Misoprostol

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022


MISOPROSTOL

Tên chung quốc tế: Misoprostol. 

Mã ATC: A02BB01, G02AD06. 

Loại thuốc: Các chất tương tự prostaglandin tổng hợp.

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Viên nén: 100 microgam, 200 microgam, 400 microgam.

Dụng cụ đặt âm đạo chứa: 200 microgam. 

2 Dược lực học 

Tác dụng trên đường tiêu hóa: 

Misoprostol là chất tổng hợp có tác dụng tương tự prostaglandin EĐối với dạ dày thuốc có hai tác dụng là ức chế bài tiết dịch vị và bảo vệ niêm mạc dạ dày, Misoprostol làm giảm bài tiết acid dạ dày do tác động trực tiếp tại các tế bào thành dạ dày, ức chế tiết lượng acid cơ bản và cả khi bị kích thích bởi thức ăn, histamin, pentagastrin, tetragastrin, betazol, NSAID, rượu hoặc Cafein. Misoprostol ức chế tiết acid dạ dày vào ban đêm, nhưng không làm giảm thể tích bài tiết. Misoprostol còn làm tăng tiết bicarbonat và dịch nhảy từ các tế bào không phải tế bào thành ở dạ dày, tăng cường hoặc duy trì dòng máu của niêm mạc, bảo vệ sự tăng sinh tế bào dưới niêm mạc, làm vững bền hệ thống màng nhày, phòng ngừa sự phá hủy hàng rào chất nhày, ức chế hoặc làm giảm sự khuếch tán trở lại của ion hydrogen vào trong niêm mạc. Misoprostol được dùng để điều trị ngắn hạn các trường hợp loét dạ dày – tá tràng. Tuy nhiên, do hiệu quả giảm đau kém và nhiều ADR, misoprostol không phải là thuốc được lựa chọn chính cho chỉ định này. Hiện nay, misoprostol được dùng chủ yếu để dự phòng loét thường xảy ra khi điều trị dài hạn NSAID ở những người có nguy cơ cao.

Tác dụng trên thận và hệ sinh dục – tiết niệu:

Misoprostol còn là một chất kích đẻ tự nhiên. Thuốc làm tăng hoạt động colagenase trong nguyên bào sợi cổ tử cung, làm mềm, mở cổ tử cung và co thắt tử cung in vivo. Thuốc làm tăng biên độ và tần số cơn co tử cung, kích thích chảy máu tử cung và làm tống ra một phần hoặc toàn bộ các thành phần có trong tử cung ở phụ nữ mang thai. Misoprostol được dùng làm thuốc gây chuyển dạ hoặc hỗ trợ mifepriston để chấm dứt thai kỳ. 

misoprostol2
Misoprostol – Điều trị loét Dạ dày – Tá tràng lành tính

3 Dược động học 

3.1 Hấp thu

Misoprostol được hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn qua Đường tiêu hóa, thuốc được chuyển hóa bước đầu nhanh và nhiều thành misoprostol acid – chất chuyển hóa chủ yếu và có hoạt tính của thuốc. Thức ăn và các thuốc kháng acid làm giảm tốc độ hấp thu misoprostol, dẫn đến làm chậm và giảm nồng độ đỉnh trong huyết tương của misoprostol acid. Sau khi uống một liều 200 hoặc 400 microgam misoprostol trong tình trạng đói ở người tình nguyện khỏe mạnh, nồng độ đỉnh trung bình của misoprostol acid trong huyết tương đạt khoảng 310 – 400 hoặc 500 – 1 020 picogam/ ml, trong vòng 14 – 20 phút. 

3.2 Phân bố

Thể tích phân bố của thuốc 40 lít. Khoảng 80 – 90% misoprostol acid gắn với protein huyết tương. Chưa rõ misoprostol và/hoặc misoprostol acid có qua được nhau thai hoặc được phân bố vào sữa hay không. 

3.3 Chuyển hóa

Thuốc được chuyển hóa bước đầu nhanh và nhiều thành misoprostol acid. 

3.4 Thải trừ

Sau khi uống misoprostol, misoprostol acid và các chất chuyển hóa khác được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu (56 – 73%), một lượng nhỏ được thải trừ qua phân (15%). Chỉ một lượng không đáng kể dạng thuốc chưa chuyển hóa được bài tiết trong nước tiểu. Nửa đời thải trừ của misoprostol acid khoảng 20 – 40 phút, có thể kéo dài lên gấp đôi ở người suy thận (Clcr 0,5 – 37 ml/phút). 

