Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Tên chung quốc tế: Minocycline.
Mã ATC: A01AB23, J01AA08.
Loại thuốc: Kháng sinh bán tổng hợp dẫn chất tetracyclin.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Dạng thuốc dùng là minocyclin hydroclorid. Hàm lượng và liều dùng biểu thị dưới dạng minocyclin.
Viên nang: 50 mg, 75 mg, 100 mg.
Viên nang giải phóng kéo dài: 100 mg.
Viên pellet: 50 mg, 100 mg.
Viên nén bao phim: 50 mg, 75 mg, 100 mg.
2 Dược lực học
Minocyclin là một kháng sinh có phổ tác dụng và cơ chế tác dụng tương tự tetracyclin, nhưng minocyclin còn có tác dụng với nhiều chủng vi khuẩn bao gồm Staphylococcus aureus, các chủng Streptococci, Neisseria meningitidis, Acinetobacter, Bacteroides, Heamophylus, Nocandia, nhiều trực khuẩn ruột, một vài loại Mycobacteria, trong đó có M. leprae.
Cơ chế tác dụng giống như tetracyclin: Gắn vào vị trí 30S của ribosom và ức chế chức năng ribosom của vi khuẩn, do đó ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn theo cơ chế ngăn cản quá trình gắn aminoacyl t-RNA.
Minocyclin có tính thân mỡ hơn doxycyclin và các tetracyclin khác; có ái lực cao hơn đối với các mô mỡ do đó làm tăng cường hiệu quả và thay đổi các phản ứng bất lợi. Các kích ứng dạ dày ruột và rối loạn khuẩn ruột ít hơn so với các thuốc thân nước.
Có sự kháng chéo từng phần giữa minocyclin và các tetracyclin khác, nhưng có một số chủng mặc dù có kháng với các tetracyclin khác nhưng vẫn nhạy cảm với minocyclin. Cơ chế là do minocyclin có tính thẩm qua màng tế bào tốt hơn.
Tác dụng đối với viêm khớp dạng thấp: Cơ chế tác dụng của minocyclin trong bệnh viêm khớp dạng thấp chưa được hiểu rõ. Giả thiết cho rằng minocyclin có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, điều hòa miễn dịch và bảo vệ ti thể. Hơn nữa minocyclin được cho rằng có khả năng ức chế metalloproteinase, chất có tác dụng phá huỷ khớp trong viêm khớp dạng thấp.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Minocyclin được hấp thu nhanh qua đường uống, khoảng 90 – 100% liều uống được hấp thu khi uống lúc đói. Cmax đạt được sau khi uống từ 1 – 4 giờ, trung bình 2,1 giờ. Do minocyclin dễ bị chelat hóa bởi các cation hóa trị hai và hóa trị ba như calci, Sắt, nhôm, magnesi cho nên các thuốc kháng acid dạng uống phối hợp có chứa các cation này có thể làm giảm hấp thu minocyclin.
Thức ăn và/hoặc sữa làm giảm tốc độ và mức độ hấp thu của minocyclin uống. Trong một nghiên cứu trên người lớn khỏe mạnh, dùng thức ăn hoặc sữa cùng minocyclin liều đơn 100 mg làm giảm AUC của minocyclin tương ứng là 13% và 27%. Khi người lớn khỏe mạnh dùng viên pellet sau một bữa ăn chuẩn có sữa, nồng độ định giảm 11,2% và thời gian đạt nồng độ đỉnh chậm hơn 1 giờ so với uống lúc đói cùng nước; tuy nhiên mức độ hấp thu không khác biệt đáng kể. Khi uống viên nén minocyclin ngay sau khi dùng bữa ăn có sản phẩm từ sữa, nồng độ đinh giảm 12%, thời gian đạt nồng độ đỉnh trì hoãn 1 giờ và mức độ hấp thu giảm 6%.
