Phan Tả Diệp (Senna angustifolia Mill.)

Phan Tả Diệp (Senna angustifolia Mill.)

Phan tả diệp được sử dụng rộng rãi bởi công dụng chữa táo bón, ăn không tiêu, đầy bụng. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Phan tả diệp thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây. 

1 Giới thiệu về cây Phan tả diệp

Phan Tả Diệp còn có tên gọi khác là Phan tả, mọc tập trung thành từng đám nhỏ hoặc rải rác, ở các vùng đồi thấp và trên nương rẫy mới bỏ hoang.

Tên khoa học của Phan tả diệp là Senna angustifolia Mill., thuộc họ Vang (Caesalpiaceae). Ngoài ra cũng dùng Phan tả diệp lá nhọn (Senna acutifolia Del.) với cùng công dụng.

Hình ảnh Phan tả diệp
Hình ảnh Phan tả diệp

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây nhỏ, cao 40-60cm, mọc thành bụi. Thân đứng, nhẵn. Lá kép lông chim chẵn, mọc so le, có 10-16 lá chét, hình mác hẹp, dài 3-5cm, rộng 7-8mm, gốc thuôn, có khi lệch, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông, mép lá nguyên.

Cụm hoa mọc ở nách lá thành chùm; hoa màu vàng có vân nâu; đài có 5 răng thuôn; tràng có 5 cánh gần bằng nhau; nhị 10, không đều, trong đó có 3 nhị lép; bầu thuôn dẹt, có nhiều noãn. Quả đậu dẹt, hình trứng, hơi cong, dài 4-6cm, rộng 1-1,7cm, có lông trắng mềm, màu lục nâu khi non, chín chuyển vàng nâu đỏ. Chữa 6-8 hạt, hình trứng dẹt, màu lục nâu. Mùa hoa vào tháng 10-12, mùa quả tháng 1-4.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Lá chét đã được phơi hay sấy khô; quả phơi khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Cây phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Phi, Ấn Độ và nam đến tây nam Trung Quốc. Tại Việt Nam đã được nhập trồng ở Phú Yên.

2 Thành phần hóa học

Nhóm hợp chất Thành phần
Anthraquinon Rhein, Sennidine A & B, Sennoside C & D, Torosachrysone 8-O-glucoside, Aloe-emodin dianthrone 8,8′-di-O-glucoside, Aloe-emodin 8-O-glucoside
Flavonoid Kaempferol 3-O-gentiobioside, Quercetin 3-O-gentiobioside, Isorhamnetin 3-O-gentiobioside, Kaempferol, Campterin và Isoramantine
Chất nhầy Carbohydrat: Galactose, Arabinose, Rhamnose và Axit galacturonic
Khác Syringaresinol 4-O-glucoside, Darsad

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Hồng xiêm – Trái cây thơm ngọt cũng là vị thuốc tốt cho tiêu hóa

3 Tác dụng – Công dụng của Phan tả diệp

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Kháng khuẩn, kháng nấm

Trong số tất cả các vi khuẩn được thử nghiệm, chiết xuất metanol của toàn bộ cây Phan tả diệp có tác dụng ức chế 100% sự tăng trưởng đối với Staphylococcus pyogenesCorynebacterium diphtheriae ở nồng độ 400 μg/mL so với chứng Rifampicin.

Dịch chiết etanol và etyl axetat cho thấy khả năng kháng khuẩn tốt nhất chống lại Serratia marcescens. Ngoài ra, chiết xuất metanol thể hiện hoạt tính kháng nấm đáng kể chống lại Candida albicans. Ở Phan tả diệp, các flavonoid như Rutin có thể chịu trách nhiệm về tác dụng kháng khuẩn của nó.

3.1.2 Nhuận tràng

Tác dụng nhuận tràng của Phan tả diệp là do tác dụng của synozooids và một chất chuyển hóa hoạt động khác gọi là rinantrone trong ruột già. Do hoạt động của các hợp chất này, lượng nước và chất điện giải được hấp thụ từ ruột già giảm đi, đồng thời thể tích và áp suất của các chất trong ruột tăng lên; từ đó giúp tăng nhu động ruột già và gây ra việc loại bỏ táo bón và thông tiện. Nhiều bệnh nhân cần X-quang, nội soi, phẫu thuật mà cần làm rỗng đại tràng đã được dùng liều cao để giúp tẩy xổ, cho thấy tác dụng tốt hơn dầu thầu dầu.

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Phan tả diệp có tính hàn, vị ngọt, đắng, quy vào kinh đại tràng, có tác dụng tả nhiệt, tiêu tích trễ, lợi tràng phủ, thông đại tiện.

