Cây Dung được sử dụng rộng rãi bởi công dụng chữa đau bụng, đau dạ dày, tiêu chảy. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng cây Dung thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Cây Dung là cây gì?
Dung còn có tên gọi khác là Dung đất, Mu ếch, Dung chùm, Chè dung, mọc rải rác trong rừng thưa, savan cây bụi, đồi hoang ở độ cao tới 2000m.
Tên khoa học của Dung là Symplocos racemosa Roxb., thuộc họ Dung (Symplocaceae). Dưới đây là hình ảnh cây lá Dung.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ, vỏ nứt sâu. Vỏ cây có màu vàng nhạt đến xám đậm, dạng sợi ngắn, có đốm mịn với màu nâu cam nhạt và sần sùi. Lá mọc so le, dày, phiến nguyên, hình mác tới hình elip hẹp, trên mặt xanh đậm, lúc khô vàng vàng, chóp tròn hay có mũi, không lông, dài 9-15cm, rộng 3-6cm, gân giữa hơi cong, mép có răng cưa. Cuống lá dài tới 1,5cm.
Cụm hoa mọc thành chùm đơn ở nách lá hay ở ngọn, dài 10cm. Hoa màu trắng hay vàng xanh, thơm, phủ lông len màu hung; cánh hoa 4-5mm; nhị nhiều. Quả hạch thuôn dài 1cm, không lông, mang thùy đài dựng đứng, màu tía, có thịt không nhiều màu mận. Hạt 1-3, thuôn.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Vỏ cây, vỏ rễ, lá.
Thu hái vỏ thân, vỏ rễ quanh năm; bóc về phơi hoặc sấy khô; vỏ mềm, dễ gãy vụn. Lá thu hái quanh năm, phơi hoặc sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây có ở Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa vào Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và An Giang. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Campuchia, Lào, Nam Trung Quốc.
2 Thành phần hóa học
2.1 Vỏ thân
Vỏ thân Dung đã được chứng minh là có chứa các thành phần sau:
- Betulinic acid, acetyloleanolic acid, oleanolic acid, ellagic acid.
- Triterpen: 3-oxo-urs-20cr-12,18(19)-dien-28-oic acid, 24-hydroxyolean-12-en-3-one,
- betulinic acid, oleanolic acid, 28-hydroxy-20crurs-12,18(19)-dien-3/I-yl acetate.
- Phenolic glycoside: Benzoylsalireposide, salireposide, symplocomoside,
- symponoside, symplososide, symploveroside, symploconoside A&B, symplocuronic acid,
- symplocemoside, salirepin, 3,5-dihydroxy-2-(hydroxyl methyl)-6-(3,4,5-trimethoxy phenoxy)tetrahydro-2H-pyran-4-yl 4-hydroxy-3-methoxy benzoat.
- Steroid: β-amyrin, β -sitosterol.
- Ethyl glycoside thay thế: 1-ethyl brachiose-3’-acetate, ketochaulmoogric acid, nonaeicosanol, triacontylpalmitate, methyl triacontanoat.
- Benzylated glycoside: Locoracemosides A, B & C.
2.2 Phần trên mặt đất
Phần trên mặt đất của cây Dung có chứa các hợp chất sau: Quercetin-3-O-α-L-rhamnopyranoside, mearnsetin-3-O-α-L-rhamnopyranoside, quercetin-3-O-β-D-(6″-O-galloyl)-glucopyranoside, kaempferol-3-O-β-D-galactopyranoside, quercetin-3-O-β-D-galactopyranoside, quercetin-3-O-β-D-glucopyranoside, kaempferol-3-O-β-D-(6″-Ogalloyl)-glucopyranoside, 3′-O-methylepicatechin-7-O-β-D-glucopyranoside, 3′-O-methycatechin-7-O-β-D-glucopyranoside, quercetin-3-O-rutinoside, quercetin-3-O-(2G-β-D-xylopyranosylrutinoside, (-)epiafzelechin-7-O-β-D-glucopyranoside, afzelechin-4′-O-β-D-glucopyranoside, kaempferol-3-O-β-D-glucopyranoside, quercetin-3-O-(2G-β-D-xylopyranosylrutinoside, Sympracemoside.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây lá Khôi – Vị thuốc chữa dạ dày và đau bụng hiệu quả
3 Tác dụng – Công dụng của cây lá Dung
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống ung thư
Chiết xuất Ethanol từ vỏ thân có tác dụng chống ung thư biểu mô cổ trướng Ehrlich (EAC) ở chuột. Ngoài ra, nó cũng cho thấy hoạt tính gây độc tế bào mạnh đối với MCF7 (75 μg/mL), hoạt tính vừa phải đối với HT29 (80 μg/mL) và ít hoạt động hơn trên HepG2 (>100 μg/mL). Chiết xuất butanolic của vỏ cây cho thấy hoạt tính gây độc tế bào mạnh đối với dòng tế bào HL60 (27183 ng/mL) và HeLa (22861 ng/mL).
