Lạc hay Đậu Phộng là cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Nam Mỹ, và đã sớm được trồng tại các quốc gia thuộc vùng nhiệt đới của thế giới. Hạt lạc là loại thực phẩm dinh dưỡng đậm đặc, giàu chất đạm và chất béo. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Lạc.
1 Đậu phộng có phải là lạc không?
Lạc ở một số vùng tại Việt Nam được gọi là Đậu Phộng hay Đậu Phụng. Ở Trung Quốc được gọi là Lạc Hoa Sinh.
Cây có rất nhiều tên nước ngoài như Peanuts, Earthnut, Ground Nut, Monkey Nut.
Danh pháp khoa học là Arachis hypogea L., thuộc họ Đậu – Fabaceae.
Tên Hypogea có nghĩa là quả ở trong đất vì quả được hình thành và chín trong đất.
2 Cây lạc là cây thuộc nhóm nào? Củ lạc là gì?
Cây lạc là cây thuộc nhóm cây hai lá mầm, cây thảo, sống hàng năm, cao 20 – 40cm, cũng có khi mọc bò sát. Thân phân nhánh từ gốc, cành tỏa rộng, có ít lông, bén rễ ở các mấu.
Lá kép hình lông chim, mọc so le, có 4 lá chét mọc đối, hình trái xoan ngược, dài 1,8 – 3cm, rộng 1,5 – 2cm gốc tù, dầu tròn hay hơi lõm, hai mặt nhẫn; lá kèm 2 tạo thành bẹ bao quanh thân; cuống chung dài 3 – 5cm.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm, có 2 -4 hoa nhỏ, màu vàng; lá bắc nhỏ; dài chia 2 môi, môi trên có 4 răng ngắn, môi dưới chỉ có 1 răng; tràng gồm cánh cờ lõm, cánh bên không bằng nhau, cánh thìa hẹp, cong: nhị 9 dính nhau thành một bó; bầu ngắn có 1 – 3 noãn.
Quả lạc hay củ lạc hình trụ thuôn, hơi thắt lại giữa các hạt, vỏ ngoài cứng có vân mạng; có 1 – 3 hạt, cũng có khi nhiều hơn, hình trứng, màu nâu đỏ hoặc hồng vàng. Vì quả mọc dưới đất nên dân gian vẫn thường gọi là củ lạc.
Mùa hoa: tháng 6 – 8; mùa quả: tháng 9 – 11.
2.1 Phân bố, sinh thái
Lạc có nguồn gốc nguyên thủy ở vùng Nam Bolivia và Tây – Bắc Argentina (Nam Mỹ). Người Bồ Đào Nha sớm phát hiện ra giá trị của lạc nên đã đưa chúng từ Brazil vào Tây Phi; đến thế kỷ 16, cây bắt đầu được trồng ở vùng Tây Nam Ấn Độ. Cũng thời gian này, người Tây Ban Nha đưa lạc từ Mexico đến các đảo ở tây Thái Bình Dương, và sau đó vào Trung Quốc, Indonesia và Madagasca. Đến giữa thế kỷ 17, người Đức cũng góp phần đưa lạc từ Brazil vào một số đảo khác ở Indonesia…
Ngày nay, lạc đã trở thành cây trồng phổ biến ở các vùng nhiệt đới cũng như cận nhiệt đới, từ 40° vĩ tuyến Bắc đến 40° vĩ tuyến Nam. Những khu vực trống nhiều lạc nhất trên thế giới thuộc về châu Phi, Nam Mỹ và châu Á. Ở châu Á, lạc được trồng rộng rãi ở Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Mianma, Thái Lan, Việt Nam, Philippin, Malaysia và Campuchia… Tuy nhiên, vùng nhiệt đới châu Phi hiện được coi là trung tâm đa dạng nhất về các giống lạc của thế giới.
Ở Việt Nam, lạc cũng là loại cây rất quen thuộc và có giá trị kinh tế cao. Cây được trồng rộng rãi ở các tỉnh, từ đồng bằng đến miền núi (trừ vùng núi có độ cao trên 1500 m). Là một loài cây trồng có lịch sử lâu đời, ngay ở Việt Nam cũng có nhiều giống lạc phù hợp với các vùng sinh thái và cho năng suất hạt cũng khác nhau. Tuy nhiên, chúng cùng có chung các đặc điểm sinh thái là loại cây ngắn ngày, ưa sáng, ưa ẩm và không chịu được ngập úng. Nhiệt độ thích hợp cho lạc sinh trưởng phát triển tốt tùy thuộc từng giống lạc khác nhau, song nhìn chung từ 22° đến 30°C.
