Phòng Phong (Ledebouriella seseloides)

Phòng Phong (Ledebouriella seseloides)

Phòng phong được sử dụng rộng rãi bởi công dụng chữa đau đầu, choáng váng, đau khớp. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Phòng phong thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây. 

1 Giới thiệu về cây Phòng phong

Phòng Phong còn có tên gọi khác là Phòng phong bắc, mọc ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới, là cây ưa sáng và ưa ẩm.

Tên khoa học của Phòng phong là Ledebouriella seseloides (Hoffm.) H. Wolff, thuộc họ Hoa tán (Apiaceae).

Hình ảnh cây và vị thuốc Phòng phong
Hình ảnh cây và vị thuốc Phòng phong

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây thân thảo, sống lâu năm, cao 0,5-0,8m. Rễ hình trụ dài, đầu rễ có nhiều xơ. Lá kép lông chim 2-3 lần, mọc so le, xẻ rất sâu, có cuống dài, phần gốc phát triển thành bẹ ôm lấy thân bẹ có vân dọc, hai mặt nhẵn.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành tán kép, phân nhánh thành 5-7 tán nhỏ có cuống không bằng nhau, mỗi tán nhỏ có 4-9 hoa nhỏ màu trắng. Quả kép gồm 2 phần quả dính nhau, có những đường sống dọc ở lưng. 

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Rễ.

Thu hoạch rễ vào mùa thu, cắt bỏ phần trên rồi phơi hoặc sấy khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Cây có nguồn gốc Trung Quốc, hiện chưa tìm thấy ở nước ta.

2 Thành phần hóa học

Phòng phong chứa 13 chất coumarin, chromon và polyacetylen, chủ yếu là khellaceton diester.

11 hợp chất đã được phân lập từ chiết xuất metanol của rễ Phòng phong. Chúng được xác định là -sitosterol, bergapten, hamaudol, daucosterine sec-O-glucosylhamaudol, 5-O-methylvisamminol, cimifugin, sucrose, 4-O–glucopyranosyl-5-O-methyl-visamminol, prim-O-glucosylcimifugin và mannitol.

5 hợp chất khác cũng đã được phân lập, bao gồm umbelliferon, anomalin, nodakemin và acid ferulic.

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Khương hoạt – Vị thuốc trị cảm sốt, đau nhức hiệu quả

3 Tác dụng – Công dụng của Phòng phong

3.1 Tác dụng dược lý

Dịch chiết nước Phòng phong có tác dụng hạ nhiệt trên thỏ được gây sốt bởi vaccin thương hàn sau khi dùng đường uống. Phòng phong có hoạt tính đối kháng với histamin và acetylcholin thể hiện qua tác dụng ức chế co thắt cơ trơn ruột cô lập chuột lang gây ra bởi histamin và acetylcholin. Phòng phong cũng có tác dụng nâng cao tỷ lệ sống của chuột lang qua cơn choáng phản vệ, chứng tỏ nó có tác dụng ức chế miễn dịch.Phòng phong là 1 trong 8 vị thuốc trong chế phẩm “Hoàn hỏa long” có tác dụng kháng virus herpes, giúp làm tăng các chỉ số miễn dịch và các immunoglobulin, bạch cầu, tế bào lympho, CD5+ và CD72+.

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Phòng phong tính vị, quy kinh: Dược liệu có tính ấm, vị cay, ngọt, quy vào kinh can, phế, tỳ, vị, bàng quang, có tác dụng tán phong, trừ thấp.

Trong đông y, Phòng phong được dùng trong trị ngoại cảm, nhức đầu, choáng váng, mắt mờ, phong thấp, đau khớp, mụn lở.

Phòng phong
Phòng phong

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Xuyên khung – Vị thuốc bổ tăng cường lưu thông máu

4 Các bài thuốc từ cây Phòng phong

4.1 Giảm đau các loại

Chữa đau nửa đầu: Phòng phong, bạch chỉ, đồng lượng. Tán nhỏ, trộn với mật làm viên bằng quả táo, mỗi lần ngậm 1 viên, dùng nước ấm để chiêu thuốc.

Chữa đau dây thần kinh hông: Phòng phong, Đỗ Trọng, Cam Thảo mỗi vị 8g, Độc Hoạt, Tang Ký Sinh, Ngưu Tất, Đẳng Sâm, Phục Linh, bạch thược, đương quy, Thục Địa, đại táo mỗi vị 12g, Tế Tân, Quế chi mỗi vị 6g. Sắc uống.

Chữa đau vai gáy: Phòng phong, ma hoàng, quế chi, Bạch Chỉ mỗi vị 8g, đại táo 12g, cam thảo 6g, Gừng 4g. Sắc uống.