3.1.2 Kháng khuẩn
Nghiên cứu đã đánh giá hoạt tính kháng khuẩn của chiết xuất ete dầu mỏ và etanol của vỏ cây đối với vi khuẩn gram dương (Staphylococcus aureus, Enterococcus faecalis, Bacillus cereus) và vi khuẩn gram âm (Klebsiella pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa và Escherichia coli) bằng phương pháp khuếch tán giếng thạch và sử dụng Ciprofloxacin làm chất chuẩn. Chiết xuất etanol của vỏ cây thể hiện hoạt tính kháng khuẩn tổng thể tốt nhưng hoạt tính tương đối kém đối với các vi sinh vật gram âm như P.aeruginosa và E.coli.
Jatyadi taila (100μL) từ vỏ cây đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn chống lại tụ cầu vàng kháng methicillin.
3.1.3 Bảo vệ gan
Nghiên cứu đã chứng minh chiết xuất etanol của vỏ cây trên ung thư biểu mô tế bào gan do DMBA gây ra ở chuột cho thấy hoạt động bảo vệ gan tốt bằng cách giảm đáng kể nồng độ enzym gan và tổng số bilirubin, đồng thời tăng nồng độ trong tổng số protein, Glutathione khử (GSH), catalase (CAT) và superoxide dismutase (SOD) theo cách phụ thuộc vào liều lượng. Chiết xuất này cũng có hoạt tính bảo vệ gan đáng kể đối với tổn thương gan do carbon tetrachloride (CCl4) gây ra ở chuột cống, giúp phục hồi đáng kể các enzym huyết thanh, bilirubin, Albumin. Tóm lại, các phenolic glycoside của vỏ cây có hiệu quả như các chất bảo vệ gan, giúp ngăn chặn sự nhân lên của virus có thể dẫn đến tổn thương gan tiến triển, xơ gan và ung thư gan.
3.1.4 Chống loét
Dịch chiết trong nước và etanol từ vỏ cây đã làm giảm đáng kể chỉ số loét so với thuốc Lansoprazole tiêu chuẩn. Chiết xuất thể hiện tác dụng kháng tiết mạnh bằng cách giảm tiết pepsin, thể tích dịch dạ dày và lượng axit và cho thấy tác dụng chống loét trong các mô hình loét do thắt môn vị, Aspirin và ethanol so với thuốc lansoprazole tiêu chuẩn (8 mg/kg). Nó cho thấy tác dụng bảo vệ dạ dày đáng kể trên thành dạ dày ở chuột được điều trị bằng aspirin và ethanol bằng cách tăng chất nhầy thành dạ dày.
3.1.5 Các tác dụng khác
Chống viêm, giảm đau: Sự ức chế đáng kể tình trạng viêm cho thấy thời gian tác dụng kéo dài của chiết xuất etanol từ vỏ cây có thể là do sự ức chế/ức chế giải phóng/tổng hợp prostaglandin và kinin và các hoạt động kháng histamine có thể là do hàm lượng Flavonoid và phenolics cao.
Chống rối loạn tiêu hóa: Chống tiêu chảy bằng cách giảm nhu động ruột.
