Men Gạo Đỏ (Red Yeast Rice)

Men gạo đỏ hay gạo men đỏ, red yeast rice là loại thực phẩm quý, được ứng dụng nhiều trong y học để bào chế các thực phẩm bổ sung hay thuốc có công dụng hạ cholesterol, hạ mỡ máu, điều trị tăng huyết áp. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc thông tin chi tiết về Men gạo đỏ.

1 Red Yeast rice là gì?

Red yeast rice hay Gạo đỏ lên men, Men gạo đỏ, Gạo Koji đỏ là gạo đỏ lên men với một loại nấm men Monascus purpureus.

Cách lên men gạo đỏ: Đem ủ gạo với nấm men cho lên men rồi nấu thành cơm như các loại gạo thông thường khác hoặc để chế biến thành thực phẩm chức năng hoặc chế biến thành phẩm màu dùng cho các thực phẩm khác. 

Nấm men lên men men gạo đỏ
Nấm men lên men men gạo đỏ

1.1 Hồng cúc mễ là gì?

Bột hồng cúc chính là bột men gạo đỏ, còn được gọi với tên hồng cúc mễ, được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm, y học.

2 Lịch sử của men gạo đỏ

Gạo đỏ lên men là một loại thực phẩm được sử dụng cả hàng ngàn năm nay tại các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc: 

  • Đời nhà Đường Trung Quốc (năm 800 AD) đã cho sử dụng gạo men đỏ như là thực phẩm và thuốc cổ truyền để tăng thêm sinh lực cho cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa và đem lại sức sống mới. Đời Nhà Minh (1378-1644) Gạo men đỏ được sử dụng rộng rãi làm thực phẩm tăng cường sức khỏe, giảm bệnh tim mạch. 

Gạo men đỏ có thể dùng làm thực phẩm để ăn và được dùng làm thuốc. Ngô Thụy (Triều Nguyên – Trung Quốc) đã được ghi chép trong bản “Thảo dược thưởng dùng”: “Gạo men đỏ nấu rượu có hiệu quả như thuốc giúp thúc đẩy lưu thông máu”. Hốt Tư Tuệ (Thái sư ẩm thực Triều Nguyễn – Trung Quốc) ghi chép trong cuốn “Ẩm thực chính yếu”: “Gạo men đỏ kiện tỳ, ích khí, ôn trung”. Các tài liệu sau này như: “Bản thảo cương mục”, “Bản thảo diễn nghĩa cổ di”, “Bản thảo di yếu”, “Y lâm toàn yếu”… đều ghi chép lại tác dụng của gạo men đỏ với đặc điểm: hàm lượng các chất dinh dưỡng phong phú, không độc hại, đem lại hiệu quả vượt trội, giúp kiện tỳ, tiêu thực, hoạt huyết. 

Cuối những năm 1970, các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ và Nhật Bản đã cô lập được Lovastatin từ Aspergillus và Monacolins từ Monacus, tương ứng sau này là nấm men để lên men gạo đỏ. Kết quả nghiên cứu cho thấy Lovastatin và Monacolin K là giống nhau và Lovastatin được cấp bằng sáng chế. Từ đó Lovastatin trở thành thuốc kê đơn và gạo men đỏ có chứa Monacolin K được dùng rộng rãi. Sản phẩm bột gạo men đỏ có chứa 0,4% Monacolin, trong đó một nửa là Monacolin K (giống với Lovastatin) được dùng làm thức ăn bổ sung để giảm Cholesterol. Năm 1998, FDA (Hoa Kỳ) cho rằng: Gạo men đỏ có chứa Monacolin K, tức là Lovastatin, giống hệt với thuốc đã cấm lưu hành một sản phẩm là Cholestin. Tòa án Quận Utah (Mỹ) đã cho phép các sản phẩm được bán không hạn chế. Quyết định này được kháng cáo lên tòa phúc thẩm Mỹ năm 2001. FDA gửi thư cảnh báo cho các công ty gạo men đỏ và sản phẩm gạo men đỏ biến mất khỏi thị trưởng trong vài năm. Đến năm 2003, Gạo men đỏ lại xuất hiện trở lại thị trường Mỹ. Đến 2010, đã có trên 30 thương hiệu gạo men đỏ lưu hành. 

