Nữ Lang (Valeriana hardwickii Wall.)

Nữ Lang (Valeriana hardwickii Wall.)

Nữ lang được biết đến khá phổ biến với công dụng chữa bệnh giảm lo âu, mất ngủ, đau dạ dày và động kinh. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Nữ lang.

1 Cây nữ lang là cây gì?

Nữ lang, tên khoa học là Valeriana hardwickii Wall., thuộc họ Nữ lang (Valerianaccac).

1.1 Hình ảnh cây nữ lang

Cây thảo, sống lâu năm, chiều cao trung bình khoảng 1m. Thân cây có thể có lông trên các đốt và ở gốc, có rãnh và nhẵn,. Lá của cây dài từ 5 đến 10cm, rộng từ 3.5 đến 7.5cm, có kích thước và hình dạng khác nhau. Mỗi lá có 3 đến 5 lá chét nguyên hoặc khía răng, và lá chét cuối cùng thường lớn hơn. Lá không có cuống, có thể dài từ 1 đến 6cm và rộng từ 0.5 đến 3cm. Trên cây thường xuất hiện cụm hoa hình xim ngù, lá bắc có khía răng và hoa nhỏ màu trắng dính với bầu. Quả của cây có một mặt mang răng mảnh nhọn, mặt còn lại sần sùi, có đài tồn tại, 3 đường lồi, bế dẹt và có lông. Cây thường đơm hoa vào tháng 10 – tháng 2.

Cây Nữ lang - Vị thuốc quý chữa bệnh lo âu, mất ngủ
Hình ảnh cây Nữ lang

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Rễ thu hái vào mùa thu, có thể phơi khô hay dùng tươi. 

1.3 Đặc điểm phân bố

Valeriana L. là một chi cây gồm khoảng hơn 10 loài, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới Bắc bán cầu. Tuy nhiên, chỉ có một số đại diện của chi này được tìm thấy ở vành đai nhiệt đới, đặc biệt là ở vùng núi cao. Mới đây, đã có phát hiện về một số loài của chi Valeriana ở vùng núi thuộc Nam Mỹ, bao gồm cả Chi Lê và Braxin.

Ở Việt Nam, có hai loài cây nữ lang và sì to (Valeriana jatamansi Jones) được tìm thấy ở vùng núi cao trên 1300 mét. Nữ lang có nguồn gốc ở vùng cận Himalaya ở Ấn Độ và Trung Quốc và phân bố rộng ở các nước Lào và Việt Nam. Cụ thể, nữ lang được tìm thấy tập trung ở nhiều địa điểm như Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa (Lào Cai); Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc (Hà Giang); Trà My (Quảng Nam); Phong Thổ (Lai Châu); Đắc Tô (Kon Tum). Nữ lang là một loại cây ưa khí hậu ẩm mát, sống ở vùng nhiệt đới núi cao, với nhiệt độ trung bình năm từ 15 đến 18 độ và độ ẩm không khí trung bình 80-85%. Cây ưa sáng và có thể chịu được chút bóng nhất là thời kỳ cây còn nhỏ. Trong tự nhiên, nữ lang thường mọc tập trung thành từng đám dưới chân núi đá vôi ẩm (Lào Cai, Hà Giang) hoặc gần nguồn nước (Trà My).

Nữ lang là một loại cây thuốc quý hiếm ở Việt Nam. Trong vài năm gần đây, loài cây này đã được thu thập và trồng ở vườn Trại thuộc Sa Pa – Viện Dược liệu và cho thấy kết quả tốt.

Cây Nữ lang - Vị thuốc quý chữa bệnh lo âu, mất ngủ
Vị thuốc cây nữ lang

2 Thành phần hóa học

Tinh dầu nữ lang có mùi thơm đặc trưng giống như tinh dầu của loài Valeriana officinalis. Trên sắc ký lớp mỏng với nhiều hệ dung môi khác nhau, tinh dầu nữ lang cho thấy nhiều vết giống như các vết trong tinh dầu Valeriana officinalis.

3 Rễ cây nữ lang có tác dụng gì?

3.1 Tác dụng dược lý 

Các nguồn tài liệu nước ngoài cho biết rễ nữ lang có những tính chất tương tự như rễ của hai loài thực vật Valeriana jatamansi và Valeriana officinalis, bao gồm tác dụng an thần, giảm căng thẳng, gây ngủ và giảm co thắt cơ trơn. Ngoài ra, rễ nữ lang còn có tác dụng hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt và tăng sản xuất mồ hôi.