3.2 Phân bố
Minocyclin gắn với protein huyết tương khoảng 70 – 75%, khuếch tán tốt vào các mô và dịch trong cơ thể như: amidan, phế quản, phổi, tuyến tiền liệt, mật, đường mật, gan, đường sinh dục nữ, cơ, thận – đường tiết niệu cũng như trong nước bọt, nước mắt và đờm với nồng độ cao hơn nồng độ ức chế tối thiểu các vi khuẩn thường gặp gây nhiễm trùng các cơ quan này. Minocyclin tích lũy trong mô mỡ, các cơ quan và nửa đời thải trừ kéo dài dẫn tới tăng nguy cơ ADR khi điều trị kéo dài, ngay cả khi điều trị liều thấp. Thuốc thấm vào dịch não tủy tương đối kém tuy tỷ số nồng độ minocyclin trong dịch não tủy trên nồng độ trong máu cao hơn so với doxycyclin, thuốc qua được nhau thai và sữa mẹ. Vd 0,14 – 0,70 lít/kg.
3.3 Chuyển hóa và thải trừ
Thuốc được chuyển hóa một phần ở gan thành khoảng 6 chất chuyển hóa không hoạt tính, nhưng chất chuyển hóa chính là 9-hydroxyminocyclin.
Ở người lớn có chức năng thận bình thường, khoảng 4 – 19% liều uống được thải trừ qua nước tiểu và 20 – 34% được thải trừ qua phân trong vòng 72 giờ ở dạng thuốc còn hoạt tính. Nửa đời thải trừ của minocyclin là 11 – 26 giờ. Một nghiên cứu ghi nhận nửa đời thải trừ khoảng 17 giờ khi dùng đơn liều và 21 giờ sau khi dùng đa liều. Ở bệnh nhân suy gan, thuốc không tích lũy, nửa đời thải trừ là 11 – 16 giờ. Kết quả về sự thay đổi dược động học ở bệnh nhân suy thận có khác nhau giữa các nghiên cứu, ở một số nghiên cứu ghi nhận nửa đời thải trừ kéo dài hơn (12 – 30 giờ), dẫn tới nguy cơ tích lũy. Thẩm tách máu và lọc màng bụng ít có tác dụng loại trừ minocyclin.
4 Chỉ định
Điều trị bổ trợ bệnh trứng cá có viêm không đáp ứng với tetracyclin, Erythromycin.
Viêm niệu đạo không do lậu cầu gây ra bởi Chlamydia trachomatis hoặc Ureaplasma urealyticum.
Người lành mang Neisseria meningitidis không triệu chứng, nhưng hiện nay có nhiều kháng sinh khác được khuyến cáo như rifampicin, ceftriaxon, Ciprofloxacin.
Bệnh lậu và nhiễm trùng liên quan.
Giang mai, dùng thay thế khi bị dị ứng penicilin.
Các bệnh do trực khuẩn họ Mycobacteria: bệnh phong ở người lớn thể nhiều vi khuẩn không dùng được Rifampicin do ADR, các bệnh mắc kèm (như viêm gan mạn tính) hoặc nhiễm vi khuẩn kháng rifampicin, hoặc không dung nạp clofazimin. Bệnh phong ở trẻ em thể ít vi khuẩn đơn tổn thương. Nhiễm trùng da do M. marinum. bệnh tả.
Nhiễm trùng do các vi khuẩn họ Nocardia.
Minocyclin còn được dùng điều trị viêm khớp dạng thấp và bơm vào màng phổi làm xơ màng phổi trong trường hợp tràn dịch màng phổi do khối u di căn.
Ngoài ra thuốc có thể dùng trong điều trị nhiễm khuẩn do các chủng còn nhạy tetracyclin như nhiễm khuẩn da và mô mềm, mắt, viêm phế quản cấp và mạn tính, giãn phế quản, áp xe phổi, nhiễm khuẩn tai mũi họng, nhiễm khuẩn vùng chậu, nhiễm khuẩn tiết niệu.
5 Chống chỉ định
Quá mẫn với minocyclin, các tetracyclin khác.
Bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống.
Nhược cơ.
Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
Suy thận giai đoạn cuối.
