Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Tên chung quốc tế: Manitol.
Mã ATC: A06AD16, B05BC01, B05CX04, R05CB16, V04CX04.
Loại thuốc: Lợi niệu thẩm thấu.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Kit dùng để hít
Dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch: 5% (1000 ml); 10% (500 ml và 1.000 ml); 15% (500 ml); 20% (250 ml, 500 ml); 25% (50 ml). Dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch không chứa chất bảo quản: 25% (50 ml).
Dung dịch 5% trong chai 2 000 ml để rửa.
2 Dược lực học
Sử dụng manitol truyền tĩnh mạch gây tác dụng lợi tiểu chủ yếu bằng cách tăng áp suất thẩm thấu của dịch lọc cầu thận đến mức cản trở tái hấp thu nước và chất tan của tiểu quản thận. Để manitol có hiệu lực, phải có đủ lưu lượng máu thận và mức lọc cầu thận cho phép thuốc đến được tiểu quản thận. Tăng lưu lượng máu thận do sự giãn nở của các đoạn mạch máu giữa động mạch thận và tiểu cầu thận, giảm sức cản mạch thận, giảm độ nhớt máu cũng có thể góp phần vào tác dụng lợi tiểu của thuốc. Manitol làm tăng bài tiết natri; tuy nhiên, tỷ lệ nước được bài tiết tương ứng nhiều hơn natri. Bài tiết kali, clorid, calci, phospho, lithi, magnesi, urê, acid uric cũng tăng trong sử dụng manitol do tác dụng lợi tiểu. Thuốc bảo vệ thận khỏi độc tố gây hại cho thận bằng cách ngăn ngừa độc tố tập trung ở dịch trong tiểu quản thận.
Manitol có thể phòng ngừa hoặc đảo ngược suy giảm chức năng thận cấp tính bằng cách đảo ngược sự giảm cấp tính trong lưu lượng máu thận, mức lọc cầu thận, lượng nước tiểu và bài tiết natri mà có thể xảy ra sau chấn thương. Tuy nhiên, thuốc phải tác dụng trước khi giảm tốc độ lọc và dòng máu thận gây tổn thương ống thận, phù nề tế bào kẽ, và/hoặc thiếu máu cục bộ. Tác dụng thẩm thấu của mantitol làm cho nước được hút từ tế bào ra dịch ngoại bào và từ tế bào hồng cầu ra huyết tương. Kết quả, thể tích dịch ngoại bào, thể tích huyết tương và thời gian tuần hoàn máu tăng và natri tích trữ ngoại bào bị pha loãng. Mất nước nội bào có thể xảy ra. pH huyết tương giảm. Thể tích hồng cầu bị cô đặc hơn và hematocrit giảm. Sự dịch chuyển chất lỏng gây ra bởi manitol làm giảm phù não bằng cách giảm khối lượng não và hạ thấp áp lực cao của dịch não tủy. Tuy nhiên, sự tăng lại áp lực nội sọ có thể xảy ra sau khoảng 12 giờ sau sử dụng manitol. Dịch cũng được rút khỏi buồng trước của mắt, kết quả làm giảm sự tăng áp lực nội nhãn. Khi sử dụng đường uống, manitol gây tiêu chảy thẩm thấu, kết quả làm mất dịch, natri và kali. Nồng độ natri huyết thanh tăng nhưng nồng độ Kali huyết thanh và urê huyết giảm.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Khi dùng đường uống, khoảng 17% một liều đường uống được bài tiết dưới dạng không thay đổi trong nước tiểu.
Khi truyền tĩnh mạch manitol, tác dụng lợi tiểu xuất hiện trong vòng 1 – 3 giờ sau khi truyền, giảm áp lực nội sọ xuất hiện trong vòng 15 phút sau khi truyền và kéo dài 3 – 8 giờ sau dùng truyền, và giảm nhãn áp xuất hiện trong vòng 30 – 60 phút sau khi truyền và kéo dài 4 – 6 giờ sau dùng truyền.
3.2 Phân bố
Sau khi truyền tĩnh mạch, manitol phân bố và giữ nguyên vị trí trong khoang ngoại bào; không qua hàng rào máu – não trừ khi nồng độ rất cao trong huyết tương hoặc bệnh nhân bị nhiễm toan; và không thâm nhập vào mắt.
3.3 Thải trừ
Manitol chuyển hóa rất ít, thành glycogen trong gan. Thuốc được lọc tự do qua các cầu thận, với < 10% tái hấp thu qua ống thận; không được bài tiết bởi ống thận. Nửa đời thải trừ khoảng 100 phút. Khoảng 80% của một liều 100 g truyền tĩnh mạch được thải trừ qua nước tiểu dưới dạng không đổi trong vòng 3 giờ. Khi liều lớn được đưa sử dụng trong lợi tiểu cưỡng bức, sự tích tụ thuốc có thể xảy ra. Những bệnh nhân bị bệnh thận mà chức năng cầu thận suy yếu hoặc trong tình trạng suy giảm lưu thông mạch máu nhỏ như suy tim sung huyết, xơ gan với tích tụ cổ trướng, sốc, mất nước, Độ thanh thải của manitol thấp hơn so với bình thường.
