Naftidrofuryl

Naftidrofuryl được chỉ định để điều trị các rối loạn mạch máu ngoại vi và các rối loạn mạch máu não, điển hình là chứng đau cách hồi. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Naftidrofuryl.

1 Naftidrofuryl là gì? 

Naftidrofuryl là thuốc giãn mạch, cải thiện lưu thông máu. Naftidrofuryl đã được sử dụng trong điều trị chứng đau cách hồi trong hơn 30 năm ở Châu  u. Đau cách hồi là những cơn đau thường xảy ra khi vận động, chẳng hạn như đi bộ, gây ra bởi tình trạng lưu lượng máu đến nuôi vùng vận động đó quá ít.

Trong một số nghiên cứu gần đây, Naftidrofuryl 200mg, 3 lần mỗi ngày cho thấy hiệu quả giảm đau và cải thiện quãng đường đi bộ tối đa, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống. 

2 Đặc điểm dược lý của Naftidrofuryl

2.1 Đặc điểm dược lực học

Naftidrofuryl là thuốc giãn mạch, nhưng cơ chế hoạt động của nó rất phức tạp và chưa được hiểu đầy đủ.

Các nhà khoa học cho biết, Naftidrofuryl là chất ức chế chọn lọc thụ thể serotonin và có thể liên quan đến oxit nitric trong một số động tác vận động. Naftidrofuryl dường như làm giảm tác dụng co mạch của serotonin được giải phóng từ lớp nội mạc bị tổn thương, ức chế sự kết tập tiểu cầu và co thắt mạch do tiểu cầu, đồng thời cải thiện tính linh hoạt và khả năng kết tụ của hồng cầu.

Naftidrofuryl dường như cũng cải thiện quá trình trao đổi chất hiếu khí trong thành mạch máu. Thử nghiệm cho thấy, tỷ lệ lactate: pyruvate giảm ở những người tình nguyện khỏe mạnh trong khi tập thể dục và áp suất oxy qua da được cải thiện ở những bệnh nhân bị đau cách hồi. 

2.2 Đặc điểm dược động học

Naftidrofuryl đường uống được hấp thu tương đối nhanh. Nồng độ đỉnh trung bình trong huyết tương ở những người tình nguyện khỏe mạnh dùng một liều duy nhất 200mg Naftidrofuryl đạt được sau trung bình 2,75 giờ. 

Khoảng 80% thuốc liên kết với protein huyết tương. 

Naftidrofuryl bài tiết chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng các chất chuyển hóa. Thời gian bán thải cuối cùng ngắn nên đòi hỏi phải dùng liều chia làm ba lần mỗi ngày. Không cần điều chỉnh liều lượng ở người cao tuổi.

2.3 Hiệu quả lâm sàng

Dùng Naftidrofuryl đường uống với liều 600 mg/ngày chia làm 3 lần trong 6 hoặc 12 tháng đã cải thiện khoảng cách đi bộ không đau (PFWD) và khoảng cách đi bộ tối đa (MWD) ở mức độ lớn hơn đáng kể so với giả dược ở những bệnh nhân bị đau cách hồi trong hai thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng giả dược gần đây. Kết quả này được đánh giá trên máy chạy bộ hoặc đánh giá về mặt sinh lý thông qua thiết bị PADHOC™ (Kiểm soát Holter bệnh động mạch ngoại biên). 

Naftidrofuryl 600 mg/ngày giúp cải thiện đáng kể các khía cạnh của chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe sau 6 tháng (dựa trên các tiêu chí đánh giá chính), ở mức độ lớn hơn đáng kể so với giả dược ở những bệnh nhân bị đau cách hồi trong ba nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược gần đây. Kết quả này được đo bằng công cụ Thang đo mức độ đau cách hồi theo từng bệnh (CLAU-S). Hiệu quả lớn nhất trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống là giảm đau cách hồi trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. 

3 Biệt dược chứa Naftidrofuryl

Naftidrofuryl là thuốc bán theo đơn. Các biệt dược phổ biến chứa Naftidrofuryl là: Praxilene 200mg, Naftizine 200mg, Praxilene 100mg, Iridus 100,…

Một số biệt dược chứa Naftidrofuryl
Một số biệt dược chứa Naftidrofuryl

4 Chỉ định

Naftidrofuryl được chỉ định để điều trị các rối loạn mạch máu ngoại vi (đau cách hồi, chuột rút ban đêm, đau khi nghỉ ngơi, vết hoại tử mới, hội chứng Raynaud, bệnh động mạch do tiểu đường và chứng tím tái).

Ngoài ra, Naftidrofuryl được chỉ định để điều trị các rối loạn mạch máu não (suy não và xơ vữa động mạch não, đặc biệt khi những bệnh này biểu hiện như sa sút trí tuệ và lú lẫn ở người cao tuổi).

