Nam việt Quất được biết đến khá phổ biến với công dụng chống oxy hóa, tốt cho tim mạch. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Nam việt quất.
1 Nam việt quất là quả gì?
Nam việt quất còn có tên gọi khác là Mạn việt quất, mọc dại ở các vùng đầm lầy phân hóa ở miền ôn đới Bắc bán cầu.
Tên khoa học của Nam việt quất là Vaccinium oxycoccus Subg., thuộc họ Thạch nam (Ericaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây bụi cao khoảng 40cm. Cành mảnh và xơ xác, hơi nâu và có lông nhỏ hoặc nhẵn. Các nhánh già hơn có màu nâu đỏ sẫm và nhẵn, mọc rễ ở các đốt. Thân cây thường ẩn dưới lớp rêu. Các lá mọc xen kẽ, thường xanh, hình elip thuôn dài, gốc thuôn, đầu nhọn với các cạnh cuộn lại bên dưới, sáng bóng ở mặt trên và hơi xám ở mặt dưới, dài 5 – 15mm.
Hoa đơn độc hoặc 2 đến 3 hoa mọc trên thân dài, dài 2 – 4cm, có màu từ trắng đến hồng đậm, mỗi bông có 4 cánh hoa xếp lại. Quả mọng hình cầu, màu hồng nhạt đến đỏ sẫm, đường kính 0,5-2cm.
Cần lưu ý Việt quất và Nam việt quất là hai loại quả khác nhau. Việt quất có tên khoa học là Vaccinium myrtillus, tên thường gọi là Blueberry, đôi khi được gọi là Việt quất đen, vì khi chín, quả có màu xanh đen và bao phủ một lớp phấn trắng, trong khi quả Nam việt quất có màu đỏ sẫm khi chín.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Quả, tên tiếng anh là Cranberry.
Có thể dùng tươi hoặc khô hoặc chế biến như thực phẩm.
1.3 Đặc điểm phân bố
Loại cây này mọc từ Alaska đến California (bao gồm cả British Columbia), phía đông đến Idaho và từ vùng Trung Tây phía trên qua Hoa Kỳ và Canada đến bờ biển Đại Tây Dương.
2 Thành phần hóa học
Quả Nam việt quất có thành phần hóa học thực vật đa dạng với các axit phenolic như axit hydroxycinnamic, ba loại flavonoid (tức là flavonol, anthocyanin và proanthocyanidin), catechin và triterpenoid.
Nhóm hợp chất | Hợp chất |
Axit phenolic | Axit gallic, axit vanilic, axit 2,3-dihydroxybenzoic, 2,4-dihydroxybenzoic, axit p-hydroxyphenylacetic, axit coumaric, axit caffeic, axit ferulic |
Flavonoid | Myricetin-3-galactoside, myricetin-3-arabinofuranoside, quercetin-3-galactoside, quercetin-3-glucoside, quercetin-3-rhamnospyranoside và quercetin-3-O-(6′ ′-p-benzoyl)-galactoside |
Anthocyanin | Glycoside của cyanidin, delphinidin, malvidin, peonidin, và petunidin |
Proanthocyanidin | Catechin, epicatechin, dimer và trimer loại A… |
Về dinh dưỡng, một khẩu phần 80g Nam việt quất tươi cung cấp: 12kcal/52kj, 0,3g chất đạm, 0,1g chất béo, 2,7g carbohydrate, 2,7g đường, 3,2g chất xơ, 76 mg Kali, 10 mg Vitamin C.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Mâm xôi – Loại quả giúp bổ thận, tăng sinh lý, khỏe tiêu hóa
3 Tác dụng của Nam việt quất
3.1 Giàu chất chống oxy hóa
Quả Nam việt quất chứa các hợp chất thực vật có tác dụng chống oxy hóa bảo vệ. Hầu hết những chất này được tìm thấy trong vỏ của quả mọng và do đó có thể bị mất đi trong quá trình ép.
3.2 Ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu
Nước ép Nam việt quất có lẽ nổi tiếng nhất trong việc kiểm soát nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Quả Nam việt quất có chứa các hợp chất được gọi là proanthocyanidins, có lợi ích kháng khuẩn tự nhiên và có thể giúp ngăn vi khuẩn Escherichia coli bám vào bề mặt bên trong của bàng quang và đường tiết niệu, gây nhiễm trùng.
Có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng uống nước ép Nam việt quất có thể giúp ngăn ngừa UTI và sự tái phát của nó, nhưng nó dường như kém hiệu quả hơn một khi nhiễm trùng đã được kiểm soát. Một số nghiên cứu cũng cho thấy điều này có thể không hiệu quả với tất cả mọi người. Nếu bạn định uống nước ép Nam việt quất vì những lợi ích tiềm ẩn của nó đối với UTI, thì nên chọn loại nước ép 100% không đường.
