Cây Ô Rô Nước, còn được gọi là cây Ô Rô Xanh là thực vật được tìm thấy ở nhiều địa phương ven biển của nước ta. Cây có tác dụng chữa phong thấp, tê bì tay chân,…Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về cây Ô Rô Nước
1 Giới thiệu
Tên gọi khác: Ô Rô To, Ô Rô Gai, Ô Rô Xanh,…
Tên khoa học: Acanthus ilicifolius.
Họ thực vật: Ô Rô (Acanthaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây bụi thẳng đứng, cao tới 2 mét.
Thân dày, đường kính 9mm, hình trụ, phân nhánh ở phần trên và không có lông.
Các lá phụ có gai, cuống lá dài 3-6 mm, các lá thuôn dài hình mũi mác, dài 6-14cm, rộng 2-5cm, đỉnh nhọn, gốc hình nêm, gân chính lõm ở mặt trên, gân chính bên lồi rõ ở mặt sau, mỗi bên có 4-5 gân bên, nhô ra từ đỉnh của thùy dưới dạng gai nhọn.
Tràng hoa màu trắng, dài 3-4cm, ống tràng dài khoảng 6mm, môi trên hình trứng, có 4 nhị hoa, dài gần bằng nhau, bao phấn 1 ô, xẻ dọc.
Quả nang có hình bầu dục, dài 2,5-3 cm, có 4 hạt. Hạt dẹt, tròn, hình thận, màu vàng nhạt.
Mùa hoa quả thường rơi vào tháng 10 đến tháng 11.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Cả cây, cả rễ.
Thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Ở Việt Nam, chi Acanthus L. có khoảng 4 loài.
Loài Ô Rô phân bố rải rác từ Trung Quốc đến Malaysia, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan.
Tại Việt Nam, Ô Rô Nước phân bố chủ yếu tại các tỉnh ven biển, vùng đồng bằng Nam Bộ.
Ô Rô Nước có bản chất là cây ưa ánh sáng, thường mọc thành bụi tại các bờ kênh rạch và đầm lầy ở cửa sống.
Cây có thể sống ở cả vùng nước lợ và nước ngọt.
Ở các tỉnh đồng bằng trung du Bắc Bộ (như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) cũng có thể bắt gặp Ô Rô Nước mọc rải rác ở các ao hồ.
Cây ra hoa và kết trái hàng năm.
Hạt giống phát tán nhờ nước, tuy nhiên, chỉ có những hạt giống trôi dạt được vào bờ mới có thể nảy mầm.
Ô Rô Nước có thể tái sinh sau khi bị chặt.
2 Thành phần hóa học
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Ô Rô Nước có chứa alcaloid, tanin và 1 Saponin triterpenoid.
3 Tác dụng – Công dụng của cây ô rô nước
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng kháng khuẩn
Các hoạt chất chiết xuất trong cây Ô Rô Nước có tác dụng kháng khuẩn khi được nghiên cứu bằng phương pháp khuếch tán trong môi trường thạch, tuy nhiên, không thấy có tác dụng đối với E.coli, Pseudomonas aeruginosa và Streptococcus aureus.
3.1.2 Tác dụng lợi tiểu
Sử dụng toàn cây Ô Rô Nước, rửa sạch, phơi khô, sau đó nghiền nhỏ thành bột, chiết bằng cồn 50 độ thu được thành phẩm là cao khô. Khi nghiên cứu trên chuột thấy có tác dụng lợi tiểu.
3.1.3 Thử độc tính cấp
Sử dụng cao khô Ô Rô Nước, khi tiêm trong màng bụng của chuột nhắt trắng với liều 1000mg cho mỗi kg, chuột không chết.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Vị mặn, hơi chua và đắng, tính hàn.
Tác dụng: Lợi tiểu, thanh nhiệt, trừ thấp, chống viêm, hạ khí, tiêu đờm.
3.2.2 Công dụng
Cả cây được sử dụng để chữa các bệnh liên quan đến tê thấp, nhức mỏi, các bệnh về gan, hen suyễn, bệnh bạch huyết, nhiễm khuẩn với liều 30-60g, sắc lấy nước uống. Lá và búp non của cây sau khi thu hái, rửa sạch và giã nát, nước để uống, bã để đắp vào vết rắn cắn.
Lá và ngọn của cây Ô Rô Nước sau khi sao, có thể bọc vào vải sạch để chườm lên các vùng đau nhức, đau thần kinh, thấp khớp.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Ô Rô Nước
4.1 Chữa gan lách sưng to
30g Ô Rô Nước.
15g Liên Kiều.
12g Thóc Lép.
Các vị sắc lấy nước uống, nên uống đều đặn.
4.2 Chữa đau gan, giải độc gan, tăng cường chức năng gan
30g Ô Rô Nước.
Sử dụng vỏ thân hay lá quao 30g.
Sắc lấy nước uống.
4.3 Chữa tràng nhạc, bệnh bạch huyết
30g Ô Rô Nước.
12g Thóc Lép.
20g Mỏ Quạ.
Sắc lấy nước uống trong ngày, nên sử dụng đều đặn.
4.4 Chữa thấp khớp, nhức xương, đau lưng
35g Ô Rô Nước.
4g Quế Chi.
25g Canh Châu.
18g rễ cây Kim Vàng.
Tẩm rượu, sao vàng các vị thuốc.
Sắc lấy nước chia làm 2 lần uống trong ngày, nên uống lúc đói.
4.5 Chữa đàm, ho
35g rễ Ô Rô Nước.
60-120g thịt lợn nạc.
500ml nước.
Ninh nhỏ lửa trong 6 giờ, cho đến khi nước còn 150ml.
Chia làm 2 lần uống trong ngày.
4.6 Chữa táo bón, nước tiểu vàng
35g rễ Ô Rô.
30g Vừng Đen.
18g Lá Muồng Trầu.
Vừng giã nát, 2 vị còn lại thái nhỏ.
Sắc lấy nước uống 3 lần trong ngày.
4.7 Chữa rong huyết
35g Rễ Ô Rô Nước sao cháy.
35g Bồ Hoàng sao cháy.
18g Kinh Giới sao cháy.
Sắc chia làm 2 lần uống trong ngày, nên sử dụng đều đặn.
4.8 Chữa ho gà
20g hoa Ô Rô Nước tẩm mật mía hoặc Mật Ong, sao khô.
Sắc lấy nước chia làm 2 lần uống trong ngày.
5 Tài liệu tham khảo
Cây thuốc và động vật làm thuốc, tập 2, xuất bản năm 2006. Ô Rô Nước, trang 497-4988. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2024.