Mỡ Trăn

Mỡ Trăn

Mỡ trăn là những túi miếng mỡ nhỏ từ các túi mỡ được lấy từ bụng của con trăn có nhiều tác dụng đối với cơ thể như thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, trị bỏng, trị trĩ, ngăn ngừa sẹo lồi. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về tác dụng và tác hại của mỡ trăn.

1 Nguồn gốc của mỡ trăn

Mỡ Trăn là những túi miếng mỡ nhỏ từ các túi mỡ được lấy từ bụng của con trăn (tên khoa học là Python spp.). Có nhiều loài trăn được dùng trong Y học cổ truyền như trăn mắt võng (tên khoa học là Python reticulatus Schneider), trăn mốc (tên khoa học là Python molurus L.), trăn đuôi cụt (tên khoa học là Python curtus Schlegel).

Trăn sống ở ven rừng, đồi cỏ, gần đầm lầy, những khu vực ẩm ướt. Thức ăn chính của trăn là chim, chuột, ếch hoặc các con thú nhỏ. Những con mồi có thể có kích thước to hơn kích thước của con trăn. Trăn là loài có cách bắt mồi đặc biệt, sau khi đớp và ngoạm chặt được con mồi thì nó sẽ dùng sức mạnh của thân mình, quấn quanh thân con mồi cho đến khi chúng chết rồi mới nuốt. Trăn lột xác vào mùa hè, những con trăn con có xu hướng lột xác nhiều hơn. Trăn là loài thường sống đơn độc, chỉ tìm bạn đời khi vào mùa động dục. Thời gian sinh sản là vào mùa xuân, con cái mỗi lần đẻ từ 10-50 trứng, những con trăn có kích thước càng lớn thì càng đẻ nhiều. Trứng trăn tròn, có màu trắng, vỏ ngoài mềm, thường dính vào nhau.

Nguồn gốc của mỡ trăn
Nguồn gốc của mỡ trăn

2 Thành phần hóa học của mỡ trăn

Thành phần của mỡ trăn có chứa axit oleic, axit panmitic, axit linoleic và axit myristic. Với hàm lượng axit oleic cao, mỡ trăn có thể có nhiều lợi ích cho sức khỏe và là một vật liệu tiềm năng ngăn ngừa nhiễm trùng, điều trị các bệnh viêm và tim mạch, cải thiện hệ thống miễn dịch hoặc phục hồi da dựa trên axit béo này. Mặc dù axit linolenic chỉ chiếm một lượng rất nhỏ, nhưng đây cũng là một hợp chất tốt cho sức khỏe con người, đặc biệt là sức khỏe tim mạch.

Thành phần của mỡ trăn
Thành phần của mỡ trăn

3 Cách chế biến mỡ trăn

Có nhiều phương pháp chế biến mỡ trăn tùy thuộc vào mục đích sử dụng, bạn đọc có thể tham khảo các cách chế biến mỡ trăn dưới đây:

  • Mỡ trăn để sống, trộn cùng với một ít muối và tỏi đã giã nhỏ, sau đó cho vào hũ thủy tinh sạch để đựng cho đến khi mỡ tan, trường hợp bị bỏng có thể bôi trực tiếp lên vết bỏng sẽ có tác dụng rất tốt.
  • Mỡ trăn có thể đem lên rán như mỡ lợn để dùng, có thể phối hợp với phèn phi và xác rắn lột trong trường hợp bị tổ đỉa.

Mỡ trăn để được bao lâu? Mỡ trăn sau khi chế biến có thể dùng được rất lâu, tuy nhiên, trong trường hợp thấy mỡ trăn có mùi bất thường, không nên sử dụng để tránh những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra.

Mỡ trăn
Mỡ trăn

4 Công dụng của mỡ trăn là gì?

4.1 Trị bỏng từ mỡ trăn

Mỡ trăn trị được bệnh gì? Mỡ trăn đặc biệt có hiệu quả trong việc điều trị bỏng và ngăn ngừa nhiễm trùng. Ngoài ra, do mỡ trăn giàu axit béo nên có khả năng tái tạo tế bào, giúp cải thiện sẹo, làm dịu và chữa lành vết thương. Y học cổ truyền từ lâu đã sử dụng mỡ trăn như một loại thuốc trị bỏng hiệu quả. Phương pháp sử dụng cũng rất đơn giản, mỡ trăn dùng sống, đem ngâm cùng với muối và tỏi giã nhỏ, trộn đều cho vào hũ để dùng dần. Khi bị bỏng chỉ cần thoa một lớp mỡ trăn mỏng để giảm đau và rát.

4.2 Cách dùng mỡ trăn để triệt lông

Mỡ trăn dùng để triệt lông
Mỡ trăn dùng để triệt lông

Hiện nay, mỡ trăn còn có một công dụng phổ biến khác đó chính là thoa lên da sau khi triệt lông để làm dịu da, ức chế sự phát triển của nang lông.

Nhiều chị em đặt câu hỏi: ‘Cạo lông xong có nên bôi mỡ trăn không?’ Quá trình cạo lông hoặc triệt lông bằng các loại sáp chuyên dụng có thể gây tổn thương da, làm đỏ da, kích ứng da,… Do đó, sau khi cạo lông hoặc triệt lông, bạn tiến hành thoa một lớp mỏng mỡ trăn lên toàn bộ vùng da để giúp dưỡng ẩm, làm dịu da. Tác dụng này của mỡ trăn có được là do thành phần giàu acid béo có tác dụng dưỡng ẩm, hồi phục da rất tốt.

