Tên chung quốc tế: Panobinostat
Biệt dược thường gặp: Farydak
Loại thuốc: Chất ức chế histone deacetylase (HDAC).
Mã ATC: L01XH03
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nang chứa hàm lượng 10mg, 15mg, 20mg Panobinostat.
2 Dược lực học
Panobinostat là chất ức chế deacetylase (DAC) làm ức chế hoạt động của enzym này ngay ở nồng độ thấp. DAC có vai trò xúc tác cho quá trình bỏ nhóm acetyl khỏi các gốc Lysine ở khoảng 1750 tế bào protein của cơ thể. Quá trình này liên quan nhiều đến sự sao chép và sửa chữa DNA , hoạt hóa phiên mã, tiến triển của tế bào, tái tạo tổ chức xương tế bào. Các bệnh ung thư đa u tuỷ nhận thầy nguyên nhân lớn từ sự tăng sinh quá mức các DAC.
Panobinostat ức chế các protein loại I, loại II và loại IV của DAC, ức chế quá trình chuyển hóa protein, biểu hiện gen,gây ra sự ngừng chu kỳ tế bào và gây chết tế bào. Thuốc có ái lực với tế bào ung thư cao hơn các tế bào bình thường.
3 Dược động học
Hấp thu: thuốc hấp thu nhanh chóng qua đường uống, sử dụng liều 20mg thì nồng độ đạt đỉnh trong huyết tương là 2 giờ.
Phân bố: Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương của Panobinostat khoảng 90%.
Chuyển hoá: Panobinostat được chuyển hoá mạnh mẽ thành 77 chất chuyển hoá. Quá trình chuyển hoá chính là quá trình khử, thuỷ phân, oxy hoá, và glucuronide hóa.
Thải trừ: thuốc bài tiết qua nước tiểu chiếm 30 %, bài tiết qua phân chiếm hơn 70%, thời gian thải trừ khoảng 30 giờ.
4 Chỉ định
Panobinostat được chỉ định trong điều trị bệnh đa u tủy khi đã thất bại với điều trị 2 phác đồ trước đó bao gồm bortezomib và một tác nhân điều hòa miễn dịch. Trong phác đồ điều trị này, Panobinosta kết hợp với dexamethasone và bortezomib.
5 Chống chỉ định
Người mẫn cảm với thành phần Panobinosta .
6 Liều dùng – Cách dùng
6.1 Liều dùng
Liều dùng đường uống khuyến cáo cho bệnh nhân là người lớn trưởng thành ban đầu từ 20mg/ngày/lần mỗi tuần 3 lần trong 2 tuần đầu (cụ thể là ngày 1, 3, 5, 8, 10 và 12), mỗi chu kỳ 21 ngày, sử dụng liên tục trong 8 chu kỳ, tối đa 16 chu kỳ.
Kết hợp bortezomib là 1,3 mg/m2 tiêm, hoặc dexamethasone là 20 mg sử dụng mỗi ngày theo lịch trình.
Trẻ em không sử dụng thuốc.
6.2 Cách dùng
Dạng viên uống, sử dụng trực tiếp với nước. Nuốt toàn bộ viên thuốc, không bẻ đôi, nhai hay nghiền nát viên trước khi uống.
Nên duy trì dùng thuốc vào đúng 1 thời điểm trong ngày và dùng thuốc đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng liều hay giảm liều thuốc. Nếu quên liều, uống liền khi nhớ ra càng sớm càng tốt, nhưng nếu gần giờ uống viên tiếp theo thì bỏ qua liều, uống như lịch trình cũ và không tăng liều gấp đôi để bù lại.
7 Tác dụng không mong muốn
Tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc:
- Rối loạn nhiễm trùng: viêm gan B, nhiễm ký sinh trùng, bội nhiễm khuẩn
- Rối loạn chuyển hoá và dinh dưỡng: tăng đường huyết, mất nước, giữ nước, tăng axit uric máu, hạ Magie máu.
