Larotrectinib

Tên chung quốc tế: Larotrectinib

Biệt dược thường gặp: Vitrakvi

Loại thuốc: Các chất ức chế protein kinase khác.

Mã ATC: L01EX12

1 Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nang, Dung dịch uống chứa hàm lượng 20mg, 25mg, 100mg  Larotrectinib.

2 Dược lực học

 Larotrectinib là thuốc ức chế các thụ thể tropomysoin (TRK) như TRKA, TRKB và TRKC. 

Trong đó các thụ thể này tham gia điều chỉnh sự phát triển, biệt hoá, sự sống của tế bào thần kinh và chúng được mã hoá bởi các gen NTRK1, NTRK2 và NTRK3. Nghiên cứu cho thấy các gen này liên quan đến sự sắp xếp nhiễm sắc thể nên khi có sự đột biến ở vị trí liên kết phối tử TRK, sự khuếch đại của NTRK, sẽ gây ra thúc đẩy tăng sinh tế bào ung thư.

Như vậy sự ức chế của Larotrectinib hiệu quả trên các khối u có tế bào dương tính với protein TRK, đột biến điểm trong miền kinase TRKA. Khả năng tác dụng của larotrectinib với giá trị IC50 từ 5-11 nM.

Cơ chế thuốc Larotrectinib
Cơ chế thuốc Larotrectinib

3 Dược động học

Hấp thu:  thời gian thuốc đạt giá trị cao nhất trong huyết tương là 1 giờ với liều dùng 100mg/2 lần/ngày. Giá trị Cmax và AUC ở trạng thái ổn định của thuốc lần lượt là 788 ng/mL và 4351 ng*h/mL, Sinh khả dụng tuyệt đối trung bình khoảng 34%.

Phân bố: Tỷ lệ liên kết larotrectinib với protein huyết tương khoảng 70% , thuốc có Thể tích phân bố  ghi nhận là 48 L.

Chuyển hoá: con đường chuyển hóa chính của thuốc là CYP3A4, thuốc được chuyển hoá ở dạng không đổi và glucuronide liên kết O.

Thải trừ: Con đường đào thải chính với liều 100mg larotrectinib khoảng 58% lượng phóng xạ bài tiết được tìm thấy trong phân và 39% trong nước tiểu. Thời gian bán hủy trung bình ở trạng thái ổn định khoảng 2,9 giờ và Độ thanh thải trung bình là 98L/h.

4 Chỉ định

Trametinib được chỉ định điều trị khối u có bất thường ở gen NTRK tiến triển hoặc di căn lan rộng sang các bộ phận khác và không thể cắt bỏ. Thuốc được sử dụng khi các phương pháp khác đều thất bại và cần thực hiện các xét nghiệm đảm bảo bệnh nhân phù hợp dùng thuốc.

Chỉ định thuốc Larotrectinib
Chỉ định thuốc Larotrectinib

5 Chống chỉ định

Người mẫn cảm với thành phần Larotrectinib.

6 Liều dùng – Cách dùng

6.1 Liều dùng 

Liều lượng khuyến cáo chỉ định cho người lớn và trẻ em tính theo diện tích bề mặt cơ thể, cụ thể:

  • Người lớn và trẻ em có Diện tích bề mặt cơ thể ít nhất là 1m2: dùng liều 100mg x 2 lần/ngày, có thể thay đổi tuỳ theo đáp ứng và độc tính gặp phải của người bệnh.
  • Trẻ em có diện tích bề mặt cơ thể dưới 1 m2 dùng liều là 100 mg/m2  x 2 lần/ngày, có thể thay đổi tuỳ theo đáp ứng và độc tính gặp phải của người bệnh.

Sử dụng thuốc đến khi bệnh tiến triển hoặc độc tính nghiêm trọng.

6.2 Cách dùng 

Đối với viên nang uống toàn bộ viên nang với lượng nước vừa đủ, không nhai hay cắt, bóc vỏ nang, thuốc không ảnh hưởng bởi thức ăn.

Đối với dung dịch uống, mở chai theo hướng dẫn, lấy lượng chất lỏng bằng thìa chia vạch, ống tiêm chia vạch, cốc đựng thuốc. 

Trong trường hợp quên liều nên uống lại sớm nhất có thể nếu thời gian dưới 6 giờ so với lịch bình thường, sau 6 giờ thì bỏ qua liều.

Trường hợp nôn sau khi uống, thì không uống lại liều tiếp theo bù vào mà bỏ qua đến ngày hôm sau uống lại theo lịch bình thường.

