Natri Ascorbate được sử dụng trong lâm sàng nhằm mục đích dự phòng và điều trị thiếu Vitamin C và hỗ trợ điều trị một số bệnh. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Natri Ascorbate.
1 Tổng quan
1.1 Sodium Ascorbate là gì?
Natri Ascorbate hay Sodium Ascorbate là muối natri của Acid Ascorbic, nó được gọi là ascorbate khoáng chất. Natri Ascorbate được sản xuất bằng cách hòa tan Acid Ascorbic trong nước và thêm một lượng Natri Bicarbonate tương đương vào nước. Sau khi ngừng sủi bọt, Natri Ascorbate được kết tủa bằng cách thêm isopropanol .
1.2 Đặc điểm hoạt chất Natri Ascorbate:
Công thức cấu tạo: C6H7O6Na.
Trạng thái: Tinh thể nhỏ hoặc bột màu trắng. Độ pH của dung dịch từ 5,6 đến 7,0 hoặc cao hơn.
2 Tác dụng dược lý
2.1 Dược lực học
Natri Ascorbat cùng với Acid ascorbic và các muối Calci Ascorbat là các dạng chủ yếu của Vitamin C. Vitamin C là một loại vitamin thiết yếu hòa tan trong nước có trong trái cây tươi và rau quả. Vitamin C gồm cả acid ascorbic và acid dehydroascorbic (DHA); cả hai hợp chất đều thể hiện hoạt tính chống vi khuẩn.
Vitamin C là một chất chống oxy hóa và một đồng yếu tố trong các quá trình trao đổi chất và enzym. Ngoài ra, cũng cần thiết cho sự hình thành Collagen và sửa chữa mô.
2.2 Dược động học
Hấp thu
Sodium Ascorbate được hấp thu dễ dàng ngay sau khi uống nhưng có thể bị hạn chế sau khi dùng liều rất lớn. Hấp thu vitamin C ở dạ dày – ruột có thể giảm ở người tiêu chảy hoặc có bệnh về dạ dày – ruột.
Phân bố
Sodium ascorbate phân bố rộng rãi trong các mô cơ thể. Nồng độ vitamin C cao được tìm thấy ở gan, bạch cầu, tiểu cầu, mô tuyến và thuỷ tinh thể của mắt. Nồng độ trong bạch cầu và tiểu cầu cao hơn trong hồng cầu và huyết tương. Đi qua được nhau thai và phân bố trong sữa mẹ. Liên kết protein huyết tương khoảng 25%.
Chuyển hóa
Sodium ascorbate bị oxy hóa thuận nghịch thành acid dehydroascorbic. Một ít vitamin C chuyển hóa thành những hợp chất không có hoạt tính gồm ascorbic acid-2-sulfat và acid oxalic.
Thải trừ
Sodium ascorbate bài tiết qua nước tiểu. Khi cơ thể bão hoà Acid Ascorbic và nồng độ máu vượt quá ngưỡng, Acid Ascorbic không biến đổi được và đào thải vào nước tiểu.
3 Chỉ định – Chống chỉ định
3.1 Chỉ định
Natri Ascorbat có tác dụng gì?
- Phòng và điều trị bệnh Scorbut.
- Bổ sung vào khẩu phần ăn cho người ăn kiêng.
- Phối hợp với Desferrioxamin để làm tăng thêm đào thải sắt trong điều trị bệnh Thalassemia.
- Methemoglobin huyết vô căn.
- Acid hoá nước tiểu.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: sử dụng liều lượng lớn để làm giảm mức độ nghiêm trọng và để ngăn ngừa cảm lạnh thông thường.
- Nhiễm khuẩn huyết.
- Giảm nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi cao ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
3.2 Chống chỉ định
- Người có tiền sử dị ứng với Sodium Ascorbate.
- Không dùng liều cao cho người thiếu men glucose-6 phosphat dehydrogenase (G6PD) do nguy cơ gây huyết tán.
