Lõi Tiền (Stephania longa Lour.)

Phân loại khoa học
Họ(familia)

Menispermaceae

Chi(genus)

Stephania

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Stephania longa Lour.

Lõi Tiền (Stephania longa Lour.)

Cây Lõi Tiền có tên khoa học là Stephania longa Lour. Lõi Tiền thuộc dạng dây leo, thân mềm, được nhân dân sử dụng làm vị thuốc trị đau thấp khớp, đau dây thần kinh. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Lõi Tiền

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Stephania longa Lour.

Tên gọi khác: Dây Mối, Phấn Cơ Đốc, Đại Cung Đằng.

Họ thực vật: Tiết dê Menispermaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Đặc điểm thực vật của cây Lõi Tiền
Đặc điểm thực vật của cây Lõi Tiền

Lõi Tiền thuộc dạng dây leo, thân mềm, bề mặt thân nhẵn, trên thân có những vạch dọc có chiều dài khoảng 2 đến 4 mét.

Rễ cây dài, mọc bò, nằm ngang.

Lá cây mọc so le, gốc lá bằng, phiến lá có dạng 3 cạnh, chiều dài khoảng 3 đến 9cm, chiều rộng từ 2 đến 6cm. Mặt trên lá có màu lục sẫm, mặt dưới lá có màu nhạt hơn. Gân có dạng hình chân vịt, nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá dài, đính vào phần bên trong của phiến lá.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá tạo thành tán. Hoa có màu lục vàng, kích thước nhỏ, cuống ngắn.

Quả có dạng quả hạch hoặc quả trứng, hơi dẹt. Khi quả chín sẽ chuyển sang màu đỏ tươi.

Hạt có dạng hình móng ngựa, các quả có cạnh và u lồi.

Mùa hoa rơi vào tháng 4 đến tháng 6, mùa quả rơi vào tháng 7 đến tháng 9.

1.2 Thu hái và chế biến

Lá của cây Lõi Tiền
Lá của cây Lõi Tiền

Bộ phận dùng: Toàn cây và lá.

Thời điểm thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Hình ảnh mặt dưới của lá
Hình ảnh mặt dưới của lá

Lõi Tiền phân bố ở Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Philippin. Tại nước ta, cây được tìm thấy ở nhiều nơi, từ vùng núi thấp có độ cao dưới 600 mét đến vùng trung du và đồng bằng.

Lõi Tiền thuộc dạng cây leo nhỏ, thường xanh. Vào mùa đông ở các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc, cây thường có hiện tượng rụng lá. Là loài ưa ẩm, ưa bóng nhưng vẫn có thể mọc được ở những khu vực có nhiều ánh sáng.

Lõi Tiền thường mọc leo lên những loại cây khác ở ven rừng, nương rẫy hoặc bờ rào quanh làng. Cây sống được ở trên nhiều loại đất khác nhau, kể ra những vùng đất khô cằn. Tuy nhiên, Lõi Tiền lại là loại không chịu được ngập úng.

Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, có khả năng tái sinh tự nhiên từ hạt, rễ hoặc phần gốc cây nảy chồi sau khi bị chặt phá.

2 Thành phần hóa học

Toàn thân cây Lõi Tiền
Toàn thân cây Lõi Tiền

Thân và rễ chứa alcaloid thuộc nhóm hasubanan như:

  • Strephabyssin.
  • Longanon.
  • Prostephabyssin.

3 Công dụng của cây lõi tiền

3.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Lõi Tiền có vị đắng, tính hàn.

Tác dụng: Tiêu sưng phù, lợi thấp, giải độc, thanh nhiệt, thông tiện.

3.2 Công dụng

Lõi Tiền chỉ được sử dụng làm thuốc trong phạm vi nhân dân, dùng trong các trường hợp tiểu tiện khó như viêm thận, đái rắt, đái buốt, chân tay sưng, nhức.

Liều dùng hàng ngày được khuyến cáo là 30g cây tươi, đem thái nhỏ, sau đó sắc với 400ml nước cho đến khi còn 100ml, sau đó chia làm 2 lần uống trong ngày. Hoặc sử dụng 6-12g cây khô Lõi Tiền, phối hợp với Kim tiền thảo hoặc Cỏ Chỉ Thiên với lượng bằng nhau rồi đem sắc lấy nước.

Sử dụng 50g lá của cây Lõi Tiền và 50g lá Tiết Dê đem giã nát, sau đó thêm nước và gạn uống, dùng bã đắp ngoài trong các trường hợp bị rắn cắn.

Nhân dân Trung Quốc sử dụng cây Lõi Tiền trong các trường hợp như vàng da, bệnh phát cuồng, viêm dạ dày ruột, mụn nhọt, đái máu với liều 15-30g cây tươi hoặc 6-9g dược liệu khô, đem sắc lấy nước uống, giã nát để đắp ngoài.

4 Một số cách trị bệnh từ cây Lõi Tiền

Quả Lõi Tiền
Quả Lõi Tiền

4.1 Chữa tiểu tiện khó khăn, phù nề, đái buốt

6g Lõi Tiền.

6g Mã Đề.

10g Đậu Đen.

6g Móc Thông.

Thêm 600ml nước vào sắc đến khi còn 200ml.

Chia làm nhiều lần uống trong ngày.

4.2 Chữa đau thấp khớp, đau dây thần kinh

30g rễ Lõi Tiền.

60g hạt Ý Dĩ.

Các vị đem sắc lấy nước uống.

Có thể thêm Mật Ong cho dễ uống.

5 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam. Cây Lõi Tiền, trang 162-163. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.

Để lại một bình luận