Phụ tử (Ô đầu – Aconitum carmichaelii)

Phụ tử (Ô đầu - Aconitum carmichaelii)

Phụ tử được biết đến khá phổ biến là loại thuốc ngâm rượu xoa bóp để trị đụng giập, tê bại, nhức mỏi chân tay, sai khớp và đau khớp. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Phụ tử.

1 Giới thiệu về cây Ô đầu (Phụ tử)

Cây Ô đầu còn được gọi là Củ ấu tàu, Củ gấu tàu, Xuyên ô và Thảo ô. Ô đầu hay Phụ tử thu được từ một số loài thực vật thuộc họ Mao lương (Ranunculaceae) và chi Aconitum, bao gồm Aconitum chinense Paxt., Aconitum carmichaelii Debx., Aconitum fortunei Hemsl., Aconitum napellus L. Các loài thuộc chi Aconitum được xem như một trong những “Tứ trụ” của thảo dược cổ truyền được sử dụng trong y học Trung Quốc. Có khoảng 76 loài Aconitum được sử dụng trong y học và được gọi chung là “Aconites”, trong đó Aconitum carmichaelii là loại thảo dược phổ biến và được sử dụng rộng rãi nhất.

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây thảo đa niên, cao từ 0,6-1 m, thân thẳng và có lông ngắn. Lá mọc theo từng nhánh, có dạng xẻ thùy, gân lá giống như chân vịt, còn mép lá có răng cưa to. Hoa của loài thực vật này khá lớn, có màu xanh tím và mọc thành chùm dày dài khoảng từ 5-15 cm tại đầu nhánh. Lá bắc của hoa khá nhỏ và đài sau của hoa có hình mũ nông. Loài cây này có quả dài khoảng 23mm, vỏ rất mỏng và như giấy, và hạt có vẩy phủ bên trên. Rễ phát triển thành củ, bao gồm cả củ mẹ và củ con, với hình dạng thường là con quay. Vỏ bên ngoài của củ đen, còn phía trong là màu trắng và khi nếm thử, ta sẽ cảm thấy vị tê lưỡi.

⇒ Xem thêm dược liệu khác tại đây: Cây Địa liền – Vị thuốc giảm đau, hạ sốt và chống viêm hiệu quả

Phụ tử - Vị thuốc quý nhiều lợi ích nhưng cần thận trọng khi dùng
Hình ảnh cây Ô đầu (phụ tử)

1.2 Thu hái và chế biến phụ tử

Để dùng làm thuốc, ta sử dụng Rễ củ – Tuber Aconiti Carmichaeli, còn được gọi là Ô đầu, hoặc Rễ củ đã chế biến Radix Aconiti Lateralis Preparata, gọi là Phụ tử. Thời điểm thu hái là vào mùa thu, trước khi cây bắt đầu ra hoa. Sau khi thu hái, rễ củ được rửa sạch và phơi khô. Ngoài việc ngâm rượu để xoa bóp, rễ củ cũng có thể được chế thành Phụ tử chế bằng cách nấu 9 lần với Đậu đen và muối, để sử dụng trong thuốc thang.

Trong y học Đông y, Ô đầu được chia thành 2 loại tùy thuộc vào cách chế biến khác nhau: Ô đầu là củ mẹ chưa qua chế biến, chứa nhiều độc tố nên thường chỉ được sử dụng bên ngoài. Trong khi đó, Phụ tử là củ con, có thể chế biến thành Phụ tử chế và ít độc hơn, được sử dụng dưới dạng thuốc uống. Phụ tử chế được chia thành 3 loại tùy thuộc vào phương pháp chế biến: bạch phụ, hắc phụ (tử) và diêm phụ.

⇒ Xem thêm dược liệu khác tại đây: Cây Ngưu tất – Vị thuốc bổ giúp cải thiện lưu thông máu

1.3 Đặc điểm phân bố

Cây có nguồn gốc từ vùng Đông Á và Đông nước Nga, được sử dụng như một loại thảo dược. Ở Việt Nam, loài cây này có thể được tìm thấy ở vùng đất hoang, đặc biệt là ở những vùng có khí hậu ẩm mát, như các tỉnh Lào Cai (Sapa), Hà Giang và các vùng núi cao ở phía Bắc của đất nước.

