8 có thể làm giảm nồng độ của pioglitazone trong huyết thanh.

Thải trừ: Thuốc được thải trừ qua nước tiểu dưới dạng các chất chuyển hóa.

3 Chỉ định

Điều trị đái tháo đường type 2 khi chế độ ăn kiêng và tập luyện thể dục không đáp ứng.

4 Liều dùng – Cách dùng

Người lớn khi sử dụng đơn trị liệu hoặc phối hợp với các thuốc đái tháo đường khác: Liều dùng được khuyến cáo là 15-30mg/lần/ngày.

Trong trường hợp cần thiết có thể tăng liều sau 4-12 tuần điều trị, mức liều tăng là 15mg/ngày.

Liều tối đa không quá 45mg/ngày.

Ở những bệnh nhân đang sử dụng Gemfibrozil và các chất ức chế mạnh CYP2C8: Liều dùng tối đa là 15mg/ngày.

5 Chống chỉ định

Bệnh nhân đái tháo đường type I.

Tiền sử gãy xương hoặc có nguy cơ gãy xương.

Bệnh nhân suy gan.

Tiền sử suy tim giai đoạn I-IV.

Nhiễm toan đái tháo đường.

Tiền sử ung thư bàng quang.

Bệnh nhân ung thư bàng quang.

Tiểu ra máu đại thể.

6 Thận trọng

Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân đang gặp tình trạng phù nề, người bệnh có bệnh động mạch vành kèm theo triệu chứng.

Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân lớn tuổi, phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú.

Tiến hành kiểm tra chức năng gan định kỳ trong quá trình sử dụng do thuốc có thể làm rối loạn chức năng gan.

Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân suy tim.

Người bệnh cần được thông báo về những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình điều trị.

Theo dõi chỉ số HbA1c hai lần mỗi năm ở những bệnh nhân có lượng đường huyết đã được kiểm soát ổn định và hàng quý ở những bệnh nhân không đạt được mục tiêu điều trị.

Theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của tổn thương gan, giữ nước, suy tim và ung thư bàng quang.

7 Tác dụng không mong muốn

Các tác dụng không mong muốn thường gặp trong quá trình điều trị bao gồm: Phù nề, phù hoàng điểm, tăng cân, loãng xương, suy tim sung huyết. Hạ đường huyết quá mức có thể xảy ra khi phối hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường khác.

Ngoài ra có thể gặp một số phản ứng phụ sau:

  • Thiếu máu.
  • Rối loạn thị giác.
  • Đầy hơi, phù.
  • Đau khớp, giảm cảm giác, nhức đầu, chóng mặt.
  • Tiểu ra máu, rối loạn cương dương.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên, khó thở, viêm phế quản.
  • Rất hiếm gặp tử vong.

8 Tương tác

Thuốc tránh thai đường uống chứa ethinyl Estradiol và norethindrone: Làm giảm nồng độ thuốc trong huyết tương của cả 2 loại hormone do đó làm giảm hiệu lực tráng thai.

Insulin: Tăng nguy cơ phù nề và suy tim.

Các chất ức chế mạnh CYP2C8: Tăng nồng độ các chất này trong huyết tương.

Các chất gây cảm ứng CYP2C8: Giảm nồng độ các thuốc này trong huyết tương.

9 Thời kỳ mang thai và cho con bú

Thời kỳ mang thai: Không khuyến cáo sử dụng.

Thời kỳ cho con bú: Chống chỉ định.

10 Quá liều và xử trí

Không có thuốc giải độc đặc hiệu trong trường hợp xảy ra quá liều pioglitazone.

Áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân trong trường hợp xảy ra quá liều.

11 Biệt dược chứa pioglitazone có trên thị trường

Actos, Pioglitazone Stada, Nilgar 15mg,… là những biệt dược có chứa thành phần pioglitazone để điều trị đái tháo đường type 2.

Biệt dược chứa pioglitazone
Biệt dược chứa pioglitazone

12 Tài liệu tham khảo

  1. Pioglitazone, Drugs. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2023.
  2. Pioglitazone, NCBI. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2023.

Để lại một bình luận