Oxamniquin

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

OXAMNIQUIN 

Tên chung quốc tế: Oxamniquin. 

Mã ATC: P02BA02. 

Loại thuốc: Thuốc trị giun sán. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Nang: 250 mg; sirô: 250 mg/5 ml. 

oxamniquin 1
Oxamniquin

2 Dược lực học 

Oxamniquin là thuốc trị sán máng bán tổng hợp có tác dụng trên cả dạng trưởng thành và chưa trưởng thành của Schistosoma mansoni, nhưng không có tác dụng diệt ấu trùng và không có tác dụng đối với các loài Schistosoma khác. 

Cơ chế diệt sán chưa được làm sáng tỏ, có thể thuốc tác dụng bằng ức chế tổng hợp DNA. Sán máng đực trưởng thành dễ bị thuốc tác động hơn sán cái. Thuốc làm sán máng di chuyển từ các tĩnh mạch mạc treo ruột vào gan. Sán đực hấp thụ thuốc nhiều và chết ở gan, còn sán cái đơn lẻ sống sót có thể trở về mạc treo ruột, nhưng không có khả năng đẻ trứng. Kháng thuốc có thể xảy ra. Hiện nay, Praziquantel thường được dùng hơn vì có kháng oxamniquin ở một số vùng (Nam Mỹ) và oxamniquin đôi chút kém hiệu quả hơn praziquantel. Sau một liều điều trị thích hợp, tỷ lệ khỏi ít nhất 60%, thường đạt trên 90%. Trứng trong phân tìm thấy ở người không khỏi có thể giảm trên 80%, thường giảm trên 90% sau 1 năm điều trị. 

3 Dược động học 

Oxamniquin được hấp thu tốt sau khi uống. Hấp thu thuốc giảm khi có thức ăn. Nồng độ đỉnh huyết tương của oxamniquin đạt được khoảng 1 – 3 giờ sau khi uống liều thường dùng, nửa đời thải trừ của thuốc là 1 – 2,5 giờ. 

Sự phân bố oxamniquin trong mô và dịch cơ thể chưa được xác định. Chưa biết được oxamniquin có đi qua nhau thai hoặc vào sữa không. 

Thuốc được chuyển hóa rộng rãi thành các chất chuyển hóa không có hoạt tính, chủ yếu là dẫn chất 6-carboxy được bài tiết qua nước tiểu. Khoảng 70% liều oxamniquin được bài tiết dưới dạng chất chuyển hóa 6-carboxy trong vòng 12 giờ. Một lượng rất nhỏ chất chuyển hóa 2-carboxy cũng phát hiện được trong nước tiểu. 

4 Chỉ định 

Nhiễm sán máng S. mansoni ở tất cả các giai đoạn, kể cả giai đoạn cấp và mạn tính, với các biểu hiện ở gan và lách. 

5 Chống chỉ định 

Mẫn cảm với thuốc. 

Phụ nữ mang thai. 

Động kinh, tiền sử động kinh và rối loạn tâm thần. 

6 Thận trọng 

Thuốc có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, đau đầu, co giật. Không nên lái xe hoặc vận hành máy khi đang sử dụng thuốc. 

Phải thận trọng khi dùng oxamniquin cho người có tiền sử co giật. Nên cân nhắc cho thuốc chống co giật trước khi dùng oxamniquin.

7 Thời kỳ mang thai 

Oxamniquin qua được nhau thai, tuy nhiên chưa có đủ bằng chứng về tác hại của oxamniquin trên người mang thai. Nghiên cứu trên động vật cho thấy oxamniquin gây độc cho phôi thai thỏ và chuột thí nghiệm ở liều cao gấp 10 lần liều dùng cho người. Nên hoãn điều trị bằng oxamniquin cho người mang thai cho đến sau khi sinh, trừ khi cần thiết phải điều trị ngay. 

oxamniquin 2
Oxamniquin

8 Thời kỳ cho con bú 

Chưa biết oxamniquin có bài tiết vào sữa mẹ không, tốt hơn là không nên dùng cho người đang cho con bú. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Ở liều điều trị, oxamniquin nói chung dung nạp tốt. Tỷ lệ và mức độ ADR liên quan đến liều dùng chưa được rõ. Tuy nhiên, ADR xảy ra nhiều hơn ở người bệnh dùng liều cao. ADR liên quan đến điều trị oxamniquin thường thoáng qua và từ nhẹ đến trung bình.

9.1 Thường gặp 

Thần kinh: chóng mặt, buồn ngủ, đau đầu (khoảng 30 – 50% người bệnh dùng thuốc). 

Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, ỉa chảy, cơn đau bụng. 

Da: ngứa, mày đay. 

9.2 Ít gặp 

Mất ngủ, khó ở, ảo giác, thay đổi hành vi. 

Nước tiểu đổi màu cam hoặc đỏ, protein niệu, huyết niệu vi thể và giảm nhất thời bạch cầu và lympho bào. 

9.3 Hiếm gặp 

Cơn động kinh (thường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi uống thuốc), hầu hết gặp ở những người có tiền sử động kinh. 

10 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Với những người bệnh có tiền sử động kinh, phải theo dõi cẩn thận và có các phương tiện sẵn sàng để xử lý các cơn động kinh có thể xảy ra khi điều trị bằng oxamniquin. Cân nhắc dùng thuốc chống co giật trước khi dùng oxamniquin. 

11 Liều lượng và cách dùng 

Liều oxamniquin cho từng người tùy thuộc vùng địa lý nơi nhiễm và cân nặng của người bệnh. Phạm vi liều thay đổi từ 15 mg/ kg một liều duy nhất đến 60 mg/kg/ngày, dùng trong 2 – 3 ngày (một liều đơn không quá 20 mg/kg). Nên uống thuốc sau bữa ăn. 

11.1 Vùng Caribê, Tây Phi và Nam Mỹ

Người lớn: Uống liều 15 mg/kg.

Trẻ em dưới 4 tuổi: Tổng liều 20 mg/kg; hoặc 10 mg/kg, ngày 2 lần cách nhau 3 – 8 giờ. 

11.2 Trung Phi và Đông Phi (Kenia, Madagascar, Malawi, Ruanda, Burundi, Tanzania, Zambia) và bán đảo Ả rập

Người lớn và trẻ em: 15 mg/kg, ngày 2 lần trong 1 ngày hoặc ngày 1 lần trong 2 ngày liên tiếp. 

11.3 Sudan, Uganda, Công gô

Người lớn và trẻ em: Tổng liều 40 mg/kg. 

11.4 Ai cập, Nam phi và Mozambic 

Người lớn và trẻ em: Tổng liều 60 mg/kg; hoặc 15 mg/kg, ngày 2 lần trong 2 ngày; hoặc 20 mg/kg, ngày 1 lần trong 3 ngày liên tiếp. Ở Việt Nam chưa có số liệu tổng kết. 

Trẻ em dưới 30 kg: 20 mg/kg/ngày, chia làm hai lần cách nhau khoảng 2 – 8 giờ. 

Người lớn: 12 – 15 mg/kg (dùng liều đơn), hoặc 30 – 60 mg/kg chia thành 2 – 4 liều bằng nhau, mỗi lần 15 mg/kg. 

Nên uống thuốc sau bữa ăn. Điều trị trong 1 – 3 ngày. 

Cập nhật lần cuối: 2018 

Để lại một bình luận