2 Thành phần hóa học

Thành phần chính của rễ củ là các alkaloid C9-diterpen (aconitin, hypaconitin, mesaconitin, lipoaconitin, lipomesaconitin…) và C20-diterpen (ignavin, delgradin…). Trong đó, aconitin là chất alkaloid chính có chứa trong rễ củ.

Phụ tử - Vị thuốc quý nhiều lợi ích nhưng cần thận trọng khi dùng
Vị thuốc Ô đầu, phụ tử

3 Tác dụng – Công dụng của cây Phụ tử

3.1 Tác dụng dược lý 

Phụ tử chế có tác dụng chống rối loạn nhịp tim, bảo vệ cơ tim và cường tim. Ngoài ra nó còn có tác dụng hạ huyết áp, kháng viêm và giảm đau. 

Ô Đầu và aconitin có tác dụng trực tiếp đến hệ thần kinh, giúp giảm đau và tạo cảm giác tê.

Các nghiên cứu gần đây trên động vật đã chỉ ra rằng một loạt các hợp chất khác nhau, bao gồm fuzinoside, mesaconine, higenamine và benzoylmesaconine, đã đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hoạt động của tim. Các thụ thể β adrenergic và sự giải phóng catecholamine có thể đóng vai trò là cơ chế chiếm ưu thế.

Nghiên cứu trên Aconitum carmichaelii đã cho thấy rằng aconitine, hypaconitine, mesaconitine và oxonitine, các hợp chất được phân lập từ loại cây này, có tác dụng ức chế sự phát triển của dòng tế bào HepG2 một cách mạnh mẽ. Điều này cho thấy rằng số lượng và tồn tại các nhóm ester có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng gây độc tế bào của các hợp chất alkaloid diterpenoid.

Nước sắc Phụ tử khi sử dụng ở liều thấp làm tăng huyết áp ở những động vật đã được gây mê, khi sử dụng ở liều cao lúc đầu làm hạ sau đó làm tăng lực co bóp cơ tim, tăng lưu lượng máu động mạch đùi, tăng nhẹ lưu lượng máu động mạch vành. Thành phần đem lại tác dụng này là phần hòa tan được trong nước, độc tính khi hòa tan trong cồn cao hơn khi hòa tan trong nước.

Tác dụng kháng viêm: Nước sắc Phụ tử có tác dụng chống viêm tốt khi cho động vật đã được gây viêm khớp uống hoặc có thể dùng để chích màng bụng.

Tác dụng nội tiết: Phụ tử làm giảm lượng Vitamin C ở vỏ tuyến thượng thận, tăng chuyển hóa mỡ, đường, protein nhưng tác dụng này vẫn cần nghiên cứu thêm.

Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương: Acotinine khi sử dụng ở liều 0,1-0,2mg/kg đã thấy làm giảm phản xạ có điều kiện và không có điều kiện đồng thời làm giảm nồng độ amoniac trong não.

Tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

3.2 Dược liệu Phụ tử – Công dụng theo y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Phụ tử có vị đắng, cay, tính nóng, có độc mạnh và có tác dụng tiêu thũng, ôn kinh, chỉ thống, tán phong tà, khư phong hàn.

3.2.2 Công dụng của cây Ô đầu (Phụ tử)

Củ Ô đầu thường được sử dụng như là một loại thuốc ngâm rượu xoa bóp để trị đụng giập, tê bại, nhức mỏi chân tay, sai khớp và đau khớp. Ngoài ra, củ Ô đầu cũng được sử dụng để nấu cùng với thịt gà để ăn, nhằm giúp giảm đau ngực cho những người bị bệnh.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ củ Ô đầu dùng trị đầu phong đầu thống, mụn nhọt sưng đầu, khớp xương sưng đau, tứ chi co quắp, bán thân bất toại, phong hàn thấp tê.

Theo sách Bản kinh, Phụ tử  có tác dụng trị chứng trung hà, hàn thấp dẫn đến chân gối đau khó đi alji.

Theo sách Danh Y biệt lục, Phụ tử có tác dụng kiện gân, cướng âm, dùng trong trường hợp bụng đau lạnh, chân tay lạnh, cột sống lưng phong.

