Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) |
Brassicales (Cải) |
Họ(familia) |
Cleomaceae (Màn màn) |
Chi(genus) |
Cleome |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Gynandropsis pentaphylla DC. |
|
Danh pháp đồng nghĩa | |
Gynandropsis gynandra (L.) Briq. Cleome gynandra L. |
Mần ri trắng thuộc dạng cây thảo, sống theo năm, chiều cao mỗi cây khoảng 1 mét. Nhân dân thường sử dụng Màn màn hoa trắng để làm thuốc chữa đau đầu, làm dịu cơn đau thận. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Gynandropsis pentaphylla DC.
Tên đồng nghĩa: Gynandropsis gynandra (L.) Briq., Cleome gynandra L.
Tên gọi khác: Màn màn trắng, Màn màn hoa trắng, Bạch hoa thái.
Họ thực vật: Màn màn Capparaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Mần ri trắng thuộc dạng cây thảo, sống theo năm, chiều cao mỗi cây khoảng 1 mét.
Thân và lá cây có dạng hình trụ, khía dọc theo thân, bề mặt nhẵn hoặc hơi có lông.
Lá cây mọc so le. Cây có cuống dài. Phiến lá có dạng hình mác hẹp, chiều dài từ 2,5 đến 3cm, chiều rộng từ 0,7 đến 1,5cm. Gốc và đầu lá thuôn, mặt trên lá có màu sẫm, mặt dưới nhạt hơn.
Cụm hoa mọc ở đầu cành tạo thành từng chùm, lá bắc có dạng hình lá, hoa nhỏ, màu trắng.
Quả thuôn dài, chiều dài từ 4 đến 7cm, gần giống như quả cải.
Hạt có dạng hình thận.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 4 đến tháng 7.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hạt, toàn cây.
Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Gynandropsis L. trên thế giới gồm 1 số loài được phân bố chủ yếu ở Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Campuchia, Thái Lan, Lào, phía nam Trung Quốc và Việt Nam.
Tại nước ta, chi này có 3 loài gọi chung là Màn màn nhưng có sự khác nhau về màu sắc hoa.
Mần ri trắng có nguồn gốc ở Ấn Độ, cây phân bố khá phổ biến ở vùng Đông Nam Á và Trung Quốc.
Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng đến vùng núi thấp với độ cao phân bố dưới 600 mét.
Mần ri trắng có bản chất là cây ưa sáng, mọc thành đám cùng với nhiều loại cỏ dại khác ven đường đi, ruộng đồng, nương rẫy. Mần ri trắng mọc chủ yếu từ hạt. Cây có khả năng sinh trưởng nhanh, ra hoa quả nhiều. Quả già sẽ tách ra thành 2 mảnh để phóng hạt, sau đó cây sẽ tàn lụi.
2 Thành phần hóa học
Hạt chứa protein, lipid, acid amin, amoni bậc 4, acid oleic, hợp chất Flavonoid.
Ngoài ra, trong hạt còn có glucoiberin, glucocaparin,…
Mần ri trắng còn chứa tinh dầu với thành phần chủ yếu là carvacrol.
3 Tác dụng – Công dụng của cây mần ri trắng
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng kích ứng da
Lá và hạt của cây mần ri trắng có thể gây kích ứng và rộp da khi tiếp xúc. Tác dụng này là do dẫn chất isothiocyanate hoặc glucosinolate.
3.1.2 Tác dụng chống ung thư
Cao cồn toàn cây có tác dụng đối với tế bào ung thư biểu mô mũi hầu của người khi tiến hành nghiên cứu trên in vitro.
3.1.3 Tác dụng đối với virus HIV
Mần ri trắng đã được báo cáo có khả năng ức chế sự phát triển của virus HIV.
3.1.4 Tác dụng kháng khuẩn
Cao chiết từ các bộ phận trên mặt đất của cây khi sử dụng phương pháp tẩm thuốc vào khoanh giấy để khuếch tán trên môi trường thạch đã thấy tác dụng đối với Bacillus cereus, Streptococcus pyogenes.
3.1.5 Tác dụng diệt côn trùng
Phần trên mặt đất có tác dụng diệt côn trùng, ấu trùng, ve trưởng thành.
Cao chiết bằng aceton từ các bộ phận trên mặt đất còn cho thấy tác dụng ức chế sự phát triển của ấu trùng muỗi.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Hạt có vị đắng, cay, tính ấm, tác dụng tán hàn, khu phong, giảm đau, hoạt huyết.
Toàn cây mần ri trắng có vị đắng, mát giúp thanh nhiệt, tiêu đờm.
Hạt và lá gây kích ứng da.
3.2.2 Công dụng
Hạt của cây với liều 6-12g có tác dụng trung tiện tuy nhiên khi dùng nhiều có thể gây đầy hơi. Hạt còn dùng trong các trường hợp bị lỵ, có thể dùng ngoài để diệt chấy, diệt rận hoặc làm ruốc cá.
Rễ cây với liều 4-10g được dùng trong các trường hợp chảy máu chân răng, sốt rét, lậu.
Lá gây kích ứng da nhưng có thể dùng ngoài trong thời gian ngắn để chữa đau lưng, đau khớp, mụn rộp do herpes.
Toàn cây với liều 9-15g đem sắc nước uống trong các trường hợp phong thấp, đau khớp hoặc nấu kỹ rửa khi bị trĩ.
Cây tươi đem giã, đắp trong trường hợp mụn nhọt, bọ cạp đốt, rắn cắn.
Cành lá dùng để muối dưa, làm rau ăn, ăn với lượng vừa phải có tác dụng hàn thấp, kích thích tiêu hóa nhưng ăn nhiều gây cồn cào.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Mần ri trắng
4.1 Thuốc làm dịu cơn đau thận
40-60g lá màn màn trắng.
Giã cùng 1-2 củ hành, thêm muối.
Nặn thành bánh, đắp vào bụng dưới.
4.2 Chữa đau đầu
30-40g mần ri trắng đem rửa sạch, giã nát, nặn thành 2 miếng, đắp ở thái dương.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Màn màn trắng, trang 220-222. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2024.