5 Chống chỉ định

Không sử dụng Naftidrofuryl trong những trường hợp sau:

  • Trẻ em dưới 18 tuổi
  • Bị sỏi thận hoăc có tiền sử sỏi thận
  • Người bị tăng oxy máu niệu
  • Quá mẫn với Naftidrofuryl

6 Liều lượng và cách dùng

Naftidrofuryl thường được bào chế ở dạng viên nén hoặc viên nang, dùng đường uống. Liều lượng cho người trưởng thành là:

  • Điều trị rối loạn mạch máu ngoại vi: 100 mg đến 200 mg ba lần một ngày trong thời gian tối thiểu ba tháng hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Điều trị bệnh mạch máu não: 100 mg ba lần một ngày trong thời gian tối thiểu ba tháng hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Uống cả viên thuốc với nhiều nước cùng với bữa ăn. Chú ý không nhai, bẻ hoặc nghiền viên thuốc. 

7 Thận trọng

Cần thận trọng khi sử dụng Naftidrofuryl cho những đối tượng sau:

  • Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú
  • Người bị suy thận hoặc suy gan
  • Khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc có thể bị ảnh hưởng khi sử dụng Naftidrofuryl.

Một số biệt dược có thể chứa arachis (dầu đậu phộng), đậu nành hoặc dẫn xuất đậu nành. Nên có thể gây dị ứng với một số người. 

Ngừng sử dụng thuốc nếu xảy ra vàng da hoặc các bằng chứng khác về suy gan.

Đảm bảo uống Naftidrofuryl với nhiều nước để đảm bảo quá trình bài niệu diễn ra bình thường. Uống Naftidrofuryl với ít hoặc không có nước trước khi đi ngủ có thể gây viêm thực quản.

Việc sử dụng Naftidrofuryl có thể làm thay đổi thành phần của nước tiểu, thúc đẩy sự hình thành sỏi thận oxalat canxi.

8 Đối với phụ nữ mang thai 

Cần thận trọng khi sử dụng Naftidrofuryl trong thời kỳ mang thai.

Không có đủ bằng chứng về sự an toàn của Naftidrofuryl khi sử dụng trong thai kỳ ở người. Tuy nhiên, thuốc này đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm mà không có bất kỳ báo cáo nào về tác dụng phụ rõ ràng trong thai kỳ. Do đó, việc sử dụng Naftidrofuryl trong thời kỳ mang thai chỉ được coi là chấp nhận được nếu không có biện pháp thay thế an toàn hơn. Trong trường hợp nghi ngờ thuốc ảnh hưởng đến thai nhi, có thể thực hiện xét nghiệm siêu âm để xác nhận sự phát triển bình thường của thai nhi. 

9 Đối với phụ nữ đang cho con bú

Cần thận trọng khi sử dụng Naftidrofuryl cho phụ nữ đang cho con bú. Một số nghiên cứu cho thấy, Naftidrofuryl và chất chuyển hóa chính của nó chỉ xuất hiện với lượng nhỏ trong sữa và không có tác dụng độc hại nào được ghi nhận đối với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, thuôc chỉ nên được sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú trong trường hợp cần thiết. 

10 Tác dụng phụ

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của Naftidrofuryl là các triệu chứng nhẹ về Đường tiêu hóa và hiếm khi phải ngừng điều trị. Các tác dụng phụ ít xảy ra hơn bao gồm nhức đầu, chóng mặt, đỏ bừng, ban đỏ, mất ngủ và chóng mặt. Viêm gan và sỏi Canxi oxalat hiếm khi xảy ra.

11 Quá liều

Uống quá nhiều Naftidrofuryl có thể gặp phải các triệu chứng như co giật, suy tim,… Xử trí quá liều bao gồm rửa dạ dày, gây nôn hoặc sử dụng Than hoạt tính. Sau đó cần theo dõi chức năng tim mạch và hô hấp. Trong trường hợp suy giảm dẫn truyền tim, có thể kích điện tim hoặc sử dụng Isoprenaline. Trong trường hợp bệnh nhân lên cơn co giật có thể sử dụng Diazepam để kiểm soát. 

12 Tài liệu tham khảo

1. David R. Goldsmith, Keri Wellington (Ngày đăng: Ngày 11 tháng 11 năm 2012). Naftidrofuryl, Springer. Ngày truy cập: Ngày 22 tháng 07 năm 2023

2. Medscape (Ngày đăng: Ngày 02 tháng 02 năm 2023). Naftidrofuryl oxalate oral, Medscape. Ngày truy cập: Ngày 22 tháng 07 năm 2023

3. Michael Stewart (Ngày đăng: Ngày 17 tháng 01 năm 2022). Naftidrofuryl capsules, Patient. Ngày truy cập: Ngày 22 tháng 07 năm 2023

Để lại một bình luận