4 Chỉ định 

Dự phòng loét tiêu hóa do dùng NSAID. 

Điều trị loét dạ dày – tá tràng lành tính.

Làm mềm cổ tử cung khi cần gây chuyển dạ ở phụ nữ mang thai.

Phối hợp với mifepriston để chấm dứt thai kỳ ở phụ nữ mang thai khi tuổi thai đến hết 22 tuần. 

5 Chống chỉ định 

Người có tiền sử quá mẫn với prostaglandin. 

Không dùng misoprostol để phòng và điều trị loét dạ dày – tá tràng với các bệnh nhân: phụ nữ mang thai, phụ nữ khả năng mang thai chưa được loại trừ, phụ nữ đang có kế hoạch mang thai. Do misoprostol gây co thắt cơ trơn tử cung, gây sảy thai hoặc khuyết tật trên thai nhi. 

Không dùng misoprostol để gây chuyển dạ với các bệnh nhân: phụ nữ mang thai trước tuần 36 của thai kì, phụ nữ mang thai có viêm màng ối, ngôi thai bất thường, nhau tiền đạo, chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân sau tuần 24 của thai kì, tử cung bất thường, sẹo tử cung, nghi ngờ hoặc có bằng chứng về tổn thương thai nhi trước khi gây kích đẻ, đang chuyển dạ, đang dùng oxytocin và/ hoặc các thuốc giục sinh khác. 

Không dùng misoprostol để phá thai với các bệnh nhân: có bệnh lý tuyến thượng thận, điều trị corticoid toàn thân lâu ngày, đái tháo đường, tăng huyết áp, hẹp van 2 lá, tắc mạch và tiền sử tắc mạch, rối loạn đông máu, sử dụng thuốc chống đông, thiếu máu, có sẹo mổ ở thân tử cung, rau cài răng lược. 

6 Thận trọng 

Việc tự sử dụng thuốc để phá thai có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị và hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Không nên dùng misoprostol cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trừ khi người bệnh cần phải được điều trị với NSAID và có nguy cơ cao bị biến chứng loét dạ dày do sử dụng nhóm thuốc này. Khuyên những người có khả năng mang thai chỉ dùng misoprostol nếu đã dùng một biện pháp tránh thai có hiệu quả và cảnh báo họ về nguy cơ khi dùng misoprostol nếu có thai. 

Không dùng misoprostol để điều trị loét dạ dày – tá tràng cho người có dự định mang thai vì thuốc có thể làm sảy thai. 

Thận trọng khi dùng trong một số trường hợp (ví dụ bệnh mạch máu não, bệnh tim mạch) mà hạ huyết áp có thể làm xuất hiện nhanh các biến chứng nặng. 

Thận trọng khi dùng ở người bệnh viêm ruột, tiêu chảy nặng vì có thể gây nguy hiểm, phải theo dõi cẩn thận nếu dùng misoprostol.

Giống như các prostaglandin khác dùng để chấm dứt thai kỳ, không dùng misoprostol ở người có tăng nguy cơ bị vỡ tử cung, như trường hợp đa thai hoặc từ cung có sẹo bởi lần mổ trước. Chỉ dùng misoprostol một lần để chấm dứt thai kỳ, nếu không thành công thì phải dùng các phương pháp khác. 

Chưa xác định được sự an toàn và hiệu lực của misoprostol ở trẻ em dưới 18 tuổi. 

7 Thời kỳ mang thai 

Chống chỉ định dùng misoprostol dạng uống ở phụ nữ mang thai. Misopnstol có thể gây các ảnh hưởng nghiêm trọng cho thai nhi, trong đó có gây chảy máu nguy hiểm, đẻ non hoặc khuyết tật thai. Nếu vô tình dùng misoprostol trong thời kỳ mang thai hoặc nếu bệnh nhân bắt đầu có thai trong khi đang dùng misoprostol (để làm giảm nguy cơ loét dạ dày do NSAID), phải ngừng dùng misoprostol và báo cho người bệnh biết về mối nguy hiểm có thể có đối với thai nhi. 

