Tên chung quốc tế: Loncastuximab tesirine
Biệt dược thường gặp: Zynlonta
Loại thuốc: Các kháng thể đơn dòng và các liên hợp thuốc kháng thể.
Mã ATC: L01FX22
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Bột đông khô pha Dung dịch tiêm truyền chứa hàm lượng 10mg Loncastuximab tesirine.
2 Dược lực học
Loncastuximab tesirine có khả năng chống khối u nhắm tới kháng nguyên CD19. Đây là một glycoprotein màng ở hệ thống miễn dịch, tìm thấy nhiều trong các tế bào B có khối u ác tính. CD19 không di chuyển khắp cơ thể theo hệ tuần hoàn mà có động học nội hoá, nên trở thành mục tiêu điều trị tiềm năng cho các liên hợp thuốc kháng thể trị khối u ác tính.
Loncastuximab tesirine là một kháng thể đơn dòng, liên kết với SG3199, một cytotoxin dimer pyrrolobenzodiazepine (PBD) có thẻ phân cắt bởi enzyme. Sau khi Loncastuximab tesirine liên kết với CD19 thì sẽ phân cắt tách thành phần SG3199, thành phần này liên kết với rãnh nhỏ DNA tạo liên kết chéo gây độc tế bào và chết tế bào ung thư.
Loncastuximab tesirine hiệu quả trong điều trị khối u tế bào B ác tính, u lympho.
3 Dược động học
Hấp thu: Thuốc tiêm truyền tĩnh mạch nên sự hấp thu là hoàn toàn vào tuần hoàn, giá trị Cmax trong chu kỳ 1 và chu kỳ 2 lần lượt là 2995 μg/L và 3155 μg/L, giá trị AUC là 15.245 – 22.823 μg*ngày/L.
Phân bố: Thể tích phân bố trung bình là 7,11 L.
Chuyển hoá: thuốc được chuyển hoá qua gan, bởi con đường CYP3A4/5, thuốc được phân huỷ thành các peptit nhỏ.
Thải trừ: con đường bài tiết chính của thuốc chưa được nghiên cứu rõ và được cho là phần lớn bài tiết qua thận, thuốc có thời gian bán thải khoảng 7,06-12,5 ngày ở trạng thái ổn định.
4 Chỉ định
Loncastuximab tesirine được chỉ định để điều trị cho người lớn bị u lympho tế bào B lớn tiến triển tái phát và di căn sang các bộ phận của cơ thể mà trước đó có điều trị bằng các liệu pháp khác nhưng không hiệu quả, cụ thể bao gồm:
- U lympho tế bào B lan tỏa (DLBCL)
- U lympho tế bào B lan tỏa phát sinh từ u lympho cấp độ thấp
- U lympho tế bào B cấp độ cao
5 Chống chỉ định
Người mẫn cảm với thành phần Loncastuximab tesirine .
6 Liều dùng – Cách dùng
6.1 Liều dùng
Liều khuyến cáo là truyền tĩnh mạch trong 30 phút vào Ngày 1 của mỗi chu kỳ 3 tuần.
- 2 chu kỳ đầu dùng liều 0,15 mg/kg mỗi 3 tuần
- Các chu kỳ tiếp theo dùng liều 0,075 mg/kg mỗi 3 tuần
Thuốc chỉ định cho người lớn trưởng thành, trẻ em nên sử dụng liều theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
6.2 Cách dùng
Thuốc tiêm truyền tĩnh mạch, cần phải thực hiện tại cơ sở y tế và có sự giám sát của bác sĩ, cần thực hiện trong môi trường vô trùng thích hợp.
Pha dung dịch bằng nước vô trùng để tiêm, đảm bảo bột thuốc tan hoàn toàn trước khi truyền, dung dịch phải trong suốt đến hơi đục.
Không trộn với các dung dịch truyền khác.
7 Tác dụng không mong muốn
Phản ứng có hại thường gặp nhất bao gồm:
- Rối loạn chung: mệt mỏi, edemac.
- Rối loạn da hoặc mô dưới da: Rashd, ngứa, nhạy cảm với ánh sáng.
- Rối loạn tiêu hoá: nôn, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa, táo bón.
- Rối loạn xương khớp: đau cơ, đau xương khớp.
- Rối loạn chuyển hoá: giảm cảm giác thèm ăn, chán ăn.
- Rối loạn hô hấp: khó thở, tràn dịch màng phổi.
- Rối loạn nhiễm trùng: nhiễm trùng hô hấp trên, tắc nghẽn đường hô hấp, viêm mũi, viêm xoang.
Bất thường về xét nghiệm: giảm tiểu cầu, tăng gamma-glutamyltransferase, giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu, tăng transaminase, giảm Albumin máu…
8 Tương tác thuốc
Chưa có nghiên cứu cụ thể.
Không dùng chung thuốc với các thuốc khác trong dung dịch tiêm truyền.
9 Thận trọng
Báo cáo về tràn dịch và phù nề nghiêm trọng đã xảy ra ở bệnh nhân điều trị bằng Loncastuximab tesirine, thông báo ngay với bác sĩ nếu có các triệu chứng khó chịu ở ngực, sưng dạ dày, đầy hơi, khó thở.
Nguy cơ suy tuỷ nghiêm trọng bao gồm giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu có thể xảy ra khi dùng thuốc, nên theo dõi công thức máu toàn phần trong suốt quá trình điều trị.
Tăng nguy cơ nhiễm trùng, thường gặp nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng huyết khi dùng thuốc nên ngừng dùng thuốc cho đến khi điều trị xong nhiễm khuẩn và tránh tiếp xúc với người đang có triệu chứng nhiễm trùng.
Thuốc làm tăng sự nhạy cảm với ánh sáng, gây ra các phản ứng trên da nghiêm trọng như phát ban, ban đỏ.
Phụ nữ và nam giới có khả năng sinh con nên sử dụng biện pháp tránh thai trong quá trình sử dụng thuốc và trong vòng 9 tháng sau liều cuối cùng.
10 Thời kỳ mang thai
Cơ chế của thuốc cho thấy thuốc có thể gây độc gen, ảnh hưởng đến sự phân chia tế bào. Nguy cơ gây dị tật bẩm sinh và sảy thai đối với thai nhi nên không dùng thuốc trong thời kỳ mang thai. Cần tư vấn cho phụ nữ mang thai về nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi.
11 Thời kỳ cho con bú
Chưa có những dữ liệu an toàn về sử dụng thuốc ở đối tượng đang cho con bú, các thông tin về sự hiện diện của loncastuximab tesirine-lpyl trong sữa mẹ, tác động lên trẻ bú mẹ hoặc sản xuất sữa chưa rõ ràng.
Khuyến cáo không sử dụng trong thời kỳ cho con bú và trong 3 tháng sau liều cuối cùng điều trị.
12 Bảo quản
Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ lạnh từ 2°C đến 8°C.
Để thuốc trong hộp carton để tránh ánh sáng
Tránh xa khu vực vui chơi của trẻ nhỏ.
13 Quá liều
Chưa có báo cáo.
Trong trường hợp nghi ngờ quá liều, nên ngừng thuốc và cấp cứu.
14 Tài liệu tham khảo
Chuyên gia Drugbank. Loncastuximab tesirine. Drugbank. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2024.
Chuyên gia FDA.FDA grants accelerated approval to loncastuximab tesirine-lpyl for large B-cell lymphoma. FDA. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2024.