Mesalazine (Fisalamine, Mesalamine)

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

Tên chung quốc tế: Mesalazine (Fisalamine, Mesalamine). 

Mã ATC: A07EC02. 

Loại thuốc: Thuốc chống viêm Đường tiêu hóa, thuốc điều trị viêm ruột. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Viên nén bao tan trong ruột: 250 mg, 400 mg, 500 mg, 800 mg.

Viên nén giải phóng chậm: 400 mg, 500 mg, 800 mg, 1,2 g.

Viên nén giải phóng biến đổi: 500 mg, 1 g, 1,2 g. 

Nang giải phóng kéo dài: 250 mg, 375 mg, 500 mg.

Nang giải phóng chậm: 400 mg. 

Thuốc cốm giải phóng biến đổi: Gói 500 mg, 1 g, 1,5 g, 2 g, 3 g.

Thuốc đạn: 250 mg, 500 mg, 1 g. 

Thuốc thụt trực tràng: 10 mg/ml, 33,9 mg/ml (2 g/59 ml), 4 g/60 ml.

Thuốc tạo bọt: 1 g/1 lần dùng. 

2 Dược lực học 

Mesalazin (acid 5-aminosalicylic, 5-ASA) được xem là thành phần có hoạt tính của sulfasalazin. Thuốc có tác dụng chống viêm tại đường tiêu hóa. Cơ chế tác dụng chính xác của mesalazin chưa được biết rõ, nhưng thuốc có tác dụng tại chỗ, không có tác dụng toàn thân. Hiệu quả chống viêm của mesalazin có thể do ức chế cyclooxygenase và tổng hợp prostaglandin trong đại tràng. Dạng thuốc thụt của mesalazin có tác dụng tương tự sulfasalazin dạng uống hoặc hydrocortison dạng thụt ở những người viêm loét ở đoạn cuối đại tràng mức độ nhẹ và vừa. Những người kháng với sulfasalazin dạng uống và hydrocortison dạng uống có thể đáp ứng với mesalazin dạng dùng đường trực tràng. Dùng mesalazin đường trực tràng phối hợp với sulfasalazin dạng uống hoặc corticoid có thể tăng hiệu quả điều trị, nhưng cũng tăng nguy cơ bị các ADR.

3 Dược động học

3.1 Hấp thu

Dùng đường trực tràng hấp thu không ổn định (khoảng 10 – 30% liều dùng), phụ thuộc vào thời gian lưu giữ thuốc ở trực tràng, pH đại tràng và tình trạng bệnh. Dùng đường uống, hấp thu của viên nén khoảng 20 – 28%, viên nang khoảng 20 – 43%. 

Thời gian đạt nồng độ tối đa trong huyết tương khác nhau ở mỗi chế phẩm, ví dụ của nang giải phóng chậm (biệt dược Delzicol) là 10 giờ, của viên nén giải phóng chậm (biệt dược Asacol) là 24 giờ.

3.2 Phân bố

Mesalazin liên kết với protein là 43%, N-acetyl-5-ASA là 78%.

3.3 Chuyển hóa

Ở gan và thành ruột, bị acetyl hóa bởi N-acetyltransferase thành acid N-acetyl-5-aminosalicylic có hoạt tính. 

3.4 Thải trừ

Nửa đời thải trừ: Khác nhau ở các chế phẩm.

Viên nén giải phóng chậm (biệt dược Lialda) là 7 – 12 giờ, nang giải phóng chậm (biệt dược Delzicol) là 25 giờ, nang giải phóng kéo dài (biệt dược Apriso) là 9-10 giờ.

Dạng uống, thuốc đạn: Thải trừ qua nước tiểu (chủ yếu ở dạng chuyển hóa, < 12% ở dạng không đổi) và qua phân (ở dạng không hấp thu). 

Thuốc thụt: Thải trừ chủ yếu qua phân, qua nước tiểu khoảng 10 – 30%. 

4 Chỉ định 

Viêm loét đại tràng cấp mức độ nhẹ đến trung bình.

Viêm đại tràng sigma mức độ nhẹ đến trung bình.

Viêm trực tràng không đặc hiệu mức độ nhẹ đến trung bình.

Bệnh Crohn hồi kết tràng. 