4.3 Ngăn ngừa sẹo lồi

Một nghiên cứu đã được thực hiện nhằm xác định lợi ích của mỡ trăn trong việc điều trị sẹo lồi bằng cách lấy mô sẹo lồi đã được phẫu thuật từ 9 bệnh nhân sau đó đem ủ cùng với mỡ trăn. Sau khi trải quá trình phân lập, tinh chế và xác định định lượng mức Collagen sau khi ủ mô sẹo lồi trong môi trường có điều kiện trong 48 giờ và với liều lượng mỡ trăn tăng dần. Kết quả cho thấy nồng độ collagen trung bình (mg/ml) lần lượt là 91,07, 85,78 và 79,95. Kết quả cũng cho thấy nồng độ collagen trung bình giảm liên tiếp 7,48%, 12,85% và 18,77% so với giá trị ban đầu ước tính của chúng và hoạt động của collagenase tăng theo liều lượng khi lượng mỡ trăn tăng lên. Nghiên cứu cho thấy mỡ trăn làm giảm nồng độ collagen trong mô sẹo lồi bằng cách tăng hoạt động của collagenase và do đó có thể được coi là một tác nhân tiềm năng giúp ngăn ngừa sẹo lồi.

Công dụng của mỡ trăn
Công dụng của mỡ trăn

4.4 Thúc đẩy quá trình làm lành vết thương

Do trong thành phần của mỡ trăn giàu acid béo do đó có tác dụng rất tốt trong quá trình chữa lành vết thương. Ngoài ra, còn giúp kích thích tái tạo các tế bào mới, làm dịu vết thương một cách tối đa.

4.5 Trị trĩ từ mỡ trăn

Y học cổ truyền Trung Quốc còn sử dụng mỡ trăn để trị trĩ bằng cách sử dụng một lượng bằng nhau mỡ trăn và giấm đem trộn với nhau, tiến hành nấu thành cao sau đó phết cao lên giấy, dán trực tiếp vào chỗ đau.

4.6 Trị nứt nẻ tay chân, chữa ghẻ, nước ăn chân

Mỡ trăn có thể phối hợp cùng với một số thành phần khác gồm Cloramphenicol, Dexamethason acetat để điều trị nứt nẻ chân tay do thường xuyên làm việc trong môi trường ẩm ướt, nứt nẻ tay chân do thời tiết, nước ăn chân, ghẻ lở,… Mỡ trăn có tác dụng dưỡng ẩm, thúc đẩy quá trình làm lành vết thương khi kết hợp thêm thành phần kháng sinh và kháng viêm giúp tăng hiệu quả điều trị.

4.7 Bôi mỡ trăn lên da mặt có tác dụng gì?

Mỡ trăn giàu acid béo, có thể được dùng để dưỡng ẩm khi thời tiết chuyển sang mùa hanh khô, người thường xuyên bị nứt nẻ, bong tróc da mặt, da tay, da chân.

5 Tác hại của mỡ trăn

Mỡ trăn được sử dụng phổ biến trong Y học cổ truyền và Y học hiện đại do có nhiều tác dụng vượt trội. Tuy nhiên, với một số người nhạy cảm, việc sử dụng mỡ trăn bôi ngoài da có thể xuất hiện tình trạng kích ứng, mẩn đỏ, nặng hơn có thể gây sưng, phù nề, khó thở, tức ngực,….

Để đảm bảo an toàn, bạn nên bôi một lượng vừa đủ mỡ trăn vào vùng da nhỏ, nếu thấy xuất hiện các phản ứng trên, cần ngưng sử dụng và đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

6 Một số câu hỏi thường gặp

6.1 Lưu ý khi sử dụng mỡ trăn

Tránh sử dụng mỡ trăn cho một số đối tượng nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ có thai khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Mỡ trăn sau khi dùng phải được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.

Đóng nắp kỹ sau khi dùng.

6.2 Sau khi bôi mỡ trăn có cần rửa lại không?

Bạn nên để mỡ trăn lưu trên da khoảng 1-2 giờ, sau đó có thể lau qua lại bằng khăn ấm hoặc rửa bằng nước ấm.

6.3 Mua mỡ trăn ở hiệu thuốc nào?

Hiện nay, mỡ trăn là sản phẩm không còn quá xa lạ, có thể bán ở các hiệu thuốc truyền thống hoặc các sàn thương mại điện tử, bạn có thể mua ở bất cứ đâu sao cho thuận tiện. Khi mua, nên lựa chọn những địa chỉ sản xuất uy tín để đảm bảo an toàn.

6.4 Mỡ trăn bao nhiêu tiền 1 kg?

Tùy thuộc vào phương pháp chế biến mà giá mỡ trăn có thể khác nhau. Thông thường, mỡ trăn sống có giá khoảng 40.000 đến 50.000 đồng, mỡ trăn đã rán sẽ có giá thành cao hơn.

7 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Trăn, trang 1222-1223. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2024.

Tác giả Pham Thi Quyen và cộng sự (Ngày đăng tháng 8 năm 2023). Evaluation of physicochemical and biological properties of python fat (Python bivittatus), Food Science and Preservation. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2024.

Tác giả Antoinette N. C. Okaka và cộng sự (Ngày đăng tháng 3 năm 2013). Python fat: effect on collagen levels of human keloid tissue. Research Gate. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2024.

Để lại một bình luận