Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) |
Caryophyllales (Cẩm chướng) |
Họ(familia) |
Polygonaceae (Rau răm) |
Chi(genus) |
Coccoloba |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Coccoloba uvifera L. |
|
Danh pháp đồng nghĩa | |
Polygonum uvifera L. |
Nho biển thuộc dạng gỗ lớn, tán cây rậm rạp nên thường được trồng ven biển để chắn gió. Quả mọc giống chùm nho, có thể ăn được. Nho biển có tác dụng chữa kiết lỵ, tiêu chảy, vết thương ngoài da. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Nho biển
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Coccoloba uvifera L.
Tên đồng nghĩa: Polygonum uvifera L.
Tên gọi khác: Tra biển.
Họ thực vật: Rau răm Polygonaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Nho biển thuộc dạng gỗ lớn, tán cây rậm rạp nên thường được trồng ven biển để chắn gió. Cây có dáng đẹp.
Phiến lá có dạng hình tim tròn, dài, mép lá nguyên.
Chiều dài cuống khoảng 0,5 đến 1cm. Cuống lá có bẹ chìa ngắn, hình ống, có màu đỏ.
Cụm hoa mọc thành bông dài, chiều dài có thể lên đến 30cm. Hoa tạo tính, màu trắng hoặc màu lục vàng, hoa có mùi thơm.
Nhị 8, có nhị lép.
Bầu 3 vòi nhụy ngắn.
Quả bế, quả mọc thành chùm như chùm nho.
Mùa hoa rơi vào tháng 5 đến tháng 6, mùa quả rơi vào mùa hè hoặc mùa thu.
Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Quả, vỏ.
1.2 Đặc điểm phân bố
Phân bố gốc ở Trung Mỹ. Cây còn được tìm thấy ở một số quốc gia khác như Thái Lan, Philipin.
Sau đó, cây được du nhập vào nước ta, thường được trồng trên các con đường ở vùng ven biển.
Nho biển là loài có khả năng chịu được mặn, chịu được nắng gió.
Cây ra hoa gần như quanh năm.
Tại nước ta, cây thường được bắt gặp ở một số tỉnh thành như Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Định.
2 Thành phần hóa học
Các hợp chất được phân lập từ dịch chiết methanol của lá bao gồm:
- Axit galic.
- Metyl gallate.
- Este metyl axit protocatechuic.
- Axit protocatechuic.
- Quercetin 3- O -β-d-glucopyranoside.
- Kaempferol 3- O -β-D-neohesperidoside.
- Myricitrin 4″- O -gallate.
- Myricetin 3- O -β-d-glucopyranoside.
- Myricetin 3- O -arabinopyranoside.
3 Tác dụng – Công dụng của cây nho biển
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng kháng khuẩn
Hạt của cây Nho biển sau khi được chiết xuất bằng methanol đã thể hiện các hoạt tính kháng khuẩn đối với Salmonella typhimurium và Staphylococcus Aureus, các hợp chất hóa học phân lập được bao gồm flavonoid, Saponin, polyphenol và tannin.
3.1.2 Chống oxy hóa
Anthocyanin, axit ascorbic, hợp chất phenolic và Flavonoid có đặc tính chống oxy hóa và loại bỏ gốc tự do đã được xác định trong chiết xuất từ quả của cây Nho biển. Ngoài ra, chiết xuất Ethanol và nước của từ lá của cây cũng có khả năng chống oxy hóa hiệu quả thông qua việc loại bỏ gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH) và có đặc tính kháng khuẩn yếu.
3.1.3 Tác dụng khác
Axit ascoricic, anthocyanin, hợp chất phenolic và flavonoid đều được tìm thấy có trong quả của cây Nho biển cho thấy tác dụng chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do có hại.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Quả và vỏ cây đều có tác dụng thu liễm, trừ lỵ.
3.2.2 Công dụng
Nho biển được trồng để làm cảnh, cho bóng mát và che gió ở các vùng ven biển.
Vỏ quả và rễ của cây được dùng để làm thuốc nhuộm có màu đỏ.
Gỗ của cây Nho biển cũng được sử dụng để sản xuất đồ mỹ nghệ.
‘Cây Nho biển có ăn được không?’ Quả của cây có hình giống chùm nho, có vị ngọt, hơi chua, có thể ăn được. Y học cổ truyền còn sử dụng quả để chữa bệnh lỵ. Vỏ cây Nho biển cũng có tác dụng này.
Lá của cây Nho biển đã được sử dụng để điều trị hen suyễn, vết thương và các bệnh về da.
Người Mỹ sử dụng lá, vỏ và rễ của cây Nho biển để pha trà. Nước sắc từ rễ, vỏ của cây có tác dụng chữa tiêu chảy, xuất huyết, kiết lỵ và nhiễm trùng hoa liễu. Ngoài ra, nước sắc cũng có thể được dùng ngoài để điều trị các bệnh ngoài da như phát ban, ngứa ngáy.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi (xuất bản năm 2021). Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Nho biển, trang 354-355. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2024.
Tác giả Salwa A Abu El Wafa và cộng sự (Ngày đăng 22 tháng 8 năm 2023). Coccoloba uvifera Leaves: Polyphenolic Profile, Cytotoxicity, and Antioxidant Evaluation, PubMed. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2024.
Tác giả Salwa A. Abu El Wafa và cộng sự (Ngày đăng 5 tháng 9 năm 2023). Coccoloba uvifera Leaves: Polyphenolic Profile, Cytotoxicity, and Antioxidant Evaluation, NCBI. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2024.