Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Tên chung quốc tế: Methionine.
Mã ATC: V03AB26.
Loại thuốc: Acid amin, thuốc giải độc paracetamol.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Nang: 250 mg, 500 mg.
Viên nén bao phim: 250 mg, 500 mg.
2 Dược lực học
Methionin là một acid amin thiết yếu có trong thành phần của chế độ ăn và trong các Dung dịch acid amin dùng cho nuôi dưỡng đường tĩnh mạch.
Methionin tăng cường tổng hợp glutathion và được sử dụng thay thế cho Acetylcystein để điều trị ngộ độc paracetamol, đề phòng tổn thương gan. Tuy nhiên, để điều trị ngộ độc paracetamol, acetylcystein được ưu tiên sử dụng hơn.
Methionin làm giảm pH nước tiểu, tác dụng này được ứng dụng trong hỗ trợ điều trị nhiễm trùng tiết niệu mạn tính và vôi hóa thận. Methionin được chuyển hóa thành homocystein. Do đó methionin liều cao đường uống được dùng làm liều nạp trong đánh giá tình trạng tăng homocystein huyết.
Trong điều trị ngộ độc khí N2O: Khí N2O oxy hóa vitamin B12, co-enzym thiết yếu để sản xuất methionin thông qua enzym methionin synthetase, làm ngừng việc sản xuất methionin nội sinh. Do đó, việc bổ sung methionin là cần thiết để phòng tránh các hậu quả trên máu và thần kinh do cạn kiệt methionin. Việc ức chế này là không hồi phục do đó cần phải dùng methionin kéo dài (nhiều tuần).
3 Dược động học
Methionin được hấp thu tốt qua Đường tiêu hóa. Methionin được chuyển hóa tại gan thành S-adenosylmethionin, sau đó thành homocystein. Homocystein được gắn trở lại nhóm methyl thành methionin hoặc tạo thành taurin và Cystein (một tiền chất của glutathion). Khoảng 5 – 10% liều thuốc được bài tiết qua nước tiểu dưới dạng không đổi và 80% được bài tiết dưới dạng gốc sulfat vô cơ. Nửa đời thải trừ của thuốc là 1 – 1,5 giờ.
4 Chỉ định
Điều trị quá liều Paracetamol khi không có acetylcystein.
Hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính, vôi hóa thận.
5 Chống chỉ định
Methionin gây toan hóa máu và nước tiểu, do đó không nên sử dụng methionin trong các trường hợp sau.
Người bệnh bị nhiễm toan, tăng acid uric huyết, tăng acid uric hiệu. Sỏi thận có chứa acid uric hoặc cystin.
Rối loạn chuyển hóa: tăng oxalat, homocystin niệu, tăng methionin huyết.
Quá mẫn với methiomin.
6 Thận trọng
Ở những người bệnh đã có tổn thương gan nặng, methionin có thể làm tình trạng bệnh lý não gan nặng thêm. Cần thận trọng khi dùng methionin cho người bệnh bị bệnh gan nặng.
Cần thận trọng với các bệnh nhân có liên quan đến nồng độ homocystein huyết cao như: xơ vữa động mạch, thiếu hụt methylentetrahydrofolat reductase (MTHFR)… có thể làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Cần chú ý khi truyền tĩnh mạch methionin cho người bị suy tim, giữ muối – giữ nước.
7 Thời kỳ mang thai
Chưa xác định được tính an toàn cho người mang thai. Thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ mang thai.
8 Thời kỳ cho con bú
Chưa xác định được tính an toàn cho trẻ bú mẹ. Thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Buồn nôn, nôn, ngủ gà, dễ bị kích thích.
Toan hóa máu và nước tiểu.
Methionin liều cao (5 – 40 gam hàng ngày, kéo dài tới 2 tháng) đã thúc đẩy các triệu chứng rối loạn tâm thần ở các bệnh nhân tâm thần phân liệt, mặc dù liều 10 gam đã được sử dụng ở người khỏe mạnh mà không gây ADR.
Các ADR ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch được dùng liều nạp methionin để chẩn đoán tăng homocystein huyết: chóng mặt, ngủ gà, đái nhiều và các thay đổi về huyết áp. Đã có trường hợp tử vong khi dùng liều nạp cao gấp 10 lần liều dự kiến.
10 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Giảm liều hoặc ngừng thuốc.
11 Liều lượng và cách dùng
11.1 Cách dùng
Điều trị quá liều paracetamol: Cần tiến hành điều trị chậm nhất là 10 – 12 giờ sau khi uống paracetamol.
Nên uống thuốc trong bữa ăn hoặc khi no.
11.2 Liều lượng
11.2.1 Điều trị ngộ độc paracetamol
Trẻ em ≥ 6 tuổi và người lớn: Liều uống 2,5 g/lần, bắt đầu từ khi uống quá liều paracetamol, cứ 4 giờ uống 1 lần và uống đủ 4 liều. Điều trị phụ thuộc vào nồng độ paracetamol trong huyết tương.
Trẻ em < 6 tuổi: Liều uống 1,0 g/lần bắt đầu từ khi uống quá liều paracetamol, cứ 4 giờ uống 1 lần và uống đủ 4 liều.
11.2.2 Hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính, vôi hóa thận
Uống 0,5 – 1 g/lần, 3 lần/ngày.
12 Tương tác thuốc
Than hoạt tính: Than hoạt tính có thể hấp phụ và làm giảm tác dụng của methionin trên đường uống.
Levodopa: Methionin có thể làm giảm tác dụng chống Parkinson của Levodopa. Cần tránh dùng methionin liều cao ở người bệnh đang được điều trị bằng levodopa.
Methionin làm acid hóa nước tiểu nên có thể làm tăng nồng độ của các thuốc được tái hấp thu trong môi trường nước tiểu acid tại ống thận (ví dụ: các thuốc kháng sinh).
Cập nhật lần cuối: 2019