Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Tên chung quốc tế: Medroxyprogesterone acetate.
Mã ATC: G03AC06, G03DA02, L02AB02.
Loại thuốc: Hormon progestogen.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 2,5 mg, 5 mg, 10 mg, 100 mg, 200 mg, 400 mg.
Thuốc tiêm: Ống 104 mg/0,65 ml, 150 mg/ml, 400 mg/ml.
2 Dược lực học
Medroxyprogesteron acetat (17 alpha-acetoxyprogesteron) là progestogen tổng hợp có tác dụng như progesteron tự nhiên nhưng tác dụng mạnh hơn. Khi sử dụng dưới dạng tiêm bắp và tiêm dưới da, thuốc có tác dụng ức chế tuyến yên bài tiết gonadotropin, vì vậy ngăn cản sự trưởng thành của nang trứng và ức chế rụng trứng, ngăn cản sự phát triển niêm mạc tử cung, làm mỏng niêm mạc tử cung do vậy có tác dụng tránh thai. Ngoài ra, thuốc còn ức chế tăng sinh nội mạc tử cung, thay đổi chất nhờn cổ tử cung, làm cản trở sự xâm nhập của tinh trùng. Thuốc không có các tác dụng này khi sử dụng đường uống với liều thông thưởng 5 – 10 mg/ngày.
Mặc dù chưa rõ cơ chế, medroxyprogesteron acetat còn được sử dụng để điều trị một số loại ung thư như: ung thư nội mạc tử cung, ung thư tế bào thận.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Medroxyprogesteron acetat hấp thu nhanh sau khi uống. Sinh khả dụng khi uống là 5,7 ± 3,8%. Nếu tiêm bắp, medroxyprogesteron acetat giải phóng chậm từ chỗ tiêm và sinh khả dụng là 2,5 ± 1,7%. Nồng độ đỉnh trong huyết tương xuất hiện sau khi uống từ 2 đến 4 giờ. Nồng độ đỉnh đạt được sau khi tiêm bắp từ 1 – 3 tuần do thuốc bị giữ lại ở chỗ tiêm. Có sự khác biệt lớn về nồng độ thuốc trong huyết tương sau khi uống hoặc tiêm tùy theo cá thể. Nồng độ thuốc trong huyết tương sẽ tăng theo từng nấc nếu dùng thuốc nhiều lần với liều cao và khi có nhiều thuốc ứ đọng ở bắp thịt. Do đó, nên khởi đầu (liều nạp) bằng nhiều mũi tiêm bắp rồi sau đó cứ mỗi tuần lại tiêm bắp 1 – 2 liều mới.
3.2 Phân bố
Trong máu thuốc gắn chủ yếu vào Albumin với tỷ lệ 86 – 90%. Thể tích phân bố là 40 564 – 78 024 lít.
3.3 Chuyển hóa
Sau khi uống, thuốc chuyển hóa mạnh ở gan thông qua phản ứng hydroxyl hóa và phản ứng liên hợp.
3.4 Thải trừ
Thuốc thải trừ chủ yếu vào nước tiểu dưới dạng liên hợp với glucuronid, chỉ có 6,4% – 7,3% được thải trừ dưới dạng không đổi. Khi uống nửa đời của thuốc từ 12 – 17 giờ, còn khi tiêm trung bình là 50 ngày; điều này cho thấy thuốc hấp thu chậm khi tiêm bắp.
4 Chỉ định
Tránh thai.
Điều trị một số u ác tính phụ thuộc hormon: ung thư nội mạc từ cung, ung thư tế bảo thận, ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh. Điều trị triệu chứng bệnh lạc nội mạc tử cung.
Xuất huyết tử cung do rối loạn chức năng (không do rụng trứng). Vô kinh thứ phát (do còn estrogen nội sinh, nên dùng thuốc dạng uống, không dùng thuốc tiêm).
Dự phòng biến đổi (tăng sản) nội mạc tử cung do estrogen (trong liệu pháp thay thế hormon sau mãn kinh).
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc.
Suy giảm chức năng gan hoặc bệnh gan tiến triển.
