1 Tổng quan (Giới thiệu chung) về PEG-32
1.1 Tên gọi
Tên gọi khác: Alpha-Hydro-omega-hydroxypoly(oxy-1,2-ethanediyl).
1.2 Công thức hóa học
CTCT: Tá dược có công thức hóa học là HOCH2(CH2OCH2)32CH2OH và có khối lượng phân tử trung bình khoảng 1300 – 1600.
2 Tính chất của PEG-32
2.1 Tính chất vật lý
Trạng thái: PEG-32 là chất hoạt động bề mặt không ion có công dụng chính là hòa tan, bão hòa, làm ẩm và làm mềm. Tá dược có chứa 32 Monome trong chuỗi Polymer, và là 1 Polymer của Polyethylene Glycol. Hoạt chất tồn tại ở dạng vảy sáp có màu từ trắng đến vàng nhạt, có mùi thơm nhẹ, và có khả hút ẩm đáng kể.
Tính tan: Hoạt chất có thể hòa tan được trong nước và trong Methylene Chloride, rất ít tan trong rượu, thực tế không tan trong dầu béo và dầu khoáng.
Điểm sôi: Hoạt chất sôi ở nhiệt độ > 250°C.
Điểm nóng chảy: Nóng chảy ở nhiệt độ từ 44 – 48°C, khi phân hủy sẽ tạo thành khói cay và có mùi khó chịu.
Độ pH: Dao động từ 5,5-7,0 (25°C, 50mg/mL trong H2O).
2.2 Tính chất hóa học
Polyethylene Glycol-32 hay PEG-32 là một hợp chất có nguồn gốc từ dầu mỏ. Hoạt chất là một loại Polymer tổng hợp, được điều chế bằng quá trình trùng hợp của nhiều phân tử Ethylene Oxide để tạo ra các đơn vị liên kết.
2.3 Tạp chất
Kim loại nặng: 20ppm.
Tro sulfat: 0,2%.
Nước: 2%.
Chỉ số Hydroxyl: 264 – 300.
3 Ứng dụng của PEG-32
3.1 PEG-32 có tác dụng gì?
Chăm sóc da: Hoạt chất thường có mặt trong các sản phẩm chăm sóc da hàng ngày như một chất làm mềm da. Khi thoa lên da PEG-32 sẽ tạo ra một lớp màng mỏng bảo vệ da khỏi bị mất độ ẩm quá mức, duy trì độ ẩm thích hợp và cải thiện tình trạng khô, bong tróc của da. Bảo vệ da khỏi những tác động có hại từ bên ngoài như độc tố, bụi bẩn, vi khuẩn.
Chăm sóc tóc: Do có khả năng giữ ẩm mạnh, khi được bổ sung vào các sản phẩm chăm sóc tóc PEG-32 sẽ tạo ra một lớp màng bao trên tóc, từ đó giúp bảo vệ tóc khỏi tác động tiêu cực từ môi trường ngoài. Giúp sợi tóc đủ ẩm, mềm mượt và hạn chế tình trạng gãy rụng. Nó còn đóng vai trò là chất hoạt động bề mặt, tăng khả năng tạo bọt cho các sản phẩm dầu gội đồng thời giữ tóc luôn bóng và mượt.
3.2 Ứng dụng của PEG-32
Hoạt chất được sử dụng làm chất nhũ hóa và chất phân tán cho các loại kem dùng ngoài da. Ngoài ra nó còn được sử dụng để tăng tính ổn định và tạo mùi cho các sản phẩm nước hoa và sữa tắm, gội.
Đối với các hoạt chất cũng như các chất ít có khả năng hòa tan, PEG-32 đóng vai trò như dung môi và chất hòa tan. Hoạt chất cải thiện đáng kể khả năng hòa tan của một chất trong môi trường hòa tan. Nhờ đặc tính giữ ẩm và liên kết nước, PEG-32 duy trì tính nhất quán chính xác của mỹ phẩm.
4 Độ ổn định và bảo quản
PEG-32 có độ ổn định về mặt hóa học tốt, bản thân nó không phải là một môi trường lý tưởng cho sự phát triển và tăng sinh của các vi sinh vật gây bệnh, nấm mốc.
Do hoạt chất ở thể rắn nên có thể được tiệt trùng bằng nhiệt khô ở điều kiện nhiệt độ là 160°C trong liên tục 1 giờ, điều kiện lý tưởng cho quá trình tiệt trùng là được thực hiện trong môi trường khí trơ.
