Cây Lá Men có tên khoa học là Orthodon chinensis (Maxim.) Kudo. Cây có mùi thơm, được nhân dân sử dụng để làm thuốc chữa cảm sốt, kháng khuẩn, phòng cúm. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Lá Men
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Orthodon chinensis (Maxim.) Kudo.
Tên gọi khác: Cây Lá Men, Kinh Giới Núi.
Họ thực vật: Bạc Hà Lamiaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây Lá Men thuộc dạng cây thảo, chiều cao khoảng 20 đến 30cm, sống hàng năm.
Thân cây mọc đứng, có dạng hình vuông, phân nhánh nhiều.
Lá mọc đối, lá có dạng hình thuôn, bề mặt nhẵn, mỗi bên lá có 5 răng cưa, chiều dài lá khoảng 2cm, chiều rộng từ 4 đến 5mm. Mặt dưới lá có nhiều đốm. Cuống lá có lông.
Cụm hoa tận cùng tạo thành nhiều vòng, mọc ở kẽ lá hay đầu cành. Lá bắc không có cuống, hoa có màu hồng, đài hình chuông.
Nhị 4, bầu nhẵn.
Quả bế tư, hình cầu, có màu nâu nhạt.
Hạt có màu đen.
Toàn cây có lông tơ và mùi thơm.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau.
Loài Orthodon dianthera (Buch-Ham). Hand-Mazz cùng họ và được sử dụng với công dụng tương tự.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất.
Thời điểm thu hái: Mùa hạ, thu.
Chế biến: Phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Orthodon Benth có khoảng vài chục loài thuộc dạng cây thảo, thường được tìm thấy ở vùng ôn đới ấm, á nhiệt đới và một số ít loài được tìm thấy ở vùng nhiệt đới.
Tại nước ta, chi này chỉ có 5 loài, 3 trong số 5 loài này được sử dụng để làm thuốc, thường được tìm thấy ở các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc và một số ở vùng núi có độ cao trên 1500 mét ở phía Nam.
Men là loài cây ưa ẩm, ưa sáng, có thể hơi chịu bóng nhẹ. Cây thường mọc thành từng đám trên nền đất ẩm ở các khu vực nương rẫy, đất trống ven rừng hoặc các thung lũng. Cây phân bố ở độ cao từ 1000m đến 1500m.
Cây con mọc hàng năm từ hạt vào mùa xuân sau đó sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ trong mùa hè. Sau khi quả già, cây bước vào giai đoạn tàn lụi, vòng đời không quá dài, chỉ khoảng 6-7 tháng.
Quả của cây khi già sẽ tự mở để hạt thoát ra.
2 Thành phần hóa học
Cây Men chứa 12 chất như acid béo, quercetin, alcan mạch dài.
Tinh dầu chứa carvacrol 11%, terpene 3,3% và một số thành phần khác.
3 Tác dụng – Công dụng của cây lá men
3.1 Tác dụng dược lý
Khi tiến hành thí nghiệm trên in vitro, người ta nhận thấy rằng, tinh dầu được cất từ cây có tác dụng kháng khuẩn tương đối mạnh đối với nhiều chủng vi khuẩn khác nhau.
Thí nghiệm trên phôi gà cũng cho thấy tinh dầu có tác dụng nhất định đối với virus cúm.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Vị cay, đắng, tính ôn.
Tác dụng: Hóa thấp, giải biểu, lý khí, thanh thử.
3.2.2 Công dụng
Cây Men được sử dụng để chữa say nắng vào mùa hè, cảm cúm, đau bụng đi ngoài, nôn mửa, vết thương do chấn thương, eczema, mụn nhọt.
Liều dùng được khuyến cáo là 6-12g đem sắc lấy nước uống hoặc tán mịn thành bột để uống.
Có thể dùng ngoài bằng cách rắc bột hoặc sắc lấy nước để rửa.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Men
4.1 Chữa cảm sốt
6g cây Men.
6g Bạc Hà.
6g Trần Bì.
12g Nhẫn Đông Đằng.
3 của hành.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
4.2 Phòng dịch cúm
Sử dụng viên ngậm tinh dầu. Mỗi viên có chứa 1,5mg tinh dầu. Mỗi lần ngậm 2-3 viên, mỗi ngày ngậm 2-3 lần hoặc phun trực tiếp vào họng nhũ dịch tinh dầu 0,1% để phòng dịch cúm.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Cây Men, trang 382-383. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2024.