7 Tác dụng không mong muốn

Phản ứng có hại thường gặp nhất khi điều trị bằng Larotrectinib:

  • Rối loạn chung: mệt mỏi, sốt, phù nề.
  • Rối loạn cơ xương và mô liên kết: đau cơ xương, yếu cơ.
  • Rối loạn hô hấp, ngực, trưng thất: ho, khó thở, nhiễm trùng hô hấp trên, nghẹt mũi.
  • Rối loạn hệ thần kinh: chóng mặt, đau đầu, giảm nhận thức.
  • Rối loạn tiêu hoá: táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng.
  • Rối loạn mô dưới da: phát ban.
  • Rối loạn tâm thần: rối loạn tâm trạng, rối loạn giấc ngủ.
  • Rối loạn trao đổi chất: tăng cân, giảm cảm giác thèm ăn.
  • Rối loạn nhiễm trùng: nhiễm trùng đường tiết niệu.

Bất thường xét nghiệm: tăng ALT, AST, Giảm Albumin máu, giảm bạch cầu, thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch cầu lympho.

8 Tương tác thuốc

Chất ức chế CYP3A4 mạnh và vừa phải:  làm tăng nồng độ larotrectinib trong huyết tương, tăng các tác dụng không mong muốn của thuốc. Nếu cần thiết kết hợp thì phải giảm liều larotrectinib.

Chất cảm ứng CYP3A4 mạnh và vừa phải: làm giảm nồng độ larotrectinib trong huyết tương, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, cần điều chỉnh liều phù hợp theo khuyến cáo của bác sĩ.

Chất nền CYP3A4 nhạy cảm: làm tăng nồng độ của các chất nền trong huyết tương, cần theo dõi các tác dụng phụ của thuốc khi phải sử dụng đồng thời với larotrectinib.

Các dạng thuốc Larotrectinib
Các dạng thuốc Larotrectinib

9 Thận trọng

Thực hiện các xét nghiệm máu, nước tiểu đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc trong quá trình điều trị.

Thuốc gây hại cho thai nhi nên cả nam và nữ cần phải thực hiện các biện pháp tránh thai hiệu quả trong suốt quá trình điều trị và ít nhất 1 tuần sau liều dùng cuối cùng.

Các báo cáo về triệu chứng bệnh hệ thần kinh khi dùng thuốc, nếu có dấu hiệu chóng mặt, mất trí nhớ, rối loạn tâm thần, giấc ngủ cần thông báo cho bác sĩ.

Không lái xe hoặc vận hành máy móc khi sử dụng thuốc vì tác dụng chóng mặt, lú lẫn của thuốc gây ra.

Nguy cơ tăng gãy xương được báo cáo khi dùng thuốc, cẩn trọng với người bị các bệnh về xương khớp, người loãng xương, người cao tuổi.

Bệnh nhân bị bệnh về gan cần thận trọng, vì thuốc làm trầm trọng tình trạng bệnh hơn.

Nếu gặp các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, nôn quá mức nên hỏi bác sĩ các thuốc hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng trên.

Thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng để hạn chế tương tác không đáng có.

10 Lưu ý sử dụng trên phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú

Phụ nữ mang thai: Các nghiên cứu về an toàn của thuốc ở phụ nữ có thai không có báo cáo, tuy nhiên thí nghiệm trên động vật cho thấy thuốc gây dị tật ở liều lâm sàng của larotrectinib. Do đó không dùng cho đối tượng này và cần tư vấn cho phụ nữ có thai về nguy cơ tiềm ẩn của thuốc.

Phụ nữ cho con bú: không có dữ liệu về sữa trong sữa mẹ hay tác động đến trẻ nhỏ bú mẹ, tuy nhiên dựa trên cơ chế thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng với sự phát triển của trẻ, nên mẹ phải ngưng cho con bú trong quá trình sử dụng và ít nhất 1 tuần sau liều điều trị cuối cùng.

11 Bảo quản

Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 30 độ C.

Đối với dung dịch uống thì bảo quản ngăn mát tủ lạnh.

Tránh xa khu vực vui chơi của trẻ nhỏ.

12 Quá liều

Chưa có báo cáo.

Trong trường hợp nghi ngờ quá liều, nên ngừng thuốc và cấp cứu tại cơ sở y tế.

13 Tài liệu tham khảo

Chuyên gia Pubchem.  Larotrectinib, Pubchem. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2024.

Chuyên gia Drugbank.  Larotrectinib, Drugbank. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2024.

Để lại một bình luận