Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
KẼM SULFAT
Tên chung quốc tế: Zinc sulfate.
Mã ATC: A12CB01, B05XA18.
Loại thuốc: Nguyên tố vi lượng, chất điện giải.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Dung dịch tiêm: 10 mg/10 ml; 25 mg/5 ml; 30 mg/10 ml.
Viên sủi: 45 mg.
2 Dược lực học
Kẽm là nguyên tố vi lượng thiết yếu, có mặt trong nhiều hệ enzyme bao gồm DNA polymerase, RNA polymerase, alcohol dehydrogenase và alkaline phosphatase. Kẽm là chất điều phối quá trình gấp trong cấu trúc protein, như gấp kiểu “ngón tay kẽm” tương tác với nhiều loại protein, lipid và acid nucleic. Ngoài ra, kẽm là chất xúc tác của các phản ứng sinh hóa thiết yếu, bao gồm hoạt hóa cơ chất của anhydrase carbonic trong hồng cầu. Kẽm cũng là một chất trung gian tín hiệu điều chỉnh nhiều con đường đa tín hiệu.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Kẽm hấp thu qua đường tiêu hóa.
3.2 Phân bố
Trên 85% lượng kẽm trong cơ thể được tìm thấy trong tóc, mắt, cơ quan sinh sản nam và xương. Các cơ quan khác có chứa kẽm là cơ, gan, thận, da, não và tim. Trong máu, kẽm tồn tại trong hồng cầu. 80% lượng kẽm trong huyết thanh liên kết với Albumin, lượng còn lại liên kết với alpha 2-macroglobulin và các amino acid. Nồng độ kẽm trong huyết thanh trong khoảng 70 – 110 microgam/dl.
3.3 Thải trừ
Ở người lớn, kẽm chủ yếu bài tiết qua Đường tiêu hóa và thải trừ qua phân. Một lượng nhỏ kẽm bài tiết qua thận và thải trừ qua nước tiểu. Tỷ lệ bài tiết kẽm qua nước tiểu ở trẻ sinh thiếu tháng nhẹ cân tương đối cao trong giai đoạn sơ sinh và giảm xuống đến mức theo trọng lượng cơ thể tương đương với người lớn bình thường khi được 2 tháng tuổi. Ngoài ra, mất kẽm nội sinh xảy ra từ tóc, bong vảy da và mồ hôi.
4 Chỉ định
Thiếu kẽm ở người lớn và trẻ em.
Nuôi dưỡng tĩnh mạch khi bệnh nhân không thể hoặc không cung cấp đủ hoặc chống chỉ định bổ sung kẽm qua đường uống hoặc nuôi dưỡng qua miệng.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với kẽm.
Thiếu đồng.
6 Thận trọng
Thuyên tắc phổi do kết tủa trong mạch máu phổi.
Tổn thương tĩnh mạch và huyết khối. Dung dịch kẽm sulfat dạng tiêm có pH thấp nên không được tiêm truyền trực tiếp, cần phải pha vào dung dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch.
Dạng bào chế dung dịch kẽm sulfat dạng tiêm có thể chứa nhôm. Hàm lượng nhôm có thể đạt đến nồng độ gây độc tính nếu nuôi dưỡng tĩnh mạch kéo dài ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận. Trẻ đẻ thiếu tháng đặc biệt có nguy cơ ngộ độc nhôm do chức năng thận chưa hoàn thiện, bên cạnh đó trẻ cần một lượng lớn dung dịch calci và phosphat, các dung dịch này cũng có thể có chứa nhôm. Nồng độ nhôm trong máu do truyền dung dịch kẽm sulfat không được vượt quá 0,6 microgam/kg/ngày. Khi sử dụng dung dịch kẽm sulfat dạng tiêm với dung dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch có các thành phần khác, tổng lượng nhôm trong máu từ dung dịch nuôi dưỡng sau pha trộn với kẽm và các thành phần khác không được quá 5 microgam/kg/ngày.
Theo dõi nồng độ kẽm, tình trạng dịch và điện giải, áp suất thẩm thấu huyết thanh, đường máu, chức năng gan, thận, công thức máu và đông máu trong quá trình điều trị bằng dung dịch kẽm sulfat dạng tiêm.
Sử dụng kẽm liều cao (cao hơn 10 lần so với liều khuyến cáo 3 mg/ngày cho dạng dung dịch kẽm sulfat tiêm ở người lớn) trong thời gian dài (hàng tháng đến hàng năm) sẽ làm giảm hấp thu đồng qua đường tiêu hóa và thiếu đồng. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu và triệu chứng thiếu đồng trong quá trình điều trị bằng dung dịch kẽm sulfat dạng tiêm cần ngừng sử dụng kẽm và kiểm tra nồng độ kẽm, đồng, ceruloplasmin. Cần điều trị thiếu hụt đồng và ngừng nguồn bổ sung kẽm.
Tích lũy kẽm có thể gây suy thận.
Một số chế phẩm có chứa natri nên thận trọng với bệnh nhân phải kiểm soát lượng natri.
Một số chế phẩm chứa Sorbitol, không nên dùng cho bệnh nhân có vấn đề về dung nạp Fructose di truyền.
7 Thời kỳ mang thai
Sử dụng kẽm sulfat dạng tiêm tĩnh mạch ở liều khuyến cáo trong dung dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch không thấy gây ra khiếm khuyết lớn cho thai nhi, sảy thai hoặc gây hại ở mẹ hoặc bào thai. Chưa có nghiên cứu kẽm dạng tiêm tĩnh mạch trên động vật sinh sản. Thiếu hụt các nguyên tố vi lượng trong đó có kẽm liên quan đến kết cục có hại ở mẹ và bào thai. Phụ nữ mang thai tăng nhu cầu chuyển hóa với các nguyên tố vi lượng, bao gồm kẽm. Truyền tĩnh mạch kẽm được cân nhắc sử dụng khi nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ mang thai không được đáp ứng đầy đủ bằng đường uống hoặc nuôi dưỡng qua miệng.
