Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) |
Malpighiales (Sơ ri) |
Họ(familia) |
Euphorbiaceae (Thầu dầu) |
Chi(genus) |
Phyllanthus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Phyllanthus reticulatus Poir. |
Phèn đen thuộc dạng cây nhỏ, thường mọc thành bụi, chiều cao mỗi cây dao động khoảng từ 2 đến 4 mét. Cây Phèn đen được biết đến với tác dụng cầm máu, chữa tiêu chảy rất tốt. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Phyllanthus reticulatus Poir.
Tên gọi khác: Tạo phan diệp.
Họ thực vật: Thầu dầu Euphorbiaceae.
1.1 Cách nhận biết cây Phèn đen
Phèn đen thuộc dạng cây nhỏ, thường mọc thành bụi, chiều cao mỗi cây dao động khoảng từ 2 đến 4 mét.
Cây có cành mềm, vỏ ngoài có màu đen nâu hơi nhạt, ban đầu có lông màu xám, sau khi cây phát triển thì không còn lông, cành nhẵn.
Lá cây mọc so le, phiến lá mỏng, có dạng hình trái xoan hoặc hình bầu dục. Gốc và đầu của lá tù hoặc hơi nhọn, chiều dài mỗi lá khoảng 1,5 đến 3cm, chiều rộng từ 0,6 đến 1,2cm. 2 mặt của lá nhẵn, gần như nhẵn hoặc mặt trên có lông sau nhẵn.
Cuống ngắn, lá kèm có dạng hình tam giác hẹp.
Hoa mọc ở kẽ lá, thường mọc đơn độc hoặc mọc 2-3 hoa. Hoa đơn tính cùng gốc, hoa đực có 5 đài, hoa cái có đài giống hoa đực nhưng kích thước to hơn.
Quả của cây có dạng hình cầu, khi quả chín có màu đen, hạt của cây có màu nâu nhạt.
Mùa hoa quả là vào tháng 8 đến tháng 10.
Mời bạn đọc xem hình ảnh cây Phèn đen:
1.2 Thu hái và chế biến
Rễ thu hái vào mùa thu.
Lá thu hái vào mùa xuân và mùa hạ.
Có thể dùng tươi hoặc dùng khô.
Đôi khi cũng sử dụng vỏ thân.
1.3 Đặc điểm phân bố
Phèn đen có bản chất là loài cây nhiệt đới, được tìm thấy ở các nước Đông Nam Á hoặc Đông Nam Á, Nam Trung Quốc.
Tại nước ta, cây được tìm thấy ở nhiều tỉnh khác nhau, từ trung du đến đồng bằng, vùng núi thấp có độ cao dưới 500 mét. Cây thường mọc tập trung ở một số tỉnh bao gồm Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình.
Phèn đen là loài cây ưa ẩm, có khả năng chịu bóng, mọc thành bụi dọc bờ mương, ven đường, bờ rẫy,…
Cây phân cành nhiều ngay từ gốc, ra hoa quả nhiều hàng năm.
Hạt giống phát tán nhờ nước và chim.
Phèn đen có khả năng tái sinh, đâm chồi sau khi bị chặt.
Vào chiều tối đặc biệt là khi vào mùa hè thì bụi phèn đen thường tỏa ra một mùi hương khó chịu. Mùi hương này không giống với mùi lá khi vò nát và hiện tượng này vẫn chưa được giải thích rõ ràng.
1.4 Cách trồng
Cây mọc hoang nhưng có thể đem về trồng làm hàng rào, lá cây dùng để làm thuốc trị bệnh và thuốc nhuộm.
Gieo hạt vào mùa xuân hoặc trồng bằng cách cắm cành. Phèn đen không cần chăm sóc, có thể bón phân để cây phát triển tốt.
2 Thành phần hóa học
Rễ cây chứa octacosanol, taraxeron, betulin,…
Ngoài ra, phèn đen còn chứa flavonoid.