Như vậy, gạo men đỏ được coi là thuốc nếu chiết xuất riêng chỉ để lấy Lovastatin đơn thuần và có thể tổng hợp, đóng gói thành thuốc, còn nếu vẫn để dạng gạo hoặc dạng bột, chiết xuất lấy dịch chiết trong đó có Monacolin K (Lovastatin tự nhiên) và các thành phần khác thì được coi là thực phẩm chức năng, được chế biến dưới dạng viên, trà, rượu… được kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập để kiểm soát Cholesterol cao. 

Hiện nay, gạo men đỏ được dùng rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản, cộng đồng người Hoa ở Mỹ và nhiều nước châu Á khác. 

Men gạo đỏ được sử dụng từ lâu đời
Men gạo đỏ được sử dụng từ lâu đời

3 Thành phần hóa học

Gạo đỏ lên men có đầy đủ các thành phần như gạo thông thường.

Ngoài ra, gạo đỏ lên men còn có các hoạt chất sinh học đặc biệt gồm có: 

  • Monacolins: là thành phần chủ yếu, trong đó chủ yếu là Monacolin K. 
  • Sterol 
  • Isoflavones 
  • Acid béo không no 

4 Tác dụng –  công dụng

+ Chiết xuất lấy Lovastatin làm thuốc giảm Cholesterol. 

+ Chế biến thành thực phẩm chức năng với các tác dụng sau: 

  • Giảm Cholesterol, mỡ máu, phòng chống bệnh vữa xơ động mạch: là tác dụng chủ yếu 
    Các kết quả nghiên cứu cho thấy: Sử dụng gạo men đỏ có thể làm giảm: Cholesterol toàn phần, LDL, TG, Tăng HDL 
  • Tăng sinh lực 
  • Tăng chức năng tiêu hóa 
  • Hỗ trợ giảm cân. 

+ Các nghiên cứu cũng chỉ ra, men gạo đỏ có tiềm năng mang lại các tác dụng có lợi khác như giảm sự phát triển của tế bào ung thư, cải thiện Insulin, giảm viêm, giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa…

+ Làm phẩm màu thực phẩm: nhuộm màu cho đậu phụ, dấm ăn, vịt quay, xá xíu, rượu vang và các sản phẩm muốn mà đỏ. 

Công dụng của men gạo đỏ
Công dụng của men gạo đỏ

5 Liều lượng

Men gạo đỏ có thể được bào chế dưới dạng viên nang, viên nén, kết hợp với các thành phần như Omega-3, CoQ10, Nattokinase…

Liều từ 200mg – 4800mg đã được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng chứa khoảng 10mg monacolin toàn phần

Các thương hiệu thực phẩm bổ sung chứa men gạo đỏ trên thị trường khuyên dùng liều 1200mg – 2400mg mỗi ngày, chia thành 2 đến 3 liều

6 Cách sử dụng bột hồng cúc

Gạo men đỏ có thể đem nấu như gạo thông thường, còn bột gạo men đỏ hay bột hồng cúc có thể sử dụng trong thực phẩm như một chất tạo màu tự nhiên cho các thực phẩm như bánh, lạp xưởng, jambon, vịt quay…

6.1 Bột hồng cúc có độc không?

Khi sử dụng như một chất phụ gia trong chế biến thực phẩm, bột hồng cúc rất an toàn. Tuy nhiên, trong y học, nếu sử dụng bột hồng cúc không đúng mục đích vè liều lượng, có thể dẫn tới các tác dụng phụ như đã liệt kê dưới đây:

7 Tác dụng phụ và tương tác

7.1 Tác dụng phụ 

+ Tác dụng phụ của gạo men đỏ rất hiếm nhưng có thể bao gồm: 

  • Đau đầu 
  • Đau bụng
  • Đầy hơi
  • Chóng mặt
  • Ợ nóng 
  • Đau nhức bắp thịt và yếu cơ
  • Đi tiểu ít, nước tiểu màu sẫm 

+ Xử trí: Ngừng sử dụng nếu cần thiết và hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn 

