Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
NICLOSAMID
Tên chung quốc tế: Ondansetron.
Ma ATC: A04AA01.
Loại thuốc: Thuốc chống nôn, đối kháng chọn lọc thụ thể 5-HT3.
1 Dạng thuốc và hàm lượng.
Viên nén tan rã trong miệng, viên nén bao phim: 4 mg, 8 mg.
Dung dịch uống, siro uống: 4 mg/5 ml.
Dung dịch tiêm hoặc truyền: 2 mg/ml.
Viên đặt trực tràng: 16 mg.
Thuốc được dùng dưới dạng hydroclorid dihydrat hoặc base, liều lượng tính theo dạng base: 4,99 mg ondansetron hydroclorid dihydrat tương ứng với 4 mg ondansetron base.
2 Dược lực học
Ondansetron là chất đối kháng chọn lọc thụ thể 5-HT3 (thụ thể serotonin nhóm 3), có tác dụng chống nôn. Thuốc có tác dụng cả ở ngoại vi, trên đầu tận thần kinh phế vị và ở trung tâm, trong vùng kích thích thụ thể hóa học.
Hóa trị liệu và xạ trị có thể gây giải phóng serotonin (5-HT) ở ruột non và gây phản xạ nôn cấp bằng cách hoạt hóa dây thần kinh phế vị thông qua thụ thể 5-HT3. Ondansetron ức chế thụ thể này dẫn tới ức chế sự khởi đầu phản xạ nôn. Tương tự như vậy, hoạt hóa dây thần kinh phế vị cũng có thể gây giải phóng thụ thể 5-HT3 trong vùng kích thích thụ thể hóa học ở sàn não thất IV và gây nôn qua cơ chế trung tâm nên phản xạ này cũng bị ondansetron ức chế do tác dụng ức chế thụ thể ở sàn não thất IV.
Cơ chế nôn muộn do hóa trị liệu ung thư có thể khác so với cơ chế gây nôn cấp, do mối tương quan giữa nồng độ serotonin và nôn sau ngày đầu tiên hóa trị chưa được xác lập và các thuốc ức chế 5-HT3 đơn độc không hiệu quả trong ngăn ngừa hoặc làm giảm bớt tác dụng gây nôn muộn.
Ondansetron không phải là chất ức chế thụ thể dopamin, nên không có tác dụng phụ ngoại tháp và tăng tiết prolactin.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Sinh khả dụng đường uống của thuốc khoảng 50 – 70% do có chuyển hóa lần đầu qua gan, ở người bệnh ung thư sinh khả dụng có thể tăng lên 85 – 87%, có thể do thay đổi trong chuyển hóa. Thuốc bắt đầu có tác dụng sau khi uống khoảng 30 phút. Nồng độ đỉnh đạt được sau 1,5 giờ với liều uống 8 mg và 6 giờ sau liều đặt trực tràng.
3.2 Phân bố
Thể tích phân bố của ondansetron ở người lớn là 1,9 lít/ kg, ở trẻ 4 – 18 tuổi bị ung thư là 1,9 lít/kg, ở trẻ dưới 12 tuổi có phẫu thuật dao động từ 1,65 – 3,5 lít/kg. Khoảng 70 – 75% lượng thuốc trong huyết tương liên kết với protein.
3.3 Chuyển hóa
Ondansetron được chuyển hóa chủ yếu ở gan nhờ tác dụng của cytochrom P450 mà chủ yếu là CYP3A4, ngoài ra còn có CYP1A2 và CYP2D6. Phản ứng chủ yếu là hydroxyl hóa rồi liên hợp glucuronid hoặc sulfat, và có thể khử methyl hóa.
3.4 Thải trừ
Thuốc được thải trừ chủ yếu dưới dạng chuyển hóa (44 – 60%) qua nước tiểu với 5% bài tiết ở dạng không đổi, khoảng 25% qua phân. Độ thanh thải huyết tương là 0,35 ± 0,16 lít/giờ/kg ở người lớn và có thể cao hơn ở trẻ em. Nửa đời thải trừ pha cuối khoảng 3 giờ đối với đường uống và tiêm, 6 giờ đối với đường đặt trực tràng, tăng lên tới 5 giờ ở người cao tuổi hoặc người suy thận. Ở người suy gan, sinh khả dụng có thể đạt tới 100% và nửa đời thải trừ có thể kéo dài tới 15 – 32 giờ.
