Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị viêm gan vàng da, giúp đẹp tóc đẹp da, Ngấy hương được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Thuốc Gia Đình xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Ngấy hương.
1 Giới thiệu về cây Ngấy hương
Ngấy hương còn có tên gọi khác là Ngấy, Đùm đũm hương, mọc rải rác trong rừng cói, ven rừng, ven đường, trên các đồi hoang, ở độ cao đến 1000m.
Tên khoa học của Ngấy hương là Rubus cochinchinensis Tratt., thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Dưới đây là hình ảnh cây Ngấy hương.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ dạng bụi, mọc dựa vào cây khác, phân nhánh nhiều. Cành vươn dài, thân cành non có lông, sau nhẵn, có gai nhỏ cong về phía gốc. Lá mọc so le, kép chân vịt có 5 lá chét, lá chét ở giữa lớn nhất. Các lá phía trên ngọn có 3 lá chét hình mũi mác, gốc thuôn, đầu nhọn. Mặt trên lá màu xanh, mặt dưới có lông trắng ngà hay vàng sẫm, mép khía răng cưa. Cuống lá chung dài 3-6cm, có lông và gai nhỏ; lá kèm rụng sớm.
Cụm hoa mọc ở nách lá gần ngọn thành chùm, hoa màu trắng. Đài hoa có 5 răng nhỏ phủ lông hung ở mép và mặt trong. Tràng có 5 cánh mỏng, ngắn hơn đài; nhị xếp nhiều lớp, chỉ nhị dẹt; lá noãn nhiều. Quả kép hình cầu hay hình trứng, có đài tồn tại, gồm nhiều quả hạch con, khi chín màu đỏ. Ra hoa quả quanh năm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ, thân, lá, quả.
Ở Trung Quốc, Ngấy hương được gọi là vị thuốc Ngũ diệp bào.
Thân lá thu hái quanh năm, phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây có ở Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia.
2 Phân biệt cây Ngấy hương và Ngũ gia bì gai
Có nhiều người thường nhầm lẫn giữa cây Ngấy hương và cây Ngũ gia bì gai. Dưới đây là một số đặc điểm nổi bật giúp bạn dễ dàng phân biệt 2 loại cây này.
Đặc điểm |
Ngấy hương |
Ngũ gia bì gai |
Thân cây |
Gai chạy dọc theo thân |
Thân cây có gai và gai còn mọc ở các nách lá |
Lá |
Mặt trên lá có màu xanh, mặt dưới có lông màu trắng ngày hoặc màu vàng sậm |
2 mặt của lá nhẵn, mặt trên lá có màu sẫm bóng, gân lá có gai |
Cụm hoa |
Mọc ở nách lá gần ngọn thành chùm |
Mọc ở đầu cành thành chùm |
Quả |
Hình cầu hoặc hình trứng Còn đài Có nhiều quả hạch con Khi chín có màu đỏ |
Quả thuộc dạng hình cầu Khi chín có màu đen |
3 Thành phần hóa học
Phân tích sơ bộ thành phần hóa học cho thấy Ngấy hương có chứa triterpenoid, saponin, tanin, flavonoid, acid phenolic và các hợp chất khử.
Hai Saponin (suavissimosid F1 và niga-ichigosid F1) cùng một Flavonoid (apigenin) và hai acid phenolic (acid vanillic và acid protocatechuic) đã được phân lập từ cao Ethanol của phần trên mặt đất cây Ngấy hương thu hái tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam.
Từ 60g cao ethyl acetat thu được 9 hợp chất được xác định cấu trúc: apigenin (18,9mg), acid vanillic (18,6mg), acid protocatechuic (46,1mg), acid gallic (28,8mg), artoflavanocoumarin (12,4mg), niga-ichigosid F1 (43,25mg), suavissimosid R1 (327,7mg), kaempferol 3-O-rutinoside (9,8mg) và 24,3a,19a,23-tetrahydroxyurs-12-en-24,28-dioic acid 28-B-D-glucopyranosyl ester (61,3mg).
EtOAc và chiết xuất n-BuOH của lá cây chứa epicatechin cùng 5 triterpen thuộc loại axit ursolic: axit ursolic, axit 2-oxo-pomolic, axit uric, suavissimoside F1 và 2-O-acetylsuavissomoside F1.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Ráy gai – Vị thuốc trị viêm gan, chữa đau nhức xương khớp
4 Tác dụng – Công dụng của Ngấy hương
4.1 Tác dụng dược lý
Hiện có rất ít nghiên cứu về tác dụng dược lý của Ngấy hương, nghiên cứu cho thấy cây có khả năng kháng viêm và chống oxy hóa.