Suy gan nặng.
Trẻ dưới 12 tuổi.
6 Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân suy gan hoặc suy thận. Cần xem xét việc hiệu chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận. Theo dõi các thông số về nitơ phi protein trong máu và Clcr, trong quá trình điều trị. Có thể hiệu chỉnh liều bằng giảm liều hoặc tăng khoảng cách giữa các liều.
Minocyclin giống như các tetracyclin khác có thể gây xỉn màu men răng ở những người răng đang trong thời kỳ phát triển.
Tương tự như các tetracyclin khác, đã có báo cáo về tình trạng thóp phồng ở trẻ sơ sinh và tăng áp lực nội sọ lành tính ở trẻ vị thành niên và người lớn. Các dấu hiệu là đau đầu, rối loạn thị giác bao gồm nhìn mờ, nhìn vết đen, nhìn đôi. Mất thị lực vĩnh viễn cũng đã được báo cáo. Cần ngừng thuốc nếu có các dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ.
Cũng như các tetracyclin khác, minocyclin có thể gây tăng sắc tố ở các vị trí khác nhau trên cơ thể, thường không phụ thuộc liều và độ dài đợt điều trị nhưng thường phổ biến hơn khi điều trị kéo dài. Cần ngừng thuốc khi xảy ra tăng sắc tố, tình trạng này thường đảo ngược được sau khi ngừng thuốc.
Các tetracyclin được biết là gây ra phản ứng tăng nhạy cảm với ánh sáng. Cần khuyên bệnh nhân tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp hoặc nhân tạo và cần ngừng thuốc khi có các dấu hiệu khó chịu trên da.
7 Thời kỳ mang thai
Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra các tetracyclin qua được hàng rào nhau thai. Các tetracyclin đã được tìm thấy trong mô phôi và gây bất lợi lên sự phát triển của phôi thai (liên quan đến chậm phát triển xương). Nghiên cứu trên động vật trong thời kỳ đầu mang thai đã chỉ ra tình trạng độc tính trên phôi. Việc sử dụng tetracyclin trong nửa cuối thai kỳ khi răng đang phát triển có thể gây mất màu răng vĩnh viễn (tình trạng này phổ biến hơn khi dùng kéo dài hoặc dùng nhiều đợt ngắn). Giảm sản men răng cũng đã được báo cáo.
Chống chỉ định dùng minocyclin trong thời kỳ mang thai.
8 Thời kỳ cho con bú
Các tetracyclin có bài tiết vào sữa mẹ. Tình trạng mất màu răng vĩnh viễn có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh, tình trạng giảm sản men răng cũng đã được bảo cáo.
Chống chỉ định dùng minocyclin trong thời kỳ cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
9.1 Ít gặp
Toàn thân: sốt
9.2 Hiếm gặp
Máu và hệ bạch huyết: tăng bạch cầu ái toan, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu.
Miễn dịch: phản vệ hoặc phản ứng dạng phản vệ (bao gồm sốc và tử vong).
Chuyển hóa và dinh dưỡng: chán ăn.
Thần kinh: nhức đầu, mê sảng, loạn cảm, tăng áp lực nội sọ, chóng mặt.
Thỉnh giác và tiền đình: suy giảm thính lực, ù tai.
Tim mạch: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
Hô hấp và trung thất: ho, khó thở.
Tiêu hóa: tiêu chảy, nôn, viêm dạ dày, mất màu răng, nôn.
Gan mật: tăng enzym gan, viêm gan, độc tính gan cơ chế tự miễn.
Da và mô dưới da: rụng tóc, hồng ban đa dạng, hồng ban nốt, hồng ban nhiễm sắc cố định, tăng sắc tố da, nhạy cảm với ánh sáng, ngứa, phát ban, nổi mày đay, viêm mạch.
Cơ xương và mô liên kết: đau khớp, hội chứng giống lupus, đau cơ.
Thận và tiết niệu: tăng urê huyết thanh, suy thận cấp, viêm thận kẽ.
