Long Nha Thảo (Tiên Hạc Thảo – Agrimonia eupatoria)

Long Nha Thảo (Tiên Hạc Thảo - Agrimonia eupatoria)

Long Nha Thảo còn được gọi là Tiên Hạc Thảo, là loại cây thân thảo được sử dụng để làm thuốc chữa ho ra máu, thổ huyết, chảy máu cam. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Long Nha Thảo

1 Giới thiệu

Đặc điểm thực vật của cây Long Nha Thảo
Đặc điểm thực vật của cây Long Nha Thảo

Tên khác: Long Nha Thảo, Cỏ Răng Rồng.

Tên khoa học: Agrimonia eupatoria L.

Họ thực vật: Họ Hoa hồng – Rosaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Tiên Lạc Thảo là dạng cây thảo, sống lâu năm, cây cao khoảng 40 đến 50cm, có một số cây cao hơn.

Mọc đứng, vỏ thân có màu đỏ hơi nhạt, có lông trắng, vạch chạy dọc theo thân.

Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, phiến lá hình bầu dục, đầu lá nhọn, gốc lá tròn.

Lá chét mọc đối theo từng cặp. Cả 2 mặt lá đều phủ một lớp lông mịn, có màu xanh xám. Mép lá khía răng cưa.

Lá kèm phát triển, phiến lá khía răng cưa.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành, hoa có màu vàng.

Lá bắc chẻ 3.

Đài 5, hình ống.

Tràng 5 cánh rời.

Nhị 10.

Mùa hoa quả rơi vào tháng 8 đến tháng 10 hàng năm.

1.2 Thu hái và chế biến

Hoa của Long Nha Thảo có màu vàng
Hoa của Long Nha Thảo có màu vàng

Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất, thu hái vào thời điểm lá phát triển xum xuê.

Chế biến: Loại bỏ tạp chất sau đó phơi hoặc sấy khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Agrimonia L. thường được tìm thấy ở các vùng ôn đới ấm.

Long Nha Thảo (Tiên Hạc Thảo) có nguồn gốc ở vùng Himalaya, cây được tìm thấy ở cả Ấn Độ và Trung Quốc.

Tại Việt Nam, Long Nha Thảo thường được tìm thấy ở các vùng miền núi phía Bắc, có độ cao từ 800 mét trở lên. Các tỉnh tìm thấy Long Nha Thảo như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu,…Cây thường mọc ở nơi có đất ẩm, gần các con suối.

Là cây ưa ẩm và ưa sáng, cây con mọc từ hạt vào cuối mùa xuân, sinh trưởng và phát triển mạnh trong giai đoạn mùa hè và mùa thu.

Tiên Hạc Thảo có tên gọi khác là Long Nha Thảo
Tiên Hạc Thảo có tên gọi khác là Long Nha Thảo

2 Thành phần hóa học

Ngọn có hoa chứa:

  • Flavonoid toàn phần 0,9%.
  • tanin 7,4%.
  • Rutin 0,17%.
  • Isoquereitrin 0,21%.
  • Hyperoside 0,37%.
  • Quereitrin 0,05%.

3 Tác dụng – Công dụng của cây long nha thảo

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Tác dụng kháng khuẩn

Cao toàn phần của cây được chứng minh có tác dụng kháng khuẩn.

Rễ Long Nha Thảo chiết được 3 dẫn chất của catechin có tác dụng ức chế đối với Staphylococcus.

Khi nghiên cứu trên in vitro, các agrimol C, F, G của Long Nha Thảo cũng có tác dụng kháng khuẩn.

3.1.2 Tác dụng trên ký sinh trùng sốt rét

Khi gây nhiễm ký sinh trùng sốt rét cho chuột nhắt trắng, người ta nhận thấy rằng, các agrimol C, F, G của Long Nha Thảo có tác dụng bảo vệ động vật thí nghiệm khỏi ký sinh trùng sốt rét.

3.1.3 Tác dụng trên cơ

Long Nha Thảo có tác dụng gây hưng phấn đối với cơ xương nhưng lại gây tê liệt, ức chế các khớp thần kinh cơ.