Chống chỉ định dùng misoprostol dạng đặt âm đạo ở phụ nữ mang thai trước tuần 36 của thai kì. Đặt âm đạo misoprostol có thể tăng kích thích tử cung, dẫn đến co cứng cơ tử cung, giảm rõ rệt dòng máu tử cung – nhau, vỡ tử cung, nghẽn dịch màng ối. Đau vùng chậu, sót nhau, chảy máu cơ quan sinh dục nghiêm trọng, sốc, chậm nhịp tim thai, tử vong cho mẹ và thai nhi. Vì vậy đặt âm đạo misoprostol để làm mềm cổ tử cung hoặc gây chuyển dạ không khuyên dùng ở những bệnh nhân có mổ đẻ hoặc phẫu thuật lớn ở tử cung trước đây. 

misoprostol1
Chống chỉ định dùng misoprostol dạng uống ở phụ nữ mang thai

8 Thời kỳ cho con bú 

Không dùng misoprostol cho người mẹ cho con bú vì misoprostol acid rất có thể gây tiêu chảy ở trẻ bú mẹ. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

ADR thường gặp nhất của misoprostol là gây tiêu chảy, đó là ADR có thể gây hạn chế sử dụng thuốc này. 

9.1 Thường gặp 

TKTW: nhức đầu, chóng mặt. 

Tiêu hóa: tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn, đầy hơi, khó tiêu, táo bón. 

Da: phát ban. 

Dạng đặt âm đạo để gây chuyển dạ có thể gặp thêm các ADR sau:

Tim mạch: rối loạn nhịp tim của thai nhi. 

Hô hấp: ức chế hô hấp của thai nhi, ngừng thở tạm thời. 

Thời kỳ mang thai, sinh nở: nhiễm toan cho thai nhi, xuất huyết sau sinh, co thắt tử cung bất thường, chuyển dạ bất thường ảnh hưởng tới thai nhi. 

ADR khác: chỉ số gặp thấp. 

9.2 Ít gặp 

Sinh dục – tiết niệu: kích thích tử cung, chảy máu tử cung, chảy máu âm đạo bất thường, rối loạn kinh nguyệt, sảy thai tự nhiên.

Toàn thân: sốt. 

9.3 Hiếm gặp 

Sinh dục: rong kinh, Đau Bụng Kinh. 

9.4 Chưa xác định được tần suất 

Thời kỳ mang thai, sinh nở: tắc nghẽn mạch ối, co thắt tử cung bất thường, chết thai, sảy thai không hoàn toàn, sinh non, sót nhau, vỡ, thủng tử cung. 

Sinh dục: xuất huyết tử cung, ngứa sinh dục. 

Rối loạn bẩm sinh: khuyết tật bẩm sinh. 

Toàn thân: ớn lạnh. 

ADR khác: tăng huyết áp. 

9.5 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Tiêu chảy do misoprostol liên quan đến liều dùng, thường xảy ra khoảng 2 tuần sau dùng thuốc và thường hết sau khoảng một tuần. Có thể làm giảm thấp nhất khả năng tiêu chảy bằng cách uống misoprostol chia làm nhiều lần, cùng với thức ăn và vào lúc đi ngủ, tránh dùng đồng thời với các thuốc kháng acid chứa magnesi hoặc nhuận tràng khác. Tuy nhiên khoảng 2% người bệnh bị tiêu chảy nặng, phải ngừng thuốc. 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng 

Uống misoprostol phải chia nhiều lần trong ngày, uống vào các bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn và trước lúc đi ngủ. 

Trong một số trường hợp misoprostol dạng bào chế uống có thể được sử dụng để đặt âm đạo. 

10.2 Liều dùng 

10.2.1 Điều trị loét dạ dày – tá tràng lành tính

Người lớn: Mỗi lần 100 – 200 microgam, ngày 4 lần, hoặc mỗi lần 400 microgam, ngày 2 lần. Điều trị trong ít nhất 4 tuần, ngay cả khi các triệu chứng giảm sớm hơn và có thể tiếp tục tới 8 tuần nếu cần thiết. Có thể dùng thêm các đợt sau nếu bệnh tái phát. 

