Palonosetron

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

PALONOSETRON 

Tên chung quốc tế: Palonosetron. 

Mã ATC: A04AA05. 

Loại thuốc: Thuốc chống nôn, thuốc kháng chọn lọc trên thụ thể serotonin (5HT3). 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Viên nang 500 microgam. 

Thuốc tiêm tĩnh mạch: 50 microgam/ml (1,5 ml, 5 ml). 

2 Dược lực học 

Serotonin (5-HT) là chất trung gian thần kinh chính cho phản ứng nôn sau hóa trị liệu. Các thụ thể 5-HT3 tập trung ở ngoại vi của dây thần kinh phế vị và ở trung ương tại vùng nhận cảm hóa học (CTZ) và trung tâm nôn ở hành não. Sau khi tiếp xúc với các chất phóng xạ hoặc các chất gây độc tế bào, serotonin (5-HT) được giải phóng từ các tế bào thần kinh nội tiết (tế bào ECL) trong lớp chất nhày niêm mạc ruột non. Serotonin sau đó sẽ kích thích dây thần kinh phế vị thông qua thụ thể 5-HT3. Kích thích này sau đó được truyền đến và kích thích thụ thể 5-HT3 trong trung tâm nôn trên hành não và vùng nhận cảm hóa học (CTZ) và khởi phát đáp ứng nôn. Palonosetron là một thuốc chống nôn mạnh, thuốc đối kháng chọn lọc trên thụ thể 5-HT3, giúp dự phòng và làm giảm phản ứng nôn do hóa trị liệu và xạ trị. Các cơ chế chống nôn và buồn nôn sau phẫu thuật chưa được biết rõ nhưng có lẽ cũng theo cơ chế chống nôn và buồn nôn do nhiễm độc tế bào. 

3 Dược động học 

3.1 Hấp thu

Palonosetron hấp thu nhanh và hoàn toàn qua Đường tiêu hóa, Sinh khả dụng đường uống của thuốc vào khoảng 97%. Thức ăn không ảnh hưởng đến hấp thu thuốc. 

3.2 Phân bố

Thuốc phân bố rộng, Thể tích phân bố của thuốc khoảng 6,9 – 7,9 lít/kg. Thuốc gắn với protein huyết tương vào khoảng 62%.

3.3 Chuyển hóa

Khoảng 50% thuốc bị chuyển hóa ở gan thông qua hệ thống enzym CYP1A2, CYP2D6, CYP3A4 thành các chất chuyển hóa ít có hoạt tính N-oxid-palonosetron và 6-S-hydroxy- palonosetron. 

3.4 Thải trừ

Thuốc được thải trừ chủ yếu qua thận 80% trong đó 40% dưới dạng không biến đổi. Nửa đời thải trừ của thuốc ở người lớn khoảng 40 giờ, ở trẻ em khoảng 20 – 30 giờ. 

4 Chỉ định 

Dự phòng buồn nôn và nôn do hóa trị liệu ung thư gây nôn trung bình. Dự phòng buồn nôn và nôn do hóa trị liệu ung thư gây nên nặng. Dự phòng buồn nôn và nôn sau phẫu thuật. 

Chỉ định của Palonosetron
Chỉ định của Palonosetron

5 Chống chỉ định 

Mẫn cảm với thuốc. 

6 Thận trọng 

Thuốc có thể làm giảm nhu động ruột. Thận trọng khi sử dụng thuốc trên bệnh nhân táo bón hoặc có dấu hiệu tắc nghẽn ruột bán cấp, theo dõi chặt chẽ bệnh nhân sau khi dùng palonosetron. Thuốc không làm kéo dài khoảng QT có ý nghĩa lâm sàng. Tuy nhiên, tương tự các thuốc đối kháng trên thụ thể 5-HT3, thận trọng khi sử dụng thuốc trên các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ kéo dài khoảng QT như tiền sử hoặc tiền sử gia đình có kéo dài khoảng QT, bất thường điện giải, suy tim sung huyết, loạn nhịp chậm, rối loạn dẫn truyền, bệnh nhân đang dùng các thuốc chống loạn nhịp hoặc các thuốc khác gây kéo dài khoảng QT hoặc bất thường điện giải. Tình trạng hạ Kali huyết và magiesi huyết nên được điều trị trước khi dùng các thuốc đối kháng trên thụ thể 5-HT3.

Kiểm soát chặt chẽ các dấu hiệu hội chứng serotonin như thay đổi trạng thái (kích động ảo giác, hoang tưởng, hôn mê), bất thường trên hệ thần kinh thực vật (nhịp tim nhanh, huyết áp không ổn định, chóng mặt, bốc hỏa, tăng thân nhiệt), triệu chứng trên thần kinh cơ (run, cứng cơ, tăng phản xạ, rung giật cơ), co giật có hoặc không có các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn tiêu chảy. Thận trọng khi phối hợp với các thuốc tác dụng trên hệ serotonergic do có thể làm tăng nguy cơ hội chứng serotonin. 