5 Chống chỉ định 

Quá mẫn với mesalamin, các salicylat khác (bao gồm Aspirin) hoặc các aminosalicylat hoặc sulfasalazin. 

Suy thận nặng (GFR < 20 ml/phút), suy gan nặng. 

Hẹp môn vị, tắc ruột. 

Bất thường về đông máu (ở trẻ em).

Trẻ em dưới 2 tuổi. 

6 Thận trọng

Đã có báo cáo về loạn tạo máu nghiêm trọng khi dùng mesalazin nhưng rất hiếm gặp. Cần theo dõi về huyết học, nếu người bệnh có chảy máu không rõ nguyên nhân, có các vết bầm tím, ban xuất huyết, thiếu máu, sốt hoặc viêm họng. Nên ngừng thuốc nếu có dấu hiệu tăng nhạy cảm hoặc nếu có ỉa chảy. 

Thận trọng với người già, người suy gan, suy thận nhẹ đến trung bình, loét đường tiêu hóa, bệnh về phổi. Cần theo dõi chức năng thận trước và trong khi điều trị bằng mesalazin. 

7 Thời kỳ mang thai 

Thận trọng khi dùng cho người mang thai và chỉ dùng khi lợi ích hơn hẳn nguy cơ có thể xảy ra. Chưa có tư liệu về khả năng gây quái thai của thuốc, nhưng có một lượng mesalazin rất thấp đi qua nhau thai. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Thận trọng trong thời kỳ con bú và chỉ dùng khi lợi ích hơn hẳn nguy cơ có thể xảy ra. Đã có báo cáo gây tiêu chảy ở trẻ nhưng chỉ có một lượng không đáng kể thuốc đi vào sữa. Cần theo dõi tình trạng tiêu chảy ở trẻ. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Các ADR phụ thuộc nhiều vào dạng dùng. Tỷ lệ gặp ADR thấp hơn khi dùng dạng thuốc đạn hoặc thuốc thụt. Tần số xuất hiện một vài ADR nói chung ít hơn so với uống sulfasalazin (tiền chất của mesalazin).

9.1 Thường gặp 

TKTW: đau đầu, chóng mặt đau, tăng trương lực, ớn lạnh, mệt mỏi, lo âu, đau nửa đầu, căng thẳng, dị cảm, mất ngủ, cảm giác bất an.

Tiêu hóa: ỉa chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, làm tăng triệu chứng của viêm đại tràng, ợ hơi, đầy hơi, táo bón, khó tiêu, chảy máu dạ. dày – ruột, phân có máu, phân bất thường, đau trực tràng, đau mót.

Tim mạch: đau ngực, phù ngoại vi, giãn mạch, ngất, tăng huyết áp.

Da: mày đay, phát ban, ngứa, mụn trứng cá, toát mồ hôi.

Hô hấp: viêm họng, viêm mũi – họng, ho, viêm phế quản, triệu chứng giống cúm. 

Nội tiết và chuyển hóa: tăng triglycerid, giảm cân. 

Thận, tiết niệu: tiểu ra máu, tiểu nhiều lần, giảm độ thanh thải creatinin, đa niệu. 

Huyết học: giảm hemoglobin, giảm hematocrit, chảy máu trực tràng, thiếu máu. 

Gan: viêm gan ứ mật, tăng transaminase, các phép thử chức năng gan bất thường, tăng SGPT huyết.

Xương khớp: đau lưng, đau khớp, đau cơ, yếu cơ, viêm khớp.

Khác: sốt, nhiễm khuẩn, nhiễm virus, nhìn bất thường, ù tai, đau tai, sốc phản vệ. 

9.2 Hiếm gặp 

Máu: giảm bạch cầu, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và rối loạn tạo mẫu. 

Tuần hoàn: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. 

Da: nhạy cảm với ánh sáng.

Cơ xương: đau khớp, chuột rút, đau lưng. 

Thần kinh: bệnh thần kinh, chủ yếu tác động đến chân.

Tiết niệu: viêm thận, hội chứng thận hư.

Phản ứng khác: rụng tóc, viêm tụy, hội chứng không dung nạp mesalamin. 

9.3 Rất hiếm gặp 

Hội chứng Stevens-Johnson, xơ gan, giảm tinh trùng (có hồi phục).