9.3 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Viêm đại tràng giả mạc: Trường hợp nhẹ có thể hết khi ngừng thuốc, những trường hợp trung bình và nặng phải bù nước và điện giải, bổ sung protein, điều trị kháng sinh có hiệu lực với Clostridium difficile.
Hội chứng tự miễn: Trước khi điều trị thử nghiệm bằng test kháng thể kháng nhân, theo dõi test này trong quá trình điều trị để phát hiện sớm, ngừng minocyclin ngay khi chẩn đoán bệnh tự miễn do minocyclin.
Nhạy cảm với ánh sáng: Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và ánh sáng nhân tạo có UVA/UVB trong thời gian điều trị bằng minocyclin.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Uống minocyclin với nhiều nước ở tư thế đứng hoặc ngồi để làm giảm nguy cơ kích ứng hoặc loét thực quản. Nên uống minocyclin xa bữa ăn (1 giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn). Tốt nhất không nên dùng trước khi đi ngủ hoặc không nên dùng ở bệnh nhân có tắc nghẽn hoặc chèn ép thực quản.
Viên pellet và viên nén giải phóng kéo dài phải nuốt cả viên, không được nhai, cắn hoặc bẻ, nghiền viên thuốc. Các thuốc kháng acid, bổ sung calci, sắt, thuốc nhuận tràng có chứa magnesi và cholestyramin phải uống xa thời điểm uống minocyclin 2 giờ.
10.2 Liều lượng
Liều thông thường ở người lớn: liều ban đầu 200 mg, sau đó 100 mg/12 giờ. Nếu cần dùng chế độ nhiều lần trong ngày hơn, có thể dùng liều ban đầu 100 – 200 mg/ngày, sau đó 50 mg/lần, 4 lần/ ngày. Liều thông thường ở trẻ em ≥ 12 tuổi: liều ban đầu 4 mg/kg (tối đa 200 mg), sau đó 2 mg/kg/12 giờ (tối đa 100 mg/liều), tổng liều tối đa 400 mg/ngày.
10.2.1 Liều điều trị trong một số chỉ định cụ thể cho người lớn
10.2.2 Điều trị trứng cá: 50 mg/lần, 1 – 3 lần/ngày. Với dạng giải phóng kéo dài, có thể dùng 100 mg/lần, 1 lần/ngày.
Nhiễm Chlamydia trachomatis hoặc Ureaplasma urealyticum: 100 mg/12 giờ, trong thời gian ít nhất là 7 ngày.
Nhiễm lậu cầu không biến chứng (trừ viêm niệu đạo và nhiễm trùng hậu môn trực tràng): liều ban đầu 200 mg, sau đó 100 mg/12 giờ trong ít nhất 4 ngày, sau đó cần xét nghiệm lại vi sinh trong vòng 2 – 3 ngày sau khi kết thúc điều trị.
Viêm niệu đạo do lậu cầu không biến chứng: 100 mg/12 giờ, trong 5 ngày.
Người mang Neisseria meningitidis không triệu chứng: 100 mg/12 giờ, trong 5 ngày.
Nhiễm trùng do các vi khuẩn họ Nocardia: liều thông thường 100 – 200 mg mỗi 12 giờ, phối hợp với sulfonamid trong vòng 12 – 18 tháng.
Nhiễm trùng da do M. marinum: 100 mg/12 giờ, trong 6 – 8 tuần.
Điều trị làm xơ màng phổi trong tràn dịch màng phổi do u màng phổi: pha 300 mg minocyclin với 50 ml Dung dịch tiêm Natri clorid 0,9% và bơm nhỏ giọt qua ống thông vào khoang màng phổi, sau đó kẹp ống lại và cuối cùng tháo dịch ra.
Viêm khớp dạng thấp: 100 mg/12 giờ, trong 1 – 3 tháng.
Giang mai: 100 mg/12 giờ trong 10 – 15 ngày.
Nhiễm phẩy khuẩn tả: liều ban đầu 200 mg, sau đó 100 mg/12 giờ, trong 48 – 72 giờ.