- Rối loạn tiêu hoá: đau bụng, khó tiêu, viêm dạ dày, khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy, viêm đại tràng.
- Rối loạn da: tổn thương da, phát ban, mẩn đỏ.
- Rối loạn cơ xương khớp: sưng khớp.
- Rối loạn thận và tiết niệu: suy thận, tiểu không tự chủ.
- Rối loạn xét nghiệm: ure máu tăng, phosphatase kiềm máu tăng.
- Rối loạn thần kinh: chóng mặt, nhức đầu, ngất, run, loạn vị giác.
- Rối loạn tim: hồi hộp.
- Rối loạn hô hấp: ho, khó thở, suy hô hấp, ran ngáy, khò khè.
- Rối loạn chung: mệt mỏi, ớn lạnh, mất ngủ.
8 Tương tác thuốc
Thuốc ức chế CYP3A: làm tăng Cmax và AUC của panobinostat trong máu, giảm liều hoặc tránh sử dụng đồng thời các thuốc trên.
Chất gây cảm ứng CYP3A: nên tránh sử dụng đồng thời do làm giảm khả năng phơi nhiễm panobinostat trong huyết tương.
Chất nền CYP2D6: làm tăng Cmax và AUC trung bình của chất nền này nên tránh sử dụng cùng lúc hoặc nếu trường hợp cần thiết thì nên theo dõi các phản ứng có hại.
Thuốc kéo dài khoảng QT: có nguy cơ kéo dài khoảng QT hơn khi sử dụng đồng thời.
9 Thận trọng
Thuốc gây tiêu chảy, buồn nôn ở hầu hết các trường hợp điều trị, có thể sử dụng thêm các loại thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Báo cáo về thay đổi nhịp tim, kéo dài khoảng QT đã có khi sử dụng Panobinostat điều trị bệnh. Khi gặp các biểu hiện như chóng mặt, ngất xỉu, tim đập nhanh cần thông báo với bác sĩ, và cẩn trọng khi dùng thuốc cho người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp.
Thuốc gây ức chế miễn dịch, giảm số lượng bạch cầu trong máu nên làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, nên có biện pháp phòng ngừa như tránh tiếp xúc với người bị cảm cúm, nhiễm virus, rửa tay thường xuyên…
Thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu nên không sử dụng cùng các thuốc chống đông máu, hạn chế té ngã, trầy xước, bị bầm tím, chấn thương.
Bệnh nhân bị bệnh về gan cần theo dõi các triệu chứng viêm gan, vàng da để được xử lý kịp thời tác dụng phụ nghiêm trọng về gan.
Thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng để tránh tương tác của các thuốc.
10 Thời kỳ mang thai
Thuốc có thể gây hại ở thai nhi dù chưa có dữ liệu báo cáo trên người, nhưng trên động vật thỏ và chuột thuốc làm quái thai. Vì vậy không sử dụng và thông báo cho bệnh nhân những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thuốc. Phụ nữ có thể mang thai cần tránh thai khi dùng thuốc và ít nhất 3 tháng sau liều điều trị cuối cùng.
11 Thời kỳ cho con bú
Chưa có các dữ liệu báo cáo về thuốc có qua sữa mẹ hay không, tuy nhiên thuốc chống chỉ định dùng cho phụ nữ đang cho con bú vì những độc tính mà thuốc có thể mang lại cho trẻ nhỏ.
12 Bảo quản
Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 30 độ C.
Tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Tránh xa khu vực vui chơi của trẻ nhỏ.
13 Quá liều
Chưa có báo cáo.
Nếu sử dụng quá liều nên nhanh chóng cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất
14 Tài liệu tham khảo
Chuyên gia Pubchem. Panobinostat, Pubchem. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2024.
Chuyên gia Drugbank. Panobinostat, Drugbank. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2024.