Sảy thai, rong kinh, hoặc nghi ngờ có thai.
Chảy máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân.
Đang có hoặc có tiền sử huyết khối thuyên tắc tĩnh mạch (huyết khối tĩnh mạch sâu, phù phổi tắc nghẽn).
Đang có hoặc gần đây có bệnh huyết khối động mạch (nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực).
Tăng calci huyết ở bệnh nhân ung thư xương di căn.
Đang có hoặc nghi ngờ ung thư vú hoặc cơ quan sinh dục phụ thuộc hormon.
Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
6 Thận trọng
Trước khi điều trị và trong quá trình dùng thuốc dài ngày cần phải thăm khám thực thể kỹ lưỡng, đặc biệt vú, các cơ quan sinh dục, ổ bụng, tử cung. Nên tham gia các chương trình sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung.
Bệnh nhân cần được làm test chẩn đoán có thai trước khi điều trị, chỉ các bệnh nhân không có thai mới nên được bắt đầu điều trị với thuốc. Thuốc có hoạt tính của corticoid vỏ thượng thận, cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu như: tăng huyết áp, giữ muối, phù khi sử dụng thuốc với liều cao, kéo dài trên bệnh nhân.
Thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh có tiền sử trầm cảm, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu hoặc các bệnh nặng lên do giữ nước (ví dụ: động kinh, đau nửa đầu, hen phế quản, rối loạn chức năng tim hoặc thận).
Phải ngừng thuốc và kiểm tra nếu thấy mất thị lực đột ngột hay từ từ, nhìn đôi, lồi mắt, phù gai thị hoặc xuất hiện đau nửa đầu, vàng da hoặc suy giảm chức năng gan.
Cần thận trọng khi sử dụng thuốc do thuốc có thể gây tăng calci huyết, chảy máu âm đạo bất thường, ức chế tuyến thượng thận, giảm nồng độ ACTH và hydrocortison máu, gây hội chứng Cushing.
Thận trọng khi sử dụng thuốc cho các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm tiền sử cá nhân hoặc gia đình hoặc đang có huyết khối tĩnh mạch sâu, bệnh nhân béo phì (BMI > 30), Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh nhân phải nằm bất động tại chỗ kéo dài, chấn thương nặng hoặc phẫu thuật lớn. Ngừng điều trị với thuốc nếu xuất hiện các dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu (sưng cẳng chân, đột ngột đau ngực, khó thở) sau khi khởi đầu điều trị.
Cần thông báo cho bác sĩ nhân viên y tế về việc sử dụng medroxyprogesteron khi cần xét nghiệm các mô niêm mạc tử cung.
Cần thông báo cho bác sĩ/nhân viên y tế về việc medroxyprogesteron có thể làm giảm nồng độ các chất chỉ thị sinh học như: các steroid trong máu/nước tiểu (cortisol, estrogen, pregnanediol, progesteron, testosteron), các gonadotropin trong máu/nước tiểu (như LH và FSH), globulin liên kết với hormon sinh dục. Thuốc có thể ảnh hưởng đến các xét nghiệm như: test dung nạp glucose, metyrapon test, thử nghiệm đánh giá chức năng gan, thử nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp, thử nghiệm đông máu.
Khi dùng dài ngày, medroxyprogesteron dạng tiêm làm giảm nồng độ estrogen, do vậy làm giảm có ý nghĩa mật độ xương. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho thanh thiếu niên do đây là giai đoạn tích lũy xương quan trọng. Chỉ nên sử dụng thuốc cho thanh thiếu niên khi các biện pháp tránh thai khác không phù hợp. Cần đánh giá lợi ích – nguy cơ của liệu pháp điều trị cho tất cả các phụ nữ có nhu cầu tiếp tục sử dụng thuốc trên 2 năm. Đặc biệt ở các phụ nữ có lối sống và/hoặc các yếu tố nguy cơ loãng xương như: nghiện rượu và/hoặc hút thuốc lá, sử dụng các thuốc làm giảm mật độ xương như các thuốc chống co giật hoặc corticosteroid, tiền sử gẫy xương do chấn thương, tiền sử gia đình loãng xương, chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hoặc rối loạn ăn uống như chán ăn tâm lý.
