Magnesium Oxide được sử dụng trong lâm sàng nhằm mục đích giảm các triệu chứng do dư thừa acid trong dạ dày như ợ nóng, khó tiêu…Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Magnesium Oxide.
1 Tổng quan
Magnesium Oxide kí hiệu là gì? Magnesium Oxide có kí hiệu hóa học là MgO. Đây là hợp chất được kết hợp bởi một nguyên tử Magie và một nguyên tử Oxy.
Trọng lượng phân tử: 40,305 g/mol.
Trạng thái: Chất rắn màu trắng hay dạng bột khô.
Hình cấu tạo:
2 Magnesium Oxide có tác dụng gì?
Mã ATC: A02AA02, A06AD02.
2.1 Dược lực học
Magnesium Oxide được dùng làm thuốc chống acid (antacid) dịch vị, thuốc nhuận tràng và thuốc cung cấp magnesi cho cơ thể khi cơ thể thiếu (magnesi là cation nhiều thứ hai trong nội tế bào, có một vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể).
2.2 Cơ chế tác dụng
Tác dụng chống acid dịch vị của thuốc phụ thuộc vào tốc độ hoà tan của dạng bào chế, tính phản ứng với acid, tác dụng sinh lý của cation, mức độ hoà tan trong nước, có hoặc không có thức ăn trong dạ dày.
Trong môi trường nước kết hợp nhanh chóng với nước để tạo thành Magnesium hydroxyde.
Thuật ngữ “Sữa Magnesia” lần đầu tiên được sử dụng để mô tả huyền phù Magnesium hydroxyde có tính kiềm nhẹ ở dạng nước màu trắng có công thức khoảng 8% w/v. Sữa magie chủ yếu được sử dụng để giảm táo bón, nhưng cũng có thể được sử dụng để giảm chứng khó tiêu và ợ nóng. Khi được uống bằng đường uống như một loại thuốc nhuận tràng, lực thẩm thấu của hỗn dịch magie có tác dụng hút chất lỏng ra khỏi cơ thể và giữ lại những chất lỏng đã có trong lòng ruột, giúp làm căng ruột, do đó kích thích các dây thần kinh trong thành ruột kết, gây ra nhu động và dẫn đến việc sơ tán các nội dung đại tràng. Bổ sung magiê cũng đã được chứng minh là làm giảm sự kết tập tiểu cầu bằng cách ức chế dòng Canxi, một thành phần quan trọng của sự kết tập tiểu cầu.
3 Chỉ định – Chống chỉ định
3.1 Chỉ định
Magnesium Oxide được chỉ định sử dụng không kê đơn như một chất bổ sung cho sức khỏe tim mạch và thần kinh cơ, đồng thời là thuốc kháng axit để giảm chứng khó tiêu do axit và đau dạ dày.
Magnesium Oxide kết hợp với natri picosulfat và axit xitric khan, được chỉ định để làm sạch ruột kết như một chất chuẩn bị cho nội soi ở người lớn và bệnh nhi từ 9 tuổi trở lên.
3.2 Chống chỉ định
Suy thận nặng (nguy cơ tăng magnesi huyết).
Các trường hợp mẫn cảm với các thuốc chống acid chứa magnesi.
Trẻ nhỏ (nguy cơ tăng magnesi huyết, đặc biệt ở trẻ mất nước hoặc trẻ bị suy thận).
4 Liều dùng – Cách dùng
4.1 Liều dùng
Tác dụng chống acid: Từ 250 mg – 4 g/ngày, liều thường dùng là 250 mg x 4 lần/ngày.
4.2 Cách dùng
Thuốc chống acid được dùng theo đường uống, viên thuốc phải nhai kỹ trước khi nuốt.
Đối với bệnh loét dạ dày tá tràng, liều thuốc thường cho theo kinh nghiệm và nhiều liều khác nhau đã được dùng. Ở người loét dạ dày hoặc tá tràng không có biến chứng, cho uống thuốc 1 – 3 giờ sau khi ăn và lúc đi ngủ. Một đợt dùng thuốc trong khoảng từ 4 – 6 tuần hoặc tới khi vết loét liền.
Ở người bệnh bị trào ngược dạ dày thực quản, ở người bệnh có chảy máu dạ dày hoặc loét do stress, thuốc được dùng mỗi giờ một lần. Với người bệnh chảy máu dạ dày, phải điều chỉnh liều antacid để duy trì được pH dạ dày bằng 3,5.
Để giảm nguy cơ hít phải acid dạ dày trong quá trình gây mê, thuốc antacid được dùng trước khi gây mê 30 phút.
==>> Xem thêm về hoạt chất: Magie – Khoáng chất quan trong đối với cấu trúc xương của cơ thể
5 Tác dụng không mong muốn
Thường gặp, ADR > 1/100:Miệng đắng chát. Ỉa chảy (khi dùng quá liều).
Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100: Nôn hoặc buồn nôn. Cứng bụng.
