Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) |
Fabales (Đậu) |
Họ(familia) |
Fabaceae (Đậu) |
Chi(genus) |
Crotalaria |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Crotalaria retusa L. |
Lục lạc tù thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 1,2 mét. Nhánh có nhiều lông nằm. Lá thon ngược, phiến lá có chiều dài khoảng từ 5-7cm, đầu lá tù, tròn hoặc lõm. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Crotalaria retusa L.
Tên gọi khác: Sục sạc lõm, Muồng một lá.
Họ thực vật: Fabaceae (Đậu).
1.1 Đặc điểm thực vật
Lục lạc tù thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 1,2 mét. Nhánh có nhiều lông nằm.
Lá thon ngược, phiến lá có chiều dài khoảng từ 5-7cm, đầu lá tù, tròn hoặc lõm. Mặt dưới lá có lông, màu hơi tán, những gân bên khó nhìn. Lá kèm 3mm, mau rụng.
Cụm hoa dài khoảng 20cm, cuống hoa dài 5mm, hoa có chiều cao khoảng 1,5cm, đài không có lông, dài khoảng 8mm. Tràng hoa có màu vàng cam.
Quả không có lông, chiều dài khoảng từ 3 đến 3,5cm, hơi dẹt.
Hạt nhiều, khoảng từ 15-20 hạt, có màu vàng hay đen, kích thước khoảng 4x3cm.
1.2 Thu hái, chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
1.3 Đặc điểm phân bố
Lục lạc tù được tìm thấy chủ yếu ở các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Tại nước ta, cây được tìm thấy ở một số tỉnh thành như Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Bình Định, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh.
Lục lạc tù thường mọc rải rác ở một số tỉnh ven biển, vùng đất thấp, ven sông, tràng cỏ.
Thời kỳ ra hoa từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, thời kỳ có quả từ tháng 1 đến tháng 4.
2 Thành phần hóa học
Hạt chứa alcaloid độc có tên gọi là monocrotaline.
Lá cây Lục lạc tù chứa indican.
3 Tác dụng của cây Lục lạc tù
3.1 Tác dụng dược lý
Hạt của Lục lạc tù được sử dụng trong y học cổ truyền vì có nhiều đặc tính dược lý khác nhau.
Phần albumin thu được từ hạt của nó có chứa lectin, một loại protein được biết là có đặc tính giảm đau và chống viêm. Do đó, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu thành phần albumin chiết xuất từ Lục lạc tù đã được nghiên cứu về tác dụng chống viêm và giảm đau của chúng. Việc dùng albumin liều lượng khác nhau (5, 10 hoặc 20mg/kg) vào phúc mạc đã ức chế đáng kể tình trạng phù chân ở chuột do carrageenan gây ra (tỷ lệ ức chế tối đa là 80,9% sau 4 giờ với liều dùng là 20mg/kg).
Albumin ở liều 20mg/kg cũng ức chế sự di chuyển của bạch cầu trung tính vào khoang phúc mạc do carrageenan gây ra. Tuy nhiên, không quan sát thấy tác dụng nào trong tình trạng phù chân do dextran gây ra và tình trạng xoắn bụng do axit axetic gây ra. Hơn nữa, albumin (20mg/kg) làm giảm đáng kể giai đoạn thứ hai (viêm) do formalin gây ra. Kết luận của các nhà khoa học cho thấy hạt của Lục lạc tù có đặc tính chống viêm và giảm đau và các hoạt động như vậy có thể là do tác dụng ức chế sự di chuyển của bạch cầu trung tính của lectin có trong albumin.
Độc tính: Hạt của cây Lục lạc tù đã được báo cáo gây độc cho cừu khi ăn phải, do đó, cần hết sức thận trọng, không sử dụng khi không có kinh nghiệm.
3.2 Công dụng trong Y học cổ truyền
Hạt của cây Lục lạc tù sau khi rang lên, bỏ vỏ, có thể ăn được. Ngoài ra, cây còn được dùng để làm thuốc trị bệnh trong một số trường hợp bị bệnh hô hấp.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng Lục lạc tù để trị ghẻ, ngứa lở. Ngoài ra, lá cây còn được dùng để làm thuốc sắc trong trường hợp bị quai bị, điều kinh, lỵ.
Nhân dân của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sử dụng toàn cây để làm thuốc trị bệnh trong trường hợp bị ho khan.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Lục lạc tù, trang 1362. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Diego Passos Aragão và cộng sự (Ngày đăng tháng 9 năm 2017). The anti-inflammatory and antinociceptive activity of albumins from Crotalaria retusa seeds, PubMed. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2024.