4 Chỉ định
Phù não.
Tăng áp lực nội nhãn.
Hỗ trợ điều trị u xơ nang
Phù ngoại vi và cổ trướng ở trẻ em.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc.
Đường tĩnh mạch: vô niệu, chảy máu nội sọ (trừ khi phẫu thuật sọ), suy tim nặng, mất nước nặng, phù phổi nặng.
Đường hít: tăng đáp ứng phế quản với manitol dạng hít, suy chức năng hô hấp (thể tích hô hấp cưỡng bức trong 1 giây < 30% ước tính), giãn phế quản không xơ hóa.
6 Thận trọng
Không nên được sử dụng manitol cho tới khi xác định được đầy đủ chức năng thận và lưu lượng nước tiểu của bệnh nhân. Sử dụng 1 – 2 liều thử nghiệm để đánh giá đáp ứng thận.
Thừa một lượng lớn manitol có thể dẫn đến lợi tiểu mạnh gây mất nước và điện giải; giám sát y tế và đánh giá liều lượng chặt chẽ là cần thiết. Theo dõi và điều chỉnh rối loạn điện giải, hiệu chỉnh liều để tránh mất nước. Manitol có thể gây ra rối loạn chức năng thận với liều cao; dùng thận trọng ở bệnh nhân dùng tác nhân gây độc thận khác, bệnh nhân nhiễm trùng huyết hoặc đã có bệnh thận trước đó. Để giảm thiểu ADR đối với thận, hiệu chỉnh liều để giữ áp suất thẩm thấu huyết tương nhỏ hơn 320 mOsm/lít. Ngừng dùng nếu có bằng chứng của hoại tử ống thận cấp tính.
Ở bệnh nhân đang được điều trị phù não, manitol có thể tích trữ trong não (gây ra tái phát tăng áp lực nội sọ) nếu lưu thông trong máu một khoảng thời gian dài do liên tục truyền tĩnh mạch; liều bolus ngắt quãng được khuyến cáo hơn. Tình trạng tim mạch cũng nên được đánh giá; không được truyền manitol cùng với dịch không chứa điện giải đồng thời cùng với truyền máu. Nếu tụt huyết áp xảy ra, cần theo dõi áp lực tưới máu não để đảm bảo vừa đủ liều. Có thể làm rộp da (ở nồng độ > 5%): đảm bảo vị trí ống thông đường tiểu hoặc kim tiêm thích hợp trước hoặc trong khi truyền tĩnh mạch; tránh thoát mạch khi truyền.
Bột để hít: Sử dụng có thể dẫn đến co thắt phế quản nặng; chỉ sử dụng cho test kích thích phế quản. Test nên được tiến hành bởi chuyên gia đã được đào tạo. Không sử dụng cho bệnh nhân bị hen hoặc chức năng phổi cơ bản rất thấp. Thuốc (ví dụ chẹn beta tác dụng ngắn dạng hít) và thiết bị cho điều trị co thắt phế quản nặng nên được chuẩn bị sẵn sàng. Sử dụng thận trọng ở bệnh nhân với tình trạng có thể tăng nhạy cảm với co thắt phế quản (ví dụ họ nặng, giảm thông khí, phép đo phế dung gây ra co thắt phế quản, họ ra máu không rõ nguồn gốc, tràn khí màng phổi, phẫu thuật bụng, ngực hoặc nội nhãn gần đây, đau thắt ngực không ổn định, nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc dưới). Bệnh nhân giảm FEV1 ≥ 10% khi sử dụng viên nang 0 mg, bệnh nhân đáp ứng dương với test kích thích phế quản hoặc bệnh nhân tiến triển triệu chứng hô hấp đáng kể nên dùng thuốc chẹn beta tác dụng ngắn dạng hít. Test kích thích phế quản không nên thực hiện ở trẻ em dưới 6 tuổi cũng như các bệnh nhân không thể cung cấp kết quả đo phế dung đáng tin cậy.
7 Thời kỳ mang thai
Chưa có đầy đủ dữ liệu về độ an toàn khi dùng trong thời kỳ mang thai. Các nhà sản xuất khuyến cáo không dùng manitol ở phụ nữ mang thai, trừ khi thật cần thiết.
8 Thời kỳ cho con bú
Chưa có đầy đủ dữ liệu về độ an toàn khi dùng trong thời kỳ cho con bú. Các nhà sản xuất khuyến cáo không dùng manitol trên phụ nữ cho con bú trừ khi thật cần thiết.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
9.1 Thường gặp và rất thường gặp
Với đường hít:
- Ho, họ ra máu, đau đầu, đau họng – thanh quản, kích ứng họng, nôn mửa, thở khó khè.
