Mần Ri Hoa Vàng (Màn Màn Hoa Vàng – Cleome viscosa L.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Brassicales (Cải)

Họ(familia)

Capparaceae (Màn màn)

Chi(genus)

Cleome

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Cleome viscosa L.

Danh pháp đồng nghĩa

Polanisia isocandra (L.) W. et Arn

Polanisia viscosa (L.) DC.

Cleome isocandra L.

Mần Ri Hoa Vàng (Màn Màn Hoa Vàng - Cleome viscosa L.)

Mần ri hoa vàng thuộc dạng cây thảo, cây sống hàng năm. Rễ cây sinh trưởng và phát triển tốt, mọc vặn vẹo. Thân và cành cây hơi khía rãnh, bề mặt phủ một lớp lông mềm, hơi dính tay. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Cleome viscosa L.

Tên đồng nghĩa: Polanisia isocandra (L.) W. et ARN, Polanisia viscosa (L.) DC., Cleome isocandra L.

Tên gọi khác: Màn màn hoa vàng, Sơn tiên.

Họ thực vật: Capparaceae (Màn màn).

Mần ri hoa vàng
Mần ri hoa vàng

1.1 Đặc điểm thực vật

Mần ri hoa vàng thuộc dạng cây thảo, cây sống hàng năm. Rễ cây sinh trưởng và phát triển tốt, mọc vặn vẹo.

Thân và cành cây hơi khía rãnh, bề mặt phủ một lớp lông mềm, hơi dính tay.

Lá cây mọc so le, dạng chân vịt, gồm 3-5 lá chét, chiều dài mỗi phiến lá chét khoảng từ 3 đến 4cm, chiều rộng từ 1 đến 1,5cm. 2 mặt của lá đều có lông, đặc biệt là ở mặt trên, mép lá có lông nhỏ dạng lông mi.

Cụm hoa mọc thành chùm ở tận cùng, hoa có màu vàng, đài 4, tràng 4 cánh hình trái Xoan, nhị 25, bầu hẹp, thuôn dài.

Quả gần giống quả cải, bề mặt có khía, có lông, mỗi quả có chiều dài khoảng từ 6 đến 10cm, rộng 4mm, hạt xếp thành 2 hàng, có hình thận dẹt và cong.

Mùa hoa từ tháng 8 đến tháng 10, mùa quả từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau.

Dưới đây là hình ảnh cây Mần ri hoa vàng (Màn màn hoa vàng):

Hình ảnh cây Mần ri hoa vàng (Màn màn hoa vàng)
Hình ảnh cây Mần ri hoa vàng (Màn màn hoa vàng)
Hình ảnh cây Mần ri hoa vàng (Màn màn hoa vàng)
Hình ảnh cây Mần ri hoa vàng (Màn màn hoa vàng)

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất.

Thời điểm thu hái: Quanh năm, tốt nhất là vào mùa xuân.

1.3 Cây mần ri hoa vàng mọc ở đâu?

Mần ri hoa vàng là loài cây thuộc vùng nhiệt đới, được tìm thấy chủ yếu ở khu vực Nam Á, Đông Nam Á bao gồm một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippin, Lào, Campuchia, Việt Nam và một số tỉnh thuộc Nam Trung Quốc.

Tại nước ta, Mần ri hoa vàng được tìm thấy ở một số tỉnh thuộc vùng trung du, đồng bằng hoặc vùng núi thấp. Cây ưa ẩm, ưa sáng, thường mọc thành từng đám trên các bãi đất hoang, nương rẫy, dọc đường đi hoặc các bãi sông. Cây con mọc từ hạt, thời điểm sinh trưởng thường là vào cuối xuân hay đầu hè, cây ra hoa quả nhiều, sinh trưởng nhanh. Quả khi chín khô sẽ tự mở thành 2 mảnh, phát tán hạt đi xa. Hạt có thể tồn tại trong môi trường từ 5 đến 6 tháng qua mùa đông, đến gần hết mùa xuân. Mần ri hoa vàng mọc thành lớp dày, có tác dụng phủ đất, được dùng làm phân xanh cho các loài cây khác.

Cây mần ri hoa vàng mọc ở đâu?
Cây mần ri hoa vàng mọc ở đâu?

2 Thành phần hóa học

Toàn cây Mần ri hoa vàng có chứa ergosta – 5 – en – 3 – O – α – L – rhamnopyranoside.

Rễ cây có chứa 3’,4’,5’ – trihydroxyflavanone – 7 – O – α – L – rhamnopyranoside.