Cây Phan tả diệp trị bệnh gì? Trong đông y, Phan tả diệp được dùng trong chữa đại tiện táo bón, ăn không tiêu, tích trễ đầy bụng.

Tác dụng của Phan tả diệp với tiêu hóa
Tác dụng của Phan tả diệp với tiêu hóa

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Rau Diếp cá – Vị thuốc giải nhiệt, trị trĩ, viêm hiệu quả

4 Cách uống và bài thuốc từ cây Phan tả diệp

4.1 Cách dùng

Liều dùng Phan tả diệp như sau:

  • Thuốc giúp tiêu hóa: 1-2g mỗi ngày.
  • Nhuận tràng: 3-4g mỗi ngày.
  • Tẩy xổ (dạng thuốc sắc hoặc thuốc hãm): 5-7g.

Kiêng kỵ: Không dùng Phan tả diệp nếu bị táo bón do co thắt hoặc viêm đại tràng và phụ nữ mang bầu.

4.2 Bài thuốc

4.2.1 Chữa táo bón

Chữa táo bón cho phụ nữ sau sinh: Phan tả diệp 6g đun sôi với 150ml nước trong 3-5 phút, bỏ bã, uống làm 1 lần. Nếu táo bón lâu ngày, sau đó 10 phút lấy bã hãm với nước sôi một lần nữa để uống.

Táo bón do nhiệt táo: Dùng 3-6g Phan tả diệp, nếu nặng có thể dùng tới 10g, hãm với nước sôi, uống như trà.

Táo bón do nhiệt tích: Phan tả diệp, Chỉ thực mỗi vị 6g, Hậu phác 9g. Sắc uống.

Táo bón do thực tích: Phan tả diệp 4 – 6 g, Đại hoàng 9g, Trần Bì 4g, Hoàng Liên, Sinh khương, Đinh Hương mỗi vị 3g. Sắc uống.

Ruột khô gây phân cứng, táo bón: Phan tả diệp, Nhân Trần mỗi vị 12g, Quyết minh tử 16-20g, Cam Thảo 6g. Sắc uống như trà.

Trà Phan tả diệp trị táo bón
Trà Phan tả diệp trị táo bón

4.2.2 Chữa bệnh tiêu hóa

Hỗ trợ chức năng ruột sau phẫu thuật: Dùng Phan tả diệp 4g, hãm với nước, uống 1 lần mỗi ngày.

Chữa đầy bụng, rối loạn tiêu hóa: Phan tả diệp 2g, Đại hoàng, Binh lang mỗi vị 3g, Sơn Tra 10g. Sắc uống.

Chữa viêm tụy cấp, viêm túi mật, bệnh sỏi đường mật và xuất huyết tiêu hóa: Uống 4 viên nang chiết xuất Phan tả diệp (mỗi viên chứa 2.5g thuốc thô), mỗi ngày 4 lần. Sau 1 ngày chưa thông tiện thì uống thêm 1 viên.

4.2.3 Chữa bệnh khác

Tẩy ruột trước khi phẫu thuật hậu môn: Nhịn ăn từ chiều hôm trước phẫu thuật, vào 15h hãm 10g Phan tả diệp với nước sôi, uống khi còn ấm.

Chữa thấp nhiệt kết ở tạng phủ gây mụn nhọt: Dùng Phan tả diệp 12g hãm với nước sôi, để nguội, chắt lấy nước uống hết một lần. Mỗi ngày dùng 2 tháng tới khi thông tiện.

5 Lưu ý khi sử dụng

5.1 Uống Phan tả diệp nhiều có hại không? 

Phan tả diệp chứa nhiều anthraquinon. Một trong những tác dụng phụ chính của anthraquinone glycoside là chứng ợ nóng nhẹ hoặc nặng. Sử dụng lâu dài hoặc không phù hợp có thể dẫn tới hạ Kali máu và đại tiện ra máu gây giảm gammaglobulin máu và viêm gan tiết niệu ngắt quãng. 

5.2 Ngộ độc Phan tả diệp

Một số trường hợp ngộ độc thuốc đã được báo cáo sau khi sử dụng lâu dài Phan tả diệp. Nhạy cảm với thuốc, buồn nôn, nôn hoặc các triệu chứng khác của viêm ruột thừa, tắc nghẽn tĩnh mạch và đau bụng không xác định và tiêu chảy là các triệu chứng có thể gặp phải. Phan tả diệp không được khuyến cáo kết hợp với các chất nhuận tràng khác.

6 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả Muhammad Khurm và cộng sự (Ngày đăng 4 tháng 12 năm 2020). The genus Cassia L.: Ethnopharmacological and phytochemical overview, PubMed. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2023. 

2. Tác giả Trần Hùng (Xuất bản năm 2021). Phan tả diệp trang 246, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2023.

Để lại một bình luận