4 Chỉ định
Dự phòng nôn và buồn nôn cho bệnh nhân sử dụng hóa trị liệu ung thư có nguy cơ nôn cao hoặc trung bình; cho bệnh nhân xạ trị toàn thân, xạ trị một liều cao hoặc xạ trị hàng ngày vùng bụng; cho bệnh nhân phẫu thuật.
Chú ý: Nên kê đơn ondansetron cho những người bệnh trẻ (tuổi dưới 45), vì những người này dễ có những phản ứng ngoại tháp khi dùng metoclopramid liều cao và khi họ phải điều trị bằng các hóa chất gây nôn mạnh. Thuốc này vẫn được dùng cho người cao tuổi.
5 Chống chỉ định
Quá mẫn với ondansetron hoặc các thuốc đối kháng chọn lọc 5-HT3 khác.
6 Thận trọng
Nên dùng ondansetron với mục đích dự phòng, không dùng với mục đích điều trị, vì thuốc này chỉ dùng để phòng nôn và buồn nôn chứ không dùng chữa nôn.
Chỉ nên dùng ondansetron trong 24 – 48 giờ đầu khi điều trị bằng hóa chất. Nghiên cứu cho thấy thuốc không tăng hiệu quả trong trường hợp dự phòng nôn và buồn nôn xuất hiện muộn. Giảm liều tối đa trên người cao tuổi > 75 tuổi.
Tương tự như các thuốc chống nôn khác, ondansetron có thể che dấu sự tiến triển của liệt ruột hoặc chướng dạ dày ở các bệnh nhân phẫu thuật vùng bụng hoặc bệnh nhân hóa trị bị nôn và buồn nôn. Ondansetron không gây kích thích nhu động ruột hay dạ dày do đó không có tác dụng thay cho việc hút ống thông mũi dạ dày. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc ở bệnh nhân dị ứng với các thuốc đối kháng 5-HT3 khác do đã từng ghi nhận có trường hợp bị phản ứng chéo.
Các chất đối kháng 5-H3 gây kéo dài (phụ thuộc liều dùng) một số khoảng của điện tâm đồ như PR, QRS, QT/QTc, JT. Điều này thường xảy ra sau khi tiêm tĩnh mạch 1 – 2 giờ. Khi sử dụng cùng với các thuốc gây kéo dài QT (như các thuốc chống loạn nhịp nhóm I và III) có thể xảy ra xoắn đỉnh. Các thuốc kháng 5-HT3 dùng đường tiêm ảnh hưởng đến các khoảng của điện tâm đồ nhiều hơn dùng đường uống. Thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân có hội chứng QT dài bẩm sinh hoặc các yếu tố nguy cơ kéo dài QT khác (như dùng các thuốc gây kéo dài khoảng QT, rối loạn điện giải và phối hợp điều trị cùng với các thuốc anthracyclin).
Do độ thanh thải của thuốc sẽ giảm và nửa đời thải trừ sẽ tăng nên cần thận trọng khi dùng ondansetron cho các bệnh nhân rối loạn chức năng gan. Trường hợp suy gan nặng (Child-Pugh loại C) cần giảm liều.
Bệnh nhân bị phenylketon niệu cần thận trọng khi dùng ondansetron dạng viên phân tán tan rã trong miệng do có chứa aspartam.
7 Thời kỳ mang thai
Thuốc qua nhau thai nhưng không gây hại cho thai khi nghiên cứu trên động vật tới liều 4 mg/kg/ngày. Chưa có đủ dữ liệu trên người. Chỉ dùng trong trường hợp hiệu quả vượt trội hơn so với nguy cơ (trường hợp nghén nặng hoặc dùng các thuốc khác không có tác dụng).
8 Thời kỳ cho con bú
Nghiên cứu trên động vật đã thấy thuốc tiết được vào sữa, tuy nhiên không rõ thuốc có tiết vào sữa ở người không. Nên tránh dùng cho người mẹ đang cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
9.1 Thường gặp
TKTW: đau đầu (9 – 27%), mệt mỏi (9 – 13%), sốt (2 – 8%), chóng mặt (4 – 7%), lo âu (6%).
Tiêu hóa: táo bón (3 – 11%), tiêu chảy (4 – 16%).
Tim mạch: tụt huyết áp (5%), nhịp tim chậm (6%).
Da liễu: ngứa (2 – 5%), phát ban (1%).
