Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) |
Asterales (Cúc) |
Họ(familia) |
Asteraceae (Cúc) |
Chi(genus) |
Vernonia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Vernonia patula (Alt.) Merr. |
Nụ áo tím thuộc dạng cây thảo, cây sống theo năm, chiều cao mỗi cây khoảng 60cm hoặc có cây phát triển lên đến 1 mét. Cây có tác dụng chữa sốt xuất huyết và chữa rong kinh. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Vernonia patula (Alt.) Merr.
Tên đồng nghĩa: Vernonia chinensis Less.
Tên gọi khác: Cúc bạc đầu.
Họ thực vật: Cúc Asteraceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Nụ áo tím thuộc dạng cây thảo, cây sống theo năm, chiều cao mỗi cây khoảng 60cm hoặc có cây phát triển lên đến 1 mét.
Thân cây cứng, có dạng hình trụ, bề mặt hơi có lông, cây thường phân cành ở đoạn giữa thân. Cành cây mảnh, hơi khía nhẹ.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình thoi, chiều dài mỗi lá khoảng từ 2,5 đến 5cm, chiều rộng từ 1 đến 1,5cm. Gốc lá thuôn, đầu lá nhọn, mép lá hơi khía răng cưa. Mặt dưới của lá có phủ một lớp lông trắng, mặt trên của lá không có lông.
Cuống lá có chiều dài khoảng 1,5cm. Những lá ở gần ngọn gần như không có cuống.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành ngù, cuống hoa có chiều dài khoảng 4 đến 6cm, mang những đầu có dạng hình cầu.
Hoa màu tím, tràng hình trụ, có 5 thùy.
Quả bế, có 4-5 cạnh, nhẵn.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 6 đến tháng 10.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Quanh năm, tốt nhất nên thu hái vào mùa hè.
Chế biến: Rửa sạch, có thể dùng tươi hoặc dùng khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Vernonia Schreb. là một chi lớn, gồm nhiều loài, phân bố rộng khắp từ ôn đới đến nhiệt đới.
Tại nước ta, chi này có khoảng 25 loài, trong đó Nụ áo tím được coi là một loài cỏ dại, được tìm thấy ở nhiều nơi, ở độ cao dưới 1000 mét.
Cây còn được tìm thấy ở các khu vực khác của Đông Nam Á, Ấn Độ, Lào, Trung Quốc,…
Cây thường mọc lẫn với những loài cây cỏ khác trong vườn, ngoài bãi hoang, ven đường đi,…
Cây ra hoa quả nhiều, thường là vào cuối mùa hè đến đầu mùa thu.
Hạt của cây Nụ áo tím có kích thước nhỏ nên dễ phát tán, cây con mọc từ hạt chủ yếu vào cuối xuân và đầu hè.
Nhân dân Ấn Độ còn trồng cây và dùng ngọn non để làm rau ăn.
2 Tác dụng – Công dụng của cây nụ áo tím
2.1 Tác dụng dược lý
Viện Dược liệu và nghiên cứu tác dụng dược lý của cây và có được kết quả như sau:
2.1.1 Tác dụng kháng progestagen
Khi sử dụng phương pháp McPhail ở những con thỏ cái chưa trưởng thành có trọng lượng cơ thể từ 600 đến 700g, tiến hành tiêm estrasid 6 ngày, sau đó tiêm progesteron 5 ngày, tiến hành đem xét nghiệm tổ chức học niêm mạc tử cung thấy lớp đệm và tuyến phát triển mạnh.
Lô cho uống cao Nụ áo tím chiết cồn tính theo dược liệu khô là 10g/kg và 20g/kg cho thấy lớp đệm và tuyến giảm 60%, lô dùng liều 5g/kg giảm 33%. Điều này cho thấy cao Nụ áo tím có tác dụng kháng progestagen khá.
2.1.2 Tác dụng kháng estrogen
Áp dụng phương pháp Lerner trên chuột nhắt cái trưởng thành. Khi cắt 2 bên buồng trứng sau đó chăm sóc 15 ngày, tiến hành kiểm tra tế bào âm đạo, nếu cắt tốt thì không thấy tế bào sừng.
Chia chuột làm 3 lô:
- Lô đối chứng không dùng gì vẫn thấy tế bào sừng.
- Lô chuẩn dùng estrasid thì thấy 100% có tế bào sừng.
- Lô estrasid có dùng dịch chiết nụ áo tím liều 5g/kg thấy 60% có tế bào sừng, liều 10g/kg thấy 50% có tế bào sừng.
Điều này chứng tỏ nụ áo tím có tác dụng kháng estrogen khá.
Một số tác dụng khác:
- Tác dụng co bóp tử cung.
- Tác dụng chống viêm cấp.
- Tác dụng chống viêm mạn.
- Tác dụng ức chế tăng sinh bạch cầu.
2.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
2.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Đắng, ngọt, tính mát.
Tác dụng hạ sốt, bổ, tán hàn, làm ra mồ hôi, làm se, cầm tiêu chảy,…
2.2.2 Công dụng
Toàn cây được dùng để chữa viêm ruột, dạ dày cấp tính, cảm mạo phong nhiệt, sốt xuất huyết, cảm lạnh, tiêu chảy,…
Cây còn dùng trong trường hợp phụ nữ rong huyết hoặc trừ hậu sản ở phụ nữ sau khi sinh.
Có thể dùng cây để giã nát, đắp chữa mụn nhọt.
Liều dùng được khuyến cáo là 15-30g đem sắc nước uống
3 Một số cách trị bệnh từ cây Nụ áo tím
3.1 Chữa sốt xuất huyết
15g Nụ áo tím.
10g vỏ Núc Nác hoặc lá khế.
5g nụ hòe.
Các vị đem sao vàng, sắc chia làm 2 lần uống trong ngày.
Nên dùng liền từ 3-5 ngày.
3.2 Chữa rong kinh
20g cả cây nụ áo tím.
10g toàn cây bạc thau hoa đầu.
5g lá Ngải Cứu.
Đem sắc nước uống trong ngày.
Dùng từ 3 đến 5 ngày.
Có thể giã xong ép lấy nước uống.
4 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Nụ áo tím, trang 479-480. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2024.