Theo sách Bản thảo cương mục, Phụ tử nên hạn chế dùng cùng với Sâm kỳ đối với trường hợp khí hư nhiệt nặng, đối với những người mập nhiều nên hạn chế sử dụng Ô phụ để hành kinh.

Theo sách Cảnh nhạc toàn thư, Phụ tử giúp trừ hàn nặng ở biểu và lý, hồi dương khó, trị đau họng do lạnh, tiểu tiện không thông.

Theo sách Y học trung trung tham tây lục, Phụ tử có vị cay, lực có thể thăng giáng.

4 Liều lượng

Liều dùng dưới dạng thuốc thang là 3-15g.

Nên sắc trước từ 30-60 phút.

Liều dùng phụ tử còn phụ thuộc vào cơ địa mỗi người, hiệu chỉnh liều cho phù hợp.

5 Lưu ý khi sử dụng Phụ tử

Không dùng Phụ tử trong trường hợp âm hư dương thịnh, phụ nữ có thai.

Các triệu chứng

6 Ngộ độc phụ tử (cây Ô đầu)

Sinh Phụ tử là một loại thuốc độc bảng A và việc sử dụng nó cần tuân thủ đúng liều lượng và cách chế biến tùy vào mục đích điều trị. Ngộ độc do ô đầu thường xảy ra khi ăn phải rễ cây có chứa ô đầu, uống nhầm rượu thuốc xoa bóp có chứa ô đầu hoặc sử dụng thuốc không được khử độc tốt, sử dụng thuốc quá liều có thể gây ngộ độc. Ngoài ra, món cháo ấu tẩu nấu bằng củ ô đầu cũng có thể gây ngộ độc nếu chế biến không đúng cách. Việc để da tiếp xúc lâu với lá ô đầu cũng có thể gây ngộ độc.

Các triệu chứng nhiễm độc Phụ tử: Buồn nôn, chảy nước miếng, hoa mắt chóng mặt, co giật, rối loạn nhịp tim,…

Trên lâm sàng, thường sử dụng Atropine liều cao để làm giảm triệu chứng. Khi nghiên cứu trên động vật thí nghiệm, người ta nhận thấy rằng, lidocain có tác dụng làm giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm độc Phụ tử.

Trong Y học cổ truyền thường sử dụng nước sắc Tê giác, Hoàng Liên, Hoàng thổ và Cam Thảo để giải độc.

Phụ tử - Vị thuốc quý nhiều lợi ích nhưng cần thận trọng khi dùng
Hoa cây Ô đầu

Liều độc của ô đầu là từ 0,02 đến 0,05 mg/kg trọng lượng cơ thể và gây ra kích thích thần kinh sinh ba, các triệu chứng như cảm giác kiến bò trên đầu các chi, hạ thân nhiệt, tê liệt, mạch chậm và không đều. Nếu không được xử lý kịp thời, ngộ độc ô đầu có thể dẫn đến tử vong do ngạt thở.

7 Bài thuốc từ cây Ô đầu (phụ tử)

Lương y Lê Trần Đức đã sử dụng Ô đầu chế trong thang thuốc chữa các triệu chứng như sợ nước lạnh, tê thấp, đau khớp, chân tay lạnh buốt. Thang thuốc bao gồm Ngưu tất: 12g, Cẩu tích: 12g, Hoàng lực: 12g, Cốt toái bổ: 12g, Đương Quy đầu: 8g, Xuyên khung: 12g, Thiên niên kiện: 12g, Bạch chỉ: 6g, Quế vỏ: 4g, Phụ tử chế: 2-4g., được chế thành dạng sắc để uống.

8 Tài liệu tham khảo

  1. Nhận thức cây thuốc và dược liệu, chủ biên Trần Hùng (Xuất bản năm 2021). Phụ tử trang 74 – 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
  2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1, tác giả Võ Văn Chi, Nhà xuất bản y học (Xuất bản năm 2021). Phụ tử trang 90 – 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
  3. Tác giả Runping Liu và cộng sự (Đăng năm 2020). Aconitum Carmichaelii, ScienceDirect. Truy cập ngày 28 tháng 04 năm 2023.

Để lại một bình luận