10.2.2 Dự phòng loét tiêu hóa do dùng NSAID

Người lớn mỗi lần 200 microgam, ngày 4 lần. Nếu không dung nạp liều này, có thể giảm liều xuống mỗi lần 100 microgam, 4 lần/ngày, hoặc mỗi lần 200 microgam, 2 – 3 lần/ngày, nhưng hiệu quả kém hơn. Chưa rõ thời gian dùng thuốc tối ưu, các nghiên cứu có đối chứng về an toàn và hiệu quả mới chỉ đánh giá trong thời gian đến 3 tháng. Tuy nhiên, hiện nay các nhà sản xuất khuyến cáo rằng nên dùng misoprostol trong suốt thời gian điều trị NSAID. 

10.2.3 Làm mềm cổ tử cung khi cần gây chuyển dạ ở phụ nữ mang thai

Đặt dụng cụ có chứa 200 microgam misoprostol vào âm đạo. Misoprostol được giải phóng có kiểm soát với tốc độ 7 microgam/ giờ, trong vòng 24 giờ. Nếu sử dụng viên nén, đặt âm đạo 25 microgam (1/4 viên nén uống hàm lượng 100 microgam), cách 3 – 6 giờ. 

Tháo dụng cụ đặt âm đạo có chứa misoprostol ra nếu: Quá trình chuyển dạ khởi phát (≥ 3 cơn gò trong 10 phút), tử cung co thắt quá mức (> 5 cơn gò trong 10 phút, cơn gò kéo dài trên 2 phút, tần suất co thắt quá dầy, vấn đề lâm sàng với mẹ hoặc thai nhi, 24 giờ sau khi đặt). Nếu dụng cụ đặt âm đạo rơi ra, không nên dùng dụng cụ khác thay thế. Nếu cần dùng thêm oxytocin, cần tháo dụng cụ đặt âm đạo có chứa misoprostol ra ít nhất 30 phút trước khi dùng oxytocin. 

10.2.4 Phối hợp với mifepriston để chấm dứt thai kỳ ở phụ nữ mang thai khi tuổi thai đến hết 9 tuần và từ tuần thứ 10 đến hết 12 tuần

Thai đến hết 63 ngày (9 tuần): Sau khi dùng mifepriston từ 24 – 48 giờ, ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má 800 microgam misoprostol tại cơ sở y tế hoặc tại nhà tùy theo tuổi thai và nguyện vọng. Tuổi thai từ tuần thứ 8 đến hết 9 tuần nên dùng misoprostol và theo dõi sảy thai tại cơ sở y tế. 

Thai từ 64 đến hết 84 ngày (10 – 12 tuần): Sau khi dùng mifepriston từ 24 – 48 giờ, đặt túi cùng âm đạo 800 microgam misoprostol tại cơ sở y tế, sau mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi 400 microgam misoprostol, tối đa là 4 liều đến khi sảy thai hoàn toàn. Nếu sau 3 giờ khi dùng liều misoprostol thứ 5 mà chưa sảy thai, uống tiếp 200 mg mifepriston, cho người dùng nghỉ 9 – 11 giờ, lặp lại các liều misoprostol như trên cho đến khi sảy thai. Nếu sau 2 lần theo phác đồ trên vẫn không sảy thai thì chuyển sang phương pháp phá thai khác. Đánh giá lại hiệu quả điều trị sau 2 tuần. Nếu sảy thai không hoàn toàn hoặc sót sản phẩm thụ thai: Dùng 400 microgam misoprostol ngậm dưới lưỡi hoặc 600 microgam misoprostol, có thể dùng lặp lại. 

10.2.5 Phối hợp với mifepriston để chấm dứt thai kỳ ở phụ nữ mang thai khi tuổi thai từ tuần 13 đến hết tuần thứ 22 

Tuổi thai từ 13 đến hết 18 tuần: Sau khi dùng mifepriston từ 24 – 48 giờ, đặt túi cùng âm đạo 400 microgam misoprostol. Sau mỗi 3 giờ, ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má 400 microgam misoprostol cho tới khi sảy thai. Nếu sau 5 liều misoprostol mà không sảy thai thì ngày hôm sau dùng tiếp 5 liều 400microgam misoprostol sau mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má cho tới khi sảy thai. Nếu không sảy thai, dùng tiếp misoprostol ngày thứ 3 theo phác đồ trên. Sau 3 ngày không sảy thai dùng phương pháp khác.