6 Tương tác thuốc
Tất cả các thuốc kháng acid đều làm tăng hoặc giảm tốc độ và mức độ hấp thu các thuốc khác, khi dùng phối hợp, hoặc do làm thay đổi thời gian thuốc ở trong ống tiêu hóa, hoặc do có sự gắn kết với chúng.
Giảm tác dụng của các tetracyclin, Digoxin, Indomethacin, hoặc các muối Sắt vì sự hấp thu của những thuốc này bị giảm.
Dùng Magnesium Oxide với naproxen làm giảm tốc độ hấp thu của naproxen.
Các thuốc bị tăng tác dụng: Amphetamin, quinidin (do chúng bị giảm thải trừ).
==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Vitamin B1 (Thiamine) – vitamin tan trong nước điều trị bệnh beriberi – Dược thư quốc gia 2022
7 Thận trọng
Các antacid chứa magnesi thường gây nhuận tràng nên hầu như không dùng một mình; khi dùng liều nhắc lại sẽ gây ỉa chảy nên thường gây mất thăng bằng thể dịch và điện giải.
Ở người bệnh suy thận nặng, đã gặp chứng tăng magnesi huyết (gây hạ huyết áp, suy giảm tâm thần, hôn mê), vì vậy không được dùng các magnesi antacid cho người suy thận.
Khi dùng các chế phẩm antacid có chứa hơn 50 mEq magnesi mỗi ngày, cần được theo dõi rất cẩn thận về cân bằng điện giải, chức năng thận.
Không nên dùng thuốc kéo dài liên tục trên 2 tuần nếu không có chỉ định của thầy thuốc.
8 Các câu hỏi thường gặp
8.1 Phụ nữ có thai và cho con bú có dùng được Magnesium Oxide không?
Nhìn chung các thuốc magnesi antacid được coi là an toàn với phụ nữ mang thai, miễn là không dùng lâu dài và liều cao. Đã có thông báo ADR như tăng hoặc giảm magnesi huyết, tăng phản xạ gân ở bào thai và trẻ sơ sinh, khi người mẹ dùng thuốc magnesi antacid lâu dài và đặc biệt với liều cao.
Với bà mẹ cho cho bú, chưa tài liệu nào ghi nhận ADR của thuốc, tuy thuốc có thải trừ qua sữa nhưng chưa đủ để gây ADR cho trẻ em bú sữa mẹ.
9 Cập nhập thông tin về nghiên cứu mới của Magnesium Oxide
Magnesium Oxide, Riboflavin có thể làm giảm chứng đau nửa đầu khi mang thai:
Theo một nghiên cứu được trình bày tại SMFM 2022, việc sử dụng Magnesium Oxide đơn lẻ hoặc kết hợp với Riboflavin có thể giúp ngăn ngừa chứng đau nửa đầu từng cơn khi mang thai.
Sử dụng dữ liệu từ Los Angeles và Trung tâm Y tế Đại học Nam California từ năm 2015 đến năm 2020, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu thuần tập hồi cứu liên quan đến 203 phụ nữ (tuổi trung bình 30, tuổi thai trung bình 16 tuần 2 ngày) được chẩn đoán mắc chứng đau nửa đầu khi mang thai và được xử lý bằng Magnesium Oxide 400 mg. Phần lớn các bệnh nhân dùng Magnesium Oxide hai lần mỗi ngày.
Nhìn chung, 59,0% bệnh nhân đạt được kết quả điều trị thành công với Magnesium Oxide, thể hiện qua sự cải thiện về tần suất, mức độ nghiêm trọng và thời gian của các cơn đau nửa đầu. Chỉ có ba bệnh nhân bị tác dụng phụ nhẹ về Đường tiêu hóa, không dẫn đến việc ngừng điều trị.
Hơn nữa, trong số những người cần điều trị bổ sung, 94,0% bệnh nhân đã được điều trị thành công bằng liệu pháp kết hợp Magnesium Oxide và Riboflavin.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Điều trị bằng Magnesium Oxide để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu từng cơn khi mang thai là một phương pháp an toàn và hiệu quả,… với ít tác dụng phụ.
10 Các dạng bào chế phổ biến
Magnesium Oxide được bào chế dạng viên nang 140 mg; viên nén Magnesium Oxide 400mg, 420 mg.
Sản phẩm chứa Magnesium Oxide:
11 Tài liệu tham khảo
- Dược thư quốc gia Việt Nam – lần xuất bản thứ 2 (Xuất bản năm 2018). THUỐC CHỐNG ACID CHỨA MAGNESI (Magnesi antacid) trang 1369 – 1371, Dược thư quốc gia Việt Nam – lần xuất bản thứ 2. Truy cập ngày 14 tháng 08 năm 2023.
- Tác giả: Chuyên gia Pubchem (Cập nhật ngày 05 tháng 08 năm 2023). Magnesium Oxide, NCBI. Truy cập ngày 14 tháng 08 năm 2023.
- Tác giả: Chuyên gia MIMS (Ngày đăng: ngày 04 tháng 03 năm 2022). Magnesium oxide, riboflavin may reduce episodic migraine during pregnancy, MIMS. Truy cập ngày 14 tháng 08 năm 2023.