Mè Tré thuộc dạng cây thảo, chiều cao từ 1 đến 1,2 mét. Nhân dân ta thường sử dụng Mè Tré cho các trường hợp di tinh, tiểu đêm nhiều lần, đau bụng, tiêu chảy. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Mè Tré
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Alpinia globosa Horan.
Tên đồng nghĩa: Amomum globosum Lour.
Tên gọi khác: Ích Trí Nhân, Sẹ.
Họ thực vật: Gừng Zingiberaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Mè Tré thuộc dạng cây thảo, chiều cao từ 1 đến 1,2 mét.
Lá cây mọc so le, xếp đều thành 2 dãy, phiến lá có dạng hình mác hoặc hình trái xoan, chiều dài lá dao động khoảng 40 đến 60cm, chiều rộng từ 10 đến 12cm. Đầu lá và gốc lá đều thuôn. Mép lá hơi có răng, lá có bẹ lá, bẹ lá có lông, cuống lá dài khoảng 8cm.
Cụm hoa mọc thành hình tháp dài ở ngọn, được bao bọc bởi nhiều lá bắc. Mỗi cụm hoa gồm 4-8 hoa màu trắng, có nhiều vân màu tía.
Đài hình trụ, 3 răng, nhị có chỉ nhị dài, bầu hình cầu.
Quả mọng, có dạng hình cầu, gồm 5-7 hạt có màu xám.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 4 đến tháng 8.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Quả.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Alpinia Roxb có khoảng 250 loài trên toàn thế giới, được phân bố chủ yếu ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới của châu Á. Tại nước ta, chi này có khoảng 25 loài, trong đó có nhiều loài được sử dụng để làm thuốc.
Cây Mè Tré thường chỉ tìm thấy ở các tỉnh thuộc phía Nam của Trung Quốc và phía Bắc của nước ta như Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình,…
Mè Tré là loài ưa ẩm, có khả năng chịu bóng, thường được tìm thấy ở vùng ven rừng, đặc biệt là dọc theo bờ suối, độ cao phân bố khoảng 300 đến 800 mét, có khi hơn. Cây thường mọc thành từng khóm lớn, cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Quả khi chín sẽ rụng xuống và là thức ăn của các loài gặm nhấm, bò sát.
Mè Tré ở nước ta tương đối phong phú nhưng thường chỉ được sử dụng ở các địa phương, cây có thể được trồng bằng hạt hoặc bằng các nhánh con.
2 Thành phần hóa học
Toàn cây có chứa:
- Hợp chất của Flavonoid.
- Acid chlorogenic.
Phần trên mặt đất chứa:
- Beta-sitosterol.
Lá chứa K nitrat.
Quả và thân rễ của cây Mè Tré có chứa tinh dầu.
3 Công dụng của cây mè tré
3.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Cây có vị cay, tính ấm.
Tác dụng: Bổ tỳ thận.
3.2 Công dụng
Quả khô sau khi bỏ vỏ của cây Mè Tré có tác dụng tương tự như Ích Trí Nhân của Trung Quốc (tên khoa học là Alpinia oxyphylla), dùng cho các trường hợp tiểu đêm, tiêu chảy, khó tiêu, di tinh.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Mè Tré
4.1 Chữa thận hư, di tinh, đái đêm
Sử dụng một lượng bằng nhau các vị Mè Tré, Ô Dược, Hoài Sơn.
Các vị đem tán thành bột.
Mỗi lần sử dụng 12g, mỗi ngày dùng 2 đến 3 lần. Có thể dùng dạng bột hoặc viên.
4.2 Chữa đau bụng, tiêu chảy
12g Mè Tré.
6g Trần Bì.
6g Thanh Mộc Hương.
6g Tiểu Hồi Hương.
6g Can Khương.
6g Ô Mai.
Các vị đem sắc lấy nước uống trong ngày.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Mè Tré, trang 267-269. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2024.