Để hiểu rõ hơn về tác dụng dược lý của rễ nữ lang, ta có thể tham khảo tác dụng của Valeriana officinalis. Về tác dụng lên hệ thần kinh, các hợp chất được chiết xuất từ Valeriana officinalis như valerenal, acid valerenic và valeranon đều có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương. Đối với hệ cơ trơn, thành phần tinh dầu của Valeriana officinalis trên mẫu tiêu bản ruột thỏ cô lập có tác dụng chống co thắt do acetylcholin hoặc barium chloride gây ra, còn thành phần không phải tinh dầu có tác dụng không rõ ràng. Đối với tim mạch, dạng chiết Ethanol của Valeriana officinalis được thử nghiệm trên mèo gây mê, mở lồng ngực và tiêm tĩnh mạch với liều 50mg/kg có tác dụng làm tăng lưu lượng tuần hoàn mạch vành, giảm nhịp tim đáng kể và gây hạ huyết áp trong thời gian ngắn.

Cây Nữ lang - Vị thuốc quý chữa bệnh lo âu, mất ngủ
Hoa, lá cây Nữ lang

Một nghiên cứu về Valeriana hardwickii đã chỉ ra rõ sự hiện diện của tác dụng chống co thắt và chống tiêu chảy trong thân rễ của cây này, được cho là do phong tỏa kênh Canxi, và nghiên cứu này cung cấp cơ sở cơ học vững chắc cho việc sử dụng cây trong các rối loạn Đường tiêu hóa, chẳng hạn như đau bụng và bệnh tiêu chảy.

3.2 Vị thuốc cây Nữ lang – Công dụng theo y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Nữ lang có vị ngọt, đắng, tính bình và có tác dụng có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, an thần, minh tâm.

3.2.2 Tác dụng của cây Nữ lang

Nữ lang là loại cây thuộc về địa phương, được sử dụng để chữa bệnh giảm lo âu, mất ngủ, đau dạ dày và động kinh. Cách sử dụng là hãm 10g dược liệu với 100ml nước sôi, để nguội và uống trong ngày hoặc nghiền dược liệu thành bài uống mỗi ngày 1-4g. Ngoài ra, còn có thể sử dụng dạng thái nhỏ ngâm cồn và dạng cao mềm. Trong khi ở Ấn Độ và Indonesia, rễ của cây nữ lang được dùng làm thuốc thay thế cho Valeriana officinalis dưới dạng rượu thuốc và cũng được dùng để làm hương liệu, thuốc làm thơm tóc. Valeriana officinalis cũng là một loại thuốc được sử dụng trong y học hiện đại để chữa bệnh giảm lo âu, mất ngủ, giảm đau và chữa hen suyễn.Ở Trung Quốc, V. officinalis được phối hợp với Ngũ Vị Tử để ngâm trong rượu trắng, mỗi vị 60g, uống 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 5-10ml để chữa trị thần kinh suy nhược.

Cây Nữ lang - Vị thuốc quý chữa bệnh lo âu, mất ngủ
Trà, cao nữ lang

4 Bài thuốc từ cây Nữ lang

4.1 Bài thuốc an thần trị mất ngủ

Dùng rễ và thân cây nữ lang 15g, đổ vào nồi với 300ml nước, sắc lại cho đến khi còn 200ml nước, uống 02 lần trong ngày, vào buổi sáng và tối.

4.2 Điều trị bệnh đau dạ dày

Lấy 100g rễ cây nữ lang, rửa sạch và phơi khô, sau đó tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 6g, nấu với nước và uống 02 lần mỗi ngày.

4.3 Tăng cường sức khỏe

Sử dụng 10g cây nữ lang và 10g Đỏ Ngọn, đun nấu với nước và uống trong ngày.

5 Tài liệu tham khảo

  1. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam. Nữ lang trang 484 tập 2. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
  2. Tác giả Samra Bashir và cộng sự (Đăng ngày 03 tháng 3 năm 2011). Antispasmodic and Antidiarrheal Activities of Valeriana hardwickii Wall. Rhizome Are Putatively Mediated through Calcium Channel Blockade, Hindawi. Truy cập ngày 27 tháng 04 năm 2023.

Để lại một bình luận