Cây ngái là vị thuốc được biết đến với công dụng chữa cảm mạo, mụn nhọt, đinh râu…. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về cây ngái.
1 Giới thiệu về cây ngái
Cây ngái thuộc họ Dâu tằm – Moraceae, có tên khoa học là Ficus hispida L. f.
2 Đặc điểm thực vật
Cây ngái có các đặc điểm như sau:
Cây có kích thước trung bình, cao 3- 5m, có các nhánh khoẻ, lúc dầu có lông cứng màu nâu hay tái, về sau nhẵn.
Lá mọc đối, ít nhất cũng là ở ngọn các nhánh, hình trái xoan ngược hay bầu dục, tù hay tròn ở gốc, có mũi ở chóp, có răng, có lông nhám ở cả hai mặt, dài 11-20cm, rộng 5-12cm, có 3 gân, hai gần bên lên đến phân nửa phiến; cuống có lông ráp, dài 15-30mm.
Quả sung có cuống và mọc trên một nhánh ngắn đặc biệt ít khi có lá, nằm ở gốc thân và kéo ra trên mặt đất. Quả này có lông nhám, đường kính 1-2cm, lúc chín màu vàng
Có những thứ khác nhau có quả mọc trên thân hay ở đất, lông tái hay nâu đen, quả đỏ hay quả vàng.
3 Sinh thái và phân bố của cây ngái
3.1 Sinh thái
Cây ngái được tìm thấy mọc rải rác ven rừng, quanh làng bản, từ thấp đến độ cao lên đến 1200m. Cây có khả năng ra hoa quả quanh năm.
3.2 Phân bố
Ở Việt Nam, cây ngái phân bố phổ biến khắp nơi trên cả nước, từ đồng bằng đến miền núi. Còn có ở các nước khác thuộc Đông Nam Á, Châu Đại Dương. Cây ngái cũng được tìm thấy ở Trung Quốc.
Bộ phận dùng: Cây ngái có thể sử dụng cả rễ, lá, vỏ và quả – Radix, Folium, Cortex et Fructus Fici Hispidae.
Các thu hái, chế biến: Có thể thu hái các bộ phận của cây quanh năm. Rửa rễ, phơi khô, lột bỏ lớp vỏ ngoài, dùng lớp thứ hai. Nhặt bỏ lông trên lá rồi sấy khô.
4 Thành phần hoá học
Trong cây có chứa saponin.
Trong một nghiên cứu gần đây, hơn 76 hợp chất đã được phân lập từ F.hispida, bao gồm sesquiterpenoid và triterpenoid, Flavonoid, coumarin, axit phenylpropionic, dẫn xuất axit benzoic, alkaloid, steroid, glycoside khác và ankan…
5 Công dụng
5.1 Tính vị, tác dụng
Trong y học cổ truyền cho thấy: Cây ngái có vị ngọt dịu, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt khi thấp, tiêu tích hoá đàm, hành khí tán ứ.
Ficus hispida Lf (Moraceae) từ lâu đã được sử dụng như một loại thuốc truyền thống ở Ấn Độ, Trung Quốc, Sri Lanka, Úc và Myanmar trong điều trị tiêu chảy, loét, thiếu máu, tiểu đường, viêm nhiễm và ung thư.
5.2 Công dụng
Cây ngái thường dùng chữa:
1. Cảm mạo, viêm nhánh phế quản;
2. Tiêu hoá kém, lỵ;
3. Phong thấp, đau nhức khớp, đòn ngã tổn thương;
4. Cụm nhọt ở nách, đinh râu.
Liều dùng: 15-30g, dạng thuốc sắc. Giã cây tươi đắp ngoài hay nấu nước rửa.
Ở Malaixia, nước sắc lá dùng uống trị sốt rét và dùng cho phụ nữ sau khi sinh uống. Nước sắc vỏ dùng trị sốt cho trẻ em. Vỏ dùng làm thuốc gây nôn. Quả chín dùng ăn có tính lợi sữa.
Ở Giava và Trung Quốc, người ta cũng dùng quả làm mứt. Quả đốt thành than ngâm nước hay rượu chữa đau răng. Rễ sao vàng sắc uống điều kinh. Quả ăn sống có thể gây ngộ độc.
5.3 Đơn thuốc có chứa cây ngái
5.4 Cụm nhọt
Dùng lá và quả tươi, lấy lượng vừa đủ, giã nát rồi đắp vào chỗ đau
5.5 Đinh râu
Búp Ngái lẫn với hạt Cau dùng lượng vừa đủ, sau đó giã và đắp lên đinh râu
5.6 Đau mắt
Dùng giấy mỏng cắt tròn bằng đồng xu, sau đó phết Nhựa ngái lên, dán vào đuôi mắt, dùng 1-2 ngày.
6 Tài liệu tham khảo
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 2 (Xuất bản năm 2021). Ngái trang 269 – 270, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 02 tháng 06 năm 2023.
- Tác giả: Jia-Xin Cheng và cộng sự (Ngày đăng: năm 2020). Traditional uses, phytochemistry, and pharmacology of Ficus hispida L.f.: A review, Pubmed. Truy cập ngày 02 tháng 05 năm 2023.