Bài viết biên soạn theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
MEBENDAZOL
Tên chung quốc tế: Mebendazole.
Mã ATC: P02CA01.
Loại thuốc: Thuốc trị giun sán.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 100 mg, 500 mg.
Hỗn dịch uống: 20 mg/ml.
2 Dược lực học
Mebendazol là dẫn chất benzimidazol kháng giun phổ rộng. Cơ chế tác dụng của mebendazol đối với giun sán chưa được biết đầy đủ. Mebendazol có thể tác động đến sự hình thành tubulin trong tế bào của giun, gây ức chế chọn lọc và không hồi phục hấp thu Glucose ở ruột, dẫn đến cạn kiệt glycogen, gây ức chế sản xuất trứng giun và làm chết giun. Mebendazol không ức chế hấp thu glucose và không ảnh hưởng đến nồng độ glucose trong máu người. Thức ăn trong Đường tiêu hóa không ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc trong quá trình trị giun.
2.1 Phổ tác dụng
Thuốc có hiệu quả cao trên một số loại giun tròn gây bệnh cho người, bao gồm giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun móc (Ancylostoma duodenale, Necator americanus), giun tóc (Trichuris trichiura), giun kim (Enterobius vermicularis), giun xoắn (Trichinella spiralis), giun chỉ (Capillaria philippinensis), giun lươn (Angiostrongylus cantonensis) và giun đầu gai (Gnathostoma spinigerum).
Không có bằng chứng về hiệu quả của mebendazol trong điều trị bệnh ấu trùng sán lợn (cysticercosis).
2.2 Kháng thuốc
Kháng metronidazol có thể xảy ra, tuy nhiên chưa rõ mức ý nghĩa trên lâm sàng. Cơ chế kháng mebendazol có thể liên quan đến những thay đổi trên protein B-tubulin của ký sinh trùng, dẫn đến giảm gắn thuốc vào beta-tubulin.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Khi dùng qua đường uống, phần lớn mebendazol được giữ lại trong đường tiêu hóa là nơi thuốc phát huy tác dụng trị giun sán tại chỗ. Dưới 10% liều mebendazol vào được vòng tuần hoàn do hấp thu kém và chuyển hóa qua gan lần đầu. Thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương khoảng 2 – 4 giờ sau khi uống. Sau khi uống liều 100 mg, ngày 2 lần, trong 3 ngày liên tiếp, nồng độ trong huyết thanh của mebendazol và chất chuyển hóa ban đầu dưới mức 0,03 microgam/ml và 0,09 microgam/ml. Sinh khả dụng của mebendazol tăng lên nếu uống thuốc cùng với thức ăn có chất béo, tuy nhiên tăng không đáng kể. Nồng độ mebendazol trong huyết tương có thể tăng trên bệnh nhân suy giảm chức năng gan, chức năng chuyển hóa hay thải trừ qua mật.
3.2 Phân bố
Khoảng 90 – 95% thuốc liên kết với protein huyết tương. Thể tích phân bố khoảng 1 – 2 lít/kg. Mebendazol được phân bố vào sữa mẹ ở nồng độ thấp, tuy nhiên dữ liệu còn hạn chế.
3.3 Chuyển hóa
Thuốc được chuyển hóa chủ yếu ở gan tạo thành các chất chuyển hóa hydroxy và amino hóa mất hoạt tính. Nồng độ trong huyết tương của các chất chuyển hóa cao hơn đáng kể so với nồng độ của mebendazol.
3.4 Thải trừ
Nửa đời thải trừ trong huyết tương của mebendazol khoảng 3 – 6 giờ ở hầu hết bệnh nhân. Thuốc và các chất chuyển hóa có thể trải qua chu trình gan ruột. Hầu hết thuốc ở dạng không đổi và các chất chuyển hóa được thải trừ qua phân (khoảng 98%), chỉ một lượng nhỏ (dưới 2%) được thải qua nước tiểu.
4 Chỉ định
Mebendazol được chỉ định để điều trị nhiễm giun đường ruột cho người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên, bao gồm giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với mebendazol.
6 Thận trọng
Nguy cơ co giật: Đã ghi nhận co giật ở trẻ dưới 1 tuổi sau khi dùng mebendazol. Không khuyến cáo sử dụng metronidazol cho trẻ dưới 2 tuổi.
Ảnh hưởng lên huyết học: Đã ghi nhận mất bạch cầu hạt và giảm bạch cầu đa nhân trung tính khi sử dụng mebendazol ở liều cao và trong thời gian kéo dài hơn so với khuyến cáo. Khi dùng mebendazol liều cao, cần phải theo dõi chặt chẽ công thức máu và chức năng gan.
Tương tác thuốc và phản ứng trên da nghiêm trọng: Đã ghi nhận hội chứng Stevens-Johnson/hoại tử thượng bì nhiễm độc trên bệnh nhân dùng cùng lúc mebendazol và metronidazol. Tránh dùng phối hợp này.