3.3 Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Một số nghiên cứu trên người cho thấy việc tiêu thụ thường xuyên nước trái cây hoặc chiết xuất từ quả mọng có lợi cho sức khỏe tim mạch, giảm một số yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim. Chúng bao gồm cải thiện sự cân bằng cholesterol, giảm huyết áp và giảm một hợp chất gọi là homocysteine, được biết là gây tổn thương niêm mạc mạch máu. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là một số phát hiện mâu thuẫn đã được báo cáo từ các nghiên cứu tương tự khác.
3.4 Chống loét dạ dày và ung thư dạ dày
Quả Nam việt quất chứa một hợp chất thực vật có thể làm giảm nguy cơ loét dạ dày và ung thư dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra. Tiêu thụ các sản phẩm Nam việt quất, vốn rất giàu hợp chất này (được gọi là pro-anthocyanidins loại A), dường như ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và do đó làm giảm nguy cơ phát triển ung thư dạ dày.
3.5 Chống ung thư
Quả Nam việt quất là một trong những nguồn thực phẩm tốt nhất chứa axit ursolic, một hợp chất thực vật có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và có khả năng chống ung thư. Nó đã được coi là đặc biệt hữu ích trong ung thư tuyến tiền liệt.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Trái Maqui berry – Nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời
4 Cách sử dụng Nam việt quất
4.1 Sử dụng truyền thống
Nhiều bộ lạc Tây Bắc Thái Bình Dương đã ăn trái cây sống, nấu chín (luộc) và sấy khô. Các loại quả mọng cũng đã được sử dụng để làm bánh pudding, toppings, mứt, thạch và bánh nướng. Lá đã được sử dụng để pha trà. Quả Nam việt quất chủ yếu được sử dụng như một loại thuốc truyền thống để điều trị bệnh bàng quang và thận của người da đỏ châu Mỹ; được sử dụng trong các nền văn hóa Đông u vì vai trò dân gian của chúng trong điều trị ung thư và hạ sốt.
4.2 Sử dụng hiện đại
4.2.1 Dạng dùng và chỉ định
Hiện nay, ngoài là thực phẩm ăn trực tiếp hoặc ăn khô, ăn dưới dạng mứt, salad…, quả Nam việt quất còn được dùng dưới dạng chiết xuất trong các chế phẩm bổ sung chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như các loại viên uống Nam việt quất…
4.2.2 Liều lượng
Liều cocktail nước ép (25% nước ép Nam việt quất nguyên chất) dao động từ 120 đến 1.000 mL/ngày chia làm nhiều lần. Chiết xuất Nam việt quất cô đặc ở dạng viên nén và viên nang có sẵn và 600mg đến hơn 1.200mg/ngày với liều chia đã được sử dụng trong các nghiên cứu về UTI. Để ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu sau khi đặt ống thông trong phẫu thuật phụ khoa tự chọn, chiết xuất Nam việt quất 360mg (proanthocyanidins 36mg) đã được sử dụng hai lần mỗi ngày trong 6 tuần.
4.2.3 Tác dụng phụ và lưu ý
Có thể bị dị ứng với quả Nam việt quất, mặc dù điều này có vẻ hiếm. Các loại quả mọng chứa một lượng đáng kể hợp chất gọi là axit salicylic, có thể gây ra phản ứng ở những người nhạy cảm. Những người bị dị ứng Aspirin nên tránh tiêu thụ một lượng lớn nước ép Nam việt quất.
Các dấu hiệu của phản ứng nhẹ bao gồm ngứa miệng hoặc lưỡi, hắt hơi hoặc sổ mũi. Nếu bạn gặp những triệu chứng này, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.
Ngoài ra, quả Nam việt quất và các sản phẩm từ quả Nam việt quất cô đặc có thể chứa một lượng lớn oxalate, có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận ở một số người dễ mắc bệnh.
Quả Nam việt quất và bất kỳ sản phẩm nào có chứa chúng hoặc nước ép của chúng có thể tương tác với một số loại thuốc được kê đơn, bao gồm cả warfarin, do đó nên thông báo với bác sĩ của bạn trước khi dùng.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Tunde Jurikova và cộng sự (Ngày đăng 21 tháng 12 năm 2018). Bioactive Compounds, Antioxidant Activity, and Biological Effects of European Cranberry (Vaccinium oxycoccos), NCBI. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2023.
2. Chuyên gia của Drugs.com (Ngày cập nhật 19 tháng 12 năm 2023). Cranberry, Drugs.com. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2023.