Sinh dục – tiết niệu: rối loạn sinh dục (7%), bí tiểu tiện (5%).
Gan: ALT, AST tăng (1 – 5%).
Hô hấp: tình trạng thiếu oxy (9%).
Phản ứng tại chỗ tiêm: nóng, đỏ, đau (4%).
9.2 Ít gặp
Tiêu hóa: co cứng bụng, khô miệng.
Thần kinh – cơ – xương: đau, yếu cơ.
9.3 Hiếm gặp
Toàn thân: quá mẫn, sốc phản vệ.
Tim mạch: nhịp tim nhanh, loạn nhịp, hạ huyết áp, thay đổi điện tâm đồ, đau ngực.
TKTW: co giật, rối loạn thị lực thoáng qua.
Gan: tăng bilirubin huyết thanh.
Phản ứng khác: nấc, giảm Kali huyết.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Ondansetron được dùng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Để dự phòng nôn do hóa trị ung thư, dung dịch tiêm ondansetron được pha loãng trong 50 ml dung dịch dextrose 5% hoặc dung dịch Natri clorid 0,9% và truyền tĩnh mạch trong 15 phút.
Chi pha thuốc ngay trước khi truyền, đảm bảo vô khuẩn. Thuốc đã pha trước khi truyền có thể bảo quản ở 2 – 8oC trong vòng 24 giờ. Thuốc tiêm không pha loãng có thể dùng tiêm bắp trong 2 – 5 phút hoặc tiêm tĩnh mạch trong ít nhất 30 giây và tốt nhất là trong 2 – 5 phút để dự phòng nôn và buồn nôn sau phẫu thuật cho người lớn. Bệnh nhân dùng viên tan rã trong miệng cần lưu ý chỉ lấy viên thuốc ra khỏi vì bằng cách bóc vỉ thuốc – không ấn qua lớp thiếc, ngay trước khi dùng. Đặt ngay viên thuốc lên lưỡi cho tan và nuốt với nước bọt, không cần uống thêm nước.
10.2 Liều lượng
10.2.1 Phòng nôn do hóa trị liệu
10.2.1.1 Đường uống
Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên dùng hóa trị liệu nguy cơ nôn trung bình: Uống 8 mg, 30 phút trước khi bắt đầu điều trị, nhắc lại 8 giờ sau liều đầu tiên. Sau đó, cứ 12 giờ uống 8 mg cho tới 1 – 2 ngày sau khi hóa trị.
Trẻ em 4 – 11 tuổi: Uống liều khởi đầu 4 mg, 30 phút trước điều trị, nhắc lại 4 giờ và 8 giờ sau liều đầu. Sau đó, uống 4 mg mỗi 8 giờ cho tới 1 – 2 ngày sau khi hóa trị.
Hóa trị liệu nguy cơ nên cao ở người lớn: Uống một liều 24 mg 30 phút trước khi điều trị với hóa trị liệu đơn ngày. Chế độ liều 24 mg một lần mỗi ngày dùng trong nhiều ngày chưa được nghiên cứu. Chưa xác định được độ an toàn và hiệu quả của chế độ liều 24 mg ở trẻ em.
10.2.1.2 Tiêm tĩnh mạch
Người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi: Liều khởi đầu 0,15 mg/kg (tối đa 16 mg), truyền tĩnh mạch trong 15 phút trước khi bắt đầu hóa trị 30 phút, sau đó nhắc thêm 2 liều mỗi 4 giờ sau liều đầu.
10.2.2 Nôn và buồn nôn do xạ trị
Liều thông thường cho người lớn 8 mg × 3 lần/ngày. Bệnh nhân xạ trị toàn thân nên dùng 1 liều 8 mg khoảng 1 – 2 giờ trước mỗi lần xạ trị trong ngày. Bệnh nhân xạ trị một lần liều cao vùng bụng nên uống 1 liều 8 mg 1 – 2 giờ trước khi xạ trị và 8 mg mỗi 8 giờ, cho tới 1 – 2 ngày sau xạ. Bệnh nhân xạ trị hàng ngày vùng bụng cần dùng 1 liều 8 mg trước khi bắt đầu xạ và lặp lại mỗi 8 giờ, dùng vào các ngày có xạ trị.
