Ô Tặc Cốt (Hải Phiêu Tiêu – Sepia spp.)

Ô Tặc Cốt (Hải Phiêu Tiêu - Sepia spp.)

Ô tặc cốt được sử dụng rộng rãi bởi công dụng chữa viêm loét dạ dày tá tràng, cầm máu. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Ô tặc cốt thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây. 

1 Ô tặc cốt là gì?

Ô tặc cốt là mai của con mực. Mực còn có tên gọi khác là Hải phiêu tiêu, sống ở dưới biển.

Ô tặc cốt họ gì? Tên khoa học của Mực là Sepia spp., thuộc họ Cá mực (Sepiidae), còn tên khoa học của Ô tặc cốt là Os Sapiae.

Thường sử dụng mai của con mực nang hay mực ván, ít sử dụng mai mực ống hay mực cơm vì mai của các loài này thường mỏng và nhỏ.

Ô tặc cốt
Ô tặc cốt

1.1 Thu hái và chế biến

Ô tặc cốt còn gọi là Mai mực, Nang mực, là xương của loài Mực nang hay một số loài Mực khác như: Mực ván, Mực ống hoặc Mực cốm.

Khi sử dụng phỉa nấu với nước trong 3 tiếng đồng hồ, sau đó đem ra nướng cho đến khi dược liệu có màu vàng. Tiến hành bỏ lớp vỏ ngoài, nghiền nhỏ, bỏ vào nước, lọc sạch, phơi khô để dùng.

1.2 Đặc điểm hình thái

Mực là loài động vật không xương sống. Cơ thể chia làm 2 phần: đầu và thân. Phần đầu có 8-10 tay (râu) với những hàng giác bám, tay xúc giác dài hơn thân. Miệng ở dưới bụng. Phần thân mềm chiếm 70% trọng lượng, có hình bầu dục, mặt lưng có nhiều vằn gợn sóng. 

Mai mực là lớp vỏ trong bằng đá vôi xốp bọc một lớp sừng mỏng. Mai mực có hình bầu dục dài, dẹt, ở giữa dày, mép mỏng, dài 10-16cm, rộng 3,5-6,5cm. Mặt lưng màu trắng hoặc hơi ngà, lấm chấm nốt nhỏ, có một lớp màng cứng giòn, mặt bụng trắng, thể chất giòn, xốp, dễ bẻ.

1.3 Đặc điểm phân bố

Mực nang phân bố ở vùng biển cận nhiệt và nhiệt đới. Tại Việt Nam, mực nang có ở dọc vùng biển từ Hải Phòng đến Vũng Tàu. 

2 Thành phần hóa học của mai mực

Thành phần gần đúng của mực nang bao gồm hàm lượng ẩm, tro, lipid và protein; chủ yếu là tro 89,61%, carbohydrate 5,26%, protein 4,78% và lipid 0,35%, tương ứng. Hàm lượng tro cao chứng tỏ có sự hiện diện của các thành phần vô cơ dưới dạng vi khoáng, đặc biệt là Canxi cacbonat (CaCO3) và các vi khoáng khác. 

Các hợp chất hữu cơ như lipid, protein, carbohydrate và chitin chứa trong mực nang có thành phần tương đối thấp so với hàm lượng tro được giải thích là do các hợp chất vô cơ cao. Hàm lượng kim loại nặng trong mực nang cho thấy chì và thủy ngân chứa dưới ngưỡng quy định. 

Hàm lượng khoáng đa lượng và vi lượng bao gồm canxi, phốt pho, Kali, magiê, Sắt, Kẽm, Mangan và natri; cho thấy 40,18% là khoáng đa lượng trong khi khoáng vi lượng là 0,73%. Điều này cho thấy mực nang chủ yếu bao gồm các khoáng chất đa lượng như canxi, magiê, phốt pho và kali.

Mai mực chứa nhiều khoáng chất
Mai mực chứa nhiều khoáng chất

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Chè dây – Vị thuốc chữa bệnh dạ dày và giúp an thần

3 Ô tặc cốt có tác dụng gì?

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Lợi ích với xương

Ô tặc cốt có nhiều lợi ích đối với xương đặc biệt thúc đẩy quá trình lành xương và chu chuyển xương. Các nguyên tố khoáng, đặc biệt là những nguyên tố đủ cao trong mực nang canxi, được sử dụng làm nguồn cung cấp canxi trong thực phẩm cũng như tiền chất canxi trong quá trình tổng hợp hydroxyapatite. Hydroxyapatite là một hợp chất vô cơ rất quan trọng để được ứng dụng làm khung xương người dựa trên gốm sinh học vì nó có tính tương thích sinh học, hoạt tính sinh học và đặc tính dẫn truyền xương tốt.

Nghiên cứu cho thấy bột mai mực có tiềm năng đặc biệt để trở thành một nguồn bổ sung canxi tự chọn, đặc biệt ở những con chuột bị loãng xương sau mãn kinh do khả năng hấp thụ và chống lại sự mất xương bằng cách thúc đẩy quá trình hình thành xương và giảm tiêu xương.

3.1.2 Tác dụng đối với dạ dày

Ô tặc cốt có chứa thành phần là canxi cacbonat (CaCO3), chất này sau khi vào cơ thể có tác dụng trung hòa acid dịch vị từ đó làm giảm đau, giảm các triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng. Ô tặc cốt có thể sử dụng như một loại thuốc kháng acid.