9.4 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Ngừng điều trị nếu có dấu hiệu hoặc nghi ngờ có loạn tạo máu. 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng 

Mesalazin được dùng qua đường uống hoặc đường trực tràng. Dùng đường uống có nhiều dạng chế phẩm khác nhau (viên nang giải phóng kéo dài, viên nén giải phóng chậm, viên nén bao tan trong ruột). Do đặc điểm giải phóng hoạt chất khác nhau giữa các chế phẩm dạng uống, nên chúng không được xem là có thể thay thế cho nhau. Thuốc dùng đường trực tràng (dạng thuốc đạn hoặc thụt giữ) nên dùng khi đi ngủ, hiệu quả tốt nhất nếu thụt tháo trước khi dùng thuốc. 

Liều lượng và cách dùng của các chế phẩm là khác nhau, vì vậy cần tham khảo hướng dẫn của nhà sản xuất với mỗi chế phẩm. Sau đây là liều dùng của một số chế phẩm cụ thể:

10.1.1 Dạng uống 

10.1.1.1 Viên nén 500 mg (biệt dược SaVi Mesalazine)

Điều trị cấp: Uống tới 4 g/ngày, chia làm 2 – 3 lần.

Điều trị duy trì: Liều khởi đầu 1,5 g/ngày, chia làm 2 – 3 lần. Thuốc dùng trong 3 – 6 tuần hoặc đến khi bệnh thuyên giảm trên lâm sàng hoặc soi đại tràng sigma. Hiệu quả điều trị khi dùng mesalazin trên 6 tuần chưa được xác định, nhưng một số người bệnh đã dùng thuốc đường trực tràng trên 1 năm. 

10.1.1.2 Viên nén giải phóng biến đổi 400 mg (biệt dược Asacol)

Điều trị viêm loét đại tràng cấp mức độ nhẹ đến trung bình

  • Người lớn: Uống 2,4 g/ngày, chia làm nhiều lần.
  • Trẻ em 12 – 17 tuổi: Uống 800 mg/lần, 3 lần/ngày.

Điều trị duy trì viêm loét đại tràng và bệnh Crohn hồi kết tràng

  • Người lớn: Uống 1,2 – 2,4 g/ngày, chia làm nhiều lần.
  • Trẻ em 12 – 17 tuổi: Uống 400 – 800 mg/lần, 2 – 3 lần/ngày
10.1.1.3 Viên nén giải phóng biến đổi 800 mg (biệt dược Asacol)

Điều trị viêm loét đại tràng cấp mức độ nhẹ đến trung bình

  • Người lớn: Uống 2,4 – 4,8 g/ngày, chia làm nhiều lần.

Điều trị duy trì viêm loét đại tràng

  • Người lớn: Uống tới 2,4 g/ngày, dùng 1 lần hoặc chia làm nhiều lần.

Điều trị duy trì bệnh Crohn hồi kết tràng 

Người lớn: Uống tới 2,4 g/ngày, chia làm nhiều lần.

10.1.1.4 Viên nén giải phóng biến đổi 1,2 g (biệt dược Mezavant XL)

Điều trị viêm loét đại tràng cấp mức nhẹ đến trung bình

  • Người lớn: Uống 2,4 g, ngày 1 lần, nếu cần tăng đến 4,8 g, ngày 1 lần, xem lại điều trị sau 8 tuần. 

Điều trị duy trì viêm loét đại tràng.

  • Người lớn: Uống 2,4 g, ngày 1 lần. 
10.1.1.5 Viên nén tan trong ruột 400 mg, 800 mg (biệt dược Octasa)

Điều trị viêm loét đại tràng cấp mức nhẹ đến trung bình

  • Người lớn: Uống 2,4 – 4,8 g, ngày 1 lần hoặc chia làm nhiều lần. Chỉ chia nhiều lần khi dùng liều trên 2,4 g. 

Điều trị duy trì viêm loét đại tràng và bệnh Crohn hồi kết tràng

  • Người lớn: Uống 1,2 – 2,4 g, ngày 1 lần hoặc chia làm nhiều lần.
10.1.1.6 Viên nén 500 mg, 1 g (biệt dược Pentasa) 

Điều trị viêm loét đại tràng cấp mức nhẹ đến trung bình

  • Người lớn: Uống tối đa 4 g, ngày 1 lần hoặc chia làm 2 – 3 lần.