3 Tác dụng – Công dụng của cây phèn đen
3.1 Tác dụng dược lý
Phèn đen có tác dụng kháng khuẩn khi nghiên cứu trên in vitro với một số chủng như Bacillus subtilis, Escherichia coli, Shigella flexneri.
Flavonoid của cây có tác dụng ức chế hoạt tính của men polyphenoloxydase của huyết thanh người trên in vitro.
Khi phối hợp Phèn đen, Sim rừng, Ngũ bội tử, Xạ Can cho thấy tác dụng cầm máu khi nghiên cứu cho 100 bệnh nhân sau khi cắt amidan bằng cách chấm thuốc tại chỗ, hiệu quả cầm máu tương đối nhanh.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Cây có vị chát, tính mát.
Tác dụng: Mát máu, giảm đau, giải độc, sát khuẩn.
3.2.2 Công dụng
Cây được dùng làm thuốc cầm máu, tiểu tiện khó, đậu mùa với liều 20-40g vỏ thân dưới dạng thuốc sắc, có thể chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
Có thể dùng ngoài với liều lượng tùy ý.
Lá cây đem phơi khô sau đó chế thành viên, dùng đơn độc hoặc phối hợp với lá Long Não, xuyên tiêu, ngậm giúp chữa chảy máu chân răng.
Sử dụng bột từ lá của cây đem rắc lên vết thương để cho vết loét chóng lành, nhanh lên da non.
Lá tươi nhai nát, nuốt lấy nước, bã đắp chữa rắn độc cắn.
Nhân dân Malaysia sử dụng cành và lá chà xát lên ngực để làm giảm cơn hen, nước sắc có tác dụng trị viêm họng.
Nhân dân Philippin sử dụng nước sắc từ lá hoặc vỏ thân để làm thuốc lợi tiểu, lọc máu, làm mát, phục hồi chức năng, chữa đau răng,…
Nhân dân các nước Lào và Campuchia sử dụng phèn đen để trị đậu mùa, giang mai.
Nhân dân Nam Phi dùng lá cây khô đem tán bột sau đó rắc lên vết thương.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Phèn đen
4.1 Chữa lỵ cấp
Bài 1:
- 20g rễ Phèn đen.
- 20g rễ Seo gà.
- 10g vỏ rụt.
- Đem sao và sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.
Bài 2:
- 20g rễ phèn đen.
- 20g dây mơ lông.
- 20g rễ seo gà.
- 2g Gừng.
- Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
4.2 Chữa lỵ tiêu chảy
Bài 1:
- 20f rễ phèn đen, đem thái nhỏ sau đó phơi khô, sao vàng, hạ thổ trong 15 phút.
- 20g vỏ quả lựu, cắt nhỏ, sao vàng.
- Các vị đem sắc lấy nước uống trong ngày.
- Dùng liên tục từ 3-5 ngày.
Bài 2:
- 20g lá phèn đen tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước đun sôi để nguội lọc.
- 20g ý dĩ.
- 12g mạch nha.
- 12g Cam Thảo nam.
- 3 vị đem đi phơi khô, rang vàng, tán thành bột.
- Thêm nước phèn đen để chiêu bột.
- Mỗi ngày làm 2-3 lần.
4.3 Chữa bị đòn máu ứ
Lá phèn đen giã nhỏ, thêm rượu, vắt nước uống.
Có thể dùng 40g lá, sắc rồi thêm 1 chén rượu để uống.
Chữa nhọt độc mới phát
Lá phèn đen, lá bèo ván, giã nát đắp tại chỗ.
4.4 Thuốc cầm máu khi cắt amidan
300g lá cây phèn đen.
500g sin rừng.
100g ngũ bội tử.
50g xạ can.
Các vị đem đi sắc rồi cô thành cao lòng 1:1.
Thêm cồn và Acid benzoic để bảo quản.
Đóng chai.
Tiệt trùng ở 100 độ C trong 30 phút.
Tẩm vào quả bóng cầu, chấm vào chỗ cắt amidan.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Phèn đen, trang 521-522. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2024.