3.1.3 Tác dụng khác

Các khoáng chất khác như kali, Magie, photpho, mangan, sắt, kẽm, natri rất có lợi cho sức khỏe con người. Chitin được xác định trong mai mực có tiềm năng phát triển như chất hấp phụ chất thải kim loại nặng và thuốc nhuộm, chất bảo quản, chống nấm, mỹ phẩm, dược phẩm, chất keo tụ, chống ung thư và kháng khuẩn.

Tác dụng của Ô tặc cốt
Tác dụng của Ô tặc cốt

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Quy bản – Vị thuốc bổ dưỡng, tăng lực từ mai và yếm rùa

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Ô tặc cốt có tính ấm, vị mặn, chát, mùi hơi tanh, không độc, có tác dụng chỉ huyết, làm se. Thịt mực có tính bình, vị ngọt, chua, có tác dụng bổ trung, ích khí, điều kinh.

Trong đông y, Ô tặc cốt được dùng trong chữa ho máu, băng huyết, trẻ em chậm lớn; đi ngoài ra máu. Dùng ngoài chữa viêm tai có mủ, chảy máu cam, đau mắt hột, bỏng, lở loét…

Ô tặc cốt còn có tác dụng chữa quy đầu ở đàn ông bị lên mụn lâu ngày không khỏi bằng cách nghiền thành bột mịn sau đó rắc vào vùng tổn thương.

Đối với phụ nữ bị chứng âm thực theo giải thích là chứng sâu ăn ở trong cửa mình khiến cho vùng này bị sưng đau, lấy ô tặc cốt nghiền thành bột, thêm rượu vào uống.

Ngoài ra, Ô tặc cốt còn được sử dụng trong các trường hợp như tai chảy nước, tai điếc, đau mắt đỏ, mộng lồi, chảy nước mắt, đau bụng quanh rốm, phụ nữ bị chứng huyết khô, không có kinh nguyệt lâu ngày, người bị hư khí lạnh không có con.

4 Các bài thuốc từ Ô tặc cốt

4.1 Ô tặc cốt chữa loét dạ dày – tá tràng, ợ chua, táo bón 

Bài 1: Ô tặc cốt 20g, Cam Thảo 12g, thổ bối mẫu 6g. Tán nhỏ thành bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g trước ăn 30 phút.

Bài 2: Ô tặc cốt 60g, Mẫu Lệ (nung), gạo tẻ (sao vàng) mỗi vị 30g, hoàng bá (sao vàng), kê nội kim (sao vàng), cam thảo mỗi vị 20g, hàn the (phi) 10g. Tán thành bột mịn, ngày uống 2 lần, người lớn mỗi lần 8g, trẻ em 5-10 tuổi mỗi lần 2g, trẻ em trên 10 tuổi mỗi lần 4g.

Bài 3: Ô tặc cốt 120g, cam thảo 200g, kê nội kim, Hương Phụ (chế với giấm và nước tiểu, sao vàng), mỗi vị 20g, lá cà độc dược khô 12g, hàn the, phèn chua mỗi vị 10g (đều phi), Trần Bì 8g. Tán thành bột mịn, ngày uống 2-3 lần vào giữa 2 bữa ăn. Người lớn mỗi lần 4g, chiêu với nước ấm. Không nên dùng cho trẻ em và bà bầu.

4.2 Chữa cam tẩu mã, loét mũi, viêm tai chảy nước

Nguyên liệu: Ô tặc cốt, Hoàng Liên, thanh đại, hồng đơn, ngũ bội tử, Tế Tân, nhân trung bạch mỗi vị 12g, phèn phi 8g, mai hoa 4g.

Cách làm: Sao riêng từng vị, trừ hồng đơn, mai hoa, thanh đại, rồi tán nhỏ mịn, trộn đều, khi dùng rắc vào vết thương.

Bài thuốc chữa loét dạ dày từ Ô tặc cốt
Bài thuốc chữa loét dạ dày từ Ô tặc cốt

4.3 Bài thuốc Trung Quốc từ Mực

Chữa tắc kinh: Thịt mực 1 con, đào nhân 15g. Nấu chín, ăn làm 1 lần.

Bổ máu, khai vị, tăng thể lực cho đàn bà dễ đẻ: Thịt mực 250g rửa sạch, thái nhỏ, xào chín với ít muối và 1-2 thìa nước gừng. Ăn hàng ngày.

Thanh nhiệt, giải độc, giảm mỡ, hạ huyết áp: Thịt mực 50-100g thái miếng, luộc chín, để ráo. Cho vào bát, thêm Gừng, muối mỗi thứ 5g, hành, giấm, Dầu Vừng đen mỗi thứ 10g, trộn đều, ăn trong ngày.

Chữa chảy máu dạ dày, tử cung: Nước đen của Mực đun nhỏ lửa tới khi thành bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1-2g.

Chữa thở khò khè, thở gấp, nhiều đờm: Ô tặc cốt sấy khô, tán bột, mỗi lần uống 15g với một ít đường đỏ.

5 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả K U Henggu (Đăng vào năm 2021). Morphological characteristics and chemical composition of Cuttlebone (Sepia sp.) at Muara Angke fishing port, Jakarta Indonesia, IOP Conf. Ser.: Earth Environ. Sci. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2023. 

2. Chủ biên Trần Hùng (Xuất bản năm 2021). Mực trang 221-222, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.

Để lại một bình luận