7 Thời kỳ mang thai 

Chưa đủ dữ liệu nghiên cứu về việc sử dụng palonosetron ở phụ nữ mang thai. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc không gây độc tính trên sinh sản. Tuy nhiên chưa rõ nguy cơ cho người. Không khuyến cáo dùng thuốc cho phụ nữ mang thai, trừ khi lợi ích đối với mẹ vượt trội nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Chưa rõ liệu palonosetron và chất chuyển hóa của nó có bài tiết vào sữa mẹ hay không. Không nên cho trẻ bú mẹ trong thời gian mẹ dùng thuốc. 

Không nên cho trẻ bú mẹ trong thời gian mẹ dùng thuốc.
Không nên cho trẻ bú mẹ trong thời gian mẹ dùng thuốc.

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

9.1 Ít gặp 

Tim mạch: kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ, nhịp tim chậm, nhịp xoang chậm, nhịp tim nhanh. 

TKTW: đau đầu, chóng mặt, lo âu. 

Da: ngứa. 

Nội tiết và chuyển hóa: tăng kali huyết. 

Tiêu hóa: táo bón, tiêu chảy, đầy hơi. 

Sinh dục, tiết niệu: bí tiểu. 

Gan: Tăng ALT, tăng AST.

Cơ, xương khớp: yếu cơ.

9.2 Hiếm gặp 

Giảm thị lực, phù toàn thân, thiếu máu, chán ăn, đau khớp, lạnh, hạ huyết áp, giảm nhu động ruột, giảm tiểu cầu, các bệnh lý trên da (trẻ em và thanh thiếu niên), giãn tĩnh mạch, lờ đờ, loạn vận động, chảy máu cam, ban đỏ, sảng khoái, ngoại tâm thu, kích ứng mắt, sóng T phẳng trên điện tâm đồ, hội chứng giống cúm, nấc, bốc hỏa, tăng đường huyết, mẫn cảm, tăng huyết áp, hạ kali huyết, thở chậm, tăng bilirubin (tạm thời), tăng enzym gan, đau tại vị trí tiêm truyền (trẻ em), mất ngủ, bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhiễm acid chuyển hóa, say tàu xe, dị cảm, hội chứng serotonin, tăng tiết nước bọt, loạn nhịp xoang, nhịp nhanh xoang, ngoại tâm thu thất, ù tai, đổi màu tĩnh mạch. 

10 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Nếu xuất hiện các triệu chứng của hội chứng serotonin. Ngừng thuốc và điều trị hỗ trợ. 

11 Liều lượng và cách dùng 

11.1 Cách dùng 

Dạng uống: Nên uống 1 giờ trước khi hóa trị liệu hoặc xạ trị. Nuốt toàn bộ viên thuốc với nước. 

Dạng tiêm: Tiêm tĩnh mạch trực tiếp trong 30 giây hoặc truyền tĩnh mạch trong 15 phút. 

11.2 Liều dùng 

11.2.1 Người lớn 

Dự phòng buồn nôn và nôn do hóa trị liệu nguy cơ gây nôn trung bình:

Đường uống: Uống 500 microgam,1 giờ trước khi bắt đầu điều trị.

Dạng tiêm: 250 microgam, tiêm tĩnh mạch trong 30 giây, trước khi bắt đầu hóa trị liệu 30 phút. 

Dự phòng buồn nôn và nôn do hóa trị liệu nguy cơ gây nên nặng

Dạng tiêm: 250 microgam, tiêm tĩnh mạch trong 30 giây, trước khi bắt đầu hóa trị liệu 30 phút. 

Dự phòng buồn nôn và nôn sau phẫu thuật:

Tiêm tĩnh mạch trong 10 giây, 1 liều 75 microgam ngay trước khi gây mê. 

11.2.2 Trẻ em

Dự phòng buồn nôn và nôn do hóa trị liệu 

Trẻ em 1 tháng tuổi – 17 tuổi: Tiêm truyền tĩnh mạch 20 microgam/ kg, trong 15 phút (tổng liều tối đa 1 500 microgam), trước khi hóa trị liệu 30 phút. 

Trẻ em dưới 1 tháng tuổi: Hiệu quả và tính an toàn chưa được chứng minh. 

11.3 Bệnh nhân suy gan

Không cần hiệu chỉnh liều. 

11.4 Bệnh nhân suy thận

Không cần hiệu chỉnh liều. 

12 Tương tác thuốc 

12.1 Các thuốc tránh phối hợp

Tránh phối hợp đồng thời palonosetron với apomorphin. 

12.2 Các thuốc cần thận trọng khi phối hợp

Palonosetron tăng nồng độ/tác dụng của các thuốc tác dụng trên hệ serotonergic như các thuốc ức chế tái thu hồi chọn lọc serotonin (SSRI), các thuốc ức chế tái thu hồi serotonin-norepinephrin (SNRI), IMAO, mirtazapin, Fentanyl, lithi, xanh methylen tiêm tĩnh mạch. Thận trọng khi phối hợp palonosetron với các thuốc trên do làm tăng nguy cơ hội chứng serotonin. 

Palonosetron giảm nồng độ/tác dụng của: tapentadol, Tramadol.

13 Quá liều và xử trí 

Chưa có trường hợp quá liều nào được ghi nhận. 

Xử trí: Do chưa có thuốc giải độc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu. 

Cập nhật lần cuối: 2019

Để lại một bình luận