Các biện pháp tránh thai khác nên được xem xét trước khi sử dụng medroxyprogesteron dạng tiêm. Để hạn chế loãng xương khi dùng thuốc bệnh nhân cần được bổ sung đầy đủ calci và Vitamin D. Medroxyprogesteron dạng tiêm có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt thông thường với các biểu hiện như: mất kinh, rong kinh, rong huyết Nếu chảy máu nhiều và kéo dài, cần thăm khám để loại trừ khả năng do các bệnh lý thực thể và có biện pháp điều trị phù hợp.
7 Thời kỳ mang thai
Thuốc có thể gây nam hóa cơ quan sinh dục ngoài (phì đại âm vật hoặc gây khít các môi tạo thành bìu) trên bé gái khi dùng thuốc cho mẹ trong 3 tháng đầu thai kỳ (8 – 12 tuần sau khi thụ thai). Ngoài ra, thuốc còn có thể gây dị dạng bẩm sinh và nhẹ cân ở trẻ sơ sinh. Chống chỉ định dùng medroxyprogesteron cho phụ nữ mang thai.
8 Thời kỳ cho con bú
Medroxyprogesteron và các chất chuyển hóa của nó được bài tiết vào sữa mẹ. Do vậy, không nên dùng thuốc cho mẹ trong thời gian cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
9.1 Rất thường gặp
Tâm thần kinh: đau đầu, lo âu.
Tiêu hóa: buồn nôn, đau bụng.
Hệ sinh sản: rong kinh do rối loạn chức năng (bất thường, tăng, giảm hoặc rong kinh).
Khác: tăng hoặc giảm cân.
9.2 Thường gặp
Miễn dịch: phản ứng quá mẫn.
Tâm thần kinh: trầm cảm, mất ngủ, chóng mặt, run, giảm ham muốn tình dục.
Da: rụng tóc, trứng cá, phát ban, ngứa, tăng tiết mồ hôi.
Chuyển hóa và dinh dưỡng: tăng cân, tăng thèm ăn. Tiêu hóa: nôn, táo bón, cứng bụng.
Hệ sinh sản: rối loạn cương dương, thay đổi dịch tiết âm đạo, cứng ngực, Đau Bụng Kinh, nhiễm trùng đường sinh dục tiết niệu.
Toàn thân và tại vị trí đưa thuốc: tăng thân nhiệt, phù, giữ dịch, mệt mỏi, tê.
Cơ – xương – khớp: đau lưng, đau vùng thắt lưng.
9.3 Ít gặp
Hệ miễn dịch: phù mạch.
Nội tiết: ảnh hưởng giống corticoid.
Chuyển hóa: đợt cấp đái tháo đường, tăng calci huyết.
Tâm thần kinh: sảng khoái, thay đổi ham muốn tình dục, co giật, buồn ngủ, dị cảm.
Tim mạch: suy tim, viêm tắc huyết khối tĩnh mạch.
Hô hấp: thuyên tắc phổi, khó thở.
Tiêu hóa: khô miệng, tiêu chảy, tăng hoặc giảm thèm ăn, bất thường chức năng gan.
Da: rậm lông, rám da.
Cơ – xương – khớp: co cơ.
Hệ sinh sản: chảy máu tử cung do rối loạn chức năng (bất thường, tăng, giảm hoặc rong kinh), đau ngực, tăng hoặc giảm tiết sữa, đau vùng chậu, đau khi giao hợp.
9.4 Hiểm gặp
Tâm thần kinh: nhồi máu não, rối loạn tâm trạng, rối loạn hành vi, kích động, rối loạn chức năng tình dục, đau nửa đầu, bại liệt, ngất.
Tim mạch: nhồi máu cơ tim, loạn nhịp nhanh, tăng huyết áp, suy tĩnh mạch.
Tiêu hóa; xuất huyết trực tràng, rối loạn tiêu hóa, vàng da.