Ngoài ra việc oxy hóa tá dược có thể được ức chế bằng việc thêm 1 chất chống oxy hóa thích hợp, điều này sẽ tăng cường độ ổn định và bền của PEG-32.
Cần tránh dùng những thùng bị ô nhiễm Sắt do có thể làm biến màu tá dược và gây ra những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng.
5 Quá trình sản xuất
Việc sản xuất hóa chất Polyethylene Glycol lần đầu được báo cáo vào những năm 1859. Quá trình tạo ra PEG-32 nói riêng hay Polyethylene Glycol nói chung đều được tạo ra bởi sự tương tác của phản ứng Ethylen Oxit kết hợp với nước hoặc Ethylene Glycol, Ethylene Glycol Oligome. Phản ứng được xúc tác bởi các tác nhân có tính Acid hoặc Bazơ. Phản ứng kết hợp Ethylene Glycol và các Oligome được ưu tiên sử dụng hơn do nó cho phép tạo ra các phân tử có độ phân tán thấp (lượng phân bố trọng lượng phân tử hẹp). Độ dài của chuỗi sẽ phụ thuộc vào chất phản ứng, do đó muốn tạo ra PEG-32 người ta chỉ cần điều chỉnh các chỉ số trong phản ứng.
Chất xúc tác trong phản ứng sẽ quyết định cơ chế trùng hợp là Cation hay Anion. Cơ chế Anion được ưu tiên lựa chọn hơn do nó thu được chế phẩm có độ đa phân tán thấp. Quá trình làm nóng, hoặc cho phản ứng với các chất xúc tác có thể tạo ra các phản ứng trùng hợp nhanh chóng thậm chí có thể gây nổ chỉ sau vài giờ.
6 Độc tính của PEG-32
PEG-32 được sử dụng rộng rãi trong ngành hóa mỹ phẩm, từ các sản phẩm chăm sóc cá nhân đến dầu gội,… Hội đồng chuyên gia đánh giá thành phần mỹ phẩm (CIR) đánh giá PEG-32 là một hợp chất an toàn khi có mặt trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Nghiên cứu trên người cho thấy, sử dụng PEG-32 liều cao tại chỗ có thể gây gây châm chích, đặc biệt khi bôi lên vùng niêm mạc. Phản ứng quá mẫn với Polyethylene Glycol (nói chung) bôi tại chỗ cũng đã được báo cáo, bao gồm nổi mề đay và phản ứng dị ứng chậm.
Theo một báo cáo được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Độc tính của Tạp chí Thành phần Mỹ phẩm (CIR), Oxid Ethylene, 1,4-dioxane, hợp chất thơm đa vòng và kim loại nặng như chì là một trong những tạp chất đã được tìm thấy trong các hợp chất PEG khác nhau. Những tạp chất này có thể liên quan đến bệnh ung thư. Các hợp chất PEG thường chứa 1 lượng nhỏ Oxid Ethylene có độc tính cao, và 1,4-dioxane (có trong PEG-6, PEG-8, PEG-32, PEG-75, PEG-150, PEG-14M và PEG-20M) là một chất có khả năng gây ung thư.
Tá dược có thể dễ dàng xâm nhập qua vùng da bị mất lớp thượng bì, bị tổn thương. Do đó cần thận trọng khi dùng trên các vùng da đang có vết thương chảy máu, vết thương hở, người có làn da nhạy cảm dễ kích ứng.
7 Chế phẩm
PEG-32 thường có mặt trong các dòng sản phẩm chăm sóc cá nhân như mỹ phẩm, dầu gội,… Dưới đây là một số chế phẩm có chứa tá dược này trong công thức.
8 Tài liệu tham khảo
1.Chuyên giá NCBI, Polyethylene Glycol, PubChem. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2023.
2.Tác giả Hyun-Jun Jang, Chan Young Shin, Kyu-Bong Kim (đăng tháng 6 năm 2015), Safety Evaluation of Polyethylene Glycol (PEG) Compounds for Cosmetic Use, PubMed Central. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2023.
3.2.Tá dược và chất phụ gia dùng trong dược phẩm mỹ phẩm và thực phẩm (Xuất bản năm 2021). Polyethylene Glycol trang 523 – 528, Tá dược và chất phụ gia dùng trong dược phẩm mỹ phẩm và thực phẩm. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2023.