9.2 Ít gặp
Với đường hít:
- Mụn, đau khớp, co thắt phế quản, chóng mặt, khàn tiếng, khó thở, đau tai, ợ hơi, đầy hơi, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, đau lưỡi, thở gấp, triệu chứng giống như cúm, phiền muộn, buồn nôn, nấm miệng, viêm họng, ngứa, sốt, phát ban, sổ mũi, viêm miệng, mất ngủ.
Với đường truyền tĩnh mạch:
- Mất cân bằng dịch và điện giải; hạ huyết áp; viêm tắc tĩnh mạch.
9.3 Hiếm gặp
Với đường truyền tĩnh mạch:
- Sốc phản vệ, loạn nhịp tim, mờ mắt, tức ngực, ớn lạnh, co giật, chuột rút, mất nước, chóng mặt, khô miệng, khát, sốt, thận hư thẩm thấu, đau đầu, phản ứng quá mẫn, tăng huyết áp, buồn nôn, phù nề, phù phổi, tăng áp lực nội sọ, hoại tử da, bí tiểu, mày đay, nôn mửa.
9.4 Rất hiếm gặp
Với đường truyền tĩnh mạch: suy thận cấp, suy tim sung huyết.
9.5 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Phản ứng quá mẫn có thể được xử trí bằng adrenalin. Cần ngừng hoặc giảm tốc độ truyền nếu tăng áp lực tĩnh mạch trung tâm hoặc có bất kỳ bằng chứng nào khác của quá tải tuần hoàn.
Nếu bắt buộc phải truyền máu đồng thời cùng manitol, cần thêm ít nhất 20 mEq NaCl vào mỗi lít dung dịch manitol để tránh hiện tượng giả ngưng kết.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Khi sử dụng với tác dụng lợi tiểu thẩm thấu, manitol dùng theo đường truyền tĩnh mạch. Thận trọng theo dõi cân bằng nước, điện giải, chức năng thận, dấu hiệu sống còn là cần thiết trong khi truyền tĩnh mạch để phòng ngừa mất cân bằng nước và điện giải, bao gồm quá tải tuần hoàn và mất nước ở mô.
10.2 Liều dùng
Tổng liều, nồng độ và tốc độ truyền phụ thuộc nhu cầu dịch, lượng nước tiểu và tình trạng bệnh.
10.2.1 Phù não
Truyền tĩnh mạch.
- Người lớn: 0,25 – 2 g/kg, nhắc lại nếu cần, truyền trong vòng 30 – 60 phút, có thể nhắc lại 1 – 2 lần sau 4 – 8 giờ.
- Trẻ em 1 tháng – 11 tuổi: 0,25 – 1,5 g/kg, nhắc lại nếu cần, truyền trong vòng 30 – 60 phút, có thể nhắc lại 1 – 2 lần sau 4 – 8 giờ.
- Trẻ em 12 – 17 tuổi: 0,25 – 2 g/kg, nhắc lại nếu cần, truyền trong vòng 30 – 60 phút, có thể nhắc lại 1 – 2 lần sau 4 – 8 giờ.
10.2.2 Tăng áp lực nội nhãn
Truyền tĩnh mạch.
- Người lớn : 0,25 – 2 g/kg, nhắc lại nếu cần, truyền trong vòng 30 – 60 phút, có thể nhắc lại 1 – 2 lần sau 4 – 8 giờ
10.2.3 Hỗ trợ điều trị u xơ nang
Dùng dạng bột hít. Liều người lớn: 400 mg, 2 lần/ngày, liều khởi đầu cần được theo dõi chặt chẽ, tham khảo y văn.
10.2.4 Phù ngoại vi và cổ trướng ở trẻ em
Truyền tĩnh mạch 1 – 2 g/kg, trong vòng 2 – 6 giờ.
11 Tương tác thuốc
Qua chuyển hóa: Chưa biết.
Tránh sử dụng đồng thời với: aminoglycosid, tobramycin (đường hít qua miệng).
Làm tăng tác dụng/độc tính:
- Manitol có thể làm tăng tác dụng của: aminoglycosid, natri phosphat, tobramycin (đường hít qua miệng).
- Tác dụng của manitol có thể được tăng bởi: thuốc giảm đau (opioid).
Làm giảm tác dụng: Không có tương tác đáng kể nào được biết đến liên quan đến giảm tác dụng.
12 Quá liều và xử trí
Ngộ độc nặng manitol đã được báo cáo ở 8 bệnh nhân suy thận được dùng nhưng lượng lớn manitol truyền tĩnh mạch trong 1 – 3 ngày. Những bệnh nhân này bị rối loạn TKTW, rối loạn urê huyết, giảm natri nghiêm trọng, tăng khoảng trống anion, quá tải dịch. Ở 6 bệnh nhân được điều trị bằng lọc máu, biện pháp này tỏ ra hiệu quả hơn thẩm phân phúc mạc được dùng cho 1 bệnh nhân khác.
Cập nhật lần cuối: 2019