Da: loạn dưỡng mỡ, viêm da, bầm máu, xơ cứng bì, rạn da.
Cơ – xương – khớp: đau khớp, loãng xương, gãy xương do loãng xương.
Hệ sinh sản: viêm âm đạo, mất kinh, đau ngực, băng huyết, rong kinh, khô âm hộ – âm đạo, teo ngực, u nang buồng trứng, hội chứng tiền kinh nguyệt, tăng sinh nội mạc tử cung, ung thư vú, nở ngực, giảm khả năng sinh sản, nang tuyến bartholin ở âm đạo.
Toàn thân: sốt cao, đau tại vị trí tiêm, teo tại chỗ tiêm, sưng cứng tại chỗ tiêm, khát, khó phát âm, liệt dây thần kinh số 7, sưng nách.
Máu: thiếu máu, rối loạn về máu.
Khác: giảm mật độ xương, giảm dung nạp glucose, bất thường dịch tiết cổ tử cung.
9.5 Chưa xác định được tần suất
Phản ứng phản vệ, chậm rụng trứng, lú lẫn, giảm tập trung, ảnh hưởng tương tự adrenalin, thuyên tắc các mạch máu thuộc võng mạc, đục thủy tinh thể ở bệnh nhân đái tháo đường, suy giảm tầm nhìn, loạn nhịp nhanh, hồi hộp, ngứa, phát ban, Glucose niệu, mất kinh, xói mòn cổ tử cung, thay đổi dịch tiết cổ tử cung, tăng số lượng bạch cầu, tiểu cầu.
9.6 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Phải ngừng thuốc và kiểm tra nếu thấy mất thị lực đột ngột hay từ từ, nhìn đôi, lồi mắt, phù gai thị hoặc xuất hiện đau nửa đầu, vàng da hoặc suy giảm chức năng gan.
Ngừng điều trị với thuốc nếu xuất hiện các dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu (sưng cẳng chân, đột ngột đau ngực, khó thở) sau khi khởi đầu điều trị.
Nếu chảy máu nhiều và kéo dài, cần thăm khám để loại trừ khả năng do các bệnh lý thực thể và có biện pháp điều trị phù hợp. Điều trị phối hợp với estrogen có thể làm giảm tình trạng chảy máu. Có thể sử dụng liều thấp thuốc tránh thai phối hợp đường uống (hàm lượng estrogen 30 microgam) hoặc estrogen dạng liên hợp equin estrogen (0,625 – 1,25 mg hàng ngày). Nên điều trị lặp lại với estrogen trong 1 – 2 chu kì. Không khuyến cáo sử dụng kéo dài.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Medroxyprogesteron acetat uống hoặc tiêm bắp, ống tiêm 104 mg/0,65 ml có thể dùng đường tiêm dưới da. Thuốc tiêm bắp dùng để điều trị ung thư, tránh thai ở nữ và không nên dùng để điều trị vô kinh thứ phát (vì tác dụng kéo dài). Trước khi dùng, phải lắc mạnh hỗn dịch vô khuẩn medroxyprogesteron acetat và phải tiêm bắp sâu, vào cơ mông hoặc cơ delta.
10.2 Liều lượng
10.2.1 Người lớn
Võ kinh thứ phát: Liều uống thông thường: 2,5 – 10 mg/ngày, trong 5 – 10 ngày, bắt đầu trong nửa sau (ngày thứ 16 đến 21) của chu kỳ kinh nguyệt. Lặp lại điều trị trong 3 chu kỳ liên tiếp.
Xuất huyết tử cung bất thường không do rụng trứng: Uống 2,5 – 10mg/ngày, trong 5 – 10 ngày, bắt đầu vào ngày 16 đến ngày 21 của chu kỳ kinh nguyệt. Lặp lại điều trị trong 2 chu kỳ liên tiếp.
Bệnh lạc nội mạc tử cung, nhẹ tới vừa: Uống 10 mg/lần, ngày 3 lần, trong 90 ngày liên tiếp.