3.1.4 Tác dụng trên động vật thân mềm

Các nghiên cứu thử tác dụng của Tiên Hạc Thảo trên in vitro cho thấy, dược liệu có tác dụng làm liệt cơ trên giun lợn và đỉa.

3.1.5 Tác dụng trên đường huyết

Gây tăng đường huyết cho chuột nhắt trắng bằng streptozotocin, kết quả cho thấy, lá của Tiên Hạc Thảo có tác dụng làm chậm sự phát triển và giảm mức tăng đường huyết trên động vật thí nghiệm.

3.1.6 Tác dụng trên tử cung

Các thí nghiệm trên động vật cho thấy, LonG nha Thảo khi sử dụng liều thấp có tác dụng hưng phấn nhưng khi dùng liều cao có tác dụng ức chế.

3.1.7 Tác dụng chống khối u

Cao chiết methanol từ rễ của cây được chứng minh có khả năng kéo dài thời gian sống của chuột nhắt trắng gây u.

3.1.8 Tác dụng trên tim

Long Nha Thảo
Long Nha Thảo

Khi tiến hành thí nghiệm trên ếch bị cô lập, Long Nha Thảo liều thấp có tác dụng làm tăng tần số tim và giảm biên độ co bóp, nhưng khi sử dụng liều lớn hơn lại có tác dụng làm liệt tim.

3.1.9 Tác dụng trên huyết áp

Khi thử nghiệm trên chó và thỏ, Long Nha Thảo cho thấy tác dụng làm tăng huyết áp, cơ chế có thể do tác dụng gây co mạch.

3.1.10 Tác dụng trên máu

Long Nha Thảo có tác dụng rút ngắn thời gian đông máu.

3.1.11 Tác dụng trên hô hấp

Khi sử dụng với liều vừa phải, Tiên Hạc Thảo có tác dụng kích thích hô hấp nhưng khi sử dụng liều cao, thuốc có tác dụng làm tăng hô hấp sau đó dẫn tới suy hô hấp

3.1.12 Tác dụng trên đồng tử

Tiên Hạc Thảo có khả năng làm giãn đồng tử của ếch.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Tiên Hạc Thảo có vị đắng, tính ấm, quy vào 4 kinh là can, phế, tâm, thận.

Tác dụng: Chỉ huyết, giải độc, thu liễm, chỉ lỵ.

3.2.2 Công dụng

Long Nha Thảo được dùng làm thuốc chữa thổ huyết, khái huyết, chảy máu cam, sốt rét, ung thung. Ngoài ra, loại cây này còn được sử dụng làm thuốc chữa bệnh gan, mỗi ngày dùng 8-16g, liều dùng có thể lên đến 40g, sắc lấy nước uống.

Người dân Trung Quốc chế Long Nha Thảo tố bằng cách loại bỏ các thành phần protein, tanin, đường, tinh chế để được chất bột vô định hình dùng làm thuốc cầm máu.

4 Một số cách trị bệnh từ cây Long Nha Thảo

4.1 Chữa ho ra máu, thổ huyết, chảy máu cam, đại tiện ra máu, băng huyết

30g Long Nha Thảo.

20g Đại Táo.

20g Địa Long.

Sắc lấy nước uống, ngày 1 lần.

Đối với các trường hợp ho ra máu hoặc nôn ra máu, có thể sử dụng Long Nha Thảo, hạt Rau Đay, rễ Cốt Toái Bổ, mỗi vị dùng 9g, sắc lấy nước uống.

4.2 Chữa hạch, mụn nhọt, tràng nhạc

20g Long Nha Thảo.

12g Nga Truật.

12g Ngưu Tất.

12g Xạ Can.

12g Huyền Sâm.

Sắc lấy nước uống.

5 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam (tập 2). Long Nha Thảo, trang 169-170. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2024.

Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (tác giả Đỗ Tất Lợi). Long Nha Thảo, trang 286-287. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2024.

Để lại một bình luận