Thử nghiệm hoạt tính sinh học cao dichloromethan có tác dụng kháng viêm (IC50 31,17 mcg/ml). Cao ethyl acetat và n-butanol cho tác dụng chống oxy hóa tốt nhất với IC50 lần lượt là 22,23 và 18,25 mcg/ml. Các chất acid protocatechuic, acid gallic, artoflavanocoumarin có tác dụng chống oxy hóa DPPH với IC50 lần lượt là 60,34; 19,22 và 60,24 mcmol. Ngoài ra, hợp chất acid gallic, artoflavanocoumarin còn có tác dụng chống oxy hóa MDA với IC50 lần lượt là 348,46 và 337,57 mcmol.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Mâm xôi – Loại quả giúp bổ thận, tăng sinh lý, khỏe tiêu hóa
4.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Cây Ngấy có tác dụng gì? Ngấy hương có tính bình, vị chua, hợi ngọt, mùi thơm nhẹ, quy vào kinh tỳ, thận, có tác dụng lợi tiêu hóa, bổ ngũ tạng, ích tinh khí, mạnh chí, tăng lực, giải độc, tiêu phù. Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ và lá có vị đắng, cay, tính ấm, có tác dụng khu phong, trừ thấp, hành khí.
Trong đông y, lá được dùng trong trừ hàn thấp, làm đẹp da, đen tóc, tăng tuổi thọ; chữa tiêu hóa kém, phù thũng, viêm gan hoàng đản. Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ, lá trị đau lưng gối, chân tay tê đau, phong thấp đau xương.
5 Cách dùng và bài thuốc từ cây Ngấy hương
5.1 Cách dùng
Quả dùng để ăn, liều 6-12g mỗi ngày.
Thân lá phơi khô, thái nhỏ, sao thơm, nấu nước uống như trà, dùng cho phụ nữ sau sinh, lợi tiêu hóa, chữa viêm gan vàng da, đẹp da tóc. Dây nấu nước uống và tắm, chữa sản hậu. Thân lá không sao, sắc uống giải nhiệt, phối hợp với các vị khác chữa tiểu buốt, tiểu vàng. Liều dùng 15-30g hoặc hơn.
5.2 Bài thuốc
5.2.1 Chữa phù thũng
Nguyên liệu: Ngấy hương 20g, bạch mao căn, cỏ Mần Trầu mỗi vị 10g. Trường hợp tiểu máu thêm Dừa Cạn 10g.
Cách làm: Nguyên liệu thái nhỏ sao vàng, sắc với 400ml nước tới khi còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày.
5.2.2 Chữa cảm thấp, nôn mửa, gai lạnh, ăn không tiêu
Dùng lá Ngấy hương 40-50g, phơi khô, sắc lấy nước uống. Có thể thêm Gừng sống 3g, lá sả 20g.
5.2.3 Chữa vàng da
Nguyên liệu: Ngấy hương 20g, lá vằng 10g.
Cách làm: Nguyên liệu phơi khô, tán nhỏ, sắc uống. Dùng 7-10 ngày.
5.2.4 Chữa viêm gan, đau gan
Nguyên liệu: Ngấy hương 30g, khúc khắc, Đảng Sâm, Rau Má mỗi vị 20g, Râu Ngô, vỏ Núc Nác, lá chanh mỗi vị 5g. Trường hợp bị sốt thêm kim ngân 20g.
Cách làm: Nguyên liệu thái nhỏ, sao vàng, sắc lấy nước uống. Liều lượng cho trẻ em tùy vào độ tuổi, thường bằng ⅓-⅔ liều thông thường.
5.2.5 Chữa tóc khô, hay rụng
Mỗi ngày, ăn trực tiếp quả Ngấy hương, đồng thời ép lấy tinh dầu bôi vào chân tóc.
6 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Ngấy trang 279, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2023.
2. Tác giả Phạm Nguyễn Anh Thư (Luận văn thạc sĩ Dược học năm 2022). Nghiên cứu thành phần hóa học theo hướng tác dụng kháng viêm và chống oxy hóa của cây Ngấy hương (Rubus cochinchinensis Tratt., Rosaceae), Đại học Y dược Tp.Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2023.