Mũi Mác (Cổ Bình – Desmodium triquetrum)

Mũi Mác (Cổ Bình - Desmodium triquetrum)

Mũi Mác thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao khoảng 0,5 đến 1,5 mét hoặc có cây cao hơn. Nhân dân thường sử dụng Mũi Mác để làm thuốc chữa đau họng, ho có đờm xanh đặc quánh. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Mũi Mác

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Desmodium triquetrum (L.) DC.

Tên gọi khác: Thổ Đâu, Cỏ Bình, Bài Ngày, Hồ Lô Trà, Tràng Quả 3 Cành.

Họ thực vật: Đậu Fabaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Hoa của cây Mũi Mác
Hoa của cây Mũi Mác

Mũi Mác thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao khoảng 0,5 đến 1,5 mét hoặc có cây cao hơn. Gốc cây hóa gỗ, thân và cành của cây Mũi Mác chia làm 3 cạnh, trên bề mặt có lông thưa, cứng.

Lá 1 lá chét, phiến lá rộng, có dạng hình bầu dục, chiều dài lá khoảng 8 đến 13cm, chiều rộng từ 1,5 đến 2,5cm. Cuống lá dài 8 đến 13cm. Gốc lá tròn, mặt dưới của lá có lông tơ nhưng ít.

Cụm hoa mọc thành chùm dài ở đầu cành hay kẽ lá, mỗi chùm hoa có chiều dài khoảng 20cm. Hoa có màu hồng, lá bắc nhỏ, có 4 thùy, thùy có lông, nhị 1, bầu có lông.

Quả có dạng quả đậu, thẳng, trên bề mặt quả có nhiều lông mềm màu xám, mép quả hơi uốn lượn.

Có 6 đến 8 hạt.

Mùa hoa quả rơi vào tháng 6 đến tháng 10.

1.2 Thu hái và chế biến

Lá của cây Mũi Mác
Lá của cây Mũi Mác

Bộ phận dùng: Toàn cây.

Thời điểm thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Mũi Mác được tìm thấy chủ yếu ở các vùng nhiệt đới của châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Quảng Tây (Trung Quốc), Việt Nam, Lào, Vân Nam (Trung Quốc).

Tại nước ta, cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh trung du, vùng núi thấp với độ cao phân bố khoảng dưới 1000 mét. Đôi khi có thể tìm thấy Mũi Mác trong các lùm bụi ở ven đường, bãi hoang.

Mũi Mác là loài ưa sáng, có khả năng chịu bóng nhẹ, chịu hạn tốt, sinh trưởng và phát triển được ở những vùng đất khô cằn, nương rẫy.

Cây ra hoa quả nhiều. Vỏ quả ngoài có phủ một lớp lông nên có thể bám được vào quần áo hoặc lông súc mặt, có khả năng phát tán ra xa.

Cây tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, trồng Mũi Mác để hạn chế sự xói mòn đất vào mùa mưa.

2 Thành phần hóa học

Toàn cây chứa:

  • Friedelin.
  • Epifriedelanol.
  • Stigmasterol.

Lá cây chứa tanin.

3 Tác dụng – Công dụng của cây Mũi mác

Toàn cây Mũi Mác
Toàn cây Mũi Mác

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Tác dụng kháng khuẩn

Toàn cây bỏ rễ đem phơi khô, sử dụng 50g dược liệu khô chiết cùng 500ml nước, cô cách thủy đến khi còn 25ml.

Nhỏ 25 µl vào mỗi khoanh giấy có đường kính khoảng 6mm, đặt lên đĩa thạch có vi khuẩn, cho đĩa thạch vào tủ ấm, cài đặt nhiệt độ 37 độ C. Sau 24 giờ, tiến hành đọc kết quả.

3.1.2 Tác dụng trên virus

Dịch chiết toàn cây bỏ rễ có tác dụng ức chế sự phát triển của virus với nồng độ thấp.

3.1.3 Thử độc tính cấp

Toàn cây bỏ rễ đem chiết cùng với cồn 50 độ, cô dưới áp lực giảm để thu cao khô, tiến hành tiêm trong màng bụng của chuột nhắt trắng với liều 1000mg/kg, chuột không chết.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Vị đắng, tính hơi mát.

Tác dụng: Thanh nhiệt, kiện tỳ, lợi niệu, giải độc, sát trùng.

3.2.2 Công dụng

Thân và lá có tác dụng chữa sốt, cảm mạo, viêm mủ răng, viêm họng, viêm gan vàng da, phù, viêm ruột, tiêu chảy, lỵ, lao xương, nhiễm khuẩn âm đạo.

Liều dùng được khuyến cáo là 30-60g toàn thân bỏ rễ hoặc sử dụng 15-30g lá, chia làm 2-3 lần uống trong ngày.

Dùng 20-30g lá tươi rửa sạch, nhai, nuốt lấy nước, bã để đắp lên chữa rắn cắn.

Nhân dân còn sử dụng lá cây để phòng giòi trong quá trình làm mắm hay muối thịt. Có thể phối hợp thêm nhiều loại thuốc khác để diệt ruồi muỗi.

4 Một số cách trị bệnh từ cây Mũi Mác

Hình ảnh quả của cây Mũi Mác
Hình ảnh quả của cây Mũi Mác

4.1 Chữa tiêu hóa kém, cam tích ở trẻ nhỏ

Sử dụng một lượng bằng nhau các vị Mũi Mác, Cam Thảo, Bạch Mao Căn.

Các vị đem phơi khô, tán thành bột.

Mỗi ngày dùng 10-20g hãm cùng với nước sôi để uống.

4.2 Chữa ho đờm đặc quánh có màu xanh

Sử dụng một lượng bằng nhau các vị Qua Lâu, Xạ Can, Mũi mác.

Mỗi ngày dùng 15-20g sắc lấy nước uống.

4.3 Chữa nôn ra máu

Rễ cây đem thái nhỏ, sao vàng.

Sử dụng 8-12g sắc đặc, trộn cùng với Mật Ong và uống.

4.4 Chữa cảm sốt

30g cành lá cây Mũi Mác.

30g Cúc Tần.

30g Chùa Dù tươi.

Các vị đem nấu lấy nước để uống và để xông cho ra mồ hôi.

5 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Mũi Mác, trang 315-316. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2024.

Để lại một bình luận