Lá Giang (Aganonerion polymorphum)

Lá Giang (Aganonerion polymorphum)

Cây Lá Giang có tên khoa học là Aganonerion polymorphum, lá cây có vị chua thường được sử dụng để nấu canh, ngoài ra, đây cũng là dược liệu giúp tiêu thũng, chống viêm. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Lá Giang

1 Giới thiệu

Hoa của cây Lá Giang
Hoa của cây Lá Giang

Tên khoa học: Aganonerion polymorphum.

Tên gọi khác: Chua Khan, Chua Méo, Giang Chua.

Họ thực vật: La Bố Ma Apocynaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Lá cây
Lá cây

Lá Giang thuộc dạng dây leo, thân gỗ, chiều dài khoảng 5-10 mét hoặc hơn.

Thân cây tương đối mềm, đường kính dao động khoảng 8-10cm, vỏ thân nhẵn, cành có màu xanh nhạt khi còn non và màu nâu sẫm khi già.

Lá mọc đối, phiến lá có dạng hình trứng, mỗi lá dài khoảng 5-8cm, phiến rộng 2,5 đến 3,5cm. Gốc lá tròn, đầu lá nhọn, mép nguyên, lá có 2 mặt nhẵn, cuống dài khoảng 0,8 đến 1,5cm.

Cụm hoa mọc ở đầu cành, thành chùy dài, có nhiều hoa nhỏ, màu trắng hơi hồng.

Đài 5, nhị 5.

Quả có 2 đại thẳng, hạt có chòm lông ở chóp.

Toàn cây Lá Giang có Nhựa mủ trắng.

Mùa hoa quả rơi vào tháng 4 đến tháng 8 hàng năm.

1.2 Thu hái và chế biến

Thân, rễ, lá.

Lá cây có vị chua do đó thường được sử dụng để nấu canh chua.

1.3 Đặc điểm phân bố

Lá Giang thuộc dạng thân leo
Lá Giang thuộc dạng thân leo

Lá Giang là loại cây phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới của Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Thái Lan.

Tại nước ta, Lá Giang được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh có vùng núi thấp, trung du như Hòa Bình, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc hoặc các tỉnh ven biển miền trung như Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định.

Là loại cây ưa sáng, mọc nhiều ở các bờ nương rẫy, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm. Hạt có chỏm lông phát tán nhòe rõ. Cây có khả năng tái sinh tốt.

2 Thành phần hóa học

Thành phần hóa học của cây Lá Giang gồm:

  • 2,44% Saponin.
  • 2,24% Flavonoid.

Các thành phần khác như tanin, coumarin, acid hữu cơ, đường khử, các yếu tố vi lượng,…

3 Tác dụng – Công dụng của cây lá giang

Lá cây có vị chua dùng để nấu canh
Lá cây có vị chua dùng để nấu canh

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Tác dụng chống viêm

Khi tiến hành gây phù trên chân chuột cống trắng bằng Cao lanh, người ra nhận thấy rằng, nước sắc thân cây có tác dụng yếu khi sử dụng theo đường uống như lại có tác dụng ức chế viêm tương đối tốt khi sử dụng theo đường tiêm dưới da.

3.1.2 Tác dụng lợi tiểu

Khi tiến hành thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, người ta nhận thấy rằng, cao lỏng thân cây Lá Giang sử dụng theo tỷ lệ 2:1 với liều 0,5ml/20g chuột  có tác dụng lợi tiểu.

3.2 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Lá cây có vị chua, tính mát.

Tác dụng: Sát trùng, tiêu viêm, chỉ khái. Thân cây có tác dụng tiêu thũng, sinh tân dịch, chỉ khái.

4 Một số bài thuốc từ cây Lá Giang

4.1 Chữa sỏi tiết niệu

Thân cây được sử dụng để chữa sỏi tiết niệu với liều lượng được khuyến cáo là 200g sắc lấy 500ml nước uống nhiều lần trong ngày, sử dụng vào tháng.

4.2 Chữa đầy bụng, khó tiêu, đau nhức xương

Rễ và lá cây Lá Giang khi sử dụng với liều 20-30g có tác dụng chữa đầy bụng, phong thấp, ăn không tiêu, nhức xương bằng cách sắc lấy nước uống.

4.3 Chữa mụn, lở ngứa

Rễ và lá sắc lấy nước đặc để rửa hoặc sử dụng lá tươi, giã nát, đắp để chữa mụn, vết thương, lở ngứa ngoài da.

5 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam. Lá Giang, trang 126-127. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2024.

Để lại một bình luận