Điều trị duy trì viêm loét đại tràng 

  • Người lớn: Uống 2 g, ngày 1 lần. 
10.1.1.7 Nang giải phóng chậm 400 mg (biệt dược Delzicol)

Điều trị viêm loét đại tràng cấp mức nhẹ đến trung bình

  • Uống 800 mg/lần (2 viên 400 mg), 3 lần/ngày, trong 6 tuần.

Điều trị duy trì viêm loét đại tràng

  • Uống 1,6 g/ngày, chia làm 2 – 4 lần. 
10.1.1.8 Nang giải phóng kéo dài 0,375 mg (biệt dược Apriso)

Điều trị duy trì viêm loét đại tràng 

  • Uống 1,5 g, ngày 1 lần vào buổi sáng.
10.1.1.9 Thuốc cốm dạng giải phóng biến đổi 1 g, 2 g (biệt dược Pentasa)

Điều trị viêm loét đại tràng cấp mức nhẹ đến trung bình

  • Trẻ em 6 – 17 tuổi (trọng lượng cơ thể < 40 kg): Uống 10 – 20 mg/kg, 3 lần/ngày.
  • Trẻ em 6 – 17 tuổi (trọng lượng cơ thể ≤ 40 kg): Uống 1 – 2 g/lần, 2 lần/ngày. Tổng liều mỗi ngày có thể chia dùng 3 – 4 lần.
  • Người lớn: Uống tới tối đa 4 g, ngày 1 lần hoặc chia 2 – 4 lần.

Điều trị duy trì viêm loét đại tràng 

  • Trẻ em 6 – 17 tuổi (trọng lượng cơ thể <40 kg): Uống 7,5 – 15 mg/kg, 2 lần/ngày, tổng liều hàng ngày có thể được chia làm 3 lần.
  • Trẻ em 6 – 17 tuổi (trọng lượng cơ thể ≥ 40 kg): Uống 2 g, ngày 1 lần. 
  • Người lớn: Uống 2 g, ngày 1 lần. 
10.1.1.10 Dùng đường trực tràng 

Thuốc thụt 10 mg/ml (biệt dược Pentasa) 

Điều trị hoặc điều trị duy trì viêm loét đại tràng cấp mức nhẹ đến trung bình 

  • Người lớn: Thụt 1 g, ngày 1 lần, nên dùng lúc đi ngủ

Điều trị viêm loét đại tràng cấp mức nhẹ đến trung bình, ảnh hưởng đến đại tràng sigma. 

  • Trẻ 12 – 17 tuổi: Thụt 1 g, ngày 1 lần, dùng lúc đi ngủ. T
10.1.1.11 Thuốc đạn 250 mg, 500 mg (biệt dược Asacol) 

Điều trị và điều trị duy trì viêm loét đại tràng cấp mức nhẹ đến trung bình 

  • Người lớn: 0,75 – 1,5 g/ngày, chia làm nhiều lần, liều cuối là lúc đi ngủ.
10.1.1.12 Thuốc đạn 1 g (biệt dược Pentasa) 

Điều trị viêm loét trực tràng cấp 

  • Người lớn: 1 g mỗi ngày, trong 2 – 4 tuần. 

Điều trị duy trì viêm loét trực tràng 

  • Người lớn: 1 g mỗi ngày. 

11 Tương tác thuốc

Sulfasalazin dạng uống, các thuốc độc với thận (NSAID): Có thể gây tăng nguy cơ độc với thận. 

Warfarin: Đã có thông báo tăng thời gian prothrombin.

Mesalazin làm tăng nồng độ, tác dụng của: Heparin (trọng lượng phân tử thấp), thiopurin, vắc xin thủy đậu. 

Tác dụng của mesalazin giảm bởi: các antacid, chất đối kháng H2, chất ức chế bơm proton. 

Mesalazin làm giảm tác dụng của glycosid trợ tim. 

12 Quá liều và xử trí 

Không có thuốc giải độc đặc hiệu, có thể tiêm truyền tĩnh mạch các chất điện giải để tăng lợi tiểu. 

Cập nhật lần cuối: 2018

Để lại một bình luận