Kim Vàng là loại cây được dân gian sử dụng với mục đích chữa rắn độc cắn. Kim Vàng có vị cay, tính ấm. Hoa có vị ngọt, lá có vị đắng. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ giới thiệu đến bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Kim Vàng
1 Giới thiệu
Tên gọi khác: Gai kim bóng; Gai kim vàng.
Tên khoa học: Barleria lupulina.
Họ thực vật: Họ Ô rô Acanthacea.
Bộ thực vật: bộ Hoa Môi Lamiales.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây bụi, cao khoảng 2 mét, phân cành nhiều. Thân cây hơi có cạnh hoặc có dạng gần hình trụ, bề mặt nhẵn, có màu nâu.
Lá mọc đối, hình mác hoặc hình trứng-hình mác, dài từ 4 đến 8cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, mép nguyên, có lông trắng ở cả hai mặt; cuống lá ngắn, có một đôi kim hướng xuống ở gốc cuống lá, màu tím, đỏ.
Cụm hoa mọc ở đầu ngọn hoặc nách lá; hoa màu vàng; lá bắc lớn; lá đài 4, xếp thành cặp, cặp ngoài lớn nhất; tràng hoa dài, 5 thùy.
Quả nang, quả khi chín sẽ khô và nứt phát tán hạt đi xa, hạt dẹt, vỏ hạt cứng.
Thời kỳ ra hoa là mùa hè và mùa thu.
Dưới đây là hình ảnh cây Kim vàng:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận sử dụng: Thân cây, rễ, lá.
Lá và rễ của cây có thể thu hái quanh năm để sử dụng, thường dùng dạng tươi.
1.3 Đặc điểm phân bố
Phân bố gốc: đảo Môrixo.
Kim Vàng thường mọc dại, tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh phía Nam của Việt Nam.
Chi Barleria L. trên thế giới có khoảng 180 loài chủ yếu là cây nửa bụi, ít khi là cây thảo, chúng phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, ôn đới ấm, cận nhiệt đới. Tại nước ta, chi này có khoảng 5 loài.
Kim vàng có nguồn gốc ở đảo Morixo, hiện nay cây được tìm thấy rải rác ở các nước nhiệt đới Nam và Đông Nam Á. Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, từ Thiên Thiên Huế trở ra Bắc thường hiếm khi gặp, nếu có bắt gặp là do được trồng.
Kim vàng có bản chất là loài ưa sáng, ưa ẩm, có khả năng sinh trưởng và phát triển trên những loại đất hơi chua, cây thường mọc ở ven kênh, ven mương, bờ suối ở cửa rừng. Kim vàng được trồng ở Hà Nội hay Cao Bằng đều có khả năng sinh trưởng tốt, ra hoa hàng năm. Quả khi chín sẽ tự mở, Kim vàng là loài tái sinh từ chồi khỏe, cây có thể được trồng bằng cành vào mùa mưa ẩm.
2 Thành phần hóa học
Trong thành phần của cây có chứa Scutellarein-7-rhamnosyl glucoside.
Phần trên mặt đất có chứa các glucosid iridoid.
Rễ cây có chứa thành phần có tác dụng điều hòa miễn dịch có tên là sankaramin, đây là một loại peptidoglycan có phân tử lượng khoảng 6000.
3 Tác dụng – Công dụng của cây kim vàng
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng kháng khuẩn
Thuốc sắc từ lá khô của cây Kim vàng khi sử dụng với nồng độ khác nhau đã cho thấy tác dụng ức chế 4 chủng vi khuẩn Staphylococus aureus ATCC 29123, Pseudomonas aeruginosae, Escherichia coli, Bacillus subtilis.
3.1.2 Tác dụng chống viêm cấp
Khi sử dụng phương pháp gây phù thực nghiệm trên chân của chuột cống trắng bằng kaolin, người ta nhận thấy rằng, Kim vàng có tác dụng chống viêm cấp khi dùng liều 6g/kg cho chuột uống trong 2 ngày.
3.1.3 Tác dụng giảm đau
Nước sắc Kim vàng với liều 15g/kg cho thấy tác dụng giảm mạnh các đơn đau trong vòng 5 phút đầu, tác dụng giảm đau tiếp tục kéo dài cho đến 15 phút sau đó giảm dần tác dụng.
3.1.4 Độc tính cấp
Dịch chiết nước từ lá khô của cây sau đó đem cô với tỷ lệ 5:1 cho thấy LD50 ở chuột nhắt trắng theo đường uống là 29,9 ± 1,6 g/kg.