- Người có tiền sử sỏi thận, tăng oxalate niệu và loạn chuyển hóa oxalate, bị bệnh thalassemia.
4 Liều dùng – Cách dùng của Natri Ascorbate
4.1 Liều dùng
4.1.1 Điều trị bệnh Scorbut
Đối tượng | Liều dùng |
Người lớn | 100 – 250 mg/lần, 1 – 2 lần/ngày. |
Trẻ em | 100 – 300 mg/ngày, chia làm nhiều lần. |
4.1.2 Toan hóa nước tiểu
Đối tượng | Liều dùng – Cách dùng |
Người lớn | 4 – 12 g/ngày chia 3 – 4 lần. |
Trẻ em | 500 mg cách 6 – 8 giờ/lần. |
4.1.3 Bệnh thoái hóa điểm vàng
Uống 500 mg kết hợp với beta carotene 15 mg, vitamin E 400 đơn vị, và Kẽm (dưới dạng oxid kẽm) 80 mg, với đồng (dưới dạng oxid cupric) 2 mg (để ngăn ngừa thiếu máu) hàng ngày.
4.1.4 Nhiễm khuẩn đường hô hấp: cảm lạnh thông thường
Phòng ngừa và điều trị cảm lạnh bằng cách uống: 1 – 3 g hoặc hơn mỗi ngày.
4.1.5 Methemoglobin huyết vô căn
Đường uống: 300 – 600 mg mỗi ngày chia làm nhiều lần.
4.1.6 Tăng bài tiết sắt khi dùng deferoxamin
Uống Acid Ascorbic 100 – 200 mg/ngày, thường cho trong thời gian sử dụng liệu pháp Deferoxamin, nhưng có nhà lâm sàng khuyên chỉ nên dùng Acid Ascorbic 1 tháng sau khi dùng Deferoxamin, và dùng liều thấp nhất có hiệu quả, vì có một số chứng cứ cho thấy liều tương đối cao (như liều 500 mg hoặc > 500 mg/ngày) có thể có tác hại xấu đến đến chức năng tim trong khi dùng Deferoxamin.
4.1.7 Test bão hòa trạng thái dinh dưỡng vitamin C
Uống Acid ascorbic 11 mg/kg. Lấy nước tiểu sau 24 giờ để định lượng Ascorbat. Nếu bài tiết < 20% liều trong 24 giờ được cho là thiếu vitamin C; người bình thường bài tiết > 50% liều.
4.2 Cách dùng
- Thường dùng đường uống. Khi không thể uống được hoặc khi nghi kém hấp thu, và chỉ trong những trường hợp rất đặc biệt, mới dùng đường tiêm. Có thể tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da.
- Khi dùng đường tiêm, tốt nhất là nên tiêm bắp mặc dù thuốc gây đau tại nơi tiêm.
==>> Xem thêm về hoạt chất: Alpha Tocopheron: Đồng phân mạnh nhất của Vitamin E – Dược thư 2022.
5 Tác dụng không mong muốn
Tần suất xuất hiện tác dụng phụ | Biểu hiện |
Thường gặp | Tăng oxalat niệu. |
Ít gặp |
|
6 Tương tác thuốc
Thuốc | Tương tác |
Aspirin | Làm tăng bài tiết acid ascorbic qua nước tiểu và giảm bài tiết Aspirin. |
Fluphenazine | Làm giảm nồng độ fluphenazine huyết tương. |
Sắt | Làm tăng hấp thu sắt qua đường dạ dày – ruột; tuy vậy, đa số người bệnh đều có khả năng hấp thu sắt uống vào một cách đầy đủ mà không phải dùng đồng thời Vitamin C. |
Các xét nghiệm để phát hiện máu trong phân | Khi sử dụng liều cao ascorbat có thể gây kết quả âm tính giả. |
Vitamin B12 | Liều cao Vitamin C có thể gây phá hủy Vitamin B12. |
Selen | Làm giảm hấp thụ Selen. |
Nhôm và Amphetamine | Bị tăng thải trừ qua đường tiểu. |
Amygdalin | Dùng chung có thể gây ngộ độc xyanua. |
Thuốc chống đông máu warfarin | Giảm tác dụng của warfarin. |
==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Vitamin A – Vi chất cần thiết cho cơ thể chúng ta.