Chữa đau dây thần kinh liên sườn: Phòng phong, quế chi, bạch chỉ, khương hoạt, uất kim, Chỉ Xác, Xuyên Khung mỗi vị 8g, Đan sâm 12g, thanh bì 6g. Sắc uống.

4.2 Chữa bệnh xương khớp

Chữa đau nhức xương khớp không nóng đỏ: Phòng phong, khương hoạt, bạch thược, Đương Quy mỗi vị 12g, Tần Giao, quế chi, phục linh, ma hoàng mỗi vị 8g, cam thảo 6g. Sắc uống.

Chữa viêm khớp dạng thấp đợt cấp: Phòng phong, bạch thược, tri mẫu, bạch truật, liên kiều mỗi vị 12g, Kim Ngân Hoa 16g, quế chi, ma hoàng mỗi vị 8g, cam thảo 6g. Sắc uống.

4.3 Chữa bệnh ngoài da

Chữa chàm cấp tính: Phòng phong, kinh giới, ngưu bàng tử, khổ sâm, mộc thông mỗi vị 12g, thạch cao 20g, Sinh Địa 16g, tri mẫu 8g, thuyền thoái 6g. Sắc uống.

Chữa chàm mạn tính: Phòng phong, thương truật mỗi vị 8g, hoàng bá, Hy Thiêm, ké đầu ngựa, phù bình, bạch tiễn bì mỗi vị 12g. Sắc uống.

Chữa viêm da thần kinh: Phòng phong, kinh giới, kê Huyết Đằng, cỏ Ngũ Sắc, cỏ nhọ nồi, Ké Đầu Ngựa mỗi vị 12g, sinh địa, ý dĩ, kim ngân mỗi vị 16g. Sắc uống.

Chữa mày đay: 

  • Thể phong hàn: Phòng phong, Tía Tô, đan sâm mỗi vị 12g, kinh giới, ké đầu ngựa, ý dĩ mỗi vị 16g, bạch chỉ, quế chi mỗi vị 8g, gừng sống 6g. Sắc uống.
  • Thể phong nhiệt: Phòng phong, ngưu bàng tử mỗi vị 12g, thạch cao 20g, kinh giới, sinh địa mỗi vị 16g, thuyền thoái, Mẫu Đơn Bì, Bạch Thược mỗi vị 8g. Sắc uống.

4.4 Chữa bệnh khác

Phòng phong thang trị trúng phong liệt nửa người: Phòng phong, bạch chỉ, Cát Căn, hạnh nhân, khương hoạt, ma hoàng, phụ tử, quế tâm, xuyên khung mỗi vị 6g, bạch truật, Cẩu Tích, ngưu tất, tỳ giải, ý dĩ nhân mỗi vị 12g, thạch cao 10g, sinh khương 3g. Sắc lấy nước, chia làm 2 lần uống trong ngày.

Bài thuốc từ Phòng phong trị trúng phong liệt nửa người
Bài thuốc từ Phòng phong trị trúng phong liệt nửa người

Chữa cảm mạo phong hàn: Phòng phong, Sài Hồ, tiền hồ, chỉ xác, xuyên khung, khương hoạt, độc hoạt, phục linh, Cát Cánh, Kinh Giới mỗi vị 40g, cam thảo 20g. Tán nhỏ thành bột, ngày uống 12-20g dạng thuốc sắc.

Chữa rong huyết do nhiễm khuẩn: Phòng phong, khương hoạt, sài hồ, thương truật, Hoàng Kỳ mỗi vị 8g, Thăng Ma, Cảo Bản, mạn kinh, độc hoạt, đương quy mỗi vị 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.

Chữa ra mồ hôi trộm khi ngủ: Phòng phong 80g, xuyên khung 40g, Nhân Sâm 20g. Tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 10-12g bột trước khi ngủ.

Phòng tái phát cơn hen: Phòng phong 8g, hoàng kỳ, hạt tía tô, Bạch Truật mỗi vị 12g. Sắc uống.

Chữa viêm kết mạc dị ứng: Phòng phong, Hoàng Đằng, kinh giới, mạn kinh, Mã Đề mỗi vị 12g, tang diệp, Nhân Trần mỗi vị 16g, Bạc Hà, Cúc Hoa mỗi vị 8g. Sắc uống.

Kiêng kỵ của Phòng phong: Không dùng Phòng phong cho người âm hư hỏa vượng, không có phong tà.

5 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam Tập 2 (Xuất bản năm 2006). Phòng phong trang 522-524, Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2023. 

Để lại một bình luận