Phần trên mặt đất và rễ của cây Mần ri hoa vàng còn chứa cleomeolid, cleosandrin.

Hạt chứa acid viscosin, ngoài ra còn có dầu béo với thành phần là acid oleic và acid palmitic.

Hoa của cây Mần ri vàng
Hoa của cây Mần ri vàng

3 Tác dụng của cây Mần ri hoa vàng

3.1 Tác dụng dược lý

Các nghiên cứu dược lý đã chỉ ra rằng Mần ri hoa vàng có nhiều công dụng với sức khỏe, được sử dụng như một loại thuốc tẩy giun, kháng khuẩn, giảm đau, chống viêm, điều hòa miễn dịch, hạ sốt, hoạt động dược lý tâm thần, chống tiêu chảy và bảo vệ gan.

Các nghiên cứu hiện tại cho thấy việc sử dụng chiết xuất methanol từ cây Mần ri hoa vàng tại chỗ có thể tăng cường quá trình phục hồi vết thương bằng cách làm giảm sản xuất Collagen qua trung gian TGF β -Smad trong mô hạt vết thương.

3.2 Tính vị, tác dụng

Mần ri hoa vàng có vị cay, ít độc, có tác dụng gây phồng, chuyển máu, giảm đau, làm ra mồ hôi, trừ thấp.

Toàn cây Mần ri hoa vàng
Toàn cây Mần ri hoa vàng

3.3 Công dụng

Nhân dân ở một số địa phương có khi hái ngọn non của cây Mần ri hoa vàng về để luộc ăn thay rau, có thể dùng ngọn non này để muối chua ăn cũng rất ngon nhưng ăn nhiều có thể thấy bụng cồn cào khó chịu, ăn lượng vừa đủ thấy lợi tiêu hóa, chống hàn thấp.

Hạt của cây Mần ri hoa vàng có chứa chất béo (25-35%), có thể đem rang vàng tán nhỏ làm thành muối ăn thay vừng.

Mần ri hoa vàng được dùng trong trường hợp nhức đầu bằng cách dùng lá tươi giã cùng với muối sau đó đắp vào vùng thái dương, có thể dùng để chữa đau răng bằng cách dùng ngọn non của cây giã nát sau đó ép lấy nước uống.

Mần ri hoa vàng còn được sử dụng để trị cam tẩu mã bằng cách dùng lá khô đã đốt tồn tính sau đó hòa cùng Mật Ong, bôi vào vùng lợi răng. Nếu bị viêm tai giữa, dùng lá tươi ép lấy nước sau đó nhỏ trực tiếp vào tai. Nếu bị vết thương lở loét, chín mé, mụn nhọt, dùng lá tươi giã nát sau đó đắp và băng lại, có thể cho thêm ít tỏi.

Liều dùng thông thường là 30-50g cây tươi đem sắc nước uống.

Dùng ngoài không kể liều lượng.

Quả của cây mần ri hoa vàng
Quả của cây mần ri hoa vàng

4 Một số cách trị bệnh từ cây Mần ri hoa vàng

4.1 Chữa viêm dạ dày, đau dạ dày

30g Mần ri hoa vàng.

30g Thạch Hộc.

20g Nghệ.

20g Cỏ hàn the.

20g Dây thần thông.

20g rễ Mây vọt.

Các vị đem phơi khô, thái nhỏ, sắc chia làm 2 lần uống trong ngày, thời điểm uống là trước bữa ăn.

Quả của cây mần ri hoa vàng
Quả của cây mần ri hoa vàng

4.2 Chữa rắn cắn

50g Mần ri hoa vàng.

50g Củ gấu.

50g Hạt cải củ.

Các vị đem giã nát, thêm nước, gạn uống còn bã để đắp vào vết rắn cắn.

Toàn cây Mần ri hoa vàng
Toàn cây Mần ri hoa vàng

5 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Màn màn vàng, trang 222-223. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.

Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Màn màn hoa vàng, trang 36. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.

Tác giả Ravindra G Mali (Ngày đăng tháng 1 năm 2010). Cleome viscosa (wild mustard): a review on ethnobotany, phytochemistry, and pharmacology, PubMed. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.

Tác giả Aadesh Upadhyay và cộng sự (Ngày đăng 22 tháng 4 năm 2014). Topical Application of Cleome viscosa Increases the Expression of Basic Fibroblast Growth Factor and Type III Collagen in Rat Cutaneous Wound, NCBI. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.

Để lại một bình luận