8 Thời kỳ cho con bú
Kẽm bài tiết qua sữa mẹ. Sử dụng liều kẽm khuyến cáo dưỡng tĩnh mạch có thể không gây hại cho trẻ bú sữa mẹ. Không có thông tin về hiệu quả của kẽm sulfat trong các sản phẩm sữa. Cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ sức khỏe cho người mẹ và trẻ bú sữa khi mẹ dùng kẽm trong thời kỳ cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Các ADR chưa xác định được tần suất bao gồm: thuyên tắc phổi do tủa trong mạch máu phổi, tổn thương tĩnh mạch và huyết khối, ngộ độc nhôm, thiếu hụt đồng, phản ứng quá mẫn, đau bụng, khó tiêu, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, kích thích dạ dày và viêm dạ dày, kích thích, đau đầu, hôn mê.
10 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Hầu hết các ADR đều xảy ra ở mức độ nhẹ, không cần phải ngừng thuốc. Ngưng thuốc nếu xảy ra phản ứng quá mẫn.
11 Liều lượng và cách dùng
11.1 Cách dùng
11.1.1 Viên sủi
Hòa tan viên thuốc vào một cốc nước, uống sau khi thuốc đã hòa tan hoàn toàn.
11.1.2 Dung dịch tiêm
Kiểm tra cảm quan tủa trong dung dịch tiêm kẽm.
Chuyển dung dịch kẽm sang túi/chai dịch truyền nuôi dưỡng tĩnh mạch có chứa Amino acid, dextrose, nhũ dịch lipid (nếu có) và dung dịch điện giải.
Đánh giá mức độ tương hợp và ổn định của các thành phần trong dung dịch nuôi dưỡng sau khi pha trộn.
Kiểm tra cảm quan tòa trong dung dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch đã được pha trộn.
Nếu có lipid, kiểm tra nhũ dịch xem có bị tách lớp.
Nếu thấy có kết tủa, loại bỏ dung dịch.
11.2 Liều lượng
11.2.1 Viên sủi
11.2.2 1 viên/lần, 1 – 3 lần/ngày sau bữa ăn.
Trẻ em:
- >30 kg: 1 viên/lần, 1 – 3 lần/ngày sau bữa ăn.
- 10 – 30 kg: 1/2 viên/lần, 1 – 3 lần/ngày sau bữa ăn.
- < 10 kg: 1/2 viên/lần, 1 lần/ngày sau bữa ăn.
11.2.3 Dung dịch tiêm
11.2.4 Người lớn ổn định về chuyển hóa: 3 mg/ngày, có thể cần liều cao hơn ở bệnh nhân có mất dịch ruột hoặc quá nhiều phân hoặc đầu ra là hồi tràng.
Trẻ em:
Trẻ em | Cân nặng ước tính theo tuổi | Liều khuyến cáo hàng ngày |
Trẻ em | ≥ 10 kg | 50 microgam/kg (tối đa 3 mg/ngày) |
5-10 kg | 100 microgam/kg | |
Trẻ sinh đủ tháng | 3-5 kg | 250 microgam/kg* |
Trẻ sinh thiếu tháng | <3 kg | 400 microgam/kg |
* Trẻ sinh đủ tháng có nhu cầu cao hơn trong 3 tháng đầu đời.
Theo dõi:
Cần theo dõi nồng độ kẽm trong quá trình điều trị đồng thời theo dõi dấu hiệu và triệu chứng thiếu kẽm, đặc biệt là ở trẻ em. Nồng độ kẽm trong mẫu máu bị tán huyết có thể tăng giả tạo do kẽm được giải phóng từ hồng cầu. Theo các báo cáo, ngưỡng dưới của nồng độ kẽm trong huyết thanh người lớn khỏe mạnh là 60 microgam /dl.
12 Tương tác thuốc
Đồng: Kẽm ức chế hấp thu đồng.
Các kháng sinh tetracyclin: Kẽm làm giảm hấp thu các kháng sinh tetracyclin nếu dùng đồng thời, nên dùng cách nhau ít nhất 3 giờ. Các kháng sinh quinolon: Kẽm làm giảm hấp thu Ciprofloxacin, Levofloxacin, Moxifloxacin, Norfloxacin và Ofloxacin. Muối calci: Muối calci làm giảm hấp thu kẽm.
Sắt: Sắt dùng đường uống làm giảm hấp thu kẽm, kẽm cũng làm giảm hấp thu sắt đường uống.
Penicilamin: Penicilamin làm giảm hấp thu kẽm, kẽm cũng làm giảm hấp thu penicilamin.
Trientin: Trientin làm giảm hấp thu kẽm, kẽm cũng làm giảm hấp thu trientin.
13 Quả liều và xử trí
13.1 Triệu chứng
Kẽm là chất ăn mòn trong trường hợp quá liều. Các triệu chứng quá liều là ăn mòn và viêm màng nhầy miệng và ruột, có thể xảy ra loét rồi đến thủng dạ dày.
13.2 Xử trí
Tránh rửa dạ dày và gây nôn. Có thể dùng các chất làm dịu như sữa, các chất tạo chelat như natri calci edetat. Điều trị hỗ trợ dấu hiệu và triệu chứng.
Cập nhật lần cuối: 2020