7 Thận trọng
- Cần cân nhắc cho bệnh nhân đang phải ăn hạn chế muối khi sử dụng muối natri ascorbat. Mỗi gam natri ascorbat chứa khoảng 5 mEq natri.
- Dùng thận trọng với người có tiền sử sỏi thận, tăng oxalat niệu và rối loạn chuyển hóa oxalat (tăng nguy cơ sỏi thận), bị bệnh thalassemia (tăng nguy cơ hấp thu sắt).
- Sử dụng quá mức và kéo dài các chế phẩm chứa vitamin C uống có thể gây nên sự ăn mòn men răng.
- Có thể gây tan máu ở trẻ sơ sinh thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase.
- Dùng liều cao, kéo dài cho phụ nữ có thai, có thể làm tăng nhu cầu về vitamin C và dẫn đến bệnh Scorbut ở trẻ sơ sinh.
8 Cập nhật thông tin nghiên cứu mới của Natri Ascorbate
Tiềm năng điều trị của Vitamin C liều lớn trong việc đảo ngược rối loạn chức năng cơ quan trong nhiễm trùng huyết và Covid-19:
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Natri Ascorbate tiêm tĩnh mạch liều lớn (150g mỗi 40kg trong 7 giờ) đã cải thiện đáng kể tình trạng lâm sàng và chức năng tim mạch, phổi, gan và thận cũng như giảm nhiệt độ cơ thể, trong mô hình nhiễm trùng huyết do vi khuẩn gram âm có liên quan đến lâm sàng. Ở một bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 nguy kịch, Natri Ascorbate tiêm tĩnh mạch (60g) phục hồi huyết áp, cải thiện chức năng thận và tăng nồng độ oxy trong máu động mạch. Những phát hiện này cho thấy rằng Vitamin C liều cao nên được thử nghiệm như một phương pháp điều trị nhiễm trùng huyết và Covid-19.
9 Các dạng bào chế phổ biến của Natri Ascorbate
Viên nang phóng thích kéo dài: 250 mg, 500 mg;
Kẹo ngậm: 60 mg;
Dung dịch uống: 25 mg giọt, 100 mg/mL, 500 mg/ 5 mL, 1500mg/ 5 ml;
Viên nén: 50 mg, 100 mg, 200 mg, 250 mg, 500 mg, 1g;
Viên nén nhai: 100 mg, 250 mg, 500 mg, 1 g;
Viên nén phóng thích kéo dài: 500 mg, 1 g, 1,5 g;
Dung dịch tiêm: 100 mg/mL, 222 mg/mL, 250 mg/mL, 500 mg/mL;
Dung dịch đậm đặc 150 mg/ml pha tiêm/tiêm truyền.
Ngoài ra còn có các sản phẩm chứa Natri Ascorbate trên thị trường hiện nay gồm: Elumax, Brauer Baby & Kid Liquid, Viên uống T.RIMAX, Blackmores Bio C 1000, Strepsils Orange With, Tinh chất Serum Kiều Xuân,…
Hình ảnh một số sản phẩm chứa Natri Ascorbate:
10 Tài liệu tham khảo
1. Dược thư quốc gia Việt Nam 1 (Xuất bản năm 2018). Acid Ascorbic trang 121 đến 123 . Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2023.
2. Chuyên gia Pubchem. Sodium Ascorbate. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2023.
3. Tác giả Clive N May và cộng sự (Đăng ngày 24 tháng 6 năm 2021). Therapeutic potential of megadose vitamin C to reverse organ dysfunction in sepsis and COVID-19, Pubmed. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2023.