Mebendazol dạng hỗn dịch: Chế phẩm hỗn dịch có chứa sucrose. Không dùng chế phẩm này cho bệnh nhân không dung nạp Fructose, kém hấp thu glucose – galactose hoặc thiếu hụt sucrase – isomaltase.
7 Thời kỳ mang thai
Dữ liệu hiện có về sử dụng mebendazol trên phụ nữ mang thai chưa đầy đủ và chưa ghi nhận mối liên quan rõ ràng giữa thuốc và nguy cơ lên thai và quá trình mang thai. Trong khi đó, không điều trị nhiễm giun trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến mẹ và thai như thiếu máu thiếu sắt, nhẹ cân, thậm chí tử vong ở sản phụ và trẻ sơ sinh.
Trên động vật thực nghiệm, mebendazol đã được biết đến với tác dụng gây độc cho phôi và thai (như dị dạng xương, dị tật mô mềm, giảm trọng lượng, chết phôi) cho chuột khi dùng liều thấp (10 mg/kg, tương đương 0,2 lần liều hàng ngày trên người).
Mebendazol có thể có nguy cơ cho thai, do đó chỉ dùng mebendazol cho phụ nữ mang thai khi lợi ích cho mẹ vượt trội nguy cơ trên thai, chẳng hạn khi nhiễm giun gây ra các triệu chứng trên lâm sàng hoặc các vấn đề về sức khỏe cộng đồng.
8 Thời kỳ cho con bú
Dữ liệu từ các báo cáo cho thấy mebendazol được bài tiết một lượng nhỏ vào sữa mẹ và dường như không có ý nghĩa lâm sàng. Chưa có báo cáo nào về ảnh hưởng của thuốc lên trẻ bú mẹ, trong khi báo cáo về ảnh hưởng của thuốc lên quá trình bài tiết sữa chưa thống nhất. Trước khi quyết định dùng mebendazol trong thời kỳ cho con bú, cần cân nhắc lợi ích của việc cho con bú với nhu cầu dùng thuốc của mẹ và bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào lên trẻ. Không cần ngừng cho con bú trong thời gian dùng thuốc.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
9.1 Ít gặp
Tiêu hóa: đau bụng thoáng qua, đầy hơi, nôn, buồn nôn, tiêu chảy.
9.2 Hiếm gặp
Máu: mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu đa nhân trung tính.
Miễn dịch: quá mẫn, bao gồm cả phản ứng phản vệ.
Thần kinh: co giật, chóng mặt.
Gan mật: viêm gan, bất thường xét nghiệm chức năng gan.
Da và mô dưới da: phát ban, hoại tử thượng bì nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson, mày đay, phù mạch, rụng tóc.
Thận và tiết niệu: viêm cầu thận.
9.3 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Không có xử trí đặc hiệu.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Dùng đường uống, thời điểm uống không phụ thuộc bữa ăn. Với dạng viên nén, có thể nhai và nuốt viên thuốc hoặc nghiền và trộn với thức ăn. Cân nhắc dùng dạng hỗn dịch cho bệnh nhân và trẻ em không thể nuốt được viên thuốc.
10.2 Liều lượng
Liều dùng cho người lớn và trẻ em >2 tuổi:
- Nhiễm giun kim (Enterobius): Liều duy nhất 100 mg. Lặp lại sau 2 – 3 tuần nếu nghi ngờ tái nhiễm.
- Nhiễm giun móc (Ancylostoma, Necator), giun đũa (Ascaris), giun tóc (Trichuris) và nhiễm nhiều giun: 100 mg/lần, 2 lần/ngày (sáng và tối), trong 3 ngày liền. Lặp lại sau 3 tuần nếu nghi ngờ tái nhiễm. Trường hợp nhiễm giun đũa (Ascaris) và giun tóc (Trichuris), có thể uống 500 mg liều duy nhất.
11 Tương tác thuốc
Cimetidin: Cimetidin ức chế chuyển hóa mebendazol ở gan nên có thể làm tăng nồng độ mebendazol trong huyết tương.
Metronidazol: Đã ghi nhận hội chứng Stevens-Johnson/hoại tử thượng bì nhiễm độc trên bệnh nhân dùng cùng lúc mebendazol và metronidazol. Tránh dùng phối hợp này.
Phenytoin, carbamazepin: Phenytoin và carbamazepin có thể gây cảm ứng enzym gan làm tăng chuyển hóa của mebendazol, dẫn đến làm giảm nồng độ của mebendazol trong huyết tương. Tuy nhiên, tương tác này dường như không có ý nghĩa lâm sàng trên bệnh nhân dùng mebendazol để điều trị giun đường tiêu hóa
12 Quá liều và xử trí
12.1 Quá liều
Khi bệnh nhân dùng liều cao và kéo dài, có thể xảy ra ADR như rụng tóc, rồi loạn chức năng gan có hồi phục, viêm gan, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu trung tính và viêm cầu thận. Trường hợp dùng liều cao đột ngột, có thể xuất hiện đau bụng, nôn và tiêu chảy.
12.2 Xử trí
Không có thuốc giải độc đặc hiệu. Có thể dùng than hoạt để giải độc.
Cập nhật lần cuối: 2020