10.2.3 Nôn và buồn nôn sau phẫu thuật
Người lớn: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm 4 mg ngay trước lúc tiền mê hoặc sau mổ nếu bệnh nhân bị nôn/buồn nôn ngay sau khi mổ. Nếu dùng thuốc uống, dùng một liều đơn 16 mg, uống 1 giờ trước khi tiền mê.
Trẻ em 1 tháng – 12 tuổi: nếu cân nặng trên 40 kg dùng một liều 4 mg, nếu cân nặng dưới 40 kg dùng một liều 0,1 mg/kg, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch ngay trước hoặc sau khi khởi mê hoặc sau phẫu thuật nếu bệnh nhân bị nôn/buồn nôn ngay sau phẫu thuật.
Thêm một liều thứ 2 ondansetron không làm tăng hiệu quả ngăn ngừa nôn và buồn nôn ở những bệnh nhân đáp ứng chưa đầy đủ với liều thứ nhất.
Người bệnh suy gan: Giảm liều (liều tối đa 8 mg/ngày) cho người suy gan nặng (Child-Pugh từ 10 trở lên).
Người cao tuổi: Liều lượng không thay đổi, giống như người lớn.
Người suy thận: Không cần điều chỉnh liều. Chưa có nghiên cứu về việc dùng tiếp ondansetron sau ngày đầu tiên ở đối tượng này.
11 Tương tác thuốc
Ondansetron không gây cảm ứng hay ức chế hệ thống enzym đa hình cytocrom P450, nhưng lại bị chuyển hóa bởi nhiều enzym đa hình ở gan, trong đó có CYP3A4, CYP2D6 và CYP1A2. Vì vậy, các tác nhân gây cảm ứng hoặc ức chế hệ enzym này (như cyproteron, Deferasirox, Peginterferon alfa-2b, barbiturat, carbamazepin, dẫn chất rifampin, Phenytoin, phenylbutazon, hoặc cimetidin, alopurinol, Disulfiram, Alfuzosin, artemether, Ciprofloxacin,…) có thể làm thay đổi hệ số thanh thải và nửa đời của ondansetron, tuy nhiên không cần thiết phải điều chỉnh liều.
Ondansetron cũng có thể gây tăng nồng độ/tác dụng của các thuốc sau: apomorphin, dronedaron, pimozid, các chất làm kéo dài QT, quinin, tetrebenazin, Thioridazin, toremifen, vandetanib, vemurafenib, ziprasidon. Chống chỉ định dùng cùng với apomorphin do có báo cáo về phản ứng tụt huyết áp nặng và hôn mê.
Do ondansetron gây kéo dài QT của điện tâm đồ, cần thận trọng khi dùng cùng các thuốc cũng gây kéo dài QT hoặc các thuốc gây độc cho tim như các anthracyclin. Tuy vậy cũng chưa thấy có tương tác nào đáng kể.
Nói chung, tránh dùng ondansetron cùng với các thuốc sau: apomorphin, artemether, dronedaron, lumefantrin, Nilotinib, pimozid, quetiapin, quinin, tetrebenazin, thioridazin, toremifen, vandetanib, vemurafenib, ziprasidon.
12 Tương kỵ
Những thuốc sau đây có thể được dùng cùng qua chạc ba: Cisplatin, Carboplatin, etoposid, cyclophosphamid, Doxorubicin, Oxaliplatin, Docetaxel, Dexamethason và riêng 5-fluorouracil tới nồng độ 0,8 mg/ml. Nếu dùng 5 -fluorouracil ở nồng độ cao hơn, có thể gây tủa.
Không nên trộn ondansetron với dung dịch mà chưa xác định được khả năng tương hợp. Đặc biệt, dung dịch kiềm có thể gây tủa.
13 Quá liều và xử trí
13.1 Triệu chứng
Quá liều có thể gây sốt, ngứa, phát ban, chân không yên, suy giảm hệ TKTW, nhịp tim nhanh, co giật, có thể mù tạm thời (2 – 3 phút).
Liều tiêm tĩnh mạch tới 145 mg và tổng liều tiêm tĩnh mạch một ngày cao tới 252 mg do bất cẩn mà không gây tai biến gì đã được báo cáo. Liều này cao hơn 10 lần liều khuyến cáo hàng ngày. Giảm huyết áp và ngất xỉu đã xảy ra ở 1 người uống 48 mg ondansetron.
13.2 Xử trí
Không có thuốc điều trị đặc hiệu. Người bệnh cần được theo dõi và điều trị hỗ trợ.
Cập nhật lần cuối: 2019