Móc (Đùng Đình, Đủng Đỉnh – Caryota urens)

Móc (Đùng Đình, Đủng Đỉnh - Caryota urens)

Móc thuộc dạng cây bụi nhỏ, chiều cao khoảng 2 đến 8 mét. Nhân dân thường sử dụng cây Móc để làm thuốc chữa các bệnh lý như ra khí hư, băng huyết, rong kinh kèm đau bụng. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Móc

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Caryota mitis Lour.

Tên đồng nghĩa: Caryota urens L.

Tên gọi khác: Đùng Đình, Đủng Đỉnh, tiếng Tày gọi là May Khuông.

Họ thực vật: Cau Arecaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Đặc điểm thực vật của cây Móc
Đặc điểm thực vật của cây Móc

Móc thuộc dạng cây bụi nhỏ, chiều cao khoảng 2 đến 8 mét.

Thân cây được tạo thành bởi nhiều bẹ lá tạo thành.

Lá kép lông chim 2 lần, phiến lá dài từ 1 đến 2 mét hoặc hơn. Nhiều lá chét mọc so le, phiến lá có dạng hình tam giác lệch, gốc lá nhọn, đầu lá bằng, mép có răng cưa nhỏ, mỗi lá dài khoảng 15 đến 20cm. Gân lá được xếp đều nhau như nan quạt.

Mỗi cụm hoa có khoảng 4 đến 6 bông mo. Mỗi bông có chiều dài từ 30 đến 40cm, phân nhánh, có nhiều hoa. Hoa đơn tính cùng gốc, hoa cái gần giống hình cầu, hoa đực có lá đài dày. Tràng 3, bầu có dạng hình bầu dục ngược.

Quả kính cầu, mỗi quả có đường kính khoảng 1,4 đến 1,5cm, bề mặt quả nhẵn, có màu đen.

Mỗi quả có 1 hạt, hình bầu dục.

Mùa hoa rơi vào tháng 3 đến tháng 4, mùa quả rơi vào tháng 10 đến tháng 11.

1.2 Thu hái và chế biến

Hoa của cây Móc
Hoa của cây Móc

Bộ phận dùng: Bẹ và rễ.

Thời điểm thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Phơi khô.

Một số nơi còn sử dụng quả.

1.3 Đặc điểm phân bố

Móc là loài cây nhiệt đới, thường được tìm thấy ở các nước như Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Indonesia.

Tại nước ta, cây thường được tìm thấy ở những khu vực có vùng núi thấp với độ cao dưới 1000 mét, vùng trung du và đồng bằng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Tuyên Quang, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Cây thường mọc ở những ven rừng thứ sinh, các khu dân cư hoặc được trồng để làm cảnh.

Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, thường ít khi thấy cây mọc từ hạt, cây có khả năng sinh trưởng khỏe từ chồi, sau 1 năm cây có thể mọc thêm 3-5 cây con.

2 Thành phần hóa học

Hình ảnh toàn thân cây Móc
Hình ảnh toàn thân cây Móc

Dịch của cây khi thu hái vào lúc cây còn non chứa:

  • Đường khử.
  • Sucrose.

Dịch sau khi lên men chứa:

  • Đường khử.
  • Alcol.
  • Acid acetic.

3 Công dụng của cây móc

3.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Vị đắng, tính bình.

Tác dụng: Cầm máu, tan hòn cục, làm sít ruột, thu liễm.

3.2 Công dụng

Nhân dân sử dụng lá để lợp nhà, làm cổng chào, vòng hoa đám tang.

Sợi Móc dùng để khâu nón, khâu áo tơi, khâu mũ lá, làm bàn chải, làm chổi.

Thân cây chứa dịch ngọt, sau khi bốc hơi cho lên men để thu rượu.

Quả Móc nếu không bóc vỏ khi ăn sẽ gây ngứa rát ở cổ họng, môi, lưỡi do chứa nhiều tinh thể hình kim. Sau khi tách phần vỏ quả giữa thì thấy vị ngọt, dễ chịu.

Bẹ Móc trong Y học có tác dụng chữa đái máu, tiểu tiện không thông, đái rắt, rong kinh, ho ra máu.

Nhân quả sau khi giã nát, đắp có tác dụng chữa đau nửa đầu.

Sử dụng 20-30g nõn thân đem sắc cùng 400ml nước cho đến khi còn 100ml nước, uống có tác dụng nhuận tràng.

4 Một số cách trị bệnh từ cây Móc

4.1 Chữa băng huyết

Bẹ Móc sau khi hái về đem phơi khô.

Sử dụng 1 lượng bằng nhau bẹ Móc và xơ Mướp, đem đốt thành tro, sau đó dùng 6g tro trộn cùng với rượu hoặc nước uống vào lúc đói.

4.2 Chữa rong huyết kèm đau bụng

Cây Móc
Cây Móc

80g bẹ Móc đem đốt.

80g Kinh Giới sao đen.

40g Hương Phụ chế cùng giấm, nước tiểu trẻ em, nước muối, rượu rồi phơi khô.

Các vị đem tán nhỏ, rây lấy bột mịn.

Mỗi lần sử dụng 8-16g, ngày dùng 2-3 lần.

4.3 Chữa khí hư

12g rễ Móc.

12g rễ Cau.

12g Chuối Rừng.

12g rễ Tre.

12g rễ Cọ.

Các vị đem thái nhỏ, sau đó sắc đặc, chia thành 2 lần uống trong ngày.

4.4 Chữa ho ra máu

10g bẹ Móc đốt tồn tính.

12g Qua Lâu Nhân.

Sắc nước uống trong ngày.

5 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2, trang 283-284. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2024.

Để lại một bình luận