Lăn Tăn (Pilea microphylla)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Tracheophytes (Thực vật có mạch)

Angiosperms (Thực vật hạt kín)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thực sự)

Rosids (nhánh hoa Hồng)

Bộ(ordo)

Rosales (Hoa hồng)

Họ(familia)

Urticaceae (Gai)

Chi(genus)

Pilea

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Pilea microphylla (L.) Liebm.

Lăn Tăn (Pilea microphylla)

Lăn Tăn thuộc dạng cây thân thảo nhỏ, nhánh mảnh, không có lông. Cây thường mọc ở những nền đất ẩm ướt, tại những vách đá hoặc chân tường nhà. Nhân dân thường sử dụng Lăn tăn để làm thuốc chữa đau dạ dày. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ giới thiệu cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Lăn tăn

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Pilea microphylla (L.) Liebm.

Họ thực vật: Họ Gai Urticaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây thân thảo nhỏ, nhánh mảnh, không có lông, mọc xòe hoặc dựng đứng.

Thân cây mập giòn, phân nhiều nhánh, chiều cao 3-17cm.

Các lá rất nhỏ, kích thước không đều nhau, phiến lá có dạng hình trứng hoặc hình thìa, chiều dài dao động khoảng 3-7mm, chiều rộng từ 1,5 đến 3mm. Lá cây mọc đối, xếp thành từng đôi, mép lá nguyên, măt trên của lá có màu xanh lục, mặt dưới có màu nhạt hơn. Cuống lá mảnh, chiều dài khoảng 1-4mm, các lá kèm không thấy rõ.

Hoa mọc đơn tính, hoa cái mọc ở gốc, hoa đực mọc ở ngọn. Hoa đực có cuống, khi mới mọc dài khoảng 0,7mm, đài 4. Hoa cái nhỏ hơn.

Quả có hình bầu dục, dài khoảng 0,4mm, khi chín chuyển sang màu nâu, nhẵn.

Thời kỳ ra hoa là mùa hè và mùa thu và thời kỳ đậu quả là mùa thu, mùa đông.

Dưới đây là hình ảnh cây cỏ lăn tăn

Đặc điểm thực vật của cây Lăn Tăn
Đặc điểm thực vật của cây Lăn Tăn

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Toàn cây.

Cây Lăn Tăn thường mọc ở những nơi ẩm ướt
Cây Lăn Tăn thường mọc ở những nơi ẩm ướt

1.3 Cách trồng và chế độ chăm sóc cỏ lăn tăn

Lăn Tăn tương đối dễ trồng, dễ thích nghi, tuy nhiên vẫn cần lưu ý một số điểm sau:

Đất

Lăn Tăn là loài ưa đất cát, đất ẩm

Ánh sáng

Tránh trồng ở những khu vực có ánh sáng gay gắt cả ngày, nên trồng trong những môi trường có nhiệt độ thích hợp khoảng 20 đến 28 độ C để cây sinh trưởng và phát triển tốt

Nước

Tạo môi trường ẩm ướt, tuy nhiên Lăn Tăn là loài không thích hợp sống trong môi trường úng nước. Mỗi lần tưới nước nên tưới nhiều nhưng cần để phần nước thừa thoát hết ra ngoài để tránh tình trạng cây bị úng nước

1.4 Đặc điểm phân bố

Hình ảnh lá cây
Hình ảnh lá cây

Lăn Tăn là loài cây có nguồn gốc từ châu Nam Mỹ, sau đó được trồng phổ biến ở Việt Nam.

Tại nước ta, Lăn Tăn thường được tìm thấy ở nhiều khu vực khác nhau.

Cây có đặc điểm là ưa ẩm do đó thường mọc trên các loại đất ẩm, mái nhà, các vùng đất cát hoặc chân của các tường gạch.

Lăn Tăn có thể mọc từ hạt, giâm cành. Cây thường được trồng vào mùa đông.

2 Thành phần hóa học

Nghiên cứu về thành phần hóa học của cỏ lăn tăn cho thấy rằng, cao aceton và cao chloroform của cỏ lăn tăn đã phân lập được các thành phần sau:

  • Ergosterol.
  • Isoarborinyl acetate.
  • β-sitosterol.
  • 2′,4′-dihydroxy-6′-methoxy-3′,5′-dimethylchalcone.
  • Daucosterol.
  • Kaempferol.
  • 3,5,7-trihydroxy-8-methoxyflavone.

Những hợp chất này mặc dù có thể đã được phát hiện ở những loài khác nhưng đây là lần đầu tiên được phân lập từ cây cỏ lăn tăn.

3 Tác dụng – Công dụng của cỏ lăn tăn

3.1 Tác dụng dược lý

Hình ảnh hoa của cây Lăn Tăn
Hình ảnh hoa của cây Lăn Tăn

Cỏ lăn tăn có nhiều hoạt tính kháng khuẩn chống lại các vi sinh vật gây bệnh. Hoạt tính kháng khuẩn của chiết xuất Pilea microphylla (cỏ lăn tăn) được thử nghiệm trong ống nghiệm bằng cách sử dụng phương pháp khuếch tán đĩa và nồng độ ức chế tối thiểu (MIC). Dịch chiết thô này của cây tác dụng ức chế sự phát triển của một số loại vi khuẩn Gram dương như B. cereus , B. subtilis và Staphylococcus vàng kháng Methicillin. Các chiết xuất không biểu hiện hoạt tính kháng nấm.

3.2 Tính vị, tác dụng

Toàn cây có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sử dụng trong các trường hợp sưng tấy, bỏng,…

3.3 Cách sử dụng cây Lăn tăn

Cây Lăn tăn được dùng để chữa đau dạ dày
Cây Lăn tăn được dùng để chữa đau dạ dày

Lăn Tăn được trồng làm cảnh, làm thuốc.

Cỏ Lăn tăn ăn được không? Nhân dân Indonesia sử dụng Lăn Tăn để chữa đau dạ dày, đau bụng.

Nhân dân Malaysia sử dụng toàn cây Lăn Tăn đem giã cùng với tỏi và muối, sau đó chườm vào bụng trẻ sơ sinh để đào thải giun ở ruột.

4 Tài liệu tham khảo

Tác giả Amir Modarresi Chahardehi và cộng sự (Ngày đăng năm 2010). Antioxidant, Antimicrobial Activity and Toxicity Test of Pilea microphylla, NCBI. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2024.

Để lại một bình luận