7.2 Tương tác 

  • Tránh uống rượu trong khi dùng gạo men đỏ vì rượu làm tăng nguy cơ tổn thương gan. 
  • Thuốc hạ Cholesterol: Nếu dùng thuốc để giảm Cholesterol, không nên dùng men gạo đỏ trừ khi bác sĩ cho phép. Gạo men đỏ có thể làm cho tác dụng của các loại thuốc này mạnh hơn, làm tăng nguy cơ tổn thương gan. 
  • Thuốc chống đông máu (máu pha loãng): gạo men đỏ có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Chất làm loãng máu bao gồm Warfarin (Coumadin), Clopidogrel (Plavix) và dùng Asprin hàng ngày. 
  • Nước bưởi: Nếu dùng một thuốc statin với bưởi hay nước ép Bưởi có thể làm tăng lượng thuốc trong máu. Điều đó có thể cung cấp một cơ hội lớn hơn tác dụng phụ và tổn thương gan. Bởi vì men gạo đỏ có thể hành động như statins trong cơ thể, không nên uống nước ép bưởi hoặc ăn bưởi khi dùng gạo men đỏ. 
  • Coenzyme Q10: Statins có thể làm giảm số lượng Coenzyme Q10, trong cơ thể. CoQ10 rất quan trọng trong sức khỏe tim mạch, cơ bắp và trong sản xuất năng lượng. Không có đủ CoQ10 có thể gây ra mệt mỏi, đau cơ và đau, tổn thương cơ bắp. Gạo men đỏ cũng có thể gây ra những tác dụng này. Hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng 
  • Không nên dùng men gạo đỏ mà không có sự tư vấn của bác sĩ nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào sau đây: Cyclosporine (Sandimune, Neoral, Gengraf); Một kháng sinh như Azithromycin (Zithromax), Clarithromycin (Biaxin), hoặc Erythromycin (E-Mycin, EES, Ery-Tab, Erythrocin); thuốc chống nấm như Itraconazole (Sporanox) hoặc Ketoconazole (Nizoral); Thuốc hạ Cholesterol khác, chẳng hạn như Atorvastatin (Lipitor), Gemfibrozil (Lopid), Fenofibrate (Tricor), Fluvastatin (Lescol), Lovastatin (Mevacor), Pravastatin (Pravachol) hoặc Simvastatin (Zocor); Niacin (Niacor, Nicobid, Niaspan, Nicolar, Nicotinex, Slo-Niacin), Itraconazole (Sporanox) hoặc Ketoconazole (Nizoral), Danazol (Danazol, Danocrine); Nefazodone (Serzone), hoặc là: Thuốc điều trị HIV như Nevirapine (Viramune), Delavirdine (Rescriptor), efavirenz (Sustiva), Indinavir (Crixivan), ritonavir (Norvir), Saquinavir (Invirase), hoặc nelfinavir (Viracept). 

Danh sách này không phải là hoàn toàn và các loại thuốc khác có thể tương tác với gạo men đỏ. Thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc sử dụng. Bao gồm theo toa, không kê toa, vitamin và các sản phẩm thảo dược…

8 Lưu ý khi sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú

Không có nghiên cứu nào về sự an toàn của các sản phẩm men gạo đỏ trong thời kỳ mang thai hoặc khi cho con bú. Các sản phẩm gạo men đỏ không được khuyến cáo cho những người đang mang thai hoặc cho con bú.

9 Tài liệu tham khảo

  • Thực phẩm chức năng – Functional Food (Xuất bản năm 2017). Gạo đỏ lên men [Red yeast rice] trang 536 – 541, Thực phẩm chức năng – Functional Food. Truy cập ngày 13 tháng 07 năm 2023.
  • Tác giả: Chuyên gia NIH (Cập nhật: Tháng 11 năm 2022). Red Yeast Rice: What You Need To Know, NIH. Truy cập ngày 13 tháng 07 năm 2023.
  • Tác giả: Lisa Hodgson (Cập nhật: Ngày 26 tháng 07 năm 2021). Red Yeast Rice: Benefits, Side Effects and Dosage, Healthline. Truy cập ngày 13 tháng 07 năm 2023.

Để lại một bình luận