Mật Mông Hoa (Buddleja officinalis)

Mật Mông Hoa (Buddleja officinalis)

Mật mông hoa được sử dụng rộng rãi bởi công dụng chữa bệnh về mắt. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Mật mông hoa thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây. 

1 Giới thiệu về cây Mật mông hoa

Mật mông hoa còn có tên gọi khác là Bọ chó, mọc rải rác trong rừng vùng núi đá vôi, rừng thứ sinh, ven rừng ẩm, nơi đất tương đối màu mỡ.

Tên khoa học của Mật mông hoa là Buddleja officinalis Maxim., thuộc họ Bọ chó (Buddlejaceae). Dưới đây là hình ảnh cây Mật mông hoa.

Hình ảnh cây Mật mông hoa
Hình ảnh cây Mật mông hoa

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây gỗ nhỏ, thân, cành non phủ lông đơn, sít nhau, màu nâu đỏ hay trăng trắng và những lông tuyến. Lá mọc đối, hình trái xoan hay thuôn ngọn giáo, dài 5-15cm, rộng 1-3cm, nhọn hay có mũi ở đầu, phiến nguyên hay có răng, dài 5-11cm, rộng 2-4cm, màu lục và nhẵn ở trên, có lông bột ở dưới, dạng màng hay hơi dai; cuống lá ngắn. 

Hoa trắng, vàng vàng, thành chuỳ ở ngọn thường hẹp, dài 15cm, gồm những xim có cuống phủ nhiều lông, nhiều hoa mọc sít nhau. Đài 4 răng đính lại thành hình chuông; tràng 4 cánh, phần dưới hợp thành ống hơi cong, mặt ngoài có ít lông. Nhị 4 đính ở ⅓ phía trên ống tràng; bầu có lông. Quả nang hoá sừng, thuôn bầu dục, dài gấp đôi đài. Ra hoa tháng 2-4, mùa quả tháng 5-8.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Hoa, rễ, lá, thường gọi là Mật mông hoa.

Thu hái hoa vào mùa xuân, lúc hoa chưa nở hết mang về phơi khô. Những hoa màu tro, nhiều nụ, có lông mịn, không lẫn cành lá là tốt. Rễ, lá thu hái quanh năm.

1.3 Đặc điểm phân bố

Tại Việt Nam, cây có ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc.

2 Thành phần hóa học

Mật mông hoa chứa terpenoid, Flavonoid, phenylethanoid và Saponin như methylcatalpol, betulalbusides, apigenin, isorhoifolin, linarin, salidroside, acteoside, echinacoside và buddlejasaponin.

Các hợp chất khác đã được phân lập từ Mật mông hoa bao gồm: mimengoside A – G (hoa), crocusatin C & M, acacetin, lariciresinol, pinoresinol, syringaresinol, songarosaponin A (hoa), crocetin-gentiobiose ester, β-amyrone, luteolin, luteolin glucopyranoside, calceolarioside A, campneoside II, pliumoside, forsythoside B, angoroside A, acetoside, phenylethyl glycoside, bioside, methylscutelloside.

Một số saponin trong Mật mông hoa
Một số saponin trong Mật mông hoa

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Thảo quyết minh – Vị thuốc trị bệnh về mắt và chữa trĩ

3 Mật mông hoa có tác dụng gì?

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Chống viêm

Những bông hoa này chứa một lượng đáng kể crocetin monogentiobiose ester, đã được chứng minh là có tác dụng ức chế COX và do đó làm giảm việc sản xuất các prostaglandin rất quan trọng trong các quá trình đau và viêm.

Chiết xuất nước từ Mật mông hoa đã ức chế sự giải phóng NO do LPS gây ra và biểu hiện iNOS, IL-1β và IL-6, nhưng không cho thấy tác dụng nào đối với biểu hiện COX-2 và TNF-α do LPS gây ra trong các tế bào BV-2, và rằng tác dụng chống viêm của nước sắc đã được phát huy nhờ quy định về các đường truyền tín hiệu ERK 1/2 và NF-κB.

3.1.2 Chống oxy hóa

Tiềm năng chống oxy hóa cũng đã được báo cáo đối với chiết xuất Mật mông hoa. Đối với tất cả các hợp chất đã phân lập, dịch chiết nước và metanol từ cây, các hoạt tính chống oxy hóa được kiểm tra bằng cách sử dụng xét nghiệm khả năng thu gom chất oxy hóa tổng (TOSC) đối với peroxynitrite. Kết quả thu được cho thấy các phenylethanoid glycoside (một nhóm hợp chất chính từ hoa), thể hiện hoạt tính chống oxy hóa mạnh. Trong số này, acteoside, echinacoside và poliumoside cho thấy giá trị TOSC lần lượt là 9,9, 9,8 và 9,5 lần so với đối chứng dương tính.

3.1.3 Bảo vệ thần kinh

Việc điều trị bằng chiết xuất methanol từ Mật mông hoa và phần hexan trên chuột bị tắc động mạch não giữa, cho thấy thể tích vùng nhồi máu giảm lần lượt là 33,9% và 68,2% sau 2 giờ tắc mạch. Ở động vật được điều trị bằng chiết xuất methanol, cảm ứng cyclooxygenase-2 và iNOS bị ức chế ở bán cầu thiếu máu cục bộ ở cả mức độ mRNA và protein. Hơn nữa, các nghiên cứu in vitro cho thấy hai phần này đều ức chế sản xuất oxit nitric do LPS gây ra trong tế bào vi mô chuột BV-2. Những kết quả này cho thấy rằng tác dụng chống viêm và ức chế kích hoạt vi mô của chiết xuất có thể góp phần vào tác dụng bảo vệ thần kinh của nó trong bệnh thiếu máu cục bộ não.