Ngoài ra, độ ngày dài và ngắn ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới có liên quan đến quang chu kỳ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và ra hoa kết quả của cây. Lạc có thể sống được trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là đất pha cát, còn tương đối màu mỡ, pH từ 5,5 – 6,5. Ở Tây Ban Nha và một số nước khác, có những giống lạc chịu được đất chua (pH 4,5) hoặc đất rất kiềm (pH 8,8).
Lạc ra hoa nhiều, nhưng tỷ lệ đậu quả chỉ từ 25 đến 30%. Cây trồng sau 85 – 130 ngày (tùy giống) cho thu hoạch.
Ngày nay, lạc là loài cây thực phẩm quan trọng. Theo số liệu của FAO (Tổ chức Nông – Lương thế giới) trong giai đoạn từ 1981 – 1985, tổng diện tích trồng lạc trên toàn thế giới mỗi năm khoảng 20 triệu ha và cho sản lượng trung bình 19 triệu tấn hạt (lạc nhân)/năm. Trong đó, ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia trồng 500.000 ha với 792.000 tấn/năm; Mianma: 585.000 ha, 600.000 tấn/năm; Thái Lan: 127.000 ha, 149.000 tấn/năm; Việt Nam: 136.000 ha, 92.000 tấn/năm; Philippin: 55.000 ha, 48.000 tấn/năm… Tuy nhiên, hiện nay chỉ có Việt Nam và Thái Lan là hai nước thường xuyên có lạc nhân xuất khẩu ra thị trường thế giới.
3 Các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lạc
Có 4 giai đoạn trong quá trình sinh trưởng của cây lạc:
- Thời kỳ này mầm: Thường sau 3-5 ngày gieo hạt, hạt sẽ nảy mầm.
- Thời kỳ cây con: Từ lúc hạt nảy mầm đến khi trổ hoa.
- Thời kỳ lạc ra hoa.
- Thời kỳ kết quả và quả chín.
4 Bộ phận sử dụng
Hạt lạc và dầu béo từ hạt lạc.
5 Thành phần hóa học
Hạt lạc chứa dầu béo 40 – 50%, chất có Ni-tơ 20 – 30%, tinh bột 8 – 21%, Celulose 2 – 5%, tro 2 – 4%, Vitamin, chất vô cơ.
Để có dầu béo chất lượng cao, cần phải ép nguội. Khô dầu thu được vẫn còn dầu. Có thể đồ lên, rồi ép nóng để thu thêm dầu. Dầu này có thể dùng làm thực phẩm.
Dầu ép nguội có tính chất tương tự như dầu ô liu và có thể dùng trong sản xuất chế phẩm thuốc.
Dầu béo chứa các Triglycerid của các Acid béo, Acid Oleic 39,2 – 65,7%, Acid Linoleic 16,8 – 38,2%, Acid Palmitic 7,3 – 12,9%, Acid Stearic 2,6 – 5,6%, Acid Arachidic, Acid Behenic, Acid Myristic, Acid Lauric…
Hàm lượng các acid béo không no (Acid Oleic và Acid Linoleic) chiếm 80% so với tổng các acid béo làm cho dầu ít bị ôi khét.
Lạc có hàm lượng protein cao và nhiều acid amin cần thiết cho con người. Trong 100g phần ăn được, có Lysin 990mg, Methionin 360mg, Tryptophan 300mg, Phenylalanin 1680 mg, Threonin 770mg, Valin 1280mg, Leucin 1760mg, Isoleucin 880mg, Arginin 2720mg, Histidin 580mg, Cystin 249mg, Tyrosin 669mg, Alanin 669mg, Acid Aspartic 2952 mg, Glycin 1287mg, Prolin 1236 mg, Serin 1557mg.
Các vitamin trong lạc như Vitamin A 2 mcg%, Vitamin B1 0,44 mcg%, Vitamin B2 0,12 mg%, Vitamin PP 16 mg%, Acid Folic 124 mcg%, Acid Panthothenic 2800 mcg%,…
Các nguyên tố có trong hạt lạc là K 421 mg%, Ca 68 mg%, P 420 mg%, Mg 185 mg%, Fe 2,2 mg%, Zn 1,9 mg%, Cu 0,42 mg%, Mn 1,6 mg%, Co 37 mcg%,…
Vỏ hạt chứa Sterol, Tanin Catechic 7%, Phlobaphen Leucocyanidin; Leucodelphinidin, Arachidosid. Các Flavonoid…
Lạc rang có Indan, r – crocolacton.