Bệnh phong:
Thể phong nhiều vi khuẩn không điều trị được bằng rifampicin: 100 mg/ngày phối hợp với các thuốc điều trị phong khác (clofazimin 50 mg/ngày, Ofloxacin 400 mg/ngày) trong 6 tháng tấn công, tiếp theo 18 tháng duy trì bằng minocyclin 100 mg/ngày và clofazimin 50 mg/ngày.
Thể phong nhiều vi khuẩn không điều trị được bằng clofazimin: 100 mg/lần/tháng phối hợp với ofloxacin 400 mg/lần/tháng và rifampicin 600 mg/lần/tháng trong 24 tháng.
Thể phong ít vi khuẩn đơn tổn thương: 1 liều duy nhất rifampicin 600 mg, ofloxacin 400 mg và minocyclin 100 mg.
10.2.3 Liều điều trị trong một số chỉ định cụ thể cho trẻ em
Nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm (như Chlamydia, Rickettsia, Mycoplasma): liều 100 mg/12 giờ.
Trứng cá: 100 mg/24 giờ hoặc 50 mg/12 giờ. Viên giải phóng kéo dài: 100 mg/24 giờ.
Bệnh phong ở trẻ em thể ít vi khuẩn đơn tổn thương: 1 liều duy nhất rifampicin 300 mg, ofloxacin 200 mg và minocyclin 50 mg.
10.2.4 Người suy thận
Không dùng quá 200 mg/ngày khi Clcr < 80 ml/phút. Chống chỉ định cho người suy thận giai đoạn cuối.
11 Tương tác thuốc
Tránh sử dụng: cùng với dẫn chất acid retinoic vì làm tăng áp lực nội sọ.
Tương tác dược lực học: minocyclin làm ức chế hoạt động của prothrombin huyết tương, cần giảm liều các thuốc chống đông ở bệnh nhân đang dùng minocyclin.
Tương tự như các tetracyclin nói chung, tác dụng kìm khuẩn của minocyclin làm giảm tác dụng diệt khuẩn của penicilin, do đó tránh phối hợp 2 thuốc này.
Tương tác dược động học: hấp thu minocyclin giảm do các thuốc kháng acid chứa calci, magnesi, Kẽm và các chế phẩm chứa sắt, didanosin.
Tăng tác dụng/độc tính: minocyclin có thể làm tăng tác dụng/độc tính của các chất ức chế thần kinh cơ, methoxyfluran, dẫn chất acid retinoic, các thuốc kháng vitamin K.
Giảm tác dụng: minocyclin có thể làm giảm tác dụng của penicilin, vắc xin thương hàn, làm thất bại phương pháp tránh thai bằng thuốc. Các thuốc có thể làm giảm tác dụng của minocyclin là antacid, Bismuth, sắt, quinacrin, muối kẽm.
Tương tác thức ăn; uống thuốc cùng với sữa hoặc sản phẩm từ sữa, sản phẩm chứa sắt, calci có thể làm giảm hấp thu minocyclin. Minocyclin cũng làm giảm hấp thu calci, sắt, magnesi và kẽm trong thức ăn.
Tương tác về xét nghiệm: điều trị bằng minocyclin có thể gây nhiễu kết quả định lượng catecholamin trong nước tiểu bằng phương pháp huỳnh quang.
12 Tương kỵ
Các tetracyclin có thể kết hợp với các cation kim loại tạo phức hợp chelat không tan. Tương kỵ cũng đã được báo cáo với các dung dịch chứa calci, magnesi, nhôm và sắt.
13 Quả liều và xử trí
13.1 Triệu chứng
Chóng mặt, buồn nôn, nôn là các biểu hiện thường gặp khi dùng quá liều.
13.2 Xử trí
Chưa có điều trị đặc hiệu. Ngừng thuốc và điều trị triệu chứng. Thẩm phân máu hoặc thẩm phân phúc mạc không làm thải trừ đáng kể thuốc.
Cập nhật lần cuối: 2021