Ung thư nội mạc tử cung, ung thư tế bào thận: Uống 200 – 600 mg/ ngày hoặc tiêm bắp từ 400 mg – 1 000 mg/tuần. Khi đã có cải thiện và bệnh ổn định, có thể duy trì bằng liều thấp tới 400 mg mỗi tháng.
Ung thư vú: Uống 400 – 1 500 mg/ngày hoặc tiêm bắp khởi đầu 0,5 g/lần trong 4 tuần, sau đó duy trì mỗi tuần 2 lần, mỗi lần 1 g/ngày. Thời gian điều trị ung thư ít nhất 8 – 10 tuần.
Tránh thai:
Tiêm bắp: 150 mg mỗi 12 tuần, mũi đầu tiêm trong vòng 5 ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong vòng 5 ngày sau sinh nếu không cho con bú hoặc tuần thứ 6 sau sinh với phụ nữ cho con bú. Hoặc tiêm dưới da: Tiêm một mũi (104 mg/0,65 ml) vào da đùi hoặc da bụng mỗi 13 tuần. Mũi đầu tiêm trong vòng 5 ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong vòng 5 ngày sau sinh nếu không cho con bú hoặc tuần thứ 6 sau sinh với phụ nữ cho con bú. Liều này chỉ phù hợp nếu không dùng biện pháp tránh thai bằng hormon trong tháng trước.
Dự phòng biến đổi (tăng sản) nội mạc tử cung do estrogen: Uống 5 – 10 mg/lần/ngày; bổ trợ cho liệu pháp thay thế estrogen, liên tục trong 12 – 14 ngày mỗi tháng, bắt đầu vào ngày 1 hoặc ngày 16 của mỗi chu kỳ.
Người cao tuổi: Không khuyến cáo dùng thuốc với các mục đích khác trừ điều trị ung thư, liều sử dụng trong điều trị ung thư nội mạc tử cung, ung thư tế bào thận, ung thư vú ở người cao tuổi tương tự người trưởng thành.
Trẻ em: Không khuyến cáo dùng thuốc cho trẻ em trừ chỉ định tránh thai cho trẻ sau dậy thì (12 – 18 tuổi). Liều sử dụng với mục đích tránh thai ở trẻ sau dậy thì là tương tự ở người trưởng thành.
Bệnh nhân suy thận: Do thuốc chuyển hóa chủ yếu ở gan, không cần hiệu chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận.
11 Tương tác thuốc
11.1 Các thuốc tránh phối hợp
Griseofulvin, indium 111 capromab pendetid, Acid tranexamic, Ulipristal.
11.2 Các thuốc cần thận trọng khi phối hợp
Các thuốc cảm ứng enzym gan cyp 450: các thuốc chống co giật (như Phenobarbital, Phenytoin, carbamazepin), các thuốc kháng khuẩn và kháng virus (như Rifampicin, rifabutin, nevirapin efavirenz), phối hợp với medroxyprogesteron làm tăng chuyển hóa và giảm tác dụng của thuốc.
Ritonavir, nelfinavir, mặc dù là chất ức chế mạnh, tuy nhiên lại thể hiện đặc tính cảm ứng enzym khi phối hợp đồng thời với hormon steroid. Các chế phẩm dược liệu chứa cỏ St. John (Hypericum perforatum) gây cảm ứng chuyển hóa progesteron, giảm nồng độ thuốc trong máu.
Aminoglutethimid, ciclosporin làm giảm đáng kể tác dụng và nồng độ medroxyprogesteron trong huyết thanh, do đó phải tăng liều.
Các thuốc gây độc tế bào: Các progesteron làm giảm độc tính trên huyết học của các thuốc gây độc tế bào.
Các thuốc gây giữ dịch như NSAID, các thuốc giãn mạch: Cần thận trong khi phối hợp.
12 Tương kỵ
Chưa có thông tin.
13 Quá liều và xử trí
Thuốc không gây ảnh hưởng khi dùng quá liều. Khi phát hiện quá liều cần ngừng điều trị.
Cập nhật lần cuối: 2018