3.1.5 Thử lâm sàng
Từ tháng 4/1990 đến tháng 11/1995, một thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ở Trung tâm nuôi trồng dược liệu Quân khu 9 đã sử dụng bài thuốc có lá Kim vàng để điều trị cho 1253 bệnh nhân bị rắn cắn, kết quả đã chữa khỏi được cho 1203 bệnh nhân (chiếm 96%), có 16 bệnh nhân chuyển viện và 34 bệnh nhân tử vong.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Kim Vàng có vị cay, tính ấm. Hoa có vị ngọt, lá có vị đắng.
Theo Y học cổ truyền, Kim Vàng có tác dụng tiêu thũng giải độc, thông kinh hoạt lạc.
3.2.2 Cách sử dụng cây Kim vàng
Cây Kim vàng có thể được trồng làm cảnh.
Cây được sử dụng trong dân gian để làm thuốc chữa rắn cắn, các trường hợp chấn thương gây xuất huyết, ngã, sưng đau,…
Người dân Thái Lan sử dụng lá tươi của cây Kim Vàng để trị sâu bọ đốt.
Người dân Trung Quốc sử dụng thân cây làm thuốc trị rắn cắn, chó dại cắn,…
Lá và đọt non của cây Kim vàng được dùng để chữa rắn cắn, rết cắn, chó dại cắn, viêm họng, nhức răng, hen suyễn, nhức mỏi, bong gân, sưng đau chảy máu, đòn ngã tổn thương.
Kinh nghiệm dùng Kim vàng để chữa rắn cắn xuất phát từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ông Tư Dược đã truyền lại kinh nghiệm điều trị đó là nếu chân tóc của bệnh nhân còn trắng thì còn chữa được, nếu chân tóc đã xám đen thì việc sử dụng Kim vàng cũng chưa chắc đã cứu được.
Dùng 10-20g đọt non của cây Kim vàng, rửa sạch, có thể phối hợp với 2-3g phèn chua, nhai lẫn, nuốt nước, bã dùng để đắp vào vùng bị rắn cắn, làm liên tục 30 phút một lần, làm khoảng 5-6 lần. Trong trường hợp bệnh nhân cắn chặt răng thì phải cậy răng bệnh nhân ra để đổ thuốc vào.
Dùng 20g lá non của cây Kim vàng tươi, rửa sạch sau đó nhai cùng với một ít muối, nuốt nước dần trong trường hợp bị hen suyễn.
Có thể dùng cành và lá của cây Kim vàng đem sắc đặt, ngâm nuốt hoặc phối hợp với phèn chua vắt nước ngậm trong trường hợp bị đau nhức răng.
4 Cây Kim Vàng trị bệnh gì?
4.1 Chữa rắn độc cắn
Sử dụng 20-35g lá tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt cho bệnh nhân uống trực tiếp, bã dùng để đắp lên vết thương, cứ sau 30 phút cho người bệnh uống lại một lần.
4.2 Phối hợp với phèn chua để chữa rắn độc cắn
Hút nọc rắn ra khỏi cơ thể, dùng 30g lá Kim Vàng tươi, thêm 5g phèn chua, giã nát, thêm một ít nước vào hỗn hợp rồi vắt lấy nước uống, bã đắp lên vùng bị tổn thương.
4.3 Chữa chân nứt nẻ
Lá Kim Vàng sau khi hái, rửa sạch, đem giã nát, chắt lấy nước, sử dụng nước cốt để thoa lên vùng bị nứt nẻ, kết hợp massage nhẹ nhàng để cải thiện tình trạng nứt nẻ chân.
4.4 Côn trùng cắn đốt
Sử dụng lá Kim Vàng tươi, rửa sạch, giã nát, đắp lên vùng bị tổn thương. Nên thực hiện đều đặn để thấy hiệu quả.
5 Cách ngâm rượu cây Kim vàng
Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Đắk Lắk sử dụng bài thuốc gồm cây Kim vàng, vỏ thân và vỏ rễ của cây Xống rắn (có tên khoa học là Albizzia myriophylla Benth.) để ngâm cùng với rượu chữa rắn độc cắn. Cách làm như sau:
- 2 vị đem phơi khô, sau đó tán thành bột.
- Thêm phèn chua ngâm rượu.
- Khi bị rắn cắn thì chắt rượu để uống, bã đắp vào vùng bị rắn cắn.
6 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Kim Vàng trang 576, Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2024.
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Kim vàng, trang 116-118. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2024.