Tuổi thai từ 19 đến 22 tuần: Sau khi dùng mifepriston từ 24 – 48 giờ, đặt túi cùng âm đạo 400 microgam misoprostol. Sau mỗi 3 giờ, ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên mả 400 microgam misoprostol cho tới khi sảy thai. Nếu sau 5 liều misoprostol mà không sảy thai thì ngày hôm sau dùng tiếp 5 liều 400microgam misoprostol sau mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má cho tới khi sảy thai. Nếu không sảy thai, chuyển phương pháp khác. 

Nếu thai đã sổ nhưng nhau thai vẫn nằm trong buồng tử cung, theo dõi thêm 1 giờ, nếu rau vẫn chưa sổ thì cho thêm 400 microgam misoprostol ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má để giúp nhau thai sổ. Nếu nhau thai không sổ, lấy nhau thai bằng dụng cụ. Cần phải khám lại bệnh nhân sau 2 tuần. 

Không cần điều chỉnh liều đối với người suy thận và người cao tuổi, nhưng nếu người bệnh không thể dung nạp liều thường dùng thì có thể giảm liều. 

11 Tương tác thuốc 

Thức ăn và thuốc kháng acid làm giảm tốc độ hấp thu misoprostol, làm chậm hoặc giảm nồng độ đỉnh trong huyết tương của misoprostol acid – chất chuyển hóa có tác dụng của thuốc. Thuốc kháng acid và có thể thức ăn cũng làm giảm Sinh khả dụng đường uống của misoprostol, tuy nhiên có thể không có ý nghĩa lâm sàng quan trọng. 

Thuốc kháng acid chứa magnesi cũng có thể làm tăng tỷ lệ tiêu chảy do misoprostol. Do đó, nếu cần thiết dùng đồng thời với thuốc kháng acid, phải tránh thuốc kháng acid chứa magnesi hoặc nhuận tràng khác, dùng thay thế bằng thuốc kháng acid gây táo bón (chứa nhôm). 

NSAID: Không có tương tác dược động học giữa misoprostol và Ibuprofen, Piroxicam hoặc Diclofenac. 

12 Quá liều và xử trí 

12.1 Triệu chứng

An thần, run, co giật, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, sốt, đánh trống ngực, hạ huyết áp, nhịp tim chậm. 

12.2 Xử trí

Điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Thẩm tách không có lợi trong tăng thải trừ misoprostol vì thuốc được chuyển hóa thành acid béo.

Cập nhật lần cuối: 2017


Phần nghiên cứu sau đây không nằm trong Dược thư quốc gia Việt Nam 2022 lần xuất bản thứ 3

13 Misoprostol có thể trở thành 1 lựa chọn phá thai đầy tiềm năng 

Theo một nghiên cứu mới đây, misoprostol đơn độc dường như an toàn và hiệu quả để chấm dứt thai kỳ trong ba tháng đầu và có thể được sử dụng trong trường hợp mifepristone không có sẵn hoặc không thể tiếp cận được.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp bao gồm các nghiên cứu mô tả kết quả điều trị bằng misoprostol để phá thai đối với thai trong tử cung khả thi ở ≤ 91 ngày tuổi thai.

Dữ liệu được ghi nhận ở 9.228 bệnh nhân tham gia đánh giá về khả năng mang thai tiếp tục sau khi điều trị, trong số đó có 521 bệnh nhân ghi nhận điều trị thất bại (ước tính phân tích tổng hợp, 6%, KTC 95%, 5–8). Nguy cơ thất bại điều trị có liên quan đáng kể với liều misoprostol, tổng số liều cho phép, thời gian dùng thuốc tối đa và một số chỉ số về nguy cơ sai lệch.

Trong số 11.007 bệnh nhân được phép dùng ít nhất ba liều misoprostol—với liều đầu tiên bao gồm misoprostol 800 mcg dùng đường âm đạo, ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm trong má—thất bại điều trị xảy ra ở 11% bệnh nhân (95% CI, 8–14).

Nhập viện hoặc truyền máu không thường xuyên, xảy ra ở 0,2% trong số 15.679 bệnh nhân được đánh giá.

14 Tài liệu tham khảo

Tác giả Elizabeth G.Raymond và cộng sự (Ngày đăng: ngày 28 tháng 7 năm 2023). Effectiveness and Safety of Misoprostol-Only for First-Trimester Medication Abortion: An Updated Systematic Review and Meta-analysis, Contraception journal. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2023

Để lại một bình luận