Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
SULFACETAMID NATRI
Tên chung quốc tế: Sulfacetamide sodium.
Mã ATC: S01AB04.
Loại thuốc: Sulfonamid kháng khuẩn.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc nhỏ mắt: 10% (5 ml, 15 ml), 15%, 30% (chứa một số thành phần khác như paraben, Benzalkonium clorid).
Mỡ tra mắt: 10% (3,5 g).
Dung dịch dùng ngoài, hỗn dịch dùng ngoài, gel dùng ngoài, xà phòng: 10% (170 ml, 340 ml).
2 Dược lực học
Sulfacetamid natri là một dẫn chất sulfonamid dễ tan trong nước, cho dung dịch trung tính nên ít kích ứng kết mạc hơn các sulfonamid khác và thường được dùng làm thuốc nhỏ mắt. Sulfacetamid natri thường có tác dụng kìm khuẩn, nhưng ở nồng độ rất cao có thể diệt khuẩn. Sulfonamid cản trở vi khuẩn sử dụng acid para-aminobenzoic (PABA) hoặc acid para-aminobenzoic glutamic trong quá trình sinh tổng hợp acid folic, cần thiết cho sự phát triển của các vi khuẩn nhạy cảm. Chỉ những vi khuẩn tự tổng hợp Acid Folic mới bị ức chế bởi sulfonamid; những vi khuẩn có khả năng sử dụng tiền chất của acid folic hoặc acid folic có sẵn thì không bị tác động bởi các sulfamid. Tác dụng chống vi khuẩn của sulfonamid bị giảm khi có máu hoặc mủ vì chúng có chứa acid para-aminobenzoic.
In vitro, sulfonamid có phổ tác dụng kháng khuẩn rộng chống vi khuẩn Gram dương (Streptococcus, Pneumococcus), vi khuẩn Gram âm (Meningococcus, Gonococcus, E. coli, Shigella)… và một số vi khuẩn khác bao gồm Chlamydia trachomatis. Tuy nhiên, những vi khuẩn trước đây nhạy cảm với sulfonamid, nay có tỷ lệ kháng ngày càng tăng, nên làm giảm khả năng sử dụng trong lâm sàng của thuốc này. Những vi khuẩn kháng với một sulfonamid thường kháng chéo với tất cả các sulfonamid. Những vi khuẩn kháng cao với sulfonamid thường kháng vĩnh viễn, nhưng trường hợp kháng nhẹ và trung bình thì có thể trở lại nhạy cảm.
3 Dược động học
Sulfonamid hấp thu không đáng kể qua niêm mạc, nhưng sau khi nhỏ dung dịch sulfacetamid 30% vào mắt thì một lượng nhỏ có thể được hấp thụ vào giác mạc
4 Chỉ định
Mắt: Điều trị và phòng viêm kết mạc, loét giác mạc và các nhiễm khuẩn nông ở mặt (viêm bờ mi) do những vi khuẩn nhạy cảm; đau mắt hột và các nhiễm khuẩn Chlamydia khác (phụ thêm cho liệu pháp sulfonamid uống hoặc tetracyclin uống).
Phòng nhiễm khuẩn sau khi lấy dị vật hoặc khi có tổn thương ở mắt.
Trên da: viêm da nhờn có vảy, nhiễm khuẩn da, mụn trứng cá thông thường.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với sulfacetamid.
Trẻ em dưới 2 tháng tuổi.
6 Thận trọng
Thuốc có thể bị mất tác dụng do máu có chứa acid para- aminobenzoic. Thuốc mỡ có thể làm chậm lành biểu mô giác mạc. Thận trọng với những chế phẩm có chứa sulfid vì nó có thể gây phản ứng quá mẫn. Mẫn cảm chéo có thể xảy ra khi trước đó có dùng sulfonamid bằng các đường khác. Có thể làm các vi khuẩn không nhạy cảm kể cả nấm, phát triển quá mức.
7 Thời kỳ mang thai
Có thể dùng cho người mang thai.
8 Thời kỳ cho con bú
Có thể dùng cho phụ nữ đang thời kỳ cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Khi dùng sulfacetamid tại chỗ trên mắt, có thể kích ứng tại chỗ, gây nóng rát hoặc xót, nhưng ít khi nặng đến nỗi phải ngừng thuốc. Sung huyết kết mạc hiếm xảy ra.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Dùng cho mắt
Trẻ em trên 2 tháng tuổi và người lớn.
Thuốc mỡ 10% có thể bôi vào túi kết mạc dưới, 1 – 4 lần/ngày và lúc đi ngủ. Một cách khác, thuốc mỡ được bôi vào buổi tối phối hợp với nhỏ thuốc ban ngày.
Dung dịch 10%: Nhỏ 1 – 2 giọt vào túi kết mạc dưới, có thể cách 2 – 3 giờ/ần, nhỏ suốt ngày, đêm ít hơn, khoảng cách liều kéo dài ra khi có đáp ứng điều trị, thời gian điều trị thường 7 – 10 ngày. Nếu dùng dung dịch 15%: Nhỏ 1 – 2 giọt vào túi kết mục dưới, ban đầu cách nhau 1 – 2 giờ, về sau, khoảng cách dài ra, tùy theo đáp ứng của người bệnh. Với nhiễm khuẩn nặng, nhỏ 1 giọt dung dịch 30% vào túi kết mạc dưới, cách 2 giờ/lần, hoặc lâu hơn, phụ thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn.
Bệnh mắt hột: Nhỏ 2 giọt dung dịch 10%, cách 2 giờ/lần, phối hợp với uống sulfonamid hoặc tetracyclin. Một cách khác: Bôi thuốc mỡ vào mỗi mắt, 2 lần mỗi ngày, trong 2 tháng, hoặc 2 lần mỗi ngày, trong 5 ngày đầu mỗi tháng, trong 6 tháng.
10.2 Trên da
Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:
Mụn trứng cá: Bôi một lớp mỏng lên vùng da bị bệnh, 2 lần/ngày.
Viêm da nhờn: Thường bôi thuốc lúc đi ngủ và để qua đêm. Nếu nặng, có thể bôi 2 lần/ngày. Thời gian điều trị 8 – 10 lần bôi; khoảng cách liều có thể tăng khi thấy giảm nổi ban. Bôi 1 hoặc 2 lần/tuần, hoặc cách tuần 1 lần để phòng nổi ban.
Nhiễm khuẩn da: Bôi 2 – 4 lần/ngày đến khi hết nhiễm khuẩn.
11 Tương tác thuốc
Không nên dùng đồng thời với Gentamicin sulfat, vi có đối kháng in vitro. Không dùng đồng thời với các dẫn xuất của acid para- aminobenzoic.
Không dùng với chế phẩm có chứa bạc.
12 Tương kỵ
Sulfacetamid natri tương kỵ với các chế phẩm có chứa bạc. Có thể tạo tủa với Kẽm sulfat, tùy thuộc vào nồng độ của thuốc.
Cập nhật lần cuối: 2020