Phần trên mặt đất có thành phần bay hơi trong đó có Linalol, Alpha – terpincol, Geraniol
Lá có các hợp chất Phenol: Acid Chlorogenic, Acid Cafeic.
Rễ có Soyosaponin I trong đó Genin là Soyasapogenin B.
Vỏ quả lạc chiếm 20 – 32% của toàn quả,gồm 60% chất sợi và một ít Lignin và Pentosan. Vỏ lạc là nguyên liêu làm giấy bồi và cho một sản phẩm có 90% Alpha – celulose nếu đem xử lý.
Vỏ quả lại còn được dùng làm nguyên liệu chế than có tính chất tẩy màu cao.
6 Tác dụng
6.1 Tác dụng dược lý
Lạc có tác dụng gây hạ đường máu trên dòng vật đái tháo đường được cho ăn lạc.
Vỏ hạt lạc chứa Flavonoid có tác dụng thu dọn gốc tự do.
6.2 Theo y học cổ truyền
6.2.1 Tính vị, công năng
Lạc có vị ngọt, bùi, béo, có tác dụng bổ tỳ, dưỡng vị, nhuận phế, lợi tràng
6.2.2 Công dụng
Lạc chứa nhiều chất dinh dưỡng, lạc nhân (20g) giã giập, sắc uống nhấp ít một chữa ho long đờm.
Để chữa đại tiện táo bón, uống một chén dầu lạc sẽ nhuận tràng dễ đi ngoài. Dầu lạc có thể thay dầu ô liu để bàn chế các dạng thuốc uống như các Dung dịch vitamin A và D, và pha chế thuốc tiêm.
Trong công nghiệp dầu lạc được dùng chế biến xà phòng, thắp đèn, bôi máy…
Ở nhiều nước phương đông, dầu lạc được dùng làm thuốc nhuận tràng và làm dịu da. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, vỏ hạt lạc trị chảy máu và viêm phế quản. Ở Madagascar, hạt lạc dưới dạng thuốc sắc là thuốc kích dục, gây ngủ nhẹ và điều kinh.
7 Tác dụng của lạc rang: Ngày nào cũng ăn lạc có tốt không?
Lạc rang ăn có rất nhiều lợi ích, mỗi sáng ăn vài hạt lạc sẽ tốt cho tim mạch, ngăn ngừa ung thư, bệnh Alzheimer, tốt cho cho trí nhớ, giảm cân, ngăn ngừa lão hóa sớm…
Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều lạc trong khẩu phần ăn mỗi ngày sẽ có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
8 Tác hại của hạt lạc: Bệnh gì không nên ăn lạc?
Nếu ăn lạc sai cách sẽ dẫn đến thừa cân do lạc chứa nhiều năng lượng, dầu béo, gây khó chịu cho dạ dày nếu ăn một lúc quá nhiều lạc, dị ứng đặc biệt là những người lần đầu ăn, trẻ em hay thiếu cân bằng omega…
Những người không nên ăn lạc gồm: những người có cơ địa dị ứng hay tiền sử dị ứng lạc, người bệnh gout, người rối loạn mỡ máu, người bệnh đã cắt túi mật hay người mắc các bệnh dạ dày, viêm loét dạ dày, viêm ruột mạn tính, khó tiêu.
9 Bài thuốc có lạc
9.1 Chữa người mới ốm khỏi sút cân và phụ nữ ít sữa
Lạc rang với ít muối giã nhỏ, nấu với củ mài và gạo nếp thành cháo, ăn liền vài tuần vào mỗi buổi sáng.
9.2 Chữa phụ nữ bị hư lao ho lâu ngày
Dây lạc phơi khô sắc với bộtt lộc giác sương (bã gạc hươu), uống mỗi lần 4g vào buổi sáng.
10 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2006). Lạc trang 135 – 137, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 02 tháng 08 năm 2023.
- Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Lạc trang 476 – 478, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 02 tháng 08 năm 2023.
- Tác giả: Ondulla T. Toomer (Ngày đăng: nhày 11 tháng 10 năm 2017). Nutritional chemistry of the peanut (Arachis hypogaea), Taylor & Francis Online. Truy cập ngày 02 tháng 08 năm 2023.