Điều hòa miễn dịch: Bằng cách điều chỉnh tăng hiệu quả sự biểu hiện gen iNOS, TNF-α, IL-6, IL-10, IL8 và IFN-γ trong cả tế bào RAW264.7 và THP-1.
Chữa lành vết thương: Giúp giảm đáng kể diện tích vết thương và theo cách phụ thuộc vào liều lượng.
Giảm lipid máu: Chiết xuất cho thấy lượng lipid huyết thanh tăng cao đã giảm đáng kể, phục hồi lượng lipoprotein mật độ cao (HDL) đã giảm và cải thiện chỉ số xơ vữa động mạch.
Chống rối loạn tim mạch: Khi kết hợp với các thảo dược khác, chiết xuất Dung tăng cường khả năng bảo vệ tim mạch chống lại thiếu máu cơ tim do isoproterenol gây ra và Adenosine diphosphate (ADP) hoặc Collagen gây ra kết tập tiểu cầu ở người.
Hạ sốt: Duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường và giảm nhiệt độ trực tràng tăng cao do men bia gây ra.
Chống tiểu đường: Cơ chế tương tự Insulin, giúp làm giảm nồng độ đường huyết.
Kháng adrogen: Giúp làm giảm testosteron và phục hồi các thông số sinh hóa máu khác như nồng độ estrogen, Progesterone và cholesterol cũng như mô học của mô buồng trứng.
Chống oxy hóa: Bằng cách giảm mức độ peroxy hóa lipid, superoxide dismutase và hoạt động catalase ở chuột bạch tạng; chiết xuất cho thấy hoạt động nhặt gốc tự do ABTS mạnh, DPPH vừa phải, oxit nitric và hoạt tính nhặt gốc hydroxyl so với các loại thuốc tiêu chuẩn axit ascorbic và Rutin.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cam thảo – Trị cảm, ho, viêm họng, sâu răng và đau dạ dày hiệu quả
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Dung có tính mát, vị chát ngọt, se hơi thơm, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Rễ giúp hạ sốt, tiêu khát, giảm đau, làm săn; lá trợ tiêu hóa.
Trong đông y, vỏ Dung được dùng trong trị rong kinh, đau bụng, đau ruột, bệnh về mắt, loét, chảy máu răng lợi, tiểu đục; lá làm chè uống tiêu cơm, trị đau bụng, tiêu chảy.
4 Các bài thuốc từ cây Dung
4.1 Chữa rong kinh do giãn nở mô tử cung, tiểu máu
Dùng vỏ Dung tán thành bột, trộn với đường, với liều 1g mỗi lần, ngày uống 3 lần, dùng trong 3-4 ngày.
4.2 Trà lá Dung chữa đau dạ dày
Nguyên liệu: Lá Dung 120g, Hương Phụ tứ chế 60g, Mai mực sao vàng, Nam Mộc Hương mỗi vị 40g, Kê nội kim sao vàng 20g.
Cách làm: Tán thành bột mịn; mỗi lần uống 8g với nước đun sôi để nguội vào lúc đói, trước khi ăn 60 phút, ngày uống 2 lần.
Hoặc: Dùng lá Dung khô 15-30g, sắc lấy nước uống trị đau dạ dày do toan.
4.3 Trị bỏng
Rửa sạch vết bỏng, thấm nước sắc lá Dung vào băng gạc, đắp mỗi ngày một lần.
4.4 Chữa cảm sốt, tiêu khát, đau lưng gối
Dùng vỏ rễ Dung khô 10-20g, thái nhỏ, sắc với 200ml nước tới khi còn 50ml, uống mỗi ngày một lần.
4.5 Chữa phụ nữ sau sinh bị ứ máu tử cung gây đau bụng
Dùng vỏ rễ Dung nướng hơi cháy, giã nhỏ, sắc lấy nước uống.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Niyati Acharya và cộng sự (Ngày đăng 2 tháng 4 năm 2016). A comprehensive analysis on Symplocos racemosa Roxb.: Traditional uses, botany, phytochemistry and pharmacological activities, ScienceDirect. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2023.
2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Dung đất trang 812-813, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2023.