3.1.4 Bảo vệ gan

Tác dụng bảo vệ tế bào và cơ chế của chiết xuất hoa chống lại rối loạn chức năng ty lạp thể nghiêm trọng và sản xuất H2O2 trong nhiễm độc gan do sử dụng đồng thời axit arachidonic (AA) và Sắt đã được quan sát thấy trong dòng tế bào HepG2. Khả năng chống lại stress oxy hóa có liên quan đến việc kích hoạt protein kinase kích hoạt AMP (AMPK). Đặc biệt, dựa trên các quan sát mô bệnh học, chiết xuất hoa cho thấy tác dụng bảo vệ gan rõ ràng chống lại CCl4 gây tổn thương gan cấp tính. Hơn nữa, nó ức chế khả năng miễn dịch 4-hydroxynonenal và nitrotyrosine trong tế bào gan.

Tác dụng của Mật mông hoa
Tác dụng của Mật mông hoa

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây sáng mắt – Duy trì thị lực, giảm triệu chứng hô hấp

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Mật mông hoa có tính mát, vị ngọt, quy vào kinh can. Hoa thanh can minh mục, khử ế, khư phong, lương huyết. Lá khư hủ sinh cơ. Rễ thanh nhiệt giải độc, trừ thấp lợi đảm.

Trong đông y, Mật mông hoa được dùng trong chữa thong manh, mắt đỏ đau, chảy nhiều nước mắt; màng trong mắt, tia máu đỏ trong mắt và mắt quáng sợ ánh sáng; nhìn kém, quáng gà, trẻ con cam ám mục bởi dinh dưỡng kém.

Lá non, cành và vỏ rễ làm thuốc trừ phong thấp và làm thuốc đòn. Ở Vân Nam (Trung Quốc), hoa được dùng trị viêm kết mạc, giác mạc có màng; lá dùng trị mụn nhọt lở loét; rễ dùng trị viêm gan thể hoàng đản, thuỷ thũng. 

4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Mật mông hoa

4.1 Cách dùng

Ngày dùng 3-6g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu. Lá còn dùng ngoài giã đắp trị sưng lở.

4.2 Bài thuốc

4.2.1 Chữa đau mắt đỏ, sưng, sợ chói, chảy nước mắt

Bài 1: Mật mông hoa, Cúc Hoa và hạt mào gà mỗi vị 12g, Hoàng Đằng 8g, sắc uống. 

Bài 2: Mật mông hoa, hạt muồng, hạt Mã Đề, cỏ dùi trống, mỗi vị 20g. Sắc với nước, mài thạch quyết minh vào mà uống.

Bài 3: Mật mông hoa 9g, cúc hoa, Kinh Giới, long đởm, Phòng Phong, Bạch Chỉ mỗi vị 4g, Cam Thảo 2g. Sắc uống ngày 1 thang. 

4.2.2 Chữa dịch đau mắt đỏ do thời khí ôn nhiệt, mắt ngứa, nhức đầu hoặc có sốt 

Nguyên liệu: Mật mông hoa, Bạc Hà, kinh giới, hạt muồng sao, Huyền Sâm, dành dành, vỏ Núc Nác, Ngưu Tất, Mạch Môn, mỗi vị 12g. 

Cách làm: Sắc lấy nước uống.

4.2.3 Trị phong khí, mắt nhiều ghèn, đau, nhìn mờ

Nguyên liệu: Mật mông hoa, thạch quyết minh, Mộc Tặc, Bạch Tật Lê, khương hoạt, cúc hoa.

Cách làm: Tán thành bột, mỗi lần uống 3g với nước ấm.

4.2.4 Trị mắt có màng

Nguyên liệu: Mật mông hoa, rễ hoàng bá, mỗi vị 15g. 

Cách làm: Tán nhỏ, trộn với mật làm viên hoàn có đường kính khoảng 7mm, mỗi lần uống 10-15 viên.

4.2.5 Chữa mắt quáng gà, thong manh, mắt khô mờ

Nguyên liệu: Mật mông hoa, cốc tinh thảo mỗi vị 6g, dạ minh sa 5g, Thảo Quyết Minh 10g, cam thảo 3g.

Cách làm: Sắc uống ngày 1 thang.

Bài thuốc trị quáng gà từ Mật mông hoa
Bài thuốc trị quáng gà từ Mật mông hoa

5 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Mật mông hoa trang 72-73, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2023. 

2. Tác giả Guoyong Xie và cộng sự (Ngày đăng 22 tháng 10 năm 2018). Chemical profiles and quality evaluation of Buddleja officinalis flowers by HPLC-DAD and HPLC-Q-TOF-MS/MS, PubMed. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2023. 

2. Tác giả Shafiullah Khan, Hamid Ullah, Liqun Zhang (Đăng vào tháng 3 năm 2019). Bioactive